Giãn cách xã hội còn bao nhiêu ngày

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hầu hết thời gian, tâm sức để lo cho công tác chống dịch, đau đáu mục tiêu: Dập dịch thành công vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết.

Mô hình chốt tự quản " Bảo vệ vùng xanh". Ảnh minh họa

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021, biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm.

Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, dịch bệnh không lây theo chuỗi từ người này sang người kia mà theo lây theo chùm ca bệnh, F0 tăng theo cấp số nhân,… Để ứng phó với tình huống này thì giãn cách xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với biến thể Delta.

Lực lượng chống dịch sẽ có khoảng thời gian quý báu, khẩn trương thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng để nhanh nhất có bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, có giải pháp ứng phó trọng tâm, trọng điểm, kịp thời.

Trong rất nhiều cuộc họp về chống dịch với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Bởi nếu dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước.

Vì vậy, không chỉ trong các phát biểu mà những văn bản truyền đạt ý kiến, Công điện của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, giải pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg luôn được coi là rất quan trọng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “ai ở đâu ở đó” như một lời hiệu triệu, kêu gọi toàn thể người dân tham gia thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội. Trong cuộc chiến chống lại “giặc COVID-19”, dù là chiến lược nào, cách đánh nào thì vai trò, vị trí của người dân cũng vô cùng quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ, hưởng ứng, tuân thủ của người dân, chúng ta khó có thể kiểm soát dịch bệnh. Tham gia phòng, chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Đây còn là trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với tương lai của đất nước.

Thực hiện giãn cách xã hội chỉ có hiệu quả nếu làm thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp trên nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác mà không khai báo…

Thực tế, tại nhiều tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg “sớm một bước, cao hơn một mức”, thì tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát như 6 tỉnh Nam Sông Hậu [Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng], Bến Tre, Trà Vinh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… Điển hình, tại TP. Hà Nội với rất nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg kết hợp xét nghiệm, truy vết thần tốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi khoanh vùng, cô lập ngay các ổ dịch phức tạp xuất hiện trong hệ thống phân phối hàng hóa, tại cộng đồng.

Nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên, TP. Đà Nẵng đã tranh thủ thời gian “vàng”, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0, phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch. Từ đó xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.

Ngay tại các tỉnh có dịch bệnh còn phức tạp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì thực hiện giãn cách xã hội cũng là khoảng thời gian để thiết lập và củng cố vững chắc các “chiến khu xanh” làm “căn cứ” để từng bước xanh hóa “vùng vàng”, “vùng cam”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”… Còn ở TPHCM, trong thời gian giãn cách xã hội, những cơ chế đặc biệt, đặc thù đã được áp dụng để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch từ chiến lược xét nghiệm, cách ly đến điều chỉnh lại hệ thống điều trị, phác đồ điều trị, hỗ trợ an sinh cho người dân…

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1081/CĐ- yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0.

Đây cũng là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, ngày 12/8: Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc.

Nguồn: [Chinhphu.vn]

Admin

Dịch COVID-19: Kiến nghị giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam Hà Nội [TTXVN 31/7] Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì, với thành viên Ban Chỉ đạo [Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ Phân tích thông tin] về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 31/7, tại Trụ sở Chính phủ. * Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận các nội dung thông tin liên quan đến việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thống nhất tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại khu vực này có xu hướng gia tăng, các địa phương nên tiếp tục thực hiện giãn các xã hội, thậm chí một số khu vực cần siết chặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bởi các ca mắc ở đây vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn chưa nghiêm, còn tình trạng người dân vẫn ra đường khi không cần thiết.  Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Tiểu ban Giám sát dịch COVID-19 [của Ban Chỉ đạo] tiếp tục giám sát chặt chẽ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao [phải giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg], nguy cơ cao lên nguy cơ rất cao [phải giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg] để chỉ đạo các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với thành phố Hà Nội, sau khi hệ thống giám sát cảnh báo về mức nguy cơ rất cao, Ban Chỉ đạo đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ban Chỉ đạo thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tuy nhiên, tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, các địa phương có thể nới lỏng cục bộ. Đối với khu vực tiếp giáp, khi thực hiện nới lỏng công tác phòng, chống dịch phải thống nhất với các địa phương khác; báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia trước khi quyết định.

* Bảo đảm đời sống và trợ giúp y tế cho người dân

Liên quan đến vấn đề người dân tự ý trở về quê, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu. Qua theo dõi, nhiều địa phương không kiểm soát được do người dân đi về tự phát; trong số đó, có những người đã mắc COVID-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau. "Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo thống nhất, trên nguyên tắc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt - được chính quyền cho phép; do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc này. Các địa phương không kiểm soát được tình hình, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội, sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê hương an toàn, bố trí xe ô tô khách để chở bà con về, không để đi xe máy [nếu cần, có thể bố trí xe tải chở xe máy của người dân về].

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương chăm lo đầy đủ đời sống, sức khỏe người dân; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc đồng ý nguyên tắc tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm hết cho người dân trên địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., để bà con yên tâm ở lại. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các địa phương này, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, sau cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận, ưu tiên cao nhất vaccine phòng COVID-19 cho khu vực này để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. 

Theo đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hồ Chí Minh để rà soát, điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục tiêm để tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn. Mặt khác, Bộ Y tế bảo đảm nguồn vaccine theo đúng tiến độ tiêm của Thành phố Hồ Chí Minh đề ra. Đồng thời, Thành phố khẩn trương xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi đã tiêm vaccine cho tất cả những người trong độ tuổi [theo khuyến nghị của nhà sản xuất]. “Đặc biệt, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại công tác thống kê để cập nhật kịp thời số người mắc, tử vong do COVID-19 trên nguyên tắc công khai, minh bạch./.

Diệp Trương

Video liên quan

Chủ Đề