Đền Cờn gắn với nhân vật hoặc câu chuyện nào

Biên phòng - Có một ngôi đền của người Việt ở Hoàng Mai lại thờ thần Nam Tống nhưng có công to lớn với dân làng. Đó là đền Cờn, điểm đến tâm linh của người dân xa gần với vẻ đẹp của sự linh thiêng và những câu chuyện ly kỳ đậm màu sắc liêu trai được truyền miệng trong dân gian.

Cảnh đẹp bình yên, trầm tĩnh của đền Cờn. Ảnh: Nguyên Bảo

Những câu chuyện nhuốm đẫm màu sắc liêu trai

Đền Cờn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An từ xưa tới nay được biết đến là một trong những nét văn hóa tâm linh quan trọng của người dân làng Kẻ Càn [nay là làng Phương Cần] nói riêng và người dân Nghệ An nói chung. Đền Cờn lúc nào cũng tấp nập kẻ ra, người vào, xe giăng kín cổng, khói hương nghi ngút. “Ai thành tâm, có việc xin cầu thì về đền Cờn nhất định các ngài thương. Còn những ai to gan mạo phạm thì sẽ nhận lấy những kết cục bi thảm”, đó là lời nhận xét của bà Nguyễn Thị Mùi [67 tuổi] - người sinh ra và gắn bó với sự phát triển của di tích đền Cờn.

Đền Cờn được chia thành đền Cờn trong và đền Cờn ngoài, hợp thành một thể thống nhất “hai trong một”. Tuy nhiên, một đền nằm trong đất liền, còn một đền nằm ngoài cửa biển. Đền Cờn trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng sông Mai Giang thơ mộng, sau đền có hai đồi nhỏ nhô lên như cánh phượng, tọa lạc ở vị trí phong thủy hiếm có “đầu tựa sơn, chân đạp thủy” thờ Tứ vị thánh nương Nam Hải đại càn quốc gia. Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km đi sâu vào trong làng, án ngự trên dãy núi Thằn Lằn, mé cửa biển lạch Cờn.

Nhắc đến đền Cờn, các cao nhân trong làng vẫn thường ngồi kể lại cho hậu bối nghe những câu chuyện ly kỳ, huyền bí. Trước đây, trong làng có người đàn ông tên là T.M, vì bản tính ngông nghênh nên ông M không bao giờ tin chuyện linh thiêng ở đền Cờn là có thật. Cho đến một lần, khi vào đền vãn cảnh, ông lấy tay vuốt mặt các vị thần với thái độ cợt nhả và trêu đùa. Bước ra khỏi cửa đền, ông M cảm giác người mệt mỏi, yếu ớt. Những ngày sau đó, ông bỏ ăn uống, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn. Sau đó, chính bản thân ông M phải đích thân ra xin cầu thành khẩn nên các vị thánh đền Cờn “tha” cho.

Người dân nơi đây bao đời nay làm nghề chài lưới nên mỗi lần ra khơi đều lặng lẽ đến đền Cờn cầu xin được đi biển thuận lợi, trời yên biển lặng, mong các ngài che chở bình an trở về với tôm, cá đầy khoang.

Bà Nguyễn Thị Mùi [bên trái] say sưa kể cho phóng viên nghe những câu chuyện huyền bí về đền Cờn. Ảnh: Nguyên Bảo

Khúc gỗ “thần” có hồn người

Ngay những tấm gỗ, cột đình nghìn tuổi ở đền Cờn cũng có nhiều huyền thoại. Cách đây rất lâu, chẳng ai nhớ là năm nào, vì những người cao niên trong làng cũng chỉ được nghe kể lại mà thôi, năm đó lũ lụt rất to, sau khi nước rút, một khúc gỗ trầm hương mắc kẹt vào bến đò cũ nên người dân làng Kẻ Càn vớt vào bờ. Lạ lùng thay, ai chạm vào khúc gỗ cũng bị chảy máu nên mọi người đều tỏ ra sợ hãi.

Một người già trong làng vốn có kinh nghiệm cho rằng có điều kỳ lạ và lập đàn cầu khấn: “Là khúc gỗ độc thì sẽ thả trôi sông, còn nếu là thần hiển linh thì đừng gây chảy máu cho người dân nữa mà hãy nằm yên để chúng con đưa về thờ cúng”. Dứt lời, khúc gỗ nằm yên, mọi người lấy tay chạm vào đều không sao! Cho đến nay, khúc gỗ thần ngày ấy đã được chế tạo thành cột trong đền Cờn. Trải qua thử thách của thời gian, bao mưa bom, bão đạn của chiến tranh, những cột đền ấy vẫn không hề suy chuyển. Người dân ở đây một mực tin rằng, do xác của 4 mẹ con Thái hậu nhập vào khúc gỗ trầm hương nên mới hiển linh kỳ lạ như vậy. Bà Mùi kể lại rằng: “Thời kháng chiến, quân Pháp và Mỹ bắn rất nhiều bom đạn vào làng. Đường sá, nhà cửa, ruộng đồng bị tàn phá tiêu điều nhưng không có một quả bom nào bỏ trúng ngôi đền mà rơi hết xuống sông Mai Giang nên đền Cờn mới được vẹn toàn như ngày hôm nay”.

Tương truyền Tứ vị thánh nương đền Cờn rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trong đền, kể cả một lá cây hay một cành gỗ, sẽ phải nhận lấy những kết cục đáng buồn, phải đem trả lại mới yên. Cụ Phan Văn Hoa [72 tuổi, ở khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An] kể lại rằng, ngày xưa ở làng, có hai cô giáo tiểu học vì thiếu thước kẻ để dạy học sinh nên vào đền Cờn để rút mấy thanh gỗ về làm thước. Về nhà, đang khỏe mạnh bình thường thì một cô bỗng dưng tóc tai rụng hết, đầu trơ chỉ còn sọ. Tưởng cô giáo bị bệnh gì, người nhà đưa đi chạy chữa, nhưng các bệnh viện đều không phát hiện ra căn bệnh. Lạ lùng thay, cô giáo đi cùng cũng có biểu hiện tương tự. Biết là mình đã “phạm thượng” với các ngài nên khi nghe cao nhân trong làng mách, hai cô đã chuẩn bị lễ vật đến trước cửa đền quỳ gối xin tạ tội. Không lâu sau đó thì tóc hai cô mọc lại và sức khỏe ổn định. n

Trong sử sách ghi, đền Cờn thờ “Tứ vị thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia” đã có lịch sử gần 1.000 năm, nhưng có ý kiến lại cho rằng, thờ Mẫu là cái hồn cốt của đền Cờn, bên cạnh đó, xưa nữa là thờ thần hạt lúa, thần sông, thần biển gắn với cả ước mong phồn thực trong mùa màng làm ăn và chài lưới. Theo thông lệ, cứ ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Phương Cần cùng du khách thập phương lại mang lễ vật về đây để tưởng nhớ công đức của các vị thánh nương, thánh mẫu và tham gia lễ hội.

Nguyên Bảo

Hàng năm, lễ hội đền Cờn lại được tổ chức trong thể với nhiều hoạt động mang nét tâm linh được diễn ra. Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Đền Cờn nhìn từ trên cao

Tứ vị Thánh nương được thờ tại đền Cờn là ba mẹ con công chúa nước Nam Tống gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương, và bà nhũ mẫu [Truyền thuyết kể lại rằng: Khoảng năm 1229, quân Nguyên – Mông từng bước thôn tính nhà Nam Tống ở Trung Quốc, đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Tả Thừa tướng Lục Tú Phu mang theo vua Đế Bính [8 tuổi] cùng gia quyến và binh sỹ đi chạy loạn ngoài biển. Do gặp sóng to gió lớ, thuyền chở vua tôi Nam Tống bị chìm ngoài biền Đông. Thi thể 3 mẹ con công chúa trôi dạt vào cửa Càn.

Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối mặc xiêm y quý tộc, da dẻ hồng hào, trên người phảng mùi thơm như lan, như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất tử tế và lập miếu thờ. Mỗi khi ra khơi, đến cầu khấn đều thấy linh nghiệm. Từ đó, người dân đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay Phương Cần.

Cũng có một số truyền thuyết khác nói rằng, Tứ vị Thánh nương gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Quách Thị hoàng hậu, cùng hai công chúa Nguyệt Khiêu, Nguyệt Hương, lại có tích khác cho rằng, Tứ vị Thánh nương là Thái hậu và 3 công chúa. Tuy mỗi câu chuyện có những tình tiết khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là nguồn gốc để hình thành nên giá trị tâm linh độc đáo nơi đây.

Tượng Tứ vị Thánh nương được thờ phụng tại đền Cờn

Cũng chính vì sự linh thiêng của ngôi đền này mà hằng năm, đông đảo du khách thập phương đều đổ về đây, để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Lễ hội Đền Cờn hằng năm thường gồm hai phần chính: Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; Phần hội gồm triển lãm ảnh, hội thi tiếng chim hót chào xuân, các môn thể thao như đẩy gậy, bóng chuyền, những trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như đua thuyền, đánh cơ thẻ….

Đông đảo du khách đến tham dự lễ hội đền Cờn

Trong đền, các hoạt động văn hóa tâm linh cũng được diễn ra, thu hút đông đảo du khách.

Kiệu rước bài vị của Tứ vị Thánh nương được khiêng từ bên ngoài vào trong đền.
Chính bởi sự linh thiêng của Tứ vị Thánh nương, nên khi kiệu rước được đưa vào, đông đảo người dân đứng xung quanh bài vị để cầu nguyện.

Trải qua nhiều thời gian, tục thờ Tứ vị Thánh nương đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân làn Cờn nói riêng, những người buôn bán , đánh bắt trên sông nước nói chung. Đây là một địa điềm du lịch văn hóa tâm linh quan trọng thu hút đông đảo người dân xứ Nghệ và du khách thập phương hằng năm. Đó là lý do vì sao đền Cờn lại đứng đầu trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất Nghệ An.

Đình Sơn

Nẻo về nguồn cội

Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng bởi văn hóa của nhiều tộc người với nhiều sắc thái, đa dạng nhưng hòa nhập vào dòng chảy văn hóa chung. Tục thờ thần gắn với các ngôi đền đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Đền, nơi in dấu của lịch sử, của thời gian, phản ánh lịch sử huyền thoại liên quan. Đó là nơi giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh, đưa con người trở về quá khứ, cũng là nơi con người gửi gắm những ước vọng tâm linh về cuộc sồng tốt đẹp hơn. 

Đắm mình trong dòng chảy văn hóa, Đền Cờn uy nghi nghiêng mình cùng lịch sử ngót nghìn năm.

Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Đền thờ tứ vị thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu… Đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.

Ẩn sau lớp sương giăng mắc, đền Cờn [phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, Nghệ An] dần tỏ rõ dưới cái nắng yếu ớt của những ngày đông. Ảnh: Nguyễn Diệu

Truyền thuyết về các bà, ngoài sự lưu truyền, thêu dệt trong dân gian ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng... còn được các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Ô châu cận lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Hải Nam linh dự tập, Thần Người và đất Việt, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí Quỳnh Lưu, v.v... ghi lại với ít nhiều sai biệt về tình tiết.

Thực tế, Tứ vị Thánh Nương không chỉ được thờ ở đền Cờn [Quỳnh Phương], mà trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu [trước đây] còn có nhiều làng thờ Tứ vị Thánh Nương. Ở các huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc… [Nghệ An] hoặc các địa phương khác: Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ… cũng có nhiều làng lập đền thờ Tứ vị Thánh Nương. 

Cửa Cờn, lâu dần phát triển rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Vậy, Tứ vị Thánh Nương là ai?

Theo luận văn Thạc sĩ Lịch sử và Văn hóa đền Cờn của Hoàng Thị Bích Hiền, chương 47 của bộ Tống sử, bộ sử được biên soạn dưới thời Nguyên, gồm 496 tập, được biên soạn từ năm 1343 đến 1345 do Trần Quỳnh Hương dịch đã chép về chung cục nhà Tống như sau: “Thừa tướng Lục Tú Phu,… ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế còn nhỏ tuổi nhảy xuống biển tự tử. Dương Thái Hậu biết tin con trai đã chết, bèn than khóc rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục nhà Triệu, hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư?”.

Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử theo con trai. Trương Thế Kiệt và hoàng thất Nam Tống Triệu Nhược Hòa phiêu dạt trên biển, không ngờ gặp sóng thần nên cũng bị dìm chết. Hôm sau, trên biển nổi lên 100 nghìn thi thể. Vị hoàng đế cuối cùng cùa nhà Nam Tống đã chết, cuối cùng triều Tống cũng bị tiêu diệt. Sau khi Triệu Bính chết, xác nổi trên mặt biển. Ngư dân trông thấy một xác chết trẻ con, người mặc long bào, chân đi tất đen, đi hài, đầu đội vương miện, cờn có ấn vua. Dưới chân sặc mùi chất hôi. Mọi người nhận ra xác chết đó là Triệu Bính, bèn đưa về mai táng ở làng Tống Thiếu Đế [làng Xích Loan, Triều Châu ngày nay]”.

Đền thờ tứ vị thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên cũng chép về sự thất thủ của nhà Nam Tống: “Thiên Bảo năm thứ nhất, 1279. Người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, tả thừa tướng của nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó.”

Sách “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa, Hà Nội, trang 39, tập II có đoạn viết: “Quân Mông Cổ vào được Lâm An, bắt được Cung Đế, Thái hậu và mấy ngàn người đưa lên phương Bắc [1276]. Bọn di thần là Lục Tú Phu [tể tướng], Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tống lên ngôi, đưa xuống Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc thúc nghĩa quân chống Mông Cổ, nhưng mấy lần đều thua.

Năm 1277, Trương Thế Kiệt dắt Đoan Tống xuống Quảng Đông, năm sau Đoan Tống chết ở Can Châu [Quảng Đông]. Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại lập em là Quảng Vương [Triệu Bính] lên thay đưa ra đảo Nhai Sơn [Quảng Đông]. Mông Cổ bắt được Văn Thiên Tường, tiến đánh Nhai Sơn. Không thể chống cự được nữa, Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua nhảy xuống theo… Văn Thiên Tường bị bắt đưa về Yên Kinh, Trương Thế Kiệt vẫn chưa tuyệt vọng, đi đường biển qua Việt Nam mưu sự khôi phục, nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết”. 

Những điều trên đã lý giải vì sao đền Cờn Ngoài thờ Đế Bính, Lục Tú Phu, Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt

Sách “Việt điện u linh” do Lý Tế Xuyên biên soạn vào đầu thế kỷ XIV kể lại: “Phu nhân họ Triệu, là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út”.

“Tứ Vị Thánh Nương” đã được các triều đại phong kiến Đại Việt ban tặng nhiều tước hiệu: “Đại Càn Thánh Nương”, “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải”, “Đại Càn Thánh Mẫu”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong năm Thiệu Bảo thứ nhất [1279], đời Trần Nhân Tông, bên Trung Quốc Trường Hoằng Phạm đem quân đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống tan vỡ, quan Tả thừa tướng là Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính nhảy xuống bể, tướng sỹ nhà Tống chết dưới bể có hơn 10 vạn người. Ba mẹ con phu nhân ôm lấy cột buồm của một chiếc thuyền trôi dạt đến một ngôi chùa bên bờ bể. Sư chùa thương, bèn cho mẹ con vào ở chùa và nuôi cho ăn. Được mấy tháng, mẹ con khi đã lại sức, trở nên béo tốt, vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đẹp.

Sư động lòng muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt. Sư xấu hổ quá gieo mình xuống bể chết. Mẹ con phu nhân khóc rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nở yên tâm”. Rồi ba mẹ con cùng nhảy ra biển mà chết, xác trôi đến cửa Càn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu nước ta, vẻ mặt tươi như lúc còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên an táng thấy rất hiển linh, mới lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng thiêng”. 

Sách “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch [1758-1828] nguyên văn chữ Hán, Bùi Văn Chất dịch viết về Tứ vị Thánh Nương như sau: “Thánh Nương sinh thời là hoàng hậu, là đấng thân minh. Khi chết là vị thánh anh minh, vị thần phúc đức, từ xưa tới nay, trong cõi vũ trụ này chưa có vị thần nào thịnh bằng Tứ vị Thánh Nương. Này xem, các cửa biển ở Hải Dương, Yên Bang, Nghệ An, Thanh Hóa đều lập đền thờ phụng… Há chẳng là đức của thánh rất thịnh đó sao? 

Kẻ ngu muội này thời trẻ đi học đã nghe được tục truyền rằng: “Tứ vị Thánh Nương là bốn vị trong cung triều Tống dong thuyền ra biển để tránh quân Nguyên, gặp gió bão trôi dạt đến cửa Cờn, chết ở đó. Sau khi chết đã hóa thành thần Nam Hải. Phàm những ai qua lại trên biển, nếu khẩn cầu đều được linh ứng”.

Như vậy, “Thanh Chương huyện chí” nói về Tứ vị Thánh Nương cũng không khác so với “Tống sử” hay “Đại Việt sử ký toàn thư”. 

Trải qua thời gian, “Tứ Vị Thánh Nương” đã được các triều đại phong kiến Đại Việt ban tặng nhiều tước hiệu: “Đại Càn Thánh Nương”, “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải”, “Đại Càn Thánh Mẫu”, thậm chí, nhà Nguyễn đã phong tặng các bà rất nhiều mỹ tự: “Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng đẳng thần”.

Còn tiếp…

Video liên quan

Chủ Đề