Cách trải nền hồ thủy sinh

Một bài viết mang tính chất tổng hợp rất tâm huyết của thành viên chepchep, diễn đàn diendancacanh. Trong bất cứ một hồ thủy sinh nào cũng đều phải có lớp đáy nền, dù là loại có dưỡng chất hay trơ [không có dưỡng chất], loại tự trộn hay sản xuất theo phương pháp công nghiệp, loại dạng hạt hay dạng bột và hầu hết chúng ta mới chỉ sử dụng đơn thuần mà chưa hiểu rõ về hệ thống nền, do đó chưa thể khai thác hết thế mạnh của nền. Trong bài viết này bouaqua xin được trích dẫn và biên tập một số chi tiết chính để gửi tới các độc giả quan tâm về vấn đề nền hồ thủy sinh.

Hiểu thêm về đáy nền hồ thủy sinh để sử dụng cho tốt

Tổng quan

Trong một số bể cá cảnh, đáy nền đơn giản chỉ là một lớp sỏi nhỏ cỡ hạt đậu. Với bể trồng cây thủy sinh lại khác, đáy nền không chỉ là nguồn dự trữ và cung cấp dưỡng chất, mà còn là chỗ cho rễ bám, trong một số trường hợp nền còn là môi trường để sinh sản. Hệ thống rễ của các loài cây thủy sinh khác nhau có cấu tạo khác nhau và phù hợp với một môi trường riêng, điều khó khăn đặt ra là chúng ta phải nuôi dưỡng chúng trong cùng một môi trường đáy nền duy nhất, vậy đáy nền có cấu tạo thế nào sẽ đáp ứng được các nhu cầu khác nhau đó? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời, một vài loài cần đáy nền cầu kỳ, một vài loài khác thì không, có loài lại chẳng cần đáy nền! Nhưng nhìn chung một đáy nền pha trộn nhiều yếu tố sẽ tạo ra một môi trường phù hợp với nhiều loài cây trong hồ thủy sinh. Một số điểm cần lưu ý là: Kích thước và hình dáng hạt nền, độ dày của đáy nền, các thành phần chất hữu cơ và khoáng có trong nền.

Kích thước và hình dáng hạt nền

Nếu kích thước các hạt nền không hợp lý sẽ gây ra nhiều vấn đề cho cây trồng. Một đáy nền với kích thước hạt quá to sẽ khiến nước chảy qua dễ dàng và cuốn trôi hết dưỡng chất, các mảnh vụn sẽ tích tụ trong khe nền và có thể tạo thành bùn. Trường hợp hạt nền có kích thước quá nhỏ sẽ sớm bị chặt lại, làm ngưng trệ sự chuyển động của oxy và dưỡng chất, điều này không tốt cho cấu trúc của rễ cây. Một đáy nền thích hợp cho hồ thủy sinh nền có kích thước hạt nhỏ từ 1 đến 3mm và có hình tròn. Hình dạng hạt đáy nền với góc cạnh sắc có thể làm tổn thương rễ cây.

Độ dày đáy nền

Độ dày lớp đáy nền có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào loài cây mà bạn trồng trong hồ. Loài mọc rễ dài và mạnh như Echinodorus [họ trầu] cần một lớp đáy nền đủ dày để cây có đủ không gian phát triển bộ rễ, nếu nền quá mỏng, rễ của chúng sẽ co và xoắn lại, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ dưỡng chất và làm rễ bị thiếu oxi.

Nhìn chung cây thủy sinh đều không mọc rễ quá dài và chúng ta có thể sắp xếp chúng ở vị trí hợp lý với một đáy nền cao dần về phía sau hồ. Điều này cũng giúp hồ có chiều sâu hơn thực tế. Độ dày đáy nền được khuyến cáo nên ở mức 6 đến 10cm.

Hàm lượng chất khoáng

Cây thủy sinh đều có nhu cầu với một hàm lượng nhỏ các chất khoáng, nhưng không dễ để cung cấp các chất này thông qua đáy nền. Rất may danh sách các chất khoáng mà cây cần thường có sẵn trong nước máy. Nếu nước hồ thủy sinh của bạn tương đối mềm tức là nước đó có khả năng bị thiếu chất khoáng, trong trương hợp như vậy bạn có thể sử dụng thêm phân nước dạng lỏng.

Một vấn đề quan trọng khác là đáy nền không được phép chứa các chất khoáng độc hại, nhất là các hợp chất có hàm lượng can-xi cao. Đáy nền lẫn đá vôi, san hô hoặc vỏ sò, vỏ ốc có hàm lượng can-xi cao không nên dùng trong hồ thủy sinh, nó sẽ làm tăng độ kiềm và độ pH của nước, gây trở ngại cho việc hấp thụ dưỡng chất và CO2 của cây.

Hàm lượng chất hữu cơ

Hàm lượng chất hữu cơ của một đáy nền bao gồm dưỡng chất hữu cơ và chất thải trong hồ [chủ yếu từ cá]. Một đáy nền mà không hề có chất hữu cơ thì chỉ đơn thuần là nơi để rễ cây bám vào. Bạn có thể đưa chất hữu cơ vào hồ bằng một đáy nền giàu dưỡng chất, nó có thể được trộn với đáy nền chính hoặc được sắp xếp như một lớp nằm giữa 2 lớp đáy nền. Đất trồng trọt và than bùn có hàm lượng chất hữu cơ rất cao, vì thế khi sử dụng phải cẩn thận để tránh quá tải cho hồ thủy sinh vì chất hữu cơ.

Lớp nền làm chỗ bám rễ

Lớp này chiếm phần lớn khối lượng của bộ nền, là môi trường cho rễ bám, nhưng đôi khi cũng được dùng để cung cấp dưỡng chất cho cây. Lớp nền này cần phải đủ chặt để ngăn không cho nước chảy mạnh nhưng cũng phải đủ thoáng để tránh ứ đọng bùn đáy nền làm phát sinh chất độc. Lớp nền này dày từ 2 đến 3cm là thích hợp và có thể phối trộn với chất phụ gia giàu dưỡng chất. Có thể dùng nhiều hơn một loại phân nền.

Lớp nền giàu dưỡng chất

Lớp nền này có nhiệm vụ cung cấp một lượng lớn dưỡng chất cho cây liên tục trong một thời gian dài. Tùy theo nhu cầu dưỡng chất của cây, bạn có thể trải một lớp mỏng hoặc dày từ 1 đến 4cm. Lớp nền này thường rất chặt nên chúng cần phải được trộn với các lớp nền khác. Một số loại phân nền giàu dưỡng chất được trộn luôn với phần nền trơ để làm chỗ bám rễ cho cây.

Lớp nền mặt

Đây là lớp nền mỏng trải trên phía trên mặt, nó không có chức năng nào khác ngoài việc được dùng với mục đích tăng tính thẩm mỹ cho nền hồ.

Bảo dưỡng đáy nền

Một đáy nền tốt cần được bảo dưỡng chút ít trong quá trình sử dụng để đảm bảo sự ổn định và kéo dài tuổi thọ cho hồ thủy sinh. Khi hồ của bạn đã được thiết kế hoàn chỉnh, cá và cây đều sống tốt thì không có lý do gì để thay đáy nền, vì vậy cần phải chọn được nền đúng và thích hợp ngay từ lúc bắt đầu.

Theo thời gian, chất thải hữu cơ và cặn bẩn sẽ lắng xuống đáy nền, làm đáy nền bị nén chặt lại tạo ra môi trường yếm khí. Trong một hồ thủy sinh có cây trồng tươi tốt, đa số chất cặn hữu cơ bị phá vỡ bởi vi sinh vật và biến thành dưỡng chất cho rễ cây hấp thụ, rồi đến lượt rễ cây nhả ra một lượng nhỏ oxy vào đáy nền giúp ngăn chặn tình trạng nghẹt rễ. Vì lý do đó mà đáy nền của một hồ thủy sinh có cây trồng phù hợp sẽ bền hơn một đáy nền trồng ít cây. Trong quá trình sử dụng sẽ có một lượng chất thải hữu cơ lắng đọng ở mặt nền mà vi sinh vật không kịp phá vỡ và cây trồng ở khu vực đó không đủ để giữ cho nền được thông thoáng. Bạn nên khuấy nhẹ và hút lớp cặn này định kỳ để giữ cho đáy nền được sạch sẽ.

Nền yếm khí tốt hay xấu?

Một đáy nền giàu chất hữu cơ sẽ chứa một lượng lớn vi sinh vật có khả năng phân giải những chất hữu cơ này thành dưỡng chất mà cây có thể dùng được. Phần lớn các vi sinh vật này nhanh chóng sử dụng hết oxy xung quanh, tạo nên môi trường yếm khí cho đáy nền. Trong môi trường yếm khí, nhiều loại vi sinh vật khác nhau được sinh ra, chúng không cần nhiều oxy hoặc có thể tự tạo oxy cho mình, những vi sinh vật yếm khí này có thể thải ra khí độc, đáng ngại nhất là hydro-sun-phit có thể làm thối rễ cây gây hại cho sức khỏe của cá và khuyến khích rêu hại nảy nở.

Tuy nhiên, các vi sinh vật yếm khí có thể tiêu thụ nitrat và nhả ra nito vốn là dưỡng chất quan trọng cho cây trồng.

Kết hợp các vùng đáy nền hiếu khí và yếm khí sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hồ thủy sinh của bạn. Khi đáy nền của bạn không quá thông thoáng cũng không quá chặt sẽ tạo ra dòng chảy chậm đi qua lớp nền, phối hợp với sự nhả oxy của rễ cây sẽ ngăn chặn tình trạng yếm khí ở đáy nền. Khi đó nhiều mảng vi sinh vật yếm khí sẽ xuất hiện ở những khu vực không có nhiều rễ cây, nếu những mảng này nhỏ [hạn chế tạo ra những khoảng nền lớn không có cây trồng] chúng sẽ chưa thể thải ra một lượng lớn khí độc mà lại tạo dưỡng chất cho cây [nito]. Vì thế một đáy nền với lượng oxy tương đối thấp sẽ là tốt nhất, khi ấy những vùng đáy nền yếm khí sẽ chỉ xuất hiện tại một vài chỗ trong hồ.

Nguồn: //www.diendancacanh.com/forum/

3.7/5 - [7 bình chọn]

Chia sẻ:

  • Click to share on Facebook [Opens in new window]
  • Click to share on Twitter [Opens in new window]
  • Click to share on LinkedIn [Opens in new window]
  • Click to share on Reddit [Opens in new window]
  • Click to share on Tumblr [Opens in new window]
  • Click to share on Pinterest [Opens in new window]
  • Click to share on Skype [Opens in new window]
  • Click to email this to a friend [Opens in new window]
  • Click to print [Opens in new window]

Bài viết liên quan:

Video liên quan

Chủ Đề