Dây tỏi trồng bao lâu mới ra hoa

Có một loài hoa dây leo với vẻ đẹp dân dã, mộc mạc, có thể thu hút bất kỳ ai ngắm nhìn – hoa lan tỏi. Đây là loài hoa tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc lại còn có rất nhiều ý nghĩa và công dụng đặc biệt. Tuy nhiên, để nuôi trồng loài hoa này tốt, cần phải có những kiến thức cơ bản. Ở bài viết này, cùng iuHoa tìm hiểu nhé!

Hoa lan tỏi

Tên gọi, nguồn gốc của hoa lan tỏi

Cây lan tỏi, hay còn có nhiều tên gọi khác như: hoa ánh hồng, hoa thiên lý tỏi, hoa bâng khuâng,… có tên khoa học là Pachyptera hymenaea, tên tiếng anh là Garlic Vine, Ajo Sacha, Wild Garlic hay Amethyst Vine, là loài thực vật thuộc họ Bignoniaceae [Núc nác], có nguồn gốc ở Nam Mỹ, được phát hiện chủ yếu ở các quốc gia từ Mexico đến Brazil.

Đặc điểm của loài hoa dây leo lan tỏi

Cây hoa lan tỏi thuộc loại cây leo dựa, dạng bụi, là loài thực vật sống lâu năm, có chiều cao trung bình khoảng 2 – 5m.

Thân cây lan tỏi hóa gỗ khi trưởng thành. Cây có nhiều cành, nhánh. Khi phát triển, cây ra nhiều cành non. Cành cây lan tỏi vươn được rất dài, có các tua cuốn để leo. Vì là loài hoa dây leo nên tán cây lan tỏi khá nhỏ, có chiều rộng trung bình từ 10 – 15 cm.

Hoa lan tỏi có dạng hình chuông, đầu hoa chia thành 5 cánh nhỏ. Hoa có màu hồng pha tím nhạt, tỏa mùi hương tỏi nhưng không quá nồng. Cánh hoa mềm mỏng, có độ bóng nhẹ. 

Hoa mọc thành chùm, mỗi chùm lên tới 10 – 20 bông. 

Chùm hoa lan tỏi

Hoa lan tỏi nở rất sai, mọc ở nách lá, tạo thành nhiều tầng lớp với gam tím hồng rực rỡ rất đẹp. Hoa lan tỏi thường nở rộ sau những đợt mưa to vào mùa hè. Tuy đẹp là vậy, rực rỡ là vậy, nhưng hoa lan tỏi lại hơi dễ rụng và dập nát. 

Mặc dù hoa nhiều nhưng chúng ta ít thấy quả lan tỏi.

Lá hoa lan tỏi có hình dáng thuôn dài, màu xanh lục, nền lá bóng, dầy cứng, mép nguyên, có vân hiện rõ trên mặt lá. Các lá chét cuối cùng của cây thường được biến đổi thành tua giúp dây lan tỏi bám vào các vật hỗ trợ khi leo lên. Vò nát lá sẽ có hương nồng của tỏi. Lan tỏi không chịu được rét nên lá thường rụng vào mùa đông.

Hình ảnh hoa lan tỏi qua các giai đoạn

Ý nghĩa của loài hoa dây leo lan tỏi

Màu tím của hoa lan tỏi tượng trưng cho sự thủy chung, bền chặt trong tình yêu và cuộc sống. Ngoài ra đây còn là biểu tượng cho sự lãng mạn trong tình yêu. Hơn nữa, người ta tin rằng hoa mọc thành từng chùm tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. 

Hoa lan tỏi được trồng trong gia đình với hy vọng đón may mắn, tài lộc vào nhà, giúp gia chủ trong việc làm ăn, kinh doanh.

Nhờ có mùi giống mùi tỏi nên nhiều quốc gia cho rằng loài hoa này có thể hóa giải vận đen, xua đuổi tà ma. Họ dùng lan tỏi vừa để trưng bày vừa để trang trí, đồng thời đẩy lùi những yếu tố xấu như bệnh tật, những điều không may.

Cụ thể, nhiều bộ tộc vùng Amazon coi cây lan tỏi được là cây mang lại may mắn và xua đuổi tà ma. Họ thường sẽ trồng cây lan tỏi quanh nhà hoặc trồng trước cửa. Ngoài ra họ còn mang hoa theo người trong những chuyến đi săn để hóa giải vận xui.

Hoa lan tỏi rất được trồng ở cổng nhà mang nhiều ý nghĩa

Công dụng của hoa lan tỏi

Được ưa chuộng trong trang trí, làm cảnh

Với màu sắc hoa nhẹ nhàng cùng nhiều ý nghĩa đặc biệt, hoa lan tỏi rất được ưa chuộng trong việc trồng làm cây cảnh trang trí nơi sân vườn, với đặc điểm dễ uốn nắn, lan tỏi thường được trồng làm hoa dây leo ở công viên, hàng rào, vòm cổng để tăng cảnh quan cũng như đón may mắn vào nhà.

Trong nhiều trường hợp, người ta thường trồng kết hợp lan tỏi với các loại cây dây leo khác, để tạo thêm màu sắc và gia tăng sự bắt mắt cho ngôi nhà.

Hoa lan tỏi được ưa chuộng trồng ở tường nhà

Hoa lan tỏi có công dụng đuổi rắn

Công dụng đặc biệt của hoa lan tỏi chính là xua đuổi rắn. Chính mùi hương tỏi nồng nàn phát ra khiến cho loài rắn tránh xa loại cây này. Chính vì thế nhiều nhà trồng cây này ở các bờ rào để xua đuổi rắn cũng như côn trùng nguy hiểm khác ra khỏi khu vực nhà ở.

Tác dụng chữa bệnh

Các bộ phận của cây hoa lan tỏi có tính bình, vị ngọt, thường được sử dụng để chiết xuất ra thuốc an thần, bổ thận, giải nhiệt, giảm đau, chống thấp khớp và chống viêm nhiễm. Ngoài ra, lá của cây được sử dụng để chữa ho, cảm cúm, cảm lạnh và viêm phổi. Đây cũng là một trong những công dụng nổi bật của cây tỏi ta thường gặp.

Phương pháp trồng và chăm sóc cây hoa lan tỏi

Phương pháp trồng cây hoa lan tỏi

Chuẩn bị 

Nếu trồng chậu, bạn có thể mua chậu theo ý thích hoặc tận dụng những dụng cụ bỏ đi như bao xi măng, chậu, thùng xốp, đối với phương pháp trồng trong chậu như thế này, cần đục lỗ để cây dễ dàng thoát nước. Nhưng thông thường, người ta trồng cây lan tỏi ở những vùng đất trống nơi sân vườn, tường rào.

Cây lan tỏi dễ sống trong nhiều môi trường, nhiều loại đất khác nhau. Nhưng muốn cây nhanh phát triển và cho nhiều hoa thì nên chọn môi trường đất màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.

Môi trường đất trồng hoa lan tỏi

Trồng hoa

Trồng cây lan tỏi nhìn chung khá đơn giản, bạn chỉ cần cắt một đoạn thân cây có từ 3 mắt ngủ trở lên. Tốt nhất hãy lựa chọn những đoạn bánh tẻ ở gần phần gốc là dễ sống nhất. Nên chọn những cành cây dài từ 10 – 15cm, không bị già quá cũng không được non quá.

Lựa chọn nơi đất ẩm nhưng có đầy đủ ánh sáng. Đào một hố nhỏ sâu khoảng 10cm và chiều ngang dài bằng đoạn cây giống và trộn đất với phân hữu cơ lại với nhau sau đó đem đoạn cây đã cắt trồng vào hố đã đào sẵn rồi lấp đất lại.

Trong khoảng 10 đến 15 ngày là cây đã bắt đầu mọc rễ và nảy mầm. Khi nảy mầm bạn cần làm rào chắn để tránh sâu bọ hoặc động vật làm gãy. Ở giai đoạn này cần chú ý thường xuyên tưới nước, che nắng và chăm sóc thật tốt. Sau khi cây lên khoảng 15cm thì trang bị giàn leo cho cây.

Sau khi cây mọc lên ổn định bạn nhổ và đem đi trồng nơi có đất tốt, nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể cải tạo đất bằng cách xới tơi và bỏ một ít phân đạm + phân bò + hữu cơ trộn lẫn với nhau thành nơi màu mỡ và lý tưởng để cho cây hoa lan tỏi phát triển. Nếu trồng những nơi khô cằn thiếu dinh dưỡng cây sẽ héo úa, nếu có hoa thì sẽ nhanh rụng hơn.

Video hướng dẫn trồng dây leo lan tỏi – kênh saigonhoa

Video tham khảo cách nhân giống hoa lan tỏi bằng cách giâm cành – kênh Khuyên nguyễn

Cách chăm sóc cây hoa lan tỏi

Khi trồng cây phải chọn nơi thông thoáng và thoát nước tốt cũng như đủ ánh sáng tạo điều kiện phù hợp nhất tốt nhất để chúng sinh trưởng nhanh hơn.

Vào mùa khô, nên tưới nước cho cây từ 2-3 ngày/lần, vào mùa mưa thì không cần cung cấp thêm nước cho cây.

Bón phân định kỳ hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng/lần cho cây, nên tăng cường bón phân, chất dinh dưỡng cho cây sau mỗi đợt cắt tỉa để cây có thể phát triển tốt nhất. Những loại phân có thể dùng như phân hữu cơ, phân chuồng, phân NPK.

Nếu trường hợp trồng bằng chậu hãy tiến hành đổi chậu trồng hoa tỏi tùy theo kích thước cây ở mỗi giai đoạn, trung bình khoảng 2 – 3 năm. Nên lựa chọn thời điểm thích hợp như vào mùa xuân khí hậu ấm áp. Sau đó bón thêm phân giúp cây phát triển ổn định. Vào mùa mưa kéo dài nên chuyển cây vào dưới mái hiên hoặc trên ban công, đồng thời giảm tưới nước và đặt cây ở nơi thoáng gió.

Vào mùa đông, cây rơi vào trạng thái ngủ đông cho nên những cành cây mềm hơn và bị rụng lá nhiều nên thời gian này cần chăm sóc nhiều hơn. 

Công việc cắt tỉa cho cây cũng khá quan trọng. Nhưng trong giai đoạn ra hoa, cây có mức độ sinh trưởng giảm, vì thế bạn không nên cắt tỉa cây quá nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự đâm chồi mới và ra hoa của cây. Do đó chỉ cắt tỉa cây khi có sâu bệnh.

Video hướng dẫn cách chăm sóc cây lan tỏi – kênh Tố Trinh Terrasse Garden

Một số hình ảnh đẹp của hoa lan tỏi

Video liên quan

Chủ Đề