Các vận động viên tự do là gì

ND - Có lẽ vận động viên thể thao là một nghề nghiệp "đặc biệt" trong xã hội, bởi sự đặc thù về công việc và môi trường "lao động" của họ. Bên cạnh đó, thành quả lao động mà họ tạo ra cũng hết sức khác biệt so với thành quả của các ngành nghề khác trong xã hội. "Chuyện nghề" của họ cũng có nhiều điều đáng được lưu tâm.

Lao động cật lực

Khi thể thao nói chung đang tiến lên chuyên nghiệp và trở thành một nghề nghiệp được xã hội công nhận, vận động viên thể thao hiển nhiên được coi là người lao động thật sự, lao động cật lực. Rất nhiều môn thể thao đòi hỏi các vận động viên phải làm quen từ rất sớm, thể dục dụng cụ là một thí dụ điển hình. Những câu chuyện về các cô bé, cậu bé ở thế hệ đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam mới 5 - 6 tuổi đã phải xa gia đình, sang Trung Quốc "tầm sư, học đạo" cả chục năm trời, giờ đây không còn là mới với người hâm mộ. Ký ức của các em trong chuỗi ngày trường kỳ khổ luyện gian nan trên đất bạn đã trở thành ấn tượng không thể quên, mỗi khi người ta nhắc đến những cái tên như Ngân Thương, Thùy Dương, Hà Thanh...

Vẫn biết, sự đóng góp và thành quả "lao động" mà mỗi cá nhân tạo ra là khác nhau. Song có điều chắc chắn, không giấy mực nào có thể ghi nhận hết những hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ vận động viên vẫn đang ngày đêm chạy đua cùng thời gian, luôn vững tin với hy vọng sẽ mang vinh quang về cho đất nước.

Thu nhập thấp

Nếu có một thống kê và so sánh một cách tương đối với rất nhiều ngành nghề khác trong xã hội, thì vận động viên thể thao quả là những "lao động" có mặt bằng thu nhập khá thấp. Mức bồi dưỡng theo chế độ mới nhất đối với vận động viên bình thường cấp tỉnh là 45.000 đồng/người/ngày. Như vậy, mỗi tháng, trừ đi bốn chủ nhật, mỗi VÐV sẽ chỉ nhận được 1,170 triệu đồng [thậm chí còn thấp hơn, trong trường hợp nếu không tập đủ 26 buổi]. Với số đông các vận động viên các địa phương, ngoài khoản tiền này, hầu như họ không có bất cứ thêm khoản bồi dưỡng nào khác. Không đâu xa, quanh sân Hàng Ðẫy giữa Thủ đô Hà Nội, mỗi sáng, hình ảnh những tốp vận động viên điền kinh năng khiếu ngồi ăn bánh mỳ, uống trà đá đã trở nên hết sức quen thuộc. Khoản thu nhập ít ỏi từ "công việc" tập luyện chỉ đủ cho phép họ trang trải những chi phí tối thiểu nhất trong cuộc sống thường nhật, nói gì đến tích lũy hay phụ giúp gia đình.

Các tuyển thủ quốc gia cũng chẳng khác hơn là mấy. Mức bồi dưỡng 70.000 đồng/người/ngày cũng chỉ giúp tất cả "xoay sở" vừa vặn với cho nhu cầu cá nhân. Chính vì thế, tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội [Nhổn] mới có chuyện: Cứ chủ nhật [không phải tập] là tất cả đều "cắt cơm" ở nhà bếp, rồi ăn uống "cầm chừng" bằng mỳ tôm hoặc những thực phẩm rẻ hơn. Mỗi ngày như thế, họ "tiết kiệm" được 120.000 đồng và mỗi tháng, cũng có thêm gần 500.000 đồng, "phòng xa" những chi phí phát sinh như thăm hỏi ốm đau, hay đám hiếu, đám hỷ...

Nghề dễ bị... thất nghiệp

Có lẽ, thể thao cũng được xếp vào một trong số những nghề nghiệp mà người lao động có "tuổi nghề" ngắn nhất. Tính trung bình, sự nghiệp thi đấu chỉ kéo dài từ 15 - 20 năm, tùy theo đặc thù từng môn thể thao, với đòi hỏi khác nhau về sức nhanh, sức mạnh, sức bền hay độ khéo léo, tư duy..., tuy nhiên con số này quả là vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhiều ngành nghề khác . Thống kê một cách tương đối, phần lớn giải đấu giành cho lứa tuổi năng khiếu các môn thể thao ở hệ thống thi đấu trong nước hiện nay đều bắt đầu ở độ tuổi 14 - 15. Trong khi đó, do sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khách quan [điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, thể lực, phương pháp huấn luyện...] nên hầu hết các vận động viên thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 30 đến 35. Như vậy, tính ra "tuổi nghề" của VÐV diễn ra hết sức ngắn ngủi, dù khoảng thời gian "đầu tư" trước đó của họ là ngang bằng so với các công việc khác.

Và điều "bất công" lớn nhất, sau khi chia tay với thể thao, hầu hết sẽ phải bắt đầu một công việc khác từ vạch xuất phát để tiếp tục cuộc sống vào lúc đã ở tuổi "xế chiều". Bởi, "giấc mơ" trở thành HLV không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực với phần đông vận động viên khi giải nghệ. Cùng nguy cơ thất nghiệp khi chia tay sự nghiệp thi đấu, nỗi "ác mộng" với các VÐV còn là căn "bệnh nghề nghiệp" phát tác, hậu quả của những chấn thương kéo dài trong chuỗi ngày tập luyện, thi đấu gian nan, cực nhọc. Nhẹ thì đau tay, đau chân, đau người... mỗi lúc giở trời. Còn nặng thì là sự tàn phế, mất khả năng lao động... trong phần đời còn lại.

Những người may mắn

Dù vậy, cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, thể thao cũng có những người được số phận ưu ái. Số này là những tài năng thể thao đặc biệt, điển hình là các cầu thủ bóng đá như Công Vinh, Hồng Sơn... Một cái gật đầu của họ có thể mang về khoản tiền rất lớn, cùng với đó là hàng loạt chế độ ưu đãi. Ngoài ra, với thể thao Việt Nam, cũng còn có một vài người khác như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, vận động viên điền kinh Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng... Mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng của họ thật sự là niềm mơ ước, đồng thời cũng là mục tiêu mà phần lớn số còn lại phấn đấu vươn tới. Ngoài những yếu tố chủ quan, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này là nền thể thao Việt Nam chưa phát triển đồng bộ [giữa các địa phương, các ngành, các môn], vẫn còn mang nặng tính bao cấp, và thiếu tính chuyên nghiệp. Cũng như trong xã hội, việc rút ngắn khoảng cách giữa những người may mắn này với phần còn lại của giới vận động viên thể thao vẫn là một thách thức lớn đối với những nhà quản lý.

Chủ Đề