Giá trị nội dung tư tưởng của các tác phẩm văn học hiện thực trước Nam 1945 là gì

BỐI CẢNH LỊCH SỬ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NĂM 1945

Từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 là giai đoạn rối ren của xã hội Việt Nam. Biết bao biến cố xảy ra trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.

- Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đầu thế kỉ XX, chúng tiến hành khai thác thuộc địa, từ đó dẫn đến nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam, nhiều giai cấp mới ra đời.

- Sự ra đời của Ðảng cộng sản đã tạo ra một bước ngoặt quyết định cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Chính quyền cách mạng được thành lập, bước đầu thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Đây cũng là thời kì mà phong trào cách mạng lên cao hơn bao giờ hết.

- Các thế lực thống trị thực dân – phong kiến – tư sản mâu thuẫn nhau.

- Kinh tế của nước ta trong giai đoạn này rơi vào tình trạng kiệt quệ bởi chế độ sưu thuế, bắt phu bắt lính của thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Khắp nơi nạn đói hoành hành, người chết hàng loạt, nặng nề và khủng khiếp nhất là nạn đói mùa xuân năm 1945 – hơn hai triệu đồng bào chết đói.

- Thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân khiến cho số người mù chữ trong nước lên đến 90%.

- Văn hóa phương Tây ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn hóa nước nhà về lối sống, lối suy nghĩ, tâm hồn và ý thức về cái tôi cá nhân, thoát dần khỏi những giáo lí phong kiến.

NỘI DUNG THƠ CA GIAI ĐOẠN TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NĂM 1945

1. Khái quát đặc điểm văn học giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

Văn học giai đoạn này hình thành 2 bộ phận và phân hóa thành nhiều xu hướng với các tác phẩm tiêu biểu:

- Bộ phận văn học công khai [văn học hợp pháp]. Đây là bộ phận văn học tồn tại trong vòng luật pháp của của chính quyền thực dân phong kiến. Những tác phẩm này có tính dân tộc và tư tưởng lành mạnh nhưng không có ý thức cách mạng và tinh thần chống đối trực tiếp với chính quyền thực dân. Bộ phận văn học này phân hóa làm nhiều xu hướng, trong đó nổi lên 2 xu hướng chính:

          + Xu hướng văn học lãng mạn: Muốn làm thằng Cuội [Tản Đà], Nhớ rừng [Thế Lữ], Ông đồ [Vũ Đình Liên], Quê hương [Tế Hanh]…

          + Xu hướng văn học hiện thực.

- Bộ phận văn học không công khai [văn học bất hợp pháp] là bộ phận văn học bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, phải lưu hành bí mật, bao gồm thơ văn cách mạng, tiêu biểu nhất là thơ văn sáng tác trong tù với các tác phẩm như: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác [Phan Bội Châu], Đập đá ở Côn Lôn [Phan Châu Trinh], Khi con tu hú [Tố Hữu], Tức cảnh Pác Bó [Hồ Chí Minh], Ngắm trăng [Hồ Chí Minh]…

2. Vẻ đẹp nội dung của thơ ca giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

2.1. Cảm hứng yêu nước là cảm hứng bao trùm lên toàn bộ các tác phẩm, được thể hiện đa dạng và phong phú.

- Yêu thiên nhiên, đất nước, cảnh sắc, con người quê hương:

          + Vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp con người trong lao động hiện lên qua nỗi thương nhớ bình dị mà hồn hậu, chân thực của Tế Hanh – tác giả sống nơi xa quê. Đó là những sinh hoạt thường nhật vô cùng độc đáo của những người làng chài ven biển miền Trung trong bài thơ Quê hương.

          + Sự hòa hợp với thiên nhiên, cảnh vật, vui thú với rừng núi, suối khe, tìm thấy trong chốn lâm tuyền một cuộc sống thanh cao của Bác trong Tức cảnh Pác Bó.

          + Yêu trăng, coi trăng là bầu bạn và thưởng trăng mặc chốn lao tù tăm tối trong Ngắm trăng của Hồ Chí Minh.

- Yêu truyền thống văn hóa dân tộc: Sự nuối tiếc về một văn hóa cổ truyền đã dần mất đi trong bài thơ Ông đồ bởi sự đổi thay của thời thế, sự thay đổi của quan niệm và thị hiếu của mọi người.

- Tâm trạng phẫn uất của việc mất tự do và khát vọng tự do:

          + Lòng khao khát tự do mãnh liệt và nỗi chán ghét cuộc sống tù túng, giả dối của các thi nhân giai đoạn 1930 – 1945 qua hình tượng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng [Thế Lữ]. Đó cũng là tâm trạng chung của người dân Việt Nam mất nước khi ấy: đau khổ vì thân phận nô lệ tù hãm nhục nhằn, chán ghét cuộc sống tù túng, luồn cúi; khao khát được độc lộc, tự do, tiếc nhớ khôn nguôi về “thời oanh liệt” đầy những chiến công chống giặc ngoại xâm lừng lẫy đầy tự hào của dân tộc trong lịch sử.

          + Tiếng lòng của nỗi mong mỏi được trở về với cuộc sống tự do tự tại trong những vần thơ của những người tù [Khi con tu hú, Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Đập đá ở Côn Lôn]. Đó là sự nung nấu thêm niềm uất hận trong lòng và ý chí hành động muốn bật tung lồng để trở về với mùa hè quê hương, với tiếng chim tu hú của quê hương bởi người tù ấy là một chàng trai trẻ, tha thiết yêu đời, vừa mới giác ngộ lí tưởng của Đảng, say mê hoạt động cách mạng của người tù trong Khi con tu hú. Đó còn là sự ôm ấp hoài bão cứu nước cứu dân cao đẹp của người tù trong Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác Đập đá ở Côn Lôn.

          + Tâm trạng phẫn uất trước tội ác của giặc và niềm xót thương vô hạn trước cảnh nước mất nhà tan qua lời của người cha Nguyễn Phi Khanh nói với người con trai là Nguyễn Trãi tại ải Nam Quan.

2.2. Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình

2.2.1. Vẻ đẹp của người thi sĩ - chiến sĩ cách mạng

- Những người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong tù ngục đều mang một khát vọng được tự do. Đó là sự thôi thúc được trở về với cuộc sống tự do, muốn “đạp tung phòng” khi nghe tiếng chim tu hú của người tù trong Khi con tu hú.

- Ý chí, nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh, để bền gan kiên cường chiến đấu:

            + Sự bình tĩnh, tự chủ trong lúc nguy nan nhất khi ý thức được con đường cứu nước mà mình dấn thân vào là một con đường dài nhiều chông gai, cần nhiều quyết chí để hành động của người tù trong Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

            + Sự chịu đựng mãnh liệt cả thể xác lẫn tinh thần của người tù trước thử thách, nguy nan. Làm công việc nặng nhọc lao động đập đá nhưng người tù vẫn hiện lên là một đấng nam nhi với tầm vóc anh hùng, đứng giữa trời đất sẵn sàng làm nên những điều phi thường trong Đập đá ở Côn Lôn.

- Tâm hồn lạc quan:

            + Coi nhà tù chỉ là nơi tạm nghỉ, chống nghỉ chân của kẻ chạy đường trường khi mỏi chân của người tù trong Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

            + Tiếng cười của một con người yêu nước làm tan mọi oán thù, có thể chiến thắng mọi thử thách trên đường cách mạng trong Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

            + Tâm thế yêu đời, ung dung, thoải mái tự do tự tại của Bác trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ khó khăn nơi Pác Bó và trong song sắt của nhà tù Tưởng Giới Thạch.

=> Xuyên suốt các tác phẩm thơ về đề tài cách mạng, vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng luôn gắn liền với vẻ đẹp của thi sĩ bởi chính thơ ca đã trở thành điểm tựa cho những người tù vượt lên trên sự khắc khổ, gian lao của của chốn lao tù kia, hun đúc thêm ý chí và nghị lực để họ vững tin vào công cuộc cách mạng của dân tộc.

2.2.2. Vẻ đẹp của nhà thơ mới [trí thức tiểu tư sản]

- Mang một nỗi buồn mất nước:

          + Nỗi u uất, căm hờn, đau xót, bất mãn, lực bất tòng tâm của những thi nhân giai đoạn 1930-1945 cũng như người dân Việt Nam nói chung vì thân phận nô lệ tù hãm nhục nhằn, chán ghét cuộc sống tù túng, luồn cúi. [Qua hình tượng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng]

          + Nỗi buồn và tiếc nhớ khôn nguôi về “thời oanh liệt” đã qua: thời kì độc lập đầy tự hào với những chiến công chống giặc ngoại xâm lừng lẫy của dân tộc trong lịch sử [Nhớ rừng]

- Khao khát được trở về với quá khứ vàng son:

          + Khao khát được thỏa chí vẫy vùng, trở lại cuộc sống ngày xưa – những ngày tháng tươi đẹp thông qua hình tượng con hổ trong Nhớ rừng.

          + Khao khát được trở lại thời kì vàng son của chế độ phong kiến nước nhà. [Ông đồ]

- Khẳng định cái “tôi” cá nhân:

          + Đại từ xưng hô “ta” trong Nhớ rừng cho thấy tầm vóc cao cả, oai phong lẫm liệt, khao khát được là chính mình.

          + Đại từ xưng hô “tôi” trong Quê hương khẳng định hồn thơ với những xúc cảm và nỗi nhớ thương quê hương trong trẻo, thiết tha, thành thực của Tế Hanh.

- Tình yêu thiên nhiên, con người, văn hóa xứ sở:

            + Tình yêu thiên nhiên và con người lao động Việt Nam qua những vần thơ miêu tả sinh động về vùng biển và con người vùng biển miền Trung trong bài thơ Quê hương.

            + Tình yêu văn hóa cổ truyền của dân tộc [văn hóa cho chữ nho, câu đối đầu năm] trong bài thơ Ông đồ.

=> Mỗi một cây bút thơ mới đều mang trong mình một nhận thức riêng với cách thể hiện riêng. Trong bối cảnh đất nước bị xâm chiếm, những nhà thơ mới gửi vào những trang thơ của mình những tâm tư, tình cảm, nỗi sầu nhân thế, thể hiện một cách kín đáo lòng yêu nước và khát khao độc lập dân tộc.

2. Vẻ đẹp nghệ thuật của thơ ca giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

2.1. Sự đóng góp của thơ mới trong quá trình hiện đại hóa văn học

Có thể thấy, các tác phẩm thơ thuộc hai giai đoạn văn học cũng là hai chặng đường thơ Việt Nam thời kì đầu thế kỉ XX đến năm 1945. Các tác phẩm thơ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tản Đà, Trần Tuấn Khải cho đến các bài thơ của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Tố Hữu cho ta cái nhìn đầy đủ về sự biến đổi của thơ ca Việt Nam từ thơ ca truyền thống [thơ cũ] sang lối thơ mới.

a. Về hình thức thể loại

- Các bài thơ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tản Đà đều vẫn là thể thơ truyền thống thất ngôn bát cú Đường luật, tuân thủ nghiêm ngặt chặt chẽ về niêm, luật, đối của thể thơ này.

 - Riêng bài Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải làm theo thể song thất lục bát cũng là thể thơ truyền thống của Việt Nam.

- Các bài thơ của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Tố Hữu được làm theo những thể thơ tự do ổn định [5 chữ, 8 chữ, lục bát] nhưng số câu và dòng thơ không hạn định, không phải tuân theo những quy định gò bó về niêm, luật, đối, về cấu trúc.

b. Về ngôn ngữ, hình ảnh

- Thơ theo lối truyền thống thiên về sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh mang tính khoa trương ước lệ, điển tích điển cố trong văn chương, sách vở cổ.

- Thơ mới có ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi với tiếng nói thông thường. Hình ảnh đa dạng, sinh động, gần gũi với đời sống thực, mang đậm cá tính, phong cách của mỗi tác giả.

c. Về phương thức biểu cảm

- Thơ truyền thống thường thiên về nói chí tỏ lòng.

- Thơ mới thể hiện tình cảm, cảm xúc trực tiếp, tự nhiên, dễ dàng truyền tải đến người đọc. Chỉ đến khi Tản Đà xuất hiện, cái tôi cá nhân mới được khẳng định mạnh mẽ hơn qua những vần thơ phóng túng, dạt dào tình cảm, tràn đầy cảm xúc.

2.2. Thơ ca yêu nước và cách mạng

Thơ ca cách mạng trong văn học Việt Nam có sự chuyển biến rõ nét từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là những tác giả đại diện cho văn học cách mạng thời kì 1900-1930 cho đến Tố Hữu và Hồ Chí Minh là hai tác giả đại diện cho văn học cách mạng thời kì tiếp sau đó 1930-1945 trên nhiều bình diện.

- Vai trò của văn chương: Xuyên suốt từ thơ ca của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cho đến Tố Hữu, Hồ Chí Minh; thơ ca luôn được coi là vũ khí tuyên truyền tư tưởng yêu nước và đấu tranh cách mạng.

- Hình tượng nhân vật:

          + Các sáng tác của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh xây dựng nên hình tượng của nhà nho yêu nước, người chí sĩ cách mạng có khí phách kiên cường, tinh thần yêu nước nồng nhiệt, khí phách hiên ngang, tầm nhìn rộng lớn, ý thức về trách nhiệm của một nho sĩ và niềm tin vào sự nghiệp cứu nước cứu dân.

          + Thơ ca của Tố Hữu và Hồ Chí Minh lại khắc hoạ hình tượng người chiến sĩ cộng sản với lí tưởng sống và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng với lòng thiết tha yêu tổ quốc, yêu con người và thiên nhiên.

- Nghệ thuật thơ:

            + Hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác Đập đá ở Côn Lôn đều tuân thủ nghiêm ngặt niêm, luật, vần của thể thơ truyền thống thất ngôn bát cú Đường luật với bút pháp khoa trương và lối thơ nói chí tỏ lòng trong thơ ca truyền thống.

            + Bài thơ Khi con tu hú được viết theo thể thơ lục bát uyển chuyển, kết hợp linh hoạt các từ mang bản sắc địa phương.

          + Các bài thơ của Hồ Chí Minh Tức cảnh Pác Bó, Ngắm trăng, Đi đường kế thừa những nét đẹp của thơ ca truyền thống như tuân thủ chặt chẽ kết cấu thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, “thú lâm tuyền” của các thi nhân xưa, hay thi đề “ngắm trăng” phổ biến trong thi ca xưa. Tuy nhiên, thơ của Người không chỉ có những nét cổ điển mà còn có những nét hiện đại. Đó chính là bút pháp tả thực, cô đọng, hàm súc, không hề cách điệu và có những hình ảnh ước lệ như thơ ca cổ: khi Bác miêu tả cảnh sống rất thực gian khổ ở Pác Bó, khi Bác nói đến hoàn cảnh ngắm trăng đặc biệt của mình, khi Bác nói đến những khó khăn của việc “đi đường”.

Với tất cả những điều trên, thơ ca giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 hiện lên đầy đủ vẻ đẹp và trách nhiệm của con người đối với đất nước trong những năm tháng Tổ quốc bị xâm lăng, khẳng định sự tiếp nối và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, là tiền đề cho sự phát triển của văn học VIệt Nam giai đoạn sau.

Video liên quan

Chủ Đề