Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của học sinh tiểu học

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ lại. Sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn là sự khác nhau về chất. Trẻ em là trẻ em, chúng vận động, phát triển theo quy luật của trẻ em. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ đã là một con người, một thành viên của xã hội, có nhu cầu giao tiếp với người lớn. Việc nuôi nấng, dạy dỗ trẻ phải theo kiểu người. Mỗi thời đại khác nhau có trẻ em riêng của mình.

Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, con người luôn lớn lên về mặt thể chất, cảm xúc, tâm trí, tinh thần… Tuy nhiên, chính trong thời thơ ấu mà sự tăng trưởng xảy ra nhanh nhất – chỉ trong vài năm đầu đời, chúng ta trở thành một em bé hoàn toàn độc lập, rồi thành một trẻ chạy lon ton thích khám phá, rồi đến một trẻ thích đặt câu hỏi, đến một trẻ vị thành niên có ý thức và người thanh niên đầy tự tin.

Các yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em bao gồm: [1] Văn hoá xã hội và sự phát triển tâm lý trẻ em.[2] Giao tiếp với sự phát triển nhân cách. [3] Hoạt động với sự phát triển tâm lý.[4] Điều kiện sinh học và sự phát triển tâm lý trẻ em. [5] Giáo dục và sự phát triển tâm lý trẻ em.

1. Văn hóa xã hội và sự phát triển tâm lý trẻ em

Khái niệm văn hoá thường bị đồng nhất với khái niệm học vấn và khái niệm văn minh. Nhưng tất cả những khái niệm này không giống nhau. Học vấn chỉ ra mức độ, khả năng trí tuệ của con người. Còn văn minh đồng nghĩa với văn hoá khi đối lập văn hoá với bạo tàn, nhưng thông thường văn minh được dùng để chỉ trình độ phát triển nhân loại đạt được ở thời kì lịch sử nào đó.

Nói tới văn hoá là nói tới con người, nói tới xã hội loài người cùng với toàn bộ thành tựu phát triển của nó. là sự hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội.

Văn hoá có hai hình thái: Văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Văn hoá còn có các sản phẩm vật chất như công trình kiến trúc, đồ thủ công mĩ nghệ, công cụ sản xuất…Tuy nhiên sự phân chia này cũng chỉ là tương đối. Cái gọi là văn hoá vật chất thực ra chỉ có giá trị tinh thần khi chúng thể hiện sự tài hoa của người lao động gửi gắm vào đó.

Vậy, nền văn hoá có vai trò như thế nào đối với sự phát triển tâm lý trẻ em?

Nếu xét quá trình hình thành lịch sử xã hội loài người thì con người là chủ nhân sáng tạo ra toàn bộ sản phẩm văn hoá, những sản phẩm này hợp thành tinh hoa văn hoá – nó tác động đến con người, bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện ý chí, hình thành nhân cách con người.

Xét về quá trình của một đứa trẻ – ngay từ khi ra đời trẻ đã có sẵn một thế giới văn hoá của loài người và nền văn hoa xã hội là nguồn gốc của sự phát triển tâm lý của trẻ.

Thoát ly khỏi xã hội loài người đứa trẻ không thể trở thành người bình thường. Đứa trẻ được thừa hưởng bộ não người, nhưng nếu không có xã hội loài người thì những mầm mống mang tính người không được phát triển [Ví dụ trẻ lạc vào rừng bị sói nuôi…] để trở thành người thì điều kiện diễn ra sự phát triển của đứa trẻ chính là xã hội loài người.

Trong nền văn hoá xã hội chứa đựng toàn bộ kinh nghiêm tri thức của loài người, đó là nội dung cơ bản để phát triển tâm lý, nhân cách cho trẻ.

Nền văn hoá xã hộ nói chung hay nói hẹp hơn là môi trường xã hội bao gồm các điều kiện vật chất của đời sống xã hội, chế độ nhà nước, hệ thống quan hệ sản suất và quan hệ xã hội… và diện mạo xã hội của con người được quy định trước hết bởi ở chỗ con người sinh ra trong môi trường xã hội như thế nào? văn minh hay lạc hậu, ở trình độ văn hoá nào?

Trẻ sinh ra và sự phát triển tâm lý của nó bị khống chế bởi nền văn hoá mà nó tiếp xúc. Nền văn hoá xã hội, kinh nghiệm lịch sử xã hội là nguồn gốc và nội dung của sự phát triển tâm lý.

Loài người không có sự đồng nhất vì có sự khác biệt khá lớn về điều kiện và cách sống, về sự phong phú của hoạt động vật chất và tinh thần, về trình độ phát triển năng lực tâm lý và khác nhau về văn hoá.

Như vậy: do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế và tiến bộ xã hội khác biệt có thể tạo nên trình độ khác nhau của trẻ em các dân tộc ở các miền khác nhau trên thế giới và giữa các vùng trong cùng một đất nước.

Môi trường tự nhiên chỉ tác động đến trẻ thông qua môi trường xã hội, qua hoạt động lao động, hoạt động xã hội…

Sự khác biệt của các nền văn hoá ấy tạo ra sự khác biệt tâm lý giữa trẻ với nhau. Song ở cùng một nền văn hoá như nhau mỗi đứa trẻ cũng khác nhau bởi vì mỗi đứa trẻ tiếp nhận nền văn hoá ấy theo cách riêng của mình.

2. Giao tiếp với sự phát triển nhân cách trẻ em

Theo tâm lý học: Giao tiếp là hoạt động xác lập, vận hành các mối quan hệ giữa người với người nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định.

Vai trò của giao tiếp

Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người. Nếu không có giao tiếp với người khác thì con người không thể phát triển, cảm thấy cô đơn và có khi trở thành bệnh hoạn.

Nếu không có giao tiếp thì không có sự tồn tại xã hội, vì xã hội luôn là một cộng đồng người có sự ràng buộc, liên kết với nhau. Qua giao tiếp chúng ta có thể xác định được các mức độ nhu cầu, tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm… của đối tượng giao tiếp, nhờ đó mà chủ thể giao tiếp đáp ứng kịp thời, phù hợp với mục đích và nhiệm vụ giao tiếp. Từ đó tạo thành các hình thức giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với nhóm, giữa nhóm với nhóm hoặc giữa nhóm với cộng đồng. Giao tiếp là nhu cầu sớm nhất của con người từ khi tồn tại đến khi mất đi. Từ khi con người mới sinh ra đã có nhu cầu giao tiếp, nhằm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Ở đâu có sự tồn tại của con người thì ở đó có sự giao tiếp giữa con người với con người, giao tiếp là cơ chế bên trong của sự tồn tại và phát triển con người.

Một đứa trẻ sinh ra được kế thừa về sinh học từ tổ tiên,cha mẹ để trở thành người. Nhưng nếu chỉ một mình đối diện với thế giới xung quanh, đứa trẻ sẽ không thể tiếp thu kinh nghiệm xã hội lịch sử của loài người.

Chỉ khi thông qua giao tiếp với người lớn, đứa trẻ thoả mãn nhu cầu của nó về tình cảm và sau đó nó sử dụng giao tiếp để lĩnh hội các hoạt động khác nhau mà phát triển tâm lý.

Sự giao tiếp với người lớn quyết định xu hướng và nhịp độ phát triển của trẻ.

Trong thực tế, người ta đã tìm thấy những đứa trẻ sống với loài vật [sói], không được giao tiếp với con người, những đứa trẻ này đã không trở thành người được vì những tiềm năng vốn có của con người đã bị mất đi hoặc bị thoái hoá trong quá trình thích nghi với đời sống của loài vật.

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong trại tế bần, về thể chất và tâm lý, ngôn ngữ phát triển kém, vận động chậm., tính tình không bình thường, luôn cáu gắt, cục cằn…Nguyên nhân tình trạng đó là do trẻ không được giao tiếp với người lớn, mặc dầu được nuôi dưỡng tốt.

Giao tiếp giữa trẻ em với người lớn gồm các dạng sau:

  1.  Giao tiếp tình cảm giữa trẻ với người lớn
  2. Giao tiếp thông qua hoạt động với đồ vật [giao tiếp công việc].
  3.  Khi trẻ chuyển sang trò chơi

1. Giao tiếp tình cảm giữa trẻ với người lớn

Giao tiếp đã diễn ra trước khi trẻ biết thực hiện những hoạt động đơn giản với các đối tượng [đồ vật] – đó chính là giao tiếp xúc cảm trực tiếp. Dạng giao tiếp này xuất hiện vào tháng thứ hai.

Mặc dù, bé chưa hiểu được lời nói và hành động của người lớn, song đã thích thú ở cạnh người lớn, biết nhìn chăm chăm vào người lớn, biết đáp lại lời nói hay nụ cười người lớn giành bé và trẻ được tiếp xúc với đồ vật thông qua tiếp xúc với người lớn từ đó mà các phẩm chất tâm lý sơ đẳng đầu tiên được hình thành.

Tạo sự tương tác với trẻ

Theo TS Hồng Nhi, “giao tiếp cảm xúc” là quá trình trao đổi thông tin giữa hai bên có mong muốn biểu đạt cảm xúc của chính minh, lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của đối phương và sau đó để có phản ứng cảm xúc phù hợp.

Từ khi còn rất nhỏ trẻ đã có thể đưa ra những tín hiệu giao tiếp với mẹ, điều quan trọng là người mẹ cần nhận ra và đáp lại để tạo sự tương tác với trẻ. Nếu người mẹ không chú ý mà bỏ qua thì dần dần trẻ có xu hướng không muốn giao tiếp với mẹ vì nhiều lần không được đáp trả.

Thời gian này người mẹ không tiếp xúc nhiều với trẻ cho đến khi trở lại trạng thái cân bằng. Người mẹ trầm cảm có thể hồi phục sau vài tháng nhưng để lại tác hại vô cùng to lớn do thời gian trầm cảm để lại.

 Vì theo nghiên cứu cho thấy, trẻ nhìn những người tươi cười lâu hơn nhìn những người nhăn nhó, khó chịu. Nhưng một thời gian dài người mẹ không chơi đùa, vui cười với trẻ sẽ khiến trẻ không hứng thú khi giao tiếp với mẹ.

2. Giao tiếp thông qua hoạt động với đồ vật [giao tiếp công việc].

Trong thời kì này các đồ vật thường thu hút sự chú ý của trẻ không phải vì chính bản thân đồ vật mà là sự kích thích của người lớn [khi người lớn đưa đồ vật vào tay trẻ].

Khi đứa trẻ dùng đồ vật thì nó trở nên độc lập hơn và cùng hoạt động với người lớn. Chính trong hoạt động này trẻ nắm được công dụng của đồ vật, cách sử dụng trí tuệ của trẻ chuyển sang bước phát triển mới.

Hoạt động với đồ vật là hoạt động chủ đạo của trẻ tạo nên những biến đổi về chất trong tâm lý trẻ. VD: Khi cho trẻ tiếp xúc qủa cam [hoặc đồ chơi qủa cam], phải cho trẻ được gọi tên, phân biệt mầu sắc, hình dạng, kích thước qủa cam thông qua việc trẻ được sờ, nắm, nhìn….Hoặc khi cho trẻ xếp hình phải cho trẻ được gọi tên loại đồ chơi đó, nhận biết về mầu sắc, hình dạng, kích thước, công dụng, thuộc tính [nhựa, gỗ, mút…] của các khối đó. Đồng thời rèn cho trẻ kỹ năng xếp chồng và xếp cạnh nhau, sau đó đặt tên cho sản phẩm mà trẻ xếp: Ngôi nhà, đường tàu….

Giữa gia đình và cô giáo nên có sự kết hợp thường xuyên với nhau để có thể thống nhất nội dung giáo dục trẻ trong tháng, trong tuần. VD: Tháng 4 có nội dung giáo dục về phương tiện giao thông trên cạn. Vậy bố mẹ có thể cùng kết hợp với cô giáo bằng cách trên đường cho bé đi học có thể hỏi trẻ về tất cả các loại phương tiện giao thông gặp trên đường, trò chuyện với trẻ về các cột đèn giao thông khi nào thì các loại xe được đi và khi nào phải dừng lại…

3. Khi trẻ chuyển sang trò chơi  

thì việc trẻ bắt chước hành vi của người lớn chứng tỏ trẻ có nhu cầu và quan tâm thường xuyên với người lớn. Lúc này, không những trẻ có nhu cầu khám phá thế giới của người lớn mà còn muốn gia nhập vào thế giới đó, muốn được sống, làm việc như người lớn.

  • Nếu cho rằng chơi chỉ là chơi thì đã đến lúc chúng ta, phải suy nghĩ khác đi. Chơi để sáng tạo. Ví dụ, rượt đuổi là hình thức của chơi để hoạt động thể chất kết hợp với chơi theo nhóm bởi vì các con sẽ phải liên tục di chuyển, song song việc học luật chơi và tuân thủ luật chơi.
  • Điều đó được thể hiện trong trò chơi Đồ Vật Theo Chủ Đề [ĐVTCĐ]
  • Khi chơi, trẻ mô phỏng lại cuộc  sống và quan hệ của người lớn, từ đó dẫn đến sự phát triển tâm lý.
  • Ngoài các dạng giao tiếp với người lớn, trẻ còn giao tiếp với nhau. Hiện tượng này xuất hiện từ tuổi lên ba, khi trẻ có nhu cầu chơi với nhau. Dạng giao tiếp này bộc lộ rõ nét nhất khi trẻ bước vào tuổi TRÒ CHƠI.
  • Trò chơi ĐVTCĐ là điều kiện để trẻ giao tiếp cùng nhau – là điều kiện để hình thành và phát triển nhân cách trẻ.

3. Hoạt động với sự phát triển tâm lý trẻ em

Theo tâm lý học: Hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Hoạt động tạo nên mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với thế giới khách quan và với chính bản thân mình, qua đó tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới [khách thể], cả về phía con người [chủ thể]. Vai trò của hoạt động. Hoạt động đóng vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển tâm lý và nhân cách cá nhân thông qua hai quá trình:

Việc đứa trẻ tiến tới những hình thức hoạt động mới – hoạt động chủ đạo tuỳ thuộc vào toàn bộ hệ thống các điều kiện sống của đứa trẻ trong xã hội chứ không phải đơn thuần là sự dạy dỗ của người lớn.

Trong các công trình và lý thuyết hoạt động chủ đạo, nhà tâm lý học Xô Viết Lêônchiep đã cho rằng không phải những chỉ tiêu về số lượng [tức là trẻ giành nhiều thì giờ nhất] là những chỉ tiêu hàng đầu mà phải là những hình thức hoạt động mới về chất lượng có tác dụng định hướng lại sự phát triển tâm lý của trẻ.

Để xác định hoạt động chủ đạo – có 3 đặc điểm:

  • Những hình thức hoạt động mới xuất hiện, chính hình thức mới này tạo ra những cấu tạo mới trong tâm lý – tạo ra sự phát triển tâm lý.
  • Những quá trình tâm lý cá nhân tham gia được cấu trúc lại trong hoạt động chủ đạo [lần đầu tiên trí tưởng tượng được phát triển mạnh trong trò chơi].
  • Những chuyển biến tâm lý cơ bản diễn ra trong nhân cách trẻ [Ví dụ trong trò chơi trẻ học được các chức năng xã hội và tiêu chuẩn hành vi tương ứng].

Các công trình nghiên cứu sau đó về những đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ cho phép chúng ta có thể có định nghĩa: “Hoạt động chủ đạo là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình và trong các đặc điểm tâm lý của nhân cách đứa trẻ ở giai đoạn phát triển nhất định của nó”.

Căn cứ vào sự thay đổi hoạt động chủ đạo theo đối tượng của nó trong tiến trình phát triển, Đ.B. Encônhin đã chia tiến trình đó với những lứa tuổi sau:

  • Từ 0- 12 tháng- Hài Nhi: Hoạt động chủ đạo – Giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người lớn.
  • Từ 12-36 tháng- Ấu Nhi: Hoạt động chủ đạo – Hoạt động với đồ vật.
  • Từ 3-6 tuổi- Mẫu Giáo: Hoạt động vui chơi [trung tâm là trò chơi ĐTCĐ].
  • Từ 6-12 tuổi- Nhi đồng [Tiểu học]: hoạt động học tập
  • Từ 12-15 tuổi- Thiếu niên [THCS]: Hoạt động chủ đạo – giao tiếp tình bạn thân tình.
  • Từ 15-25 tuổi- Thanh niên [THPT]: Hoạt động chủ đạo – gắn với xu hướng nghiệp và hoạt động xã hội
  • Trưởng thành [25-60 tuổi]: Nghề nghiệp và quan hệ xã hội. Hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội là chủ đạo
  • Tuổi già [sau 60 tuổi]: Quan hệ xã hội. Bùng nổ hội chứng  về hưu: Phản ứng cảm xúc  nhạy bén, rất nhạy cảm, dễ mủi lòng, dễ hờn dỗi “ Một già một trẻ bằng nhau”

Hoạt động chủ đạo quy định sự phát triển tâm lý trẻ – nhưng vấn đề đặt ra là đứa trẻ tham gia vào hoạt động đó như thế nào?

Tính tích cực của hoạt động của con người trong quá trình nhận thức thế giới xung quanh vô cùng quan trọng, Vì càng tích cực hoạt động bao nhiêu thì thế giới xung quang tác động trở lại càng tích cực bấy nhiêu, tức là tâm lý càng phát triển đa dạng và phong phú.

Đối với đứa trẻ, không có tính tích cực hoạt động thì không có sự tiếp xúc của trẻ đối với môi trường và do đó không thể phát triển.

Tính tích cực của trẻ mẫu giáo lớn thể hiện ở những câu hỏi về tự nhiên, xã hội… và chất lượng của những câu hỏi phụ thuộc vào sự tích cực hoạt động của nó. Những hứng thú và lòng ham hiểu biết thúc đẩy trẻ luôn hoạt động.

4. Điều kiện sinh học và sự phát triển tâm lý trẻ em

Điều kiện sinh học là cơ sở di truyền mà trẻ nhận được từ cha mẹ mình,đó là cấu tạo giải phẫu sinh lý và những đặc điểm của cơ thể như màu da, màu tóc, hình dáng, thân thể, đặc biệt là hệ thần kinh và các mầm mống của con người [tiếng nói, đi hai chân, tư duy và khả năng tiếp nhận kinh nghiệm].

Ngoài những yếu tố di truyền ra, điều kiện sinh học còn bao gồm những yếu tố bẩm sinh thường hình thành trong quá trình phát triển bào thai.

Cách sống của người mẹ, bệnh tật, ảnh hưởng của tia phóng xạ, chất độc hoá học từ cha mẹ bị nhiễm … tất cả sự giao động của môi trường đều gây ra sự thay đổi trong chức năng và đôi khi trong cấu trúc giải phẫu của thai nhi.

Như vậy: Khi sinh ra đứa trẻ có đặc điểm di truyền từ cha mẹ, tổ tiên và có đặc điểm bẩm sinh hình thành trong quá trình phát triển bào thai – đó là điều kiện sinh học của sự phát triển.

Điều kiện sinh học còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ ở các điểm sau:

Những chức năng tâm lý sơ đẳng của con người như các cảm giác gắn liền với giác quan. Chất lượng hoạt động của các giác quan sẽ ảnh hưởng đến chức năng tâm lý bậc cao. Chẳng hạn, người có tai thính sẽ ảnh hưởng tốt đến hình thành năng khiếu âm nhạc sau này, ngược lại nếu thính giác kém thì khả năng âm nhạc sẽ được hình thành một cách khó khăn.

Kiểu hoạt động thần kinh cấp cao [mạnh, yếu, cân bằng hay không cân bằng, linh hoạt hay không linh hoạt] đều ảnh hưởng đến các hoạt động tâm lý khiến cho khí chất mỗi người mang sắc thái riêng biệt.

Ngày nay chúng ta thừa nhận rằng tính di truyền có thể bất lợi đối với sự phát triển trí tuệ, tâm lý. Ví dụ: Sự uể oải, yếu kém của các tế bào vỏ bán cầu đại não ở con cái của những người nghiện rượu, một số bệnh di truyền và tâm thần.

5. Giáo dục và sự phát triển tâm lý trẻ em

Trong giáo dục, vai trò của sự phát triển tâm lý trẻ em rất quan trọng. Sự định hình nhân cách của một người khi trưởng thành phụ thuộc vào sự phát triển 6 năm đầu đời. Để có hướng giáo dục phù hợp cho mỗi trẻ phát huy đầy đủ khả năng của mình, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm phát triển của từng bé. Như chúng ta đều biết, giáo dục có ý vai trò quan trọng đối với nhân cách trẻ, vì nhiều lý do:

Giáo dục hướng trẻ đến một mục đích tốt đẹp về giá trị sống, giá trị kiến thức, cũng như trong các mối quan hệ của trẻ với môi trường xung quanh, với người khác – một cách có tổ chức.

Giáo dục đem đến cho trẻ những tiến bộ, thành tựu, ý chí luyện rèn mà các nhân tố khác không thể làm được. Ví dụ, một em bé mới sinh ra không thể biết nói. Tuy nhiên, nếu được quan sát người lớn nói chuyện nhiều, trẻ sẽ có cơ sở để bắt chước hoạt động cơ miệng theo. Cùng với sự luyện tập của bố mẹ, khả năng ngôn ngữ của trẻ dần trở nên hoàn chỉnh hơn.

Giáo dục giúp phát hiện những khả năng riêng của từng trẻ, từ đó, định hướng và có phương pháp thúc đẩy phù hợp, nhân cách dần được hoàn thiện.

 Toàn bộ đời sống của đứa trẻ tuỳ thuộc vào người lớn tổ chức hướng dẫn. Từ tuổi sơ sinh trẻ bắt đầu được giáo dục: Học ăn, học nói, học sử dụng đồ vật. Lớn lên học chữ, học ứng xử giao tiếp. Chúng ta đã biết, cái gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ không nhận được sự ảnh hưởng của người lớn? Đó chính là giáo dục.

Giáo dục là gì? giáo dục là sự tác động có mục đích, có kế hoạch của người lớn đối với trẻ em nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất nhân cách đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

A.N Lêônchiep đã khẳng định: “Sự phát triển của lịch sử xã hội loài người không thể thiếu sự truyền thụ tích cực cho thế hệ trẻ những thành tựu văn hoá của loài người, không thể thiếu sự giáo dục”.

Hồ Chí Minh đã dạy: “ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Người lớn mang trong mình kinh nghiệm lịch sử xã hội của loài người mà trẻ em phải lĩnh hội. Chỉ nhờ sự hướng dấn của người lớn, trẻ em mới tiếp thu kho tàng quý báu đó một cách có hiệu quả.

Mỗi một lứa tuổi có một khả năng tiếp nhận riêng đối với mọi hình thức khác nhau của giáo dục. Có những thời kì trong lứa tuổi mà một số hình thức giáo dục nào đó có tác động đặc biệt mạnh mẽ đối với sự phát triển tâm lý.

Các thời kì như vậy gọi là thời kì nhạy cảm [phát cảm].

Thời kì nhạy cảm của việc học nói từ 1,5 – 3 tuổi. Trong thời kì này trẻ học nói một cách dễ dàng và điều này đem lại những thay đổi căn bản trong hành động và các quá trình tâm lý của trẻ như tri giác, tư duy… Nếu vì lý do gì đó mà trẻ không bắt đầu học nói trước khi lên 3 thì việc học nói của trẻ sau này sẽ rất khó khăn. Khuyết tật trong phát triển tâm lý do không nói được đòi hỏi sự bù trừ đặc biệt. Điều này thấy rõ ở các trẻ điếc – câm phải bắt đầu học nói sau 3 tuổi. Các trẻ này bị chậm lại trong nhiều hoạt động và trong nhiều quá trình và phẩm chất tâm lý như: Không chơi được trò chơi, không vẽ được đồ vật, sự phát triển tri giác và tư duy đều bị chậm trễ. Khắc phục những nhược điểm này đòi hỏi phải có những có gắng sư phạm rất lớn không những để trẻ nắm giữ được ngôn ngữ mà còn đạt được các phương diện khác nữa. Lý do cần phải xác định các thời kì phát cảm trong sự phát triển vì giáo dục tác động mạnh đến những phẩm chất tâm lý vừa mới bắt đầu phát triển. Chính ở thời điểm này những phẩm chất đó mang tính chất mềm dẻo, uyển chuyển, dễ được xoay vần theo mọi hướng. Còn đối với các phẩm chất đã hình thành rồi mà thay đổi đi thì sẽ rất khó khăn.

Tóm lại có 5 yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em bao gồm:

[1] Văn hoá xã hội và sự phát triển tâm lý trẻ em.

[2] Giao tiếp với sự phát triển nhân cách.

[3] Hoạt động với sự phát triển tâm lý.

[4] Điều kiện sinh học và sự phát triển tâm lý trẻ em. 

[5] Giáo dục và sự phát triển tâm lý trẻ em.

Giáo dục mầm non Việt Nam hướng tới “giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời”.

Đánh giá trong giáo dục là một bộ phận hợp thành rất quan trọng của quá trình giáo dục, có vai trò phản hồi và tích cực trong việc điều chỉnh biện pháp tác động, hình thức tác động, nội dung giáo dục… hướng đến đạt mục tiêu. Như vậy, các yếu tố trình bày ở  trên chi phối sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em.

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: //www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Video liên quan

Chủ Đề