Con đường vấy máu Ngoại truyện

Ngoại truyện xuất bản

(Tên xuất bản bên Trung: Mặt trời không lặn ở phía Tây)

Ngoại truyện 1: Kết tóc

Thạch Lâm bưng một dĩa dưa hấu tới, đưa cho Tưởng Tốn ngồi xổm dưới gốc cây: “Bà Bạch mang tới đấy.”

Tưởng Tốn ngẩng đầu nhìn, tiện tay lấy một miếng, cắn một cái, nói: “Sao bà Bạch nhiệt tình mang dưa hấu tới vậy?”

“Bà ấy mua ruộng dưa ở thôn gần đây, dự định làm nhà vườn.” Thạch Lâm hỏi, “Sao mấy ngày nay ngày nào cháu cũng ngắm hoa vậy?”

“Đẹp mà.”

Bỉ ngạn nở hoa, màu sắc nồng đậm như ngọn lửa, nhìn lâu, trong mắt cô, cả ngọn núi hóa thành màu đỏ rực rỡ. Tưởng Tốn nhắm mắt một lúc mới đỡ.

Lúc xuống núi đi ngang qua biệt thự nhà họ Bạch, cô bị bà Bạch chặn lại.

Bà Bạch ôm hai trái dưa hấu lớn, nói: “Vừa hay vừa hay, cầm hai trái này đi ăn đi!”

Tưởng Tốn dở khóc dở cười: “Cháu cảm ơn ạ.”

Bà Bạch hỏi: “Buổi chiều cháu có làm gì không?”

“Không làm gì ạ.” Tưởng Tốn nghĩ nghĩ, “Cháu định đi cắt tóc.”

Bà Bạch cười nói: “Có muốn cô cắt tóc giúp cháu không? Hôm nay cô ở đây rảnh rỗi, cháu uống tách trà chiều với cô nhé?”

Bà Bạch thích náo nhiệt, vừa hết cuối tuần, mấy người khách xuống núi hết, bà ấy không ngồi yên được, vừa hay kéo Tưởng Tốn làm bạn. Tưởng Tốn rảnh rỗi không có gì làm, đậu xe xong thì ngồi trong vườn hoa, rót tách trà hoa uống một hớp, vị thanh ngọt ấm áp khiến người ta mê say. Bà Bạch lấy dụng cụ cắt tóc trong biệt thự, hỏi cô: “Xe của cháu đâu? Sao lái xe van của khách sạn vậy?”

Tưởng Tốn nói qua loa: “À, xe của cháu rơi xuống hồ hư rồi.”

“Hả?”

“Không sao ạ, có người đền cho cháu chiếc khác.” Tưởng Tốn ngồi thẳng, để bà Bạch buộc cái áo choàng cắt tóc cho mình, hỏi vẻ không chắc chắn, “Cô biết cắt tóc thật ạ?”

Bà Bạch nói: “Đừng có coi thường cô, cô đã cắt tóc cho chồng cô hai mươi năm đấy.”

“Cô từng cắt tóc cho phụ nữ sao?”

“Cháu là người đầu tiên.”

Tưởng Tốn nói: “Thật ra cháu không vội cắt tóc đâu.”

Bà Bạch đè vai cô, cười nói: “Cháu nên cảm thấy vinh hạnh đi!”

Tưởng Tốn không định đứng dậy, cô thoải mái dựa vào lưng ghế, cái lược từ từ xuôi xuống, gần đến eo, tóc thoắt cái đã dài như vậy, không biết đầu đinh có thể dài thêm bao nhiêu.

Bà Bạch hỏi: “Cô nhớ cháu ít cắt tóc lắm mà nhỉ, lần trước cắt là lúc nào thế?”

“Trước tết thì phải ạ.”

“Cũng không lâu lắm, tóc còn được mà.”

“Tỉa một chút thôi ạ.”

Bà Bạch nhìn cô một cái, nhớ đến việc gì đó, đột nhiên cười nói: “Trước buổi hẹn đầu với chồng cô, cô cũng đặc biệt đi cắt tóc một lần.”

Tưởng Tốn hỏi: “Buổi hẹn đầu vui không ạ?”

Bà Bạch nhớ lại: “Vui thì có vui, nhưng sau khi đưa cô đến nhà, ông ấy đột nhiên nhặt mấy sợi tóc vụn trên cổ cô, còn nói ‘Anh nhịn cả ngày rồi, quả thật không nhịn nổi nữa’, một ngày đẹp đẽ kết thúc như vậy đấy.”

Tưởng Tốn cười thành tiếng, bà Bạch cầm kéo dọa cô: “Đừng có nhúc nhích, coi chừng cắt trúng tai cháu!”

“Vâng.” Tưởng Tốn kéo kéo áo choàng cắt tóc. Chất tóc Tưởng Tốn tốt, vừa đen vừa mượt, hồi nhỏ cắt tóc chỉ tốn năm đồng, về sau càng ngày càng đắt , để tiết kiệm tiền, mỗi năm cô chỉ đến tiệm cắt tóc hai lần, bây giờ cũng quen dần.

Bà Bạch chọn một lọn tóc dài, hỏi: “Sau này cháu định làm gì?”

Tưởng Tốn nói: “Cháu chưa rõ ạ.”

Bà Bạch nói: “Con người lạ thật mà. Lúc không có tiền, cháu mở tiệm, bình thường rảnh rỗi thì đến giúp ông chủ Thạch, có tiền rồi thì lại không rõ muốn làm gì.”

Tưởng Tốn cười nói: “Người mang chí lớn trong lòng, càng nhiều tiền thì càng biết mình muốn làm gì. Người không mang chí lớn, có tiền thì chỉ muốn sống ngày nào hay ngày ấy, không lo cái ăn cái mặc.”

“Vậy cô là người không có chí lớn rồi, sau khi lấy chồng thì cô chỉ muốn không lo cái ăn cái mặc thôi.”

“Cô là kiểu người thứ ba.” Tưởng Tốn nói, “Có người chăm sóc, cho nên không cần lo cái ăn cái mặc.”

Bà Bạch sửng sốt, khẽ nói: “Đúng vậy, có người chăm sóc, nhưng thời gian qua nhanh thật…” Thời gian như bóng câu qua khe cửa, trong nháy mắt, mãi cho đến giờ phút này, bà mới thật sự lĩnh hội ý nghĩa của hai câu thành ngữ ấy.

Tưởng Tốn im lặng một lúc, mới nói: “Ấy, sao cô còn chưa cắt giúp cháu?”

“Cô đang nghĩ xem nên cắt chỗ nào trước.” Bà Bạch quan sát tóc cô.

“Cứ cắt luôn không được ư?”

“Vậy đâu có được, hư bảng hiệu của cô.”

Tưởng Tốn cười cười: “Cô còn muốn mở tiệm cắt tóc ạ?”

“Đúng là cô từng có suy nghĩ này thật.” Bà Bạch vừa cắt vừa nói, “Cô luôn cảm thấy, cắt tóc cho chồng là chuyện thân mật nhất. Kiểu tóc cô cắt cho ông ấy, bất luận là đẹp hay xấu, ông ấy cũng nhất định phải ra ngoài, lúc nào cũng phải nhớ về cô. Đáng tiếc là đàn ông tóc ngắn, không thể buộc được. Nhưng mà phu thê kết tóc, vĩnh kết đồng tâm, thật ra cũng chỉ là một chuyện như vậy thôi.”

Ánh nắng gay gắt, trên núi Minh Hà lại luôn có gió mát rười rượi. Tưởng Tốn kéo một lọn tóc rơi xuống vai, ngón tay xoay một cái, xúc cảm mềm mại. Cô nói nhỏ: “Đúng vậy, kết tóc…”

***

Gần tối, Tưởng Tốn mới ra khỏi biệt thự nhà họ Bạch. Tiệm tạp hóa vẫn chưa cho thuê, Tưởng Tốn vẫn ở tầng hai của tiệm. Khi đến nhà thì sắc trời đã tối, cô nhân tiện nấu ít mì. Người ở tiệm bên cạnh đang hóng mát, chỉ tiệm cô xì xào: “Vậy là phát tài rồi, nghe nói hơn mấy chục triệu đó!”

“Số đỏ vậy hả?”

“Con bé cũng đáng được thế mà, ông bố con bé thất đức như vậy, con bé còn có thể lo liệu hậu sự của bố mình như thế, cái đó nói như nào ấy nhỉ? Đúng, lấy ơn báo oán, được báo đáp!”

“Ông già Tưởng thất đức thế nào đi nữa thì cũng là bố ruột nó, nó lo hậu sự cho ông ta không phải là chuyện nên làm à? Bà nói cứ như khó khăn lắm ấy!”

“Mặc kệ thế nào, bây giờ con bé phát tài rồi, chúng ta ấy à, mấy đời cũng không kiếm được mười triệu đâu! Cũng không biết sau này con bé muốn làm gì nữa, nếu không thì mua mấy tiệm của chúng ta đi, dù sao thì cũng chẳng kiếm được tiền!”

Tưởng Tốn vừa ăn vừa nghe, nghe đến nhàm chán, cúi đầu chơi di động một hồi. Khi ăn hơn nửa bát mì, tiếng trò chuyện bên ngoài đột nhiên im bặt. Cô tò mò liếc một cái, chỉ thấy dưới đèn đường, một cái bóng kéo dài vừa lớn vừa rộng.

Bà chủ tiệm bên cạnh la: “Không phải là người kia đây sao, Tiểu Tưởng ở trong đó!” Bóng người im lặng, từ từ đến gần. Tưởng Tốn nhìn chằm chằm cửa chính, không khí dường như lay động theo, gió thổi nhè nhẹ, cô nín thở.

“Không phải nói ngày mai đến ư?”

“Ừm, chuyến bay đến sớm.”

“Lần đầu tiên nghe nói chuyến bay cũng đến sớm được đấy.”

Đóng cửa lại, Tưởng Tốn đi làm bát mì khác, lúc ra ngoài, cái bát cô ăn một nửa trên bàn đã hết sạch. Hạ Xuyên đẩy cái bát không sang một bên, nhận lấy cái bát trong tay Tưởng Tốn, rồi vùi đầu ăn xì xụp. Tưởng Tốn rảnh rỗi ngồi, hỏi: “A Sùng đâu?”

Hạ Xuyên nói: “Bận mở thẩm mỹ viện.”

“Thẩm mỹ viện?”

“Ừm, Vương Tiêu còn tuyên truyền trên weibo nữa.”

Tưởng Tốn nghĩ đến gì đó, dựa vào bàn, cười nói: “Này, anh thật sự từng sửa mũi hả?”

Hạ Xuyên liếc cô một cái: “Sao nào? Em cũng muốn sửa à?”

Tưởng Tốn nói: “Em cần sửa chỗ nào?”

Hạ Xuyên nhìn lướt cô từ đầu một cái, lướt đến ngực, bị bàn che khuất, anh gắp mì, nói: “Tóc.”

“Hửm?”

“Em cắt tóc ở đâu vậy? Trình độ này à?”

“Bà Bạch cắt đấy, em thấy cũng được mà.” Tưởng Tốn cúi đầu nhìn ngọn tóc, bà Bạch cắt không chuyên nghiệp lắm, nhưng cũng không đến nỗi.

“Có phải phụ nữ không vậy?” Hạ Xuyên nói, “Đến tiệm cắt tóc sửa lại đi.”

“Ờ, mấy ngày nữa hẵng nói.”

Hạ Xuyên mấy miếng gắp hết mì: “Có kéo không?”

“Có, kéo làm cá và kéo may, anh muốn cái nào?”

“Coi em xem tóc mình như cái gì.”

Tưởng Tốn lấy kéo may, nói với Hạ Xuyên đứng sau lưng cô: “Anh rảnh lắm hả?”

“Có chút.”

“Đừng có lấy tóc em làm thí nghiệm.”

“Em cứ xem đi.”

Một lát sau, Tưởng Tốn hỏi: “Anh từng cắt tóc cho người khác?”

Hạ Xuyên nói: “Từng cắt cho mẹ anh. Hai năm cuối mẹ anh ở bệnh viện, toàn là anh cắt tóc cho bà.”

“Tóc anh thì sao?”

“Thợ cắt tóc.”

Tưởng Tốn nói: “Hai mươi năm ông Bạch chưa tới tiệm cắt tóc bao giờ, toàn là bà Bạch cắt tóc cho ông ấy.”

“Thật sao?”

“Nhưng ông Bạch chưa từng cắt cho bà Bạch, chưa bao giờ nghĩ tới, cũng sợ cắt hư mất.”

“Bà Bạch cắt tóc hai mươi năm mà chỉ như này thôi à?”

“Trình độ này cũng được mà, em không chê.” Tưởng Tốn nói tiếp, “Này, sau đó ông Bạch cắt cho bà Bạch một lần.”

“Thế nào?”

“Bà Bạch nói cắt xấu vô cùng, bà ấy còn mắng ông Bạch nữa, mới thời gian mấy câu mà ông Bạch phát bệnh ngất xỉu, chính là lần xe cấp cứu đến ấy.”

Cũng là lần cuối cùng, sau đó ông Bạch nói: “May mà vẫn còn kịp.”

Hai mươi năm trước, gặp gỡ nhau vào thời gian đẹp đẽ nhất, bầu bạn từ đó, nhưng cảnh đẹp chỉ được hai, ba năm, ông Bạch phát bệnh di truyền của dòng họ, sau đó nữa, hai người vẫn sống qua ngày, nhưng không có con cái.

Có hối tiếc, nhưng thời gian hai mươi năm có thể bù đắp tất cả. May mà còn kịp, hai mươi năm ở bên nhau.

Hạ Xuyên vịn vai cô, cúi người nói: “Cắt xong rồi.”

“Ừm.” Tưởng Tốn tiện tay sờ đầu anh, hơi nhọn, dài hơn mùa đông một chút. Anh cắt tóc rồi vẫn không che được vết sẹo trên đầu. Bây giờ cô nhắm mắt cũng có thể biết vị trí và độ cong của vết sẹo ấy.

Cái cổ âm ấm, cô được hôn một cái, nghe thấy người kia thấp giọng nói: “Dính tóc vụn.”

Tưởng Tốn mỉm cười nói: “Anh nên cắt tóc rồi.”

Kết tóc, thật ra cũng chỉ là một chuyện như vậy mà thôi.

——————

Con đường vấy máu (Đồ lộ) vừa được xuất bản bên Trung với tên “Mặt trời không lặn ở phía Tây”, trong sách có 4 ngoại truyện nhé ^^