Yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống dân cụ thể hiện ở

Một trong những yếu tố để đánh giá về chất lượng cuộc sống NCT được thể hiện bởi sự hài lòng của NCT trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn một tỷ lệ khá cao “NCT chưa hài lòng với cuộc sống mà họ đang có”. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chưa hài lòng của NCT đối với cuộc sống hiện tại là “điều kiện kinh tế của bản thân họ và gia đình chưa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, môi trường bị ô nhiễm”; con cháu bận rộn đi làm không có thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ và các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội đối với NCT chưa được đầy đủ.

Biểu 1. NCT tự đánh giá tình trạng sức khỏe [n= 1200]

        

            Nguồn: Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam, Kết quả điều tra năm 2016.

Theo kết quả khảo sát của Viện Người cao tuổi Việt Nam năm 2016, vấn đề sức khỏe của người cao tuổi là hết sức quan trọng. Tỷ lệ NCT có tình trạng sức khỏe tốt không nhiều, phần lớn NCT tự cảm thấy có vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, NCT nam có tình trạng sức khỏe kém hơn so với NCT nữ. Có thể thấy, sức khỏe là một trong những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của NCT. Tương tự, một khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2017 cho thấy, sức khỏe của NCT, nhất là những người đang sống riêng và không có con cháu chăm sóc, khá yếu và có nhiều bệnh tật.

Bảng 1. Tình trạng sức khỏe NCT

Tình trạng sức khỏe của NCT

Tình trạng cư trú

Tổng cộng

Sống chung với con cháu

Sống riêng

Số lượng [người]

Tỷ lệ [%]

Số lượng [người]

Tỷ lệ [%]

Số lượng [người]

Tỷ lệ [%]

Khỏe mạnh bình thường

108

45,0

78

35,3

186

40,3

Sức khỏe yếu

113

47,1

130

58,8

243

52,7

Sức khỏe rất yếu, có nhiều bệnh tật

19

7,9

13

5,9

32

6,9

Tổng cộng

240

100,0

221

100,0

461

100,0

Các yếu tố tác động đến chất lượng cuộc sống của NCT

Điều kiện kinh tế hộ gia đình và thu nhập của NCT còn thấp

Ở Việt Nam do phần lớn NCT sống cùng gia đình con cháu nên chưa có số liệu đánh giá tỷ lệ đói nghèo chung ở NCT. Nghiên cứu năm 2000 của Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy 60% số NCT được hỏi cho là khó khăn trong đời sống vật chất, 37% cho là trung bình, 1% dư dật. Tỷ lệ NCT sống ở Hà Nội cảm thấy không thoải mái cao gấp 5 lần so với tỷ lệ NCT ở Thanh Hoá mặc dù mức sống ở Hà Nội cao hơn Thanh Hoá. Theo số liệu khảo sát của Viện Người cao tuổi Việt Nam năm 2016, thu nhập trung bình của NCT hiện nay là 2,2 triệu đồng. Trong đó, nhóm NCT có mức thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên rất ít [chỉ chiếm 1%]. Mức thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng là 33,1%. Nhìn chung, đời sống vật chất của NCT hiện nay đang rất khó khăn.

Bảng 2. Thu nhập trung bình của người cao tuổi [n=1200]

Thu nhập trung bình người cao tuổi

Giới tính

Nam

Nữ

Tổng

Số người

Tỷ lệ [%]

Số người

Tỷ lệ [%]

Số người

Tỷ lệ [%]

Không có thu nhập

16

2,1

8

2,2

24

2,2

Dưới 1 tr

246

32,9

118

32,8

364

32,9

Tu 1 tr đến 2 tr

132

17,7

74

20,6

206

18,6

Tu 2 tr đến 5 tr

241

32,3

143

39,7

384

34,7

Trên 5 tr

112

15,0

17

4,7

129

11,7

Tổng cộng

747

100,0

360

100,0

1107

100,0

Nguồn: Viện Người cao tuổi Việt Nam năm 2016.

Với mức thu nhập thấp, ở nông thôn khi con cái đi làm ăn xa một số NCT sống chung cùng với con cháu vẫn phải nuôi con hoặc nuôi cháu. Lý do NCT sống riêng là bởi chính sách về hộ khẩu và các chính sách liên quan đến an sinh xã hội. Nhiều gia đình sống chung nhiều thế hệ đã tách riêng để hưởng lợi từ chính sách. Chính vì vậy mà số lượng NCT hộ nghèo đang sống riêng tăng lên khá nhiều. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của NCT, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi.

Trước đây, trong gia đình truyền thống, NCT được con cháu chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong một gia đình có 3 đến 4 thế hệ, bên cạnh yếu tố tinh thần như sống chung sum vầy với con cháu, “vui cửa, vui nhà” thì yếu tố kinh tế đối với NCT cũng hết sức quan trọng. NCT khi sống cùng với con, cháu không phải lo đến bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc sống hiện đại cũng tác động tới vùng nông thôn thì việc tách hộ và NCT sống riêng, tự phải lo lương thực, thực phẩm cho bản thân mình. Đặc biệt, với những gia đình hạt nhân mà cả hai vợ chồng trẻ đều đi làm, ít có điều kiện để chăm sóc bố mẹ già, mặc dù vẫn quan tâm, chăm sóc bố mẹ về mặt tinh thần nhưng về kinh tế thì NCT vẫn phải tự lo. Trong khi đó, theo số liệu khảo sát, 2,2% NCT không có thu nhập, sống riêng và tự trang trải cuộc sống; 32% NCT có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng, chủ yếu là tiền trợ cấp xã hội… Trong điều kiện mức sống thấp, mức hỗ trợ cho NCT theo chế độ an sinh xã hội rất hạn chế thì chất lượng cuộc sống của nhiều NCT còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống bình thường.

Hạ tầng dịch vụ xã hội và các điều kiện chăm sóc sức khỏe thiếu thốn và chưa đồng bộ

Theo Báo cáo Tổng quan ngành Y tế, 2015, trong 5 năm qua, tuổi thọ trung bình [gọi tắt là tuổi thọ] của người dân Việt Nam tiếp tục tăng dần đều khoảng 0,1 tuổi/năm, từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,2 tuổi năm 2015. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015, tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng thêm 6 năm. Tuổi thọ của người dân Việt Nam năm 2012 là 76 tuổi, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, trừ Sing-ga-po [83 tuổi] và Bru-nây [77 tuổi] và tương đương với một số nước thu nhập cao trên thế giới như  Ô-man, Slô-va-ki-a. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tuổi thọ gia tăng thể hiện sự cải thiện về sức khỏe chung của người dân đồng thời cũng tạo ra áp lực cho hệ thống y tế và toàn xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe [CSSK] ngày càng tăng của NCT trong bối cảnh già hoá dân số. Năm 2014, mặc dù tuổi thọ trung bình là 73,2 tuổi, song tuổi thọ khoẻ mạnh [HALE] chỉ đạt 66,0 tuổi. Tuổi thọ trung bình năm 2015 vẫn chưa đạt được mục tiêu của Kế hoạch 2011–2015 [74 tuổi]. Gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường… tăng từ 45,5% năm 1990 lên 58,7% năm 2000, 60,1% năm 2010 và 66,2% năm 2012, chủ yếu ở NCT [Biểu 2].

Biểu 2. Nguyên nhân gây tử vong theo nhóm tuổi, 2012

 
 
 

  Nguồn: WHO Global Health Estimates [GHE]. Disease and injury country mortality estimates, 2000-2012.

Trong khi hạ tầng dịch vụ xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT ở cơ sở hiện nay đang rất thiếu. Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm chủ yếu ở NCT là một vấn đề nan giải không chỉ ở thành thị mà cả ở người nghèo, vùng nông thôn và dân tộc thiểu số [DTTS]. Trong điều kiện nhận thức của người dân về bệnh tật và phòng chống bệnh tật còn nhiều hạn chế.  Ước tính có khoảng 25,1% người trưởng thành mắc tăng huyết áp nhưng chỉ chưa đầy 48% trong số đó biết mình bị tăng huyết áp, 29,6% được điều trị và chỉ 10,7% đạt được huyết áp mục tiêu. Việc khám và điều trị kịp thời cho NCT về bệnh không lây nhiễm là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện gánh nặng tài chính về chữa bệnh đối với NCT hộ nghèo thì chi phí y tế ở những hộ này được tính cao hơn 3,2 và 2,3 lần so với hộ gia đình không có người mắc bệnh. Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm [BKLN] không chỉ gây nên gánh nặng kinh tế lớn cho xã hội mà  còn đặt ra thách thức cho hệ thống y tế trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc ngoại trú toàn diện, lâu dài.

Điều đáng nói là các nguy cơ bệnh không lây nhiễm tăng dần theo tuổi do sự phơi nhiễm trong một thời gian dài của của cơ thể và giảm khả năng hệ thống miễn dịch. Các bệnh không lây nhiễm thường tiềm tàng kéo dài với các tình trạng tiền bệnh như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn glucose máu và một số rối loạn chuyển hóa khác.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam có tới 70% số người mù là do đục tinh thể. Đáng nói là có tới 35% người mù do đục thủy tinh thể không biết bản thân bị bệnh hoặc đây là bệnh có thể chữa được. Theo nghiên cứu của Viện Lão khoa Quốc gia, ở người cao tuổi: 76,7 % có giảm thị lực; 60,1% bị mắc bệnh giác mạc; 57,9 % đục thuỷ tinh thể, 50,5 % có bệnh mi-giác mạc; 9,0% có tật khúc xạ.

Đái tháo đường là bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng và gây ra nhiều biến chứng phổ biến như bệnh mạch vành, các bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ, bệnh lý thần kinh do đái tháo đường, cắt đoạn chi, suy thận và mù mắt. Các biến chứng này thường dẫn đến tàn phế và giảm tuổi thọ.

Khi dân số già đi, một trong những thách thức lớn của chính sách chăm sóc NCT là cân đối giữa tự chăm sóc [người cao tuổi tự chăm sóc mình], chăm sóc không chính thức [người nhà và bạn bè] và chăm sóc chính thức [các dịch vụ y tế và xã hội]. Chăm sóc chính thức bao gồm cả chăm sóc sức khỏe ban đầu, chủ yếu tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở y tế hoặc nhà dưỡng lão. Trên toàn thế giới, việc chăm sóc NCT chủ yếu là do cá nhân NCT hoặc những người chăm sóc không chính thức gồm người thân, bạn bè và hàng xóm [chủ yếu là phụ nữ] cung cấp phần lớn sự hỗ trợ và chăm sóc cho NCT. Kể cả khi đã có các dịch vụ chăm sóc chính thức thích hợp như các trung tâm dưỡng lão, các cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc NCT thì chăm sóc không chính thức [tại hộ gia đình và NCT tự chăm sóc] vẫn đóng vai trò chủ yếu.

Nhu cầu chăm sóc y tế và xã hội của NCT Việt Nam là rất lớn trong khi những điều kiện tự thân của NCT Việt Nam có những đặc trưng rất hạn chế. Ví dụ: tỷ lệ người cao tuổi sống độc thân tương đối cao ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là 14,2% dẫn đến hạn chế cả về hỗ trợ kinh tế, tinh thần từ phía gia đình, người thân và không có người trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày. Về tình trạng kinh tế, thu nhập của NCT còn rất thấp, hầu như không có nguồn tiết kiệm tích lũy từ lúc còn trẻ khỏe hơn[1]. Tình hình đặc biệt khó khăn ở các vùng nông thôn và miền núi, nhất là mạng lưới y tế cơ sở [YTCS] chưa chú trọng và hoàn toàn chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe cho NCT.

Hiệu quả chất lượng cuộc sống liên quan đến chăm sóc sức khỏe đối với NCT được xem xét ở 3 góc độ: Tiếp cận dịch vụ, chất lượng và hiệu quả sử dụng thẻ BHYT. Tuy nhiên, cả ở 3 góc độ này ở tuyến y tế cơ sở hiện nay chưa được đáp ứng, một bộ phận lớn NCT, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi chưa được đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế.

Theo Viện Lão khoa Quốc gia, tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu, trong nhiều lý do khiến NCT không được khám chữa bệnh, lý do chính là không đủ khả năng kinh tế [45,3%], điều kiện đi lại khó khăn, [17,3%], điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được, [16,5%], còn lại là các lý do khác 20,9%. Bệnh tật ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày chiếm một tỷ lệ rất cao, từ 53,5 đến 73,5%. Số ngày ốm trung bình của một NCT trong tháng là 2,04 ngày, số ngày nằm viện trung bình trong tháng là 0,77 ngày, có 24,9% NCT phải mời bác sỹ đến khám tại nhà. Về sức khỏe răng miệng, 59,5% NCT gặp khó khăn khi nhai, tuy nhiên, chỉ có 12,9% số NCT được hỗ trợ đeo răng giả, phần lớn do không có điều kiện kinh tế để điều trị hoặc lắp răng giả.

Hiệu quả hoạt động của TYT xã thấp thậm chí cả ở những địa phương đã cung cấp trang thiết bị đắt tiền như siêu âm, máy điện tim tới tận TYT xã. Chất lượng dịch vụ của tuyến YTCS, đặc biệt là tại các TYT xã còn nhiều hạn chế, ngoài việc không bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc tại các TYT xã, sự hạn chế về năng lực chuyên môn của các cán bộ y tế tại TYT xã là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ tại các TYT xã [Báo cáo Tổng quan ngành y tế, 2015].

Mối quan hệ trong gia đình và sức khỏe tinh thần của NCT

Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, đô thị hóa và hiện đại hóa hiện nay, một trong những vấn đề đang nổi lên trong xã hội là tình trạng người già bị ngược đãi ngày càng nhiều. Tỷ lệ NCT bị bạo lực [bạo hành] trong gia đình về thể chất và tinh thần có chiều hướng gia tăng. Tình trạng ông bà đánh chửi nhau, con cái bất hiếu đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, thậm chí đánh đập hoặc chửi bố mẹ, không cho bố mẹ ăn, nhốt bố mẹ trong nhà…vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm an sinh xã hội hoặc lang thang tạo áp lực lớn cho an sinh xã hội. Một điều đáng bàn nữa là nhiều hành vi bạo lực gia đình đối với NCT đang tồn tại nhưng chưa được phát hiện, chỉ khi họ bị đẩy ra đường, bị đánh nguy hiểm đến tính mạng thì xã hội mới biết.

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước có 178.847 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình với người cao tuổi là 16.148 vụ.

Những vấn đề lưu ý trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT

  • Có chính sách hỗ trợ đời sống NCT. Bên cạnh chính sách an sinh xã hội hỗ trợ thu nhập đối với NCT hiện nay, mức hỗ trợ hàng tháng đối với NCT, nhất là NCT từ đủ 80 tuổi trở lên quá thấp, không đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng so với nhu cầu tối thiểu của họ. Do vậy, chính sách TCXH cho NCT, đặc biệt là NCT cô đơn, không nơi nương tựa cần được điều chỉnh theo hướng nâng mức hỗ trợ tối thiểu hàng tháng bằng 45 hoặc 50% mức lương cơ bản để đảm bảo mức sinh hoạt cho NCT.
  • Tăng cường chính sách xã hội hóa dịch vụ chăm sóc NCT trong cộng đồng và doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi thì các doanh nghiệp xã hội có các hoạt động dịch vụ chăm sóc NCT không được hưởng các chế độ ưu đãi như hỗ trợ cấp/mượn đất, hỗ trợ vốn để đầu tư,… Xu hướng NCT lựa chọn các cơ sở chăm sóc dịch vụ tư nhân ngày càng nhiều trong bối cảnh các cơ sở y tế công lập không đủ khả năng cung cấp các dịch vụ. Do vậy, cần có chính sách cụ thể khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân mở rộng các loại hình chăm sóc NCT để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống đối với NCT.
  • Có các chính sách truyền thông, tuyên truyền trong cộng đồng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của con cháu, cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền cơ sở trong chăm sóc và bảo vệ NCT; có chế tài cụ thể và đưa thêm các quy định chăm sóc, bảo vệ NCT trong các quy ước thôn bản, tổ dân phố để cùng có trách nhiệm nâng cao chất lượng cuộc sống đối với NCT.
  • Nhà nước cần có chiến lược dài hạn đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với NCT, nhất là đối với các bệnh không lây nhiễm ở NCT. Cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế hỗ trợ khám và điều trị, theo dõi sức khỏe cho NCT tại tuyến xã và thôn bản để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho NCT nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số./.

 

[1] TLN Người cao tuổi xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, tháng 8 năm 2018

Video liên quan

Chủ Đề