Bản chất của hoạt động qua cảnh hàng hóa năm 2024

Thực tế cho thấy, một container hàng quá cảnh tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chỉ cần 3-4 giờ để vượt qua 80 km đường bộ đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và sang Campuchia nhưng có thể phải nằm chờ ở cảng vài ngày đến nhiều ngày để làm thủ tục chuyên ngành hoặc kiểm tra hải quan về nội dung hàng hóa đóng trong container.

Quá cảnh thành quá khổ!

Và tương tự, một lô hàng phân bón cần khoảng 12 giờ để vượt qua cung đường 600 km từ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đến Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo để sang Lào, nhưng sẽ cần 3 tháng để thực hiện việc khảo nghiệm trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp giấy phép nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam [VATA] cho biết, tại cửa khẩu nhập, hàng hóa đã được hải quan kiểm tra thực tế ngay sau khi các doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài tại khu vực giám sát của hải quan. Thế nhưng, đến khi vận chuyển đến cửa khẩu ra thì lại bị mở ra kiểm tra hàng hóa bằng phương pháp thủ công, thời gian kiểm tra kéo rất dài, có khi 2-3 ngày dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: hư hỏng, tăng chi phí bốc xếp,… khiến doanh nghiệp vô cùng lo ngại.

“Nếu hiện trạng này không có phương án giải quyết sớm sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khiến chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, giảm tải sự hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp”, ông Quyền chia sẻ.

Theo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trên tuyến đường vận tải hàng quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam ở biên giới phía Bắc và sang Lào để đến thị trường Asean và ngược lại, lưu lượng hàng hóa thông qua hàng năm trên tuyến vận tải xuyên Á bằng đường bộ này ước tính khoảng 200,000 TEUs. Tương tự, việc kiểm tra hàng hóa quá cảnh bằng phương pháp thủ công cũng đang được hải quan cửa khẩu tiến hành theo chỉ đạo, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Việt Nam trên tuyến đường vận tải hàng quá cảnh này.

Hàng hóa vận tải quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam có điểm xuất phát từ một quốc gia ngoài Việt nam và đến là một quốc gia thứ ba, cũng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động vận tải hàng hóa quá cảnh về bản chất là hoạt động xuất khẩu dịch vụ logistics, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế và khu vực, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong thương mại quốc tế. “Về bản chất, hàng hóa vận tải quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam không phải là hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, áp dụng những thủ tục kiểm tra hải quan và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa quá cảnh giống như với hàng hóa xuất nhập khẩu là hoàn toàn bất hợp lý” – doanh nghiệp này cho biết.

\>> Hải quan Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thu ngân sách, quản lý tải trọng hàng quá cảnh

“Điểm nghẽn” - thủ tục hải quan

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Cường, quy định về kiểm tra và xử phạt hàng quá cảnh đang tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù các container hàng hóa khi quá cảnh vào cửa khẩu đều được gắn chip điện tử để có thể kiểm soát được việc di chuyển, tuy nhiên, lại phát sinh hoạt động kiểm tra thực tế, tháo chì, sau đó xử phạt hành chính doanh nghiệp. Đáng nói, các doanh nghiệp chỉ thực hiện việc vận chuyển, thực hiện thủ tục làm tờ khai căn cứ trên những thông tin từ chủ hàng nước ngoài ra cung cấp, luôn đảm bảo niêm phong,… nên việc kiểm tra và xử lý với các doanh nghiệp là chưa thuyết phục. “Cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu nhập trước khi container của chủ hàng nước ngoài chuyển sang phương tiện của doanh nghiệp vận tải Việt Nam; Không xem xét tiến hành kiểm tra thực tế tại cửa khẩu xuất đi; Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải bằng thiết bị hiện đại, không kiểm tra thủ công” – ông Cường đề xuất.

Được biết, hệ thống VNACCS/VCIS hiện chưa có tiêu chí phân loại rủi ro đối với hàng vận chuyển quá cảnh nên khi thực hiện khai báo tờ khai vận chuyển độc lập trên hệ thống thì tờ khai luôn được phân vào luồng vàng hoặc luồng xanh. Việc bẻ luồng, dừng đưa hàng quá cảnh qua khu vực giám sát hải quan để chuyển sang kiểm tra thực tế được thực hiện hoàn toàn bằng tay trên hệ thống. Đây là lý do khiến cho việc kiểm tra thực tế hàng vận tải quá cảnh được thực hiện một cách chủ quan và thường tập trung vào những doanh nghiệp có bề dầy lịch sử hoạt động trong nhiều năm, có uy tín trên thị trường và không vi phạm các quy định về giám sát hải quan đối với hàng quá cảnh.

Hàng năm, hoạt động quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam đang tạo ra hàng trăm triệu đô la doanh thu cho nền kinh tế, tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp và nộp thuế hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương có cửa khẩu quốc tế mà hàng quá cảnh đi qua. Tuy nhiên, việc căn cứ vào các quy định trong nước để kiểm tra quá mức hàng quá cảnh đang gây ra những quan ngại cho khách hàng quốc tế hiện đang sử dụng dịch vụ này vì không phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng quá cảnh.

Theo ông Trần Đức Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cơ quan hải quan cần tập trung vào việc giám sát hải quan để đảm bảo hàng quá cảnh được vận chuyển đúng thời gian quy định, đúng tuyến đường quy định và giữ nguyên niêm phong kẹp chì giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập cho đến cửa khẩu xuất theo thông lệ quốc tế.

Chủ Đề