Cách chăm sóc người sau tai biến

            Tai biến mạch máu não có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng như liệt nửa người, thất ngôn, rối loạn tâm thần… Nên khi ra viện, để giảm bớt các di chứng sau tai biến mạch máu não và ngăn ngừa bệnh tái phát, bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị theo chế độ phù hợp:

Trong sinh hoạt, tập luyện:           Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà phải giúp họ thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh lở loét. Mỗi lần lật người, cần xoa rượu, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Đối với các di chứng sau tai biến mạch máu não khác nhau cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hằng ngày. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn. Nên duy trì việc này cả khi các di chứng đã được phục hồi.

          Về chế độ nghỉ ngơi thì ngủ nghỉ điều độ, không làm việc nặng, tốt nhất là sinh hoạt trong không gian gia đình, người bệnh không nên đi xa. Hàng ngày đi lại trong nhà và sân vườn, nếu đi ra ngoài thì đi gần và có người khoẻ mạnh đi cùng. Có thể làm những việc nhẹ nhàng trong nhà, cũng không nên nằm nhiều, buổi trưa nằm ngủ 30-60 phút. Buổi tối nằm ngủ từ 10h đến 6h sáng. Khi ngủ dậy không nên bỏ hết chăn ngay mà bỏ chăn và dậy từ từ để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Nên vận động nhẹ nhàng cơ thể bằng các bài tập khoảng 15 – 20 phút vào buổi sáng ở chỗ khuất gió, hết sức tránh gió lùa. Việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng tim mạch và các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp, làm giảm nguy cơ bệnh tai biến mạch máu não tái phát. Bên cạnh đó, việc tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái cũng giúp người bệnh phấn chấn và nhanh chóng phục hồi hơn.

Về chế độ ăn           Theo khuyến cáo của WHO thì thực đơn cho người sau khi bị tai biến cần cung cấp đầy đủ và cân bằng giữa protein, chất béo và carbonhydrat bao gồm:           - Các loại cá: Là thực phẩm có hàm lượng các loại a-xít béo không bão hoà, tham gia tích cực vào phản ứng sinh hoá trong cơ thể vì chúng chứa cholesterol tốt và làm giảm lượng cholesterol sấu, trong đó bao gồm cả những mảng xơ vữa thành mạch.           - Các loại rau củ quả tươi.           - Trái cây tươi: Chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxi hoá khác.           - Hạn chế muối: Đây là loại gia vị cần thận trọng, muối vào máu sẽ hấp thụ nước gây tăng huyết áp. Do vậy thức ăn cho người sau bị tai biến không nên dùng muối hoặc với lượng muối rất ít nhạt hơn với người khoẻ mạnh bình thường.           - Ngoài ra, bệnh nhân tai biến mạch máu não nên tránh các chất bột đường, giảm lượng calo đưa vào, không nên ăn quá nhiều trứng, đồ chiên xào, không ăn quá nhiều mỡ động vật, không ăn các phủ tạng động vật [óc, tim, gan, bầu dục, lòng đỏ trứng gà], ăn dầu ăn [lượng vừa phải] thay mỡ, ăn thêm lạc, vừng trong chế độ ăn uống nếu bị bệnh cao huyết áp. Khi cho bệnh nhân tai biến ăn, nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Không nên sử dụng nhiều chất béo và các chất kích thích [rượu, bia, chè đặc, cà phê]… vì chúng rất có hại cho sức khỏe người bệnh.

Thực hiện các biện pháp phòng bệnh           Người bị tai biến mạch máu não có thể bị tái phát bất cứ lúc nào. Chính vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng tránh tái phát vẫn rất cần thiết. Dưới đây là một số cách phòng chống bệnh khoa học mà người bị tai biến mạch mãu não cần biết:          - Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.          - Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, nhất là với người bị cao huyết áp.          - Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh; tránh mất ngủ.          - Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn nhịp tim.          - Tránh táo bón, kiêng rượu, bia và các chất kích thích.          - Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh…           Nói chung, sau tai biến mạch máu não, người bệnh cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng nhẹ nhàng cũng như chế độ nghỉ ngơi khoa học sẽ đẩy lùi được một số tác nhân gây bệnh và ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh tai biến mạch máu não tái phát

                                                                                                                                Khoa Truyền thông GDSK 

Tai biến mạch máu não [đột quỵ não] xảy ra khi động mạch cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho một vùng não bị vỡ hoặc tắc đột ngột bởi cục máu đông. Hậu quả của hiện tượng này là phần não được cấp máu bởi động mạch rơi vào tình trạng thiếu oxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Hãy cùng tìm hiểu các cách chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não để giúp phòng ngừa và làm giảm thiểu biến chứng cho người bệnh nhé!

1. Chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng

Khi chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Người bị tai biến thường do nhiều nguyên nhân, trong đó ăn uống vô độ cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất. Đặc biệt ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, mỡ, nhiều protein hoặc nhiều muối. Tuy nhiên cũng có trường hợp do ăn quá ít thức ăn làm lượng mỡ, đạm, vitamin và khoáng chất trong cơ thể bị thiếu hụt cũng dẫn đến tai biến. Vì vậy để phòng và chữa bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học.

Những điều quan trọng cơ bản cần để chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não là xây dựng chế độ dinh dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng các nhóm chất cơ bản cho người bệnh tai biến mạch máu não:

– Nhu cầu về đạm [protein]: Cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn những thực phẩm chứa ít cholesterol và nhiều đạm thực vật [đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ] và đạm động vật [cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc…]. Với các bệnh nhân suy thận, cần giảm lượng đạm từ 0,4 – 0,6g/kg cân nặng/ngày.

Nhu cầu về chất béo: nên giữ ở mức 25 – 30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Ngoài ra, các loại axit béo trong dầu thực vật còn có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.

Nhu cầu về vitamin và chất khoáng: Trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa có chứa một lượng lớn các vitamin và chất khoáng. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp và chống lại tình trạng toan của cơ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy, bổ sung ít nhất 300mcg axit folic mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Axit folic có trong rau xanh, các loại đậu, gạo, mì và các loại quả có vị chua,… Trong đậu tương lên men nguồn gốc từ Nhật Bản có chứa lượng lớn enzym nattokinase đã được nghiên cứu chứng minh hiệu quả cho người bị tai biến.

Nhu cầu về năng lượng: Nên giảm bớt năng lượng trong khẩu phần ăn để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30 – 35 Kcal/ kg cân nặng/ngày. Nên ăn rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, mỳ, bún, miến để bổ sung đầy đủ năng lượng cho bệnh nhân bị tai biến.

Các loại rau, quả giàu chất xơ rất tốt cho người bệnh tai biến mạch máu não

Nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Người chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não cần chú ý chia nhỏ bữa ăn thành 3 – 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Hạn chế tối đa các đồ lên men, các chất gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê…

Do bệnh nhân không bài tiết được nhiều muối và nước vì bị tụ máu ở tĩnh mạch gây phù, chức năng thận kém nên khẩu phần ăn cần giảm muối và nước. Với những bệnh nhân suy tim thì lượng nước đưa vào cơ thể phải phụ thuộc vào lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ. Hạn chế ăn muối ở mức 4 – 5g/ngày để giảm phù, giúp thận bài tiết các chất đào thải một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, pate, xúc xích…

2. Chế độ tập luyện cho người tai biến

Một trong những cách chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não là tập luyện phục hồi chức năng

Khi ở viện, việc chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não là rất quan trọng. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, bệnh nhân nên tập luyện ngay từ những ngày đầu bị tai biến mạch máu não. Nguyên tắc tập luyện từ đơn giản đến phức tạp tùy theo mức độ hồi phục của bệnh nhân.

Chú ý đổi tư thế nằm của bệnh nhân mỗi giờ để chống loét, giúp họ làm vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2-3 lần. Xoa bóp bắp cơ, vận động các khớp tay và chân cho bệnh nhân để máu lưu thông và giúp tránh cứng khớp, teo cơ. Tập vận động nhẹ nhưng thường xuyên để giúp hồi phục nhanh.

Sau khi xuất viện, cho bệnh nhân tai biến tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu. Cố gắng cho bệnh nhân tự làm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày với sự trợ giúp của người thân để có thể hồi phục sớm và sống độc lập. Có thể sửa đổi một số vật dụng trong nhà cho phù hợp với bệnh nhân, không nên làm thay hoàn toàn cho người bệnh.

Một số bài tập luyện trong chế độ chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não:

  • Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân: bệnh nhân đứng tựa nhẹ vào mép bàn, có thể cần sự giúp đỡ của người thân, đặt hai bàn chân cách nhau khoảng 15 – 20cm, ngang bằng nhau, sau đó dồn trọng lượng cơ thể lên hai chân. Chuyển trọng lượng lần lượt từ chân này sang chân kia, giữ vài giây ở mỗi rồi lặp lại như vậy.
  • Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân: Áp dụng cho bệnh nhân có thể đứng thẳng. Hai bàn chân vẫn cách nhau khoảng 15 – 20cm,  trọng lượng chia đều hai bên chân, hai tay xuôi theo thân. Tiếp theo, bệnh nhân hãy trụ bằng chân trái và nhấc chân phải lên khỏi sàn nhà, rồi đổi bên.
  • Tập đứng thăng bằng: Bệnh nhân tư thế đứng thẳng, dồn trọng lực đều hai chân, sau đó quay đầu nhìn ra sau vai, ngửa đầu, cúi đầu, nghiêng người, đưa hai tay lên qua đầu, đưa hai tay sang phải rồi sang trái.
  • Tập đi bộ: Khi đã đứng vững, bệnh nhân tai biến mạch máu não cần tập đi bộ ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Nếu bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, ý thức, người thân cần trò chuyện, cho bệnh nhân nghe và đọc các câu chuyện trên báo chí, truyền hình…Lặp lại trong vòng 20 tuần với mức độ khó tăng dần. Khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị mất tiếng nói. Vì vậy, trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần được điều trị và tập luyện để khôi phục. Người nhà bệnh nhân hãy khuyến khích họ tập nói những câu từ đơn giản như đếm số, bảng chữ cái, đọc ngày tháng, sau đó tăng độ khó lên bằng cách mô tả đồ vật xung quanh hoặc tập đọc đoạn văn từ ngắn đến dài dần. Để tăng khả năng hồi phục, bệnh nhân cần luyện nói khoảng 40 – 100 giờ trong vòng 3 tháng đầu.

3. Chế độ chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não trong sinh hoạt

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người già

Tất cả bệnh nhân tai biến cần từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu, ăn mặn…, cần uống thuốc đầy đủ theo toa và tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Cần phải kiểm soát chặt chẽ các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường,… để tránh tái phát bệnh và để lại hậu quả nặng nề.

Bệnh nhân cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng đầu óc, làm việc quá sức không tốt cho não.

Xem thêm

Phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não

Đối với người cao tuổi, cần chú ý chế độ sinh hoạt khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời lạnh đột ngột, phải luôn giữ ấm cơ thể, hạn chế tai biến tái phát.

Chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não là một quá trình kéo dài, kiên trì và phải có kiến thức cơ bản, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, kết hợp dùng thuốc. Chăm sóc hiệu quả và khống chế tốt các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ vẫn là chiến lược tối ưu hiện nay, nhằm tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đột quỵ.

DS. Nguyễn Thị La

Video liên quan

Chủ Đề