Đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường kết quả giải quyết bồi thường

Công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình – một năm nhìn lại 

Trong năm 2018, kết quả công tác bồi thường nhà nướctrên địa bàn tỉnhđạt được trên các mặt như sau:

Về công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật TNBTCNN, xác định Luật TNBTCNN là văn bản pháp luật quan trọng có liên quan đến hiệu quả và chất lượng hoạt động quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và chất lượng thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nên công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý; Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị, xuất bản Bản tin Tư pháp, in ấn tài liệu… trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN. Cụ thể, trong năm 2018,Sở Tư pháp đã tổ chức 65hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cấp phát 2.194 cuốn sách pháp luật; in ấn và phát hành 35.244cuốn tài liệu, Bản tin tư pháp; thực hiện 10 chuyên mục Pháp luật và Đời sống trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và 07 chuyên mục PBGDPL trên Báo Quảng Bình…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của Luật TNBTCNN cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước được nâng cao, các hoạt động của cơ quan chuyên môn cũng như của mỗi cán bộ công chức trong quá trình thi hành công vụ đã được thực hiện “cân nhắc hơn, cẩn thận hơn và nghiêm túc hơn”; việc giải quyết các công việc đã thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục do pháp luật quy định; đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính, phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác giải quyết bồi thường thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố luôn được chú trọng, đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2018. Theo đó, Sở Tư pháp đã tổ chức 01 lớp tập huấn về bồi thường nhà nước tại tỉnh cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước. UBND tỉnh cũng đã cử công chức ở các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tham dự Hội nghị tập huấn của Bộ Tư pháp về bồi thường trách nhiệm nhà nước tổ chức tại Quảng Bình.

Về công tác rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và giải quyết bồi thường nhà nước: Do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và nguồn phân bổ biên chế hàng năm còn hạn chế nên bố trí cán bộ kiêm nhiệm, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều bố trí công chức của bộ phận Thanh tra hoặc công chức văn phòng và công chức Phòng Tư pháp kiêm nhiệm làm công tác bồi thường. Hiện có 67 công chức kiêm nhiệm làm công tác bồi thường tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Cán bộ được phân công làm công tác bồi thường nhà nước đều có trình độ Đại học trở lên, có kinh nghiệm, thâm niên công tác và có phẩm chất, đạo đức tốt.

Về công tác thực hiện quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không có trường hợp cá nhân, tổ chức nào yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường nên việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cũng không phát sinh.Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước, Sở Tư pháp đã thực hiện theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường; cung cấp thông tin, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi có yêu cầu như triển khai theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo tình hình thực hiện Luật TNBTCNN của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra đã lồng ghép công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra hành chính, kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao để kịp thời nắm bắt tình hình hình triển khai và hướng dẫn thực hiện công tác bồi thường của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Về công tác phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước: Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường nên công tác phối hợp chỉ dừng lại ở một số hoạt động như báo cáo, thống kê, cung cấp thông tin cán bộ làm công tác bồi thường, tham gia góp ý dự thảo văn bản về trách nhiệm bồi thường của nhà nước; rà soát việc đề nghị bồi thường khi có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền.

Nhìn chung, công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và phong phú, đã phát huy được hiệu quả. Trên thực tế có thể khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Người bị thiệt hại sẽ có ý thức hơn trong việc thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mình khi yêu cầu bồi thường trong cả ba lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thực thi công vụ từng bước được nâng cao, tránh được nhiều sai sót, vi phạm khi thi hành công vụ, từ đó có thể khẳng định rằng Luật TNBTCNN đã dần từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, trong hoạt động công tác bồi thường nhà nước vẫn còn gặp một số vướng mắc, bất cập như: Công tác bồi thường nhà nước chưa có cán bộ chuyên trách; đa số cán bộ, công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước các cấp, các ngành ít được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, gặp không ít khó khăn trong công tác tham mưu; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp Luật TNBTCNN tuy được quan tâm bằng nhiều hình thức khác nhau phong phú và đạt hiệu quả nhất định, nhưng xét về yêu cầu vẫn còn một số hạn chế; công tác thống kê, báo cáo chưa được thường xuyên…

Do đó, trong thời gian tới, để công tác bồi thường nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn, thiết nghĩ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định rõ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan về thực hiện quản lý nhà nước trong công tác bồi thường; xây dựng đồng bộ hệ thống hóa pháp luật về bồi thường nhà nước nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập còn tồn tại; đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác giải quyết bồi thường; biên soạn các Sổ tay nghiệp vụ về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để cấp phát cho các đối tượng có liên quan ở địa phương; tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác bồi thường nhà nước.

Phương Nhung

Thứ Tư, 04/12/2013, 10:13 [GMT+7]

Ngày 3-12, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng”.
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực ngày 1-1-2010. Theo đó, Tố tụng là 1 trong 3 lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó bao gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Theo quy định của Luật, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng chủ yếu áp dụng đối với các ngành: Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân và Công an nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo tại Hội nghị, sau 3 năm triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước [2010- 2013], các cơ quan tố tụng đã thụ lý 100 vụ việc, trong đó đã giải quyết 86 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 8,3 tỷ đồng. Năm 2013, số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 42 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc với số tiền 1,89 tỷ đồng. Nhìn chung, trong các hoạt động tố tụng, những yêu cầu bồi thường chủ yếu phát sinh ở lĩnh vực tố tụng hình sự; số lượng vụ việc yêu cầu xử lý, bồi thường có chiều hướng gia tăng trong năm 2013. Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội nghị tập trung vào nội dung yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cụ thể trong ngành Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để khắc phục các bất cập hiện hành và hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.

Hội nghị cũng tập trung đánh giá những sai phạm, sai sót chủ yếu dẫn tới phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước; đánh giá thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong bối cảnh ngành Tòa án đang tiến hành rà soát lại tất cả các bản án hình sự có kiến nghị, có đơn kêu oan, có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có ý kiến của các đoàn thể, cơ quan báo chí, của các đại biểu Quốc hội… Nhiều ý kiến đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới.                                    

Lương Thủy

;

Video liên quan

Chủ Đề