Câu nói hay trong sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

0Shares

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoàn thành Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ vào đầu năm 2008, như một lần hoài niệm thời thơ ấu khi lại sắp đón một cái Tết mới. Tác phẩm giành giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 và giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2010. Đây là một cuốn sách không dành cho trẻ con.

Cuốn sách này dành cho ai

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nhắc rõ: “Tôi không viết cuốn này cho trẻ em, tôi viết cuốn này cho ai từng là trẻ em”

Thực tế đây là một bản tham luận mà tác giả định sẽ trình bày trong cuộc hội thảo Trẻ em như một thế giới do Ủy ban UNESCO tại Việt Nam phối hợp với Bộ giáo dục tổ chức. Nhưng nếu nó chỉ là một bản tham luận cứng nhắc thì không thu hút được nhiều sự chú ý. Có lẽ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn những suy ngẫm của ông tiếp cận nhiều người hơn nữa, và ông quyết định thể hiện chúng dưới dạng một câu chuyện. Cuốn sách đã thành công, bằng chứng là nó bán chạy, được chuyển ngữ rồi phát hành trên đất Thái, Hàn, Mỹ và tái bản nhiều lần.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – cuốn sách bạn nhất định phải đọc

Sẽ lãng phí một cuốn sách hay nếu bạn muốn con em mình đọc nó. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh truyền tải những thông điệp chỉ người lớn mới hiểu. Càng là người trải nghiệm nhiều, bạn đọc tác phẩm càng đồng ý với góc nhìn của nhà văn. Cùng tôi tìm hiểu cuốn sách nói gì nhé!

Các nhân vật trong Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

 Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là câu chuyện được kể theo dòng ký ức của ông nhà văn Mùi 40 tuổi về thời thơ ấu của thằng cu Mùi 8 tuổi cùng ba đứa bạn thân: con Tủn, con Tí Sún, thằng Hải Cò. Trong đó cu Mùi thường là đứa đầu têu, bày trò. Con Tủn “xinh gái nhất xóm, lại có lúm đồng tiền” là đứa mà Mùi để ý. Con Tí Sún “không đẹp đẽ gì, người đen nhẻm, tóc xoăn tít, đã thế lại sún răng” thường ghép cặp với cu Mùi trong hầu hết các trò chơi. Còn thằng Hải Cò vừa là bạn, vừa là kình địch với Mùi.

Bốn đứa trẻ trong tác phẩm không đại diện cho hết thảy trẻ em Việt Nam. Cả bốn đều có một tuổi thơ êm đềm, đúng nghĩa. Chúng trong trẻo, bồng bột, vô tư, hay bày trò phá phách: đóng giả vợ chồng; tìm kho báu; tình yêu con nít; phiên tòa định tội; … Sau này lớn lên, cả bốn đều thành công trong cuộc sống, người làm nhà văn, người trở thành Giám đốc một công ty lớn, người đảm nhiệm chức hiệu trưởng, còn người sống hạnh phúc trong vai trò người mẹ, người vợ.

Mỗi chương truyện đưa bạn đọc đến một vấn đề, một suy nghĩ mà nhân vật Mùi đã trải qua trong cuộc sống 8 tuổi của cậu nhóc. Những câu chuyện quen thuộc mà bạn sẽ tự thấy bản thân mình cũng từng một thời như thế. Đan xen với lối kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn, bạn cũng đồng thời tự chiêm nghiệm cuộc sống từ góc nhìn của một người trưởng thành, sự khác biệt khi con người còn bé và khi con người lớn lên.

Những thông điệp từ tác phẩm

Sau đây là những diễn biến chính trong 12 chương truyện:

  • Chương 1. Tóm lại là đã hết một ngày – Cu Mùi 8 tuổi thấy cuộc sống thật đáng chán vì phải lặp lại cùng một lịch trình hằng ngày.
  • Chương 2. Bố mẹ tuyệt vời – Ước mong của những đứa trẻ về phụ huynh của chúng.
  • Chương 3. Đặt tên cho thế giới – Những đứa trẻ muốn phá vỡ quy tắc, tạo một thế giới mới.
  • Chương 4. Buồn ơi là sầu – Cu Mùi bị phạt vì cái tội: “Mới nứt mắt đã bày đặt lăng nhăng”.
  • Chương 5. Khi người ta lớn – Sự thay đổi của những đứa trẻ sau 40 năm.
  • Chương 6. Tôi là thằng cu Mùi – Lại một lần nữa những đứa trẻ muốn phá vỡ quy định.
  • Chương 7. Tôi ngoan trong bao lâu – Ai cũng thấy lạ vì sự chăm học của cu Mùi nhưng nó chỉ kéo dài đúng một tuần lễ thì chấm dứt.
  • Chương 8. Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào? – Trò chơi đi tìm kho báu được tiến hành.
  • Chương 9. Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? – Nỗi niềm của lũ trẻ đối với người lớn và phiên tòa của chúng.
  • Chương 10. Và tôi đã chìm – Chia tay con Tủn, cu Mùi buồn.
  • Chương 11. Trang trại chó hoang – Ba đứa nhóc cưu mang lũ chó hoang và hành vi của người lớn làm giải tán trang trại
  • Chương 12. Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé – Trẻ con tập trưởng thành và sự ra đời của cuốn sách.

Từng câu văn, từng cuộc hội thoại trong truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ khi thì ẩn ý, khi lại bộc lộ rõ ràng những trăn trở của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về sự khác biệt trong suy nghĩ và lựa chọn hành động giữa hai giai đoạn đời người.

Ta của lúc bé và ta của lúc lớn

Trẻ con không thích a dua, gò ép bản thân vào khuôn khổ: “Tại sao phải gọi con chó là con chó? Nếu người đầu tiên gọi con chó là cái bàn ủi thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là cái bàn ủi”. Còn người lớn lập trình đời mình theo lộ trình của người lớn khác, họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Người lớn cũng thích chơi trò đánh tráo khái niệm, nhưng không bao giờ trong sáng như trò chơi của thời thơ ấu. 

Trẻ con có hàng tá câu hỏi “Tại sao?”. Chúng tò mò, muốn khám phá với mọi thứ. Người lớn lại thấy “Tại sao?” là câu hỏi phiền phức nhất.

Trẻ con không chịu nổi buồn chán, chúng đâu chịu cảnh chỉ ở trường và ở nhà. Còn khi ta trưởng thành, cuộc sống của ta chỉ luẩn quẩn giữa căn nhà và cơ quan, giống như “rời khỏi một nhà giam này để đến một nhà giam khác”.

Trẻ con hồn nhiên, phóng khoáng, dễ tha thứ cho nhau bao nhiêu thì người lớn lại tính toán và cố chấp bấy nhiêu. Trẻ con chọn làm những điều nó muốn, người lớn chọn cách làm những gì người khác muốn.

Trẻ con muốn kiếm được tiền để không cần phụ thuộc ba mẹ chúng nữa. Người lớn dù đã kiếm được tiền nhưng vẫn thích “xin xỏ”.

Người lớn phân tích mọi thứ, còn trẻ con tưởng tượng mọi thứ. Đối với người lớn, mọi đồ vật đều phải có một giá trị và chức năng nhất định.

Đối với trẻ con, chó là bạn, không một đứa trẻ nào muốn ăn bạn của mình. Đối với một vài người lớn, chó là một món ăn.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và những bài học tình yêu 

Người viết nên tác phẩm là một người đàn ông đầy trải nghiệm. Qua câu chuyện tình yêu ngốc xít thuở bé thơ của cu Mùi, nhà văn bộc lộ những quan điểm của mình về tình yêu.

“Hạnh phúc đôi khi tan vỡ không hẳn do sự thiếu chung thủy hay do xung đột về tính cách, nó hoàn toàn có thể bắt nguồn từ bàn ăn, thậm chí từ một chén nước mắm”.

“Hôn nhân không chôn ai hết… Hôn nhân sẽ dạy con người ta yêu. Học yêu cũng giống như học bơi…và những ai lười sẽ bị chìm”.

Đó đều là những bài học thực tế để người lớn nhìn lại, điều chỉnh mình trong thế giới hôn nhân, một thế giới hầu hết người lớn đều phải bước vào nhưng chưa đủ chăm sóc nó.

Tác giả cũng nêu lên những phát biểu về phụ nữ rất hay ho bằng góc độ của giới còn lại, thể hiện dưới những suy nghĩ của ông Mùi 40 tuổi về cô Tủn, cô Tí Sún 40 tuổi với thằng cu Mùi 8 tuổi về con Tủn và con Tí Sún. Đây như những bài học mà phụ nữ cần biết để giữ gìn khí chất của mình và giữ lửa gia đình.

“Phẩm chất khiến nó có giá trị hơn một người vợ là nó biết nói khi cần nói, biết im khi cần im, một đức tính hiếm hoi nơi phụ nữ thông thường”. 

“Có lẽ sự khó lường của phụ nữ chính là bản năng tự vệ mà tạo hóa đã ban cho họ. sức vóc của phụ nữ thua thiệt so với đàn ông, và họ sẽ bị đàn ông xúm vào cai trị nếu một ngày nào đó họ trở nên dễ hiểu.”

Liệu ta đã trưởng thành quá vội?

Khi còn nhỏ, chúng ta luôn mong mình lớn lên thật nhanh. Trong mắt chúng ta, người lớn có thể làm bất cứ điều gì: có thể kiếm tiền; có thể thích đi đâu thì đi; người lớn không cần bị giục làm bài tập, giục đi ngủ; người lớn không bị cấm bày trò nghịch ngợm, và làm người lớn thì không sợ bị la mắng… Thế là trẻ con vội học cách trưởng thành.

Nhưng khi dần dần trưởng thành, cuộc sống của chúng ta càng phức tạp hơn. Làm người lớn có thể kiếm tiền nhưng chúng ta vẫn bị ràng buộc, vẫn luẩn quẩn đơn điệu. Chúng ta hòa lẫn vào đám đông, mất đi sự dũng cảm của một đứa trẻ. Người lớn giấu giếm khuyết điểm của mình, người lớn cũng cố chấp hơn, bảo thủ hơn. Người lớn giỏi bắt chước người khác, tự đặt mình vào khuôn khổ và cảm nhận thế giới một cách cứng nhắc. Lúc này, chúng ta nhận ra tuổi thơ đẹp biết mấy, chúng ta bắt đầu hồi tưởng thường xuyên hơn một thời đã qua. Thôi thì cứ thả mình vào dòng sông ký ức để gột rửa cát bụi trần ai, để cảm nhận lại cuộc sống này như một đứa trẻ.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ với thông điệp ý nghĩa “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn” là lời khuyên những người trưởng thành tận hưởng những ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp của mỗi người, sống chậm lại và cảm nhận thế giới trọn vẹn hơn trước sự phát triển, xô bồ của nó. Bên cạnh đó, tạo lập thói quen đọc sách và cảm thụ các tác phẩm văn học hay cũng là một cách gợi mở trí tưởng tượng của chúng ta. Bạn có thể làm điều đó tại sachnoigi.com và xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề tại đây.

Lá Đa

Tags: #Nguyễn Nhật Ánh #Review Sách #sách cho giới trẻ #sách nói gì #thói quen đọc sách #tuổi thơ

0Shares

Video liên quan

Chủ Đề