Bệnh viện Nhi đồng 2 xây dựng năm nào

Cập nhật: 17/09/2021 | 08:44

Bệnh viện [BV] Nhi đồng 2 được hình thành và phát triển hơn 150 năm, tọa lạc trên một khu đất cao với diện tích 8,6 ha, giáp bốn mặt tiền đường: Lý Tự Trọng, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng [quận 1, TP. Hồ Chí Minh]. Bệnh viện có vị trí đẹp và gắn liền với quá trình phát triển của thành phố.

Theo dòng lịch sử

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích [Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh], tháng 2/1859, quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì đến năm 1868 một cơ sở y tế của quân đội Pháp bắt đầu được xây dựng, gọi là Y viện Hải quân được đặt tại vị trí khu đất BV Nhi đồng 2 ngày nay, với mục đích phục vụ quân nhân trong cuộc chiến ở Đông Dương của người Pháp, chỉ nhận bệnh nhân là dân thường từ năm 1873. Qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, nơi đây đã lần lượt mang tên là BV Quân y, BV Grall, BV Đồn Đất và nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1978 được chính thức mang tên BV Nhi đồng 2 cho đến nay. Đây từng là nơi làm việc của nhiều bác sĩ nổi tiếng của thế giới và Việt Nam như: Albert Calmette, Alexandre Yersin, Trần Đông A, Nguyễn Văn Bôn…

Cổng chính Bệnh viện Nhi đồng 2 trên đường Lý Tự Trọng được giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc từ thời Pháp thuộc.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Buổi đầu hình thành, nơi đây chỉ có những công trình được làm bằng vật liệu nhẹ như gỗ, ván… Năm 1876, BV [lúc này gọi là nhà thương] được xây dựng lại theo mô hình kiến trúc như BV quân y ở các nước thuộc địa của Pháp với vườn rộng, nhiều cây cối đan xen các tòa nhà cổ kính, nhà nguyện. Đây là các dãy nhà thấp tầng, mái lợp ngói, phòng ốc xuyên thông, trang trí đơn giản, nhiều cửa sổ gỗ dạng vòm, lá sách; hành lang thông thoáng phù hợp với công năng sử dụng và khí hậu nhiệt đới. Đặc biệt là các vật liệu như ốc vít, dầm sắt, gạch… chủ yếu vận chuyển từ Pháp sang kết hợp với vật liệu bản địa.

Trải qua hơn 150 năm, công trình đã nhiều lần sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ được đường nét kiến trúc ban đầu, ghi dấu một trào lưu kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn, kết hợp cả phong cách kiến trúc bản địa lẫn kiến trúc Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây là quần thể kiến trúc nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp của cảnh quan đô thị, hài hòa với không gian kiến trúc chung của khu vực, là loại hình BV kết hợp với công viên rất độc đáo. Đặc biệt hàng cây gần 100 cây me [cách nhau đúng 3 m] trong khuôn viên BV được xem là hàng cây me cổ thụ đẹp nhất Việt Nam.

Bảo tồn và gìn giữ công trình

Song song với nhiệm vụ và chức năng là cơ sở khám chữa bệnh cho trẻ em, việc gìn giữ, bảo quản kiến trúc của BV được thực hiện tốt, vì đây được xem là một tài sản vô giá của TP. Hồ Chí Minh. Khuôn viên từ vị trí nhà nguyện, phòng ban giám đốc, dãy nhà B 12 - 13 - 14 ra đến khu vực đường Lý Tự Trọng của BV đã được khoanh vùng bảo tồn. Khu vực này được giữ gìn về cảnh quan, đường đi, cây xanh. Toàn bộ kiến trúc, màu sơn cổng chính phía trước vẫn giữ nguyên như từ khi xây dựng đến nay. Những hàng cây me, xà cừ xung quanh BV hằng năm đều được cắt tỉa gọn gàng để tránh ngã đổ vào mùa mưa, chứ không đốn, chặt.

Bệnh viện Nhi đồng 2 là di tích vừa mang ý nghĩa phục vụ an sinh xã hội, vừa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo được chính quyền và người dân bảo tồn và gìn giữ theo dòng chảy thời gian.

Nguyễn Hồng [t.h]

Bệnh viện Nhi Đồng 2 là di sản

TT - Sau khi Tuổi Trẻ thông tin về đề án xây mới Bệnh viện Nhi Đồng 2 [TP.HCM] của Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa, đã có rất nhiều ý kiến quan tâm vấn đề này.

>> Sở thuận nhưng bệnh viện chưa thuận>> Hiện đại không chỉ là một khối nhà>> Sở ngành bảo được, bệnh viện nói không

Một góc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: L.TH.H.

Không chỉ cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện [BV] Nhi đồng 2 không đồng tình với đề án này mà ngay cả những người ngoài ngành, những bác sĩ đang công tác ở BV khác cũng không đồng ý với đề xuất xây mới.

Trao đổi về việc có nên xây mới BV Nhi Đồng 2 như đề xuất của Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa [gọi tắt là Tổng công ty Đền bù], kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nói ngay: “Những ngày qua theo dõi báo chí về vấn đề này, không chỉ riêng tôi mà nhiều kiến trúc sư khác cũng rất quan tâm đến đề án”.

“Dấu mốc sống”

Theo ông Lưu, BV Nhi Đồng 2 là công trình xây dựng từ thời Pháp, có kiến trúc rất đặc thù và đã được đưa vào danh mục các công trình cần nghiên cứu bảo tồn kiến trúc cảnh quan của TP từ năm 1996. Có thể nói đây là một trong những “dấu mốc sống” để chứng minh lịch sử phát triển của TP. Công trình này cũng được đưa vào sách Kiến trúc, quy hoạch Sài Gòn 1698-1998 nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Đến thời điểm này BV Nhi Đồng 2 đã gần 140 năm tuổi. So với các công trình kiến trúc cổ khác của TP như Bưu điện TP, Nhà hát TP... thì BV này có “tuổi” lớn hơn hàng chục năm. Trên thực tế, TP.HCM không còn nhiều những loại công trình như vậy. Như BV Mắt TP cũng được xây dựng từ thời Pháp nhưng hiện nơi này vẫn giữ được kiến trúc cổ, trang bị hiện đại không kém BV ở các nước khác. Trên thế giới cũng có không ít BV hàng trăm năm tuổi được bảo tồn đến nay, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tốt các hoạt động khám, chữa bệnh.

Ông Lưu còn cho biết: cách đây ba năm, khi chấp thuận cho BV Nhi Đồng 2 sửa chữa, nâng cấp, cơ quan chức năng đã buộc BV phải nâng cấp theo hướng bảo tồn, trùng tu kiến trúc cũ. Nếu vì lý do BV quá tải, cần tăng thêm số giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thì có thể mở rộng, xây thêm ở một số khu đất hiện còn trống tại BV sao cho hài hòa với công trình cũ, chứ không nhất thiết phải phá bỏ BV để xây mới lại hoàn toàn. Bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng BV có thể đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại khác để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Toàn bộ chi phí đầu tư, nâng cấp BV Nhi Đồng 2 theo hướng này sẽ không quá lớn như đề xuất của Tổng công ty Đền bù [3.200 tỉ đồng].

“Báu vật” một thời

Một trưởng khoa đang công tác tại BV Nhi Đồng 1 cũng bức xúc gọi cho chúng tôi nói rằng không thể phá bỏ BV Nhi Đồng 2 hiện nay để xây mới hoàn toàn như đề xuất của Tổng công ty Đền bù. Theo bác sĩ này, BV Nhi Đồng 2 [trước đây có tên là Bệnh viện Grall] do Pháp xây dựng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 7-1976 BV Grall được Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính phủ Việt Nam và được đổi tên là BV Đồn Đất. Đến tháng 4-1978, BV Đồn Đất chuyển về BV Thống Nhất để bàn giao cơ sở cho việc thành lập BV Nhi Đồng 2 chính thức vào ngày 1-6-1978. Kiến trúc của BV cũng thể hiện nét văn hóa độc đáo, có ý nghĩa về mặt lịch sử và có một thời BV Nhi Đồng 2 được coi là “báu vật” của cả vùng Đông Dương, được xây dựng cùng thời với nhà thờ Đức Bà [TP.HCM].

Hiện nay ở Pháp cũng có BV Necker Enfant Malades - một BV chuyên khoa nhi nổi tiếng ở Pháp và châu Âu - có bề dày lịch sử và kiến trúc cảnh quan tương tự BV Nhi Đồng 2. Chưa kể, BV Nhi Đồng 2 còn là BV rất chuẩn về mật độ cây xanh trên tỉ lệ số giường bệnh, đúng nghĩa là một BV dành cho trẻ em và mang tính nhân văn.

Đại biểu HĐND TP.HCM Nguyễn Thế Thanh cũng nói bà hoàn toàn không ủng hộ việc phá bỏ BV Nhi Đồng 2 hiện nay để xây mới, cho dù chỉ “đụng” đến một phần của công trình. Với không gian rộng hơn 8,6ha, đó là một khu đất quý ở khu vực trung tâm, một “không gian di sản văn hóa” khó có thể tìm thấy ở những nơi khác. Không phải tất cả những gì của ngày hôm qua đều quý hết nhưng đây là ký ức khiến người ta luôn nhớ đến một thời khắc của lịch sử. Giữ lại BV không chỉ giữ lại các công trình kiến trúc cổ đặc trưng cho TP mà còn là giữ lại khoảng không gian xanh thông thoáng cho bệnh nhân. Đã có những bài học về sự phối hợp hài hòa khi xây dựng công trình mới gần các công trình kiến trúc cổ như Metropolitan [gần nhà thờ Đức Bà], khách sạn Part Hyatt [cạnh Nhà hát TP]...

Tuy nhiên, theo bà Thế Thanh, việc giữ lại công trình cổ hiện nay của BV Nhi Đồng 2 phải đồng thời với việc duy trì, phát huy công năng khám, chữa bệnh, nâng cấp thiết bị hiện đại để đảm bảo các hoạt động phục vụ bệnh nhân. Ở Pháp, người ta cũng không phá bỏ các BV cổ mà xây mới BV ở khu vực ngoại ô để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.

Đầu tư ở cửa ngõ

“Tôi được biết UBND TP đã có quyết định thành lập mới BV Nhi Đồng TP [đặt tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với quy mô 1.000 giường bệnh trên khu đất 10ha - PV] và dự án này đang được triển khai. Vậy tại sao không khuyến khích Tổng công ty Đền bù dùng số tiền 3.200 tỉ đồng đầu tư vào đây để dự án này có quy mô hiện đại, đạt tầm cỡ quốc tế?” - bà Thanh đặt vấn đề và cho rằng khi có thêm BV Nhi Đồng TP mới sẽ giảm được lượng bệnh nhân tập trung vào khu trung tâm TP, hạn chế tình trạng quá tải về hạ tầng ở khu vực này.

Phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng nói quan điểm cá nhân ông thì việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án thuộc ngành y tế theo hình thức xã hội hóa là cần thiết. Vấn đề là đầu tư thế nào, cách tiến hành ra sao. Ông ủng hộ chủ trương quy hoạch phát triển ngành y tế của TP theo hướng đầu tư, xây dựng mới các BV ở các cửa ngõ TP. Điều này thuận lợi về mặt giao thông cũng như rất phù hợp nếu xét về lâu dài.

Nhà đầu tư vẫn muốn thực hiện đề án

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-9, ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đền bù, cho biết sau khi các chuyên gia, người dân góp ý về đề án, một số cơ quan chức năng cũng muốn nghe quan điểm của tổng công ty là có tiếp tục theo đuổi đề án xây mới BV Nhi Đồng 2 hay không. Nhưng ông khẳng định: vẫn muốn thực hiện đề án đến khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Trước khi bắt tay làm đề án, ông cũng đã lường trước được khó khăn này nhưng tổng công ty vẫn muốn nghiên cứu, đề xuất vì lợi ích chung, tất nhiên trong đó có lợi ích của tổng công ty. Ông nói sẵn sàng trình bày, đối thoại về những vấn đề liên quan đến dự án nếu các chuyên gia, người dân muốn nghe thêm ý kiến từ phía nhà đầu tư.

Ông Lâm cũng giải thích suất đầu tư 1,8 tỉ đồng/giường bệnh bao gồm cả các chi phí máy móc, cơ sở hạ tầng... Dự án sau khi xây dựng xong sẽ bàn giao cho ngành y tế TP quản lý, khai thác, tổng công ty không tham gia công việc này nên chi phí khám, chữa bệnh ra sao đều do TP quyết định.

PHÚC HUY - LÊ THANH HÀ

PHÚC HUY - LÊ THANH HÀ

Video liên quan

Chủ Đề