Cách tập vật lý trị liệu chân

Bàn chân rủ [foot drop] là tình trạng yếu hoặc mất khả năng gập lưng bàn chân. Các cơ có tác dụng gập lưng bàn chân bao gồm cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi ngón chân cái dài. Nguyên nhân làm yếu nhóm cơ này là do tổn thương cơ và thần kinh chi phối cho chúng. Do nhiều tác động như chấn thương, tai biến phẫu thuật, đột quị, bệnh lý thần kinh cơ, ngộ độc thuốc hoặc tiểu đường. Bàn chân rủ là kết quả của tổn thương thần kinh ở tủy sống hoặc các bệnh lý xơ cứng bên teo cơ, đa xơ cứng, bệnh Parkinson. Thỉnh thoảng liệt thần kinh mác đến từ thay khớp háng, hoặc những tổn thương khác như thoát vị đĩa đệm, tổn thương ở vùng gối như gãy xương hay trật khớp gối. Gây khó khăn cho việc đi lại như ngón chân thường bị kéo lê trên đường khi bước đi. Do đó, người bệnh thường phải gấp gối và háng cao hơn bình thường khi đi lại.

Dây thần kinh Mác chung còn được gọi là dây thần kinh Hông Khoeo ngoài là một trong hai nhánh của dây thần kinh Hông, có kích thước bằng một nửa dây thần kinh chày. Dây thần kinh Mác tách ra từ thần kinh Hông ở mặt trên của trám khoeo rồi chạy ra bên quanh đầu trên xương mác sau đó chia thành thần kinh mác sâu và thần kinh mác nông. Dây thần kinh mác chia các nhánh tới khớp gối và chi phối vận động cho cơ duỗi bàn chân, phân bố cảm giác da ở mặt ngoài cẳng chân, gót và cổ chân. Khi tổn thương dây thần kinh mác dẫn đến liệt nhóm cơ nghiêng ngoài bàn chân, gập bàn chân về phía mu, mất cảm giác bờ ngoài cẳng chân và mặt mu chân. Tổn thương thần kinh mác chung làm bàn chân rủ hay bàn chân rủ là bệnh lý mà ở đó bàn chân bị rủ, không thể gấp bàn chân và ngón chân về phía cơ thể được, kết quả là người bệnh có dáng đi rất đặc biệt là đi từng nấc và quét bàn.

Triệu chứng của tổn thương thần kinh mác [Bàn chân rủ]

  • Mất gấp các ngón và bàn chân về phía cơ thể [mất gấp lưng bàn chân]
  • Đau
  • Yếu
  • Tê cẳng bàn chân
  • Mất chức năng của bàn chân
  • Dáng đi bàn chân rủ [đi bước cao]

Bác sĩ chẩn đoán bàn chân rủ như thế nào ?

  • Hỏi bệnh sử
  • Khám lâm sàng cẩn thận, bao gồm khám thần kinh
  • Chụp XQuang khớp gối và mắt cá tìm tổn thương gãy xương hoặc viêm đa khớp dạng thấp
  • Chụp cộng hưởng từ vùng cột sống thắt lưng xác định tổn thương rễ L5
  • Chẩn đoán điện cơ xác định tổn thương thần kinh mác

Bàn chân rủ được điều trị như thế nào ?

  • Điều trị không mổ: Bao gồm nẹp chỉnh hình, tập vật lý trị liệu, tập dáng đi
  • Điều trị phẫu thuật: Tùy nguyên nhân mà điều trị bao gồm giải áp thần kinh, khâu thần kinh, ghép thần kinh, chuyển thần kinh hoặc chuyển gân

Vật lý trị liệu cho bàn chân rủ

Mục đích của vật lý trị liệu cho bàn chân rủ

Giảm đau

Duy trì tầm vận động khớp

Đề phòng co rút, biến dạng khớp

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

  • Điện trị liệu: các xung điện kích thích các dây thần kinh làm cho cơ co lại, tăng trương lực cơ và phục hồi sức cơ bị liệt, giảm đau.
  • Sóng xung kích: tác động đến những điểm đau, phần mềm bị tổn thương qua đó thúc đẩy quá trình làm lành một số rối loạn cơ xương khớp mãn tính, tiền mãn tính hoặc bán cấp. Phương pháp điều trị này giúp cải thiện hệ thống vi mạch máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, có tác dụng giảm đau cũng như phân hủy vôi hóa gân cơ.
  • Tập vận động: Bài tập giúp tăng cường cơ bắp chân và giúp bạn duy trì một loạt các chuyển động ở đầu gối và mắt cá chân để có thể cải thiện các vấn đề liên quan đến dáng đi với chứng thả bàn chân. Đặc biệt, bạn cần thực hiện các bài tập kéo dài để gót chân không bị cứng.
  • Nẹp cổ bàn chân: bàn chân rủ để lâu dần, sẽ có sự mất cân bằng phần mềm do co rút của nhóm cơ cẳng chân sau. Từ đó, sẽ gây ra lỏng khớp cổ chân và biến dạng gập lòng bàn chân, nẹp cổ bàn chân giúp giữ bàn chân ở vị trí bình thường và việc đi lại dễ dàng hơn.

Lưu ý: Tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn, cần khám ngay khi người bệnh thấy đau lại hoặc đau tăng lên.

Bàn chân rủ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện dáng đi tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bàn chân rủ cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị sớm giúp cải thiện nhanh triệu chứng và ngăn các di chứng đáng tiếc xảy ra.

Người bệnh cần theo dõi và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Video liên quan

Chủ Đề