Chính sách đối ngoại của Nga hiện nay

NDĐT- Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 15-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có tuyên bố quan trọng về chính sách đối ngoại mới của Nga nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Liên bang Nga trên trường quốc tế. Những nội dung mới trong tuyên bố được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và cho rằng đây là chính sách đối ngoại tích cực.

Tư duy mới và nguyên tắc cơ bản

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Chúng ta cần có những cách nhìn mới, đánh giá mới, phân tích mới trong chính sách, đặc biệt là đối ngoại, chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của công dân Nga và đồng bào ở nước ngoài. Đồng thời, vẫn cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại mới không thay đổi. Trước hết, đó là sự cởi mở, khả năng dự đoán trước, tập trung vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tất nhiên, không có bất kỳ cuộc đối đầu nào”.

Tổng thống Putin nêu rõ, quan điểm đổi mới này được soạn thảo trên cơ sở có tính đến những thay đổi xảy ra trên thế giới trong thời gian vừa qua, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới, cùng với tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Ông Putin tuyên bố, Nga đang và sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại tích cực và xây dựng nhằm tăng cường vị thế, uy tín và trách nhiệm của Liên bang Nga trên trường quốc tế.

Bảo vệ lợi ích và không có đối đầu.

Theo các nhà phân tích, quan điểm “bảo vệ lợi ích quốc gia, không có bất kỳ cuộc đối đầu nào” của Tổng thống Putin đã được hình thành ngay từ cuối năm 2012. Trong Văn kiện “Khái niệm chính sách đối ngoại Nga” đã chỉ rõ: Nga xây dựng mối quan hệ quốc tế của mình trong bối cảnh thế giới bất ổn hiện nay. Trong số những điểm chính bao gồm “an ninh không thể chia cắt cho tất cả các nước và không được sử dụng siêu vũ lực”. Văn kiện còn cho rằng, thái độ thiếu tôn trọng đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế sẽ dẫn đến bất ổn trong quan hệ giữa các quốc gia.

Trên tổng thể, khái niệm cũng nêu rõ, Nga sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia bằng cách tham gia hiệu quả hầu hết các hoạt động trong nền chính trị thế giới nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đồng thời, Moscow sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc. Nga cố gắng hiểu và tôn trọng lợi ích của các đối tác, nhưng yêu cầu họ cũng phải tôn trọng lợi ích của Nga.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giảm vai trò của Liên hợp quốc và những thách thức như khủng bố và buôn bán ma túy xuyên biên giới… Trong những trường hợp này, Nga, với tiềm năng địa chính trị độc đáo có thể đóng vai trò “ổn định” trong nền chính trị quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.

Trong thực tế, Nga hội nhập với các nước trong không gian hậu Xô viết không loại trừ các mối quan hệ gần gũi với các nước lớn khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh, châu Phi và EU.

Tuy nhiên, trọng tâm của quan điểm đổi mới của Nga vẫn là việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và xây dựng nước Nga hiện đại. Quan điểm đối ngoại đổi mới này còn chú trọng việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người Nga ở nước ngoài.

Ngoại giao kinh tế và tôn trọng luật pháp

Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nga sẽ tích cực sử dụng phương thức ngoại giao kinh tế, trong các công việc quốc tế, trên cơ sở ủng hộ và bảo vệ vai trò trọng tâm của Liên hợp quốc cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế khi hành động phối hợp với các đối tác một cách bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Nói về công nghệ chính sách đối ngoại thì điều nói trên được xác định như là “sức mạnh mềm”, bao gồm tổng hòa tất cả các công cụ hỗ trợ khả năng của các tổ chức xã hội dân sự, thông tin và truyền thông, nhân văn, có thể thay thế các phương pháp ngoại giao cổ điển khác.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc gặp chiều ngày 15-2 với các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi [G-20], Tổng thống Putin cũng khẳng định trên cương vị Chủ tịch G-20 trong năm nay, Nga sẽ ưu tiên cho công tác bảo đảm tăng trưởng cân đối và tạo việc làm mới cũng như khuyến khích đầu tư. Tổng thống Putin cho rằng, thách thức chủ yếu đang đặt ra đối với G-20 là bước chuyển từ việc thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng ngắn hạn sang thực thi các nhiệm vụ dài hạn.

Hướng Đông vẫn là một ưu tiên

Ông Putin cho biết, ưu tiên hàng đầu của Nga để phát triển trong tương lai sẽ vẫn là ở phía Đông. Ông nói: “Trong thế kỷ 21, hướng phát triển của Nga là phía Đông. Siberia và vùng Viễn Đông là tiềm năng to lớn của Nga, đây là cơ hội để có được một vị trí thích đáng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, Nga có hơn 70% diện tích đất nằm ở châu Á. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga. Để thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp và tăng trưởng sáng tạo, Nga cần các quốc gia châu Á về vấn đề công nghệ, nhân lực và thị trường năng lượng.

Ông Putin gọi châu Á – Thái Bình Dương là “khu vực năng động nhất” thế giới, và cho biết nước Nga sẽ phát triển xa hơn nữa về vùng Viễn Đông để hòa nhập với thế giới phương Đông.

Khi nói về các mối quan hệ với thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập [CIS], Tổng thống Nga ủng hộ khu vực tự do mậu dịch trong khuôn khổ của CIS. Ngoài ra, ông cho biết, công dân các nước thuộc Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất sẽ được vào Nga dễ hơn sau năm 2015.

Như vậy, trên cơ sở kiên định mục tiêu có tính nguyên tắc về lợi ích của Liên bang Nga, Tổng thông Putin đã có những luận điểm và cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín và trách nhiệm của Nga trên trường quốc tế. Vì thế, dư luận đang kỳ vọng vào sự đóng góp của Nga cho hòa bình, ổng định và phát triển thế giới.

NGUYỄN NHÂM

[PLO]- Trong cuộc họp với các nhà ngoại giao cấp cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra những điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga.

Phát biểu trong cuộc họp với các nhà ngoại giao cấp cao hôm 18-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin liệt kê những vấn đề chính mà quốc gia này đang phải đối mặt trên trường quốc tế và làm rõ mối quan hệ cứng rắn với phương Tây, đài RT đưa tin.

Phương Tây đánh giá thấp lằn ranh đỏ của Nga

Ông Putin đã nhắc đến mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây. Quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO] đã hoạt động quanh biên giới Nga, bao gồm khu vực Biển Đen. Tổng thống Nga gọi đây là “các hành động khiêu khích”.

Ông nói: “Chúng ta luôn bày tỏ quan ngại về điều này. Chúng ta nói về lằn ranh đỏ nhưng hiểu rằng các đối tác của chúng ta rất lạ lùng và coi nhẹ lời chúng ta. Họ không xem xét kỹ lưỡng tất cả các cảnh báo và thảo luận của chúng ta về lằn ranh đỏ”.

Phương Tây không phải là đối tác đáng tin cậy

Nhắc đến cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin cho biết Pháp và Đức "đang xoa dịu" Kiev và cố gắng "phá bỏ" các thoả thuận Minsk - thoả thuận nhằm kết thúc cuộc chiến ở miền đông Ukraine.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron,Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel [trái sang] ở hội nghị G20 tại Đức năm 20217. Ảnh:REUTERS

Các bức điện ngoại giao được công bố gần đây cũng chỉ ra rằng chính quyền Paris và Berlin không tán thành kế hoạch hòa bình của Nga dành cho Donbass. Theo ông Putin, nhìn chung chung, Nga sẽ không dễ đạt được “các thỏa thuận nghiêm túc” với phương Tây.

Ông Putin nói: “Nói một cách nhẹ nhàng, chúng ta đang làm việc với những đối tác không đáng tin cậy lắm. Họ dễ dàng rời bỏ mọi thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng cần phải cố gắng”.

Nga không muốn có xung đột nào ở biên giới

Theo ông Putin, mặc dù những cảnh báo gần đây của Moscow đã có tác dụng nhất định, nhưng căng thẳng vẫn đang gia tăng ở biên giới Nga. Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là không để bất kỳ quốc gia nào gây ra xung đột ở biên giới phía tây.

Ông Putin nói: "Điều cấp bách là phải thúc đẩy các đảm bảo lâu dài và nghiêm túc nhằm đảm bảo an ninh của Nga ở khu vực này, vì Nga không thể liên tục suy nghĩ về những điều có thể xảy ra ở đó".

Cố gắng chia rẽ Nga và Trung Quốc sẽ thất bại

Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng và bạn bè tốt, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng thời, ông gọi mối quan hệ gắn bó giữa Moscow và Bắc Kinh là “một mô hình hợp tác quốc tế hiệu quả trong thế kỷ 21”.

Theo ông Putin, một số nước phương Tây đang công khai cố gắng chia rẽ Moscow và Bắc Kinh và Nga nhận thức rõ điều này.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Trung Quốc năm 2016. Ảnh: XINHUA

Ông nói:  “Cùng với người bạn Trung Quốc, chúng ta sẽ tiếp tục đáp lại những nỗ lực như vậy bằng cách mở rộng hợp tác trong phạm vi kinh tế và chính trị của mình và tiến bước trên trường quốc tế”.

Sự mở rộng của NATO khoét sâu sự khác biệt

Tháng trước, Moscow đã tạm cắt đứt tất cả các quan hệ song phương trực tiếp với NATO sau khi khối này trục xuất tám nhà ngoại giao Nga với cáo buộc “hoạt động gián điệp”.

Ông Putin nói rằng quan hệ giữa Nga với phương Tây, bao gồm Mỹ “vô cùng đặc biệt” và “gần như là đồng minh”. Tuy nhiên, những quan ngại và cảnh báo của Nga về sự mở rộng NATO về phía đông đã bị phớt lờ hoàn toàn.

Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh được mong đợi giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi vào tháng 6 đã không mang lại đột phá trong quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, Moscow tiếp tục kêu gọi đối thoại về nhiều vấn đề nổi cộm, bao gồm đối thoại về khả năng chạy đua vũ trang trong không gian.

Ông Putin nói: “Trong nhiều vấn đề song phương và quốc tế, lợi ích, đánh giá và lập trường của hai bên đôi khi có sự khác biệt rõ ràng. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại điều này: chúng ta phải cởi mở trong việc kết nối và trao đổi quan điểm, cũng như đối thoại mang tính xây dựng.”

Phương Tây dùng khủng hoảng di cư để gây sức ép với Minsk

Cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra ở biên giới Belarus-Ba Lan đã khiến phương tây căng thẳng giữa phương tây và Belarus leo thang.

Ông Putin chỉ ra vấn đề nhân đạo trong khủng hoảng này với hàng trăm người phải ở trong rừng dưới thời tiết băng giá và nói rằng khía cạnh này đang bị các bên không chú ý.


Dòng người tị nạn bị chặn lại ở biên giới Ba Lan. Ảnh: BLOOMBERG

Ông nói: “Các nước phương Tây đang sử dụng cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan như một cái cớ mới châm ngòi căng thẳng cho các nước trong khu vực - những nước vốn gần gũi với chúng ta. Một mặt, họ gây áp lực lên Minsk, mặt khác, để quên đi nghĩa vụ nhân đạo của mình”.

Nga tăng cường tham gia vào các vấn đề toàn cầu

Nga bị các quan chức và truyền thông phương Tây mô tả là ngày càng cô lập do bị Mỹ và đồng minh áp nhiều lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Putin lại không nghĩ Nga bị cô lập trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Ông nói: “Nga sẽ chủ động tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại những thách thức và mối đe dọa chung, như khủng bố,tội phạm quốc tế, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.”

Belarus thông báo tạm thời đóng đường ống dẫn dầu sang EU

[PLO]- Belarus thông báo tạm thời đóng một nhánh của đường ống dẫn dầu từ Nga qua nước này đến Liên minh châu Âu [EU] do bảo trì đột xuất.

ĐỨC HIỀN

Video liên quan

Chủ Đề