Giáo dục đức tin là gì

Ngày 26 tháng 7 là lễ kính thánh Gioakim và thánh Anna. Theo truyền thuyết, hai vị thánh này là cha mẹ của Đức Maria.

Mừng kính cha mẹ của Đức Maria, Hội Thánh tạ ơn Chúa đã ban cho hai đấng được ơn đặc biệt là sinh hạ một người con, mà Chúa chọn cách rất đặc biệt.

Đi đôi với việc tạ ơn Chúa, nhiều cộng đoàn ca ngợi hai thánh đã nhiệt tình cộng tác với Chúa trong việc giáo dục con yêu các Ngài.

Chắc chắn là thánh Gioakim và thánh Anna đã hết sức để ý đến việc giáo dục con mình. Giáo dục này dựa theo đức tin.

Hai thánh đã giáo dục con mình theo đức tin thế nào ? Điều đó thực sự ta không rõ. Nhưng, nếu nhân dịp lễ này, mỗi người chúng ta kể cho người khác nghe chính mình đã nghĩ gì về việc giáo dục theo đức tin, và đã thực hiện thế nào đối với mình và những người mình có nhiệm vụ giáo dục, thì thiết tưởng chia sẻ như thế sẽ là đóng góp thân tình vào cuộc lễ.

Với ý nghĩa đó, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi.

Kinh nghiệm cho tôi thấy : Giáo dục theo đức tin phải bắt đầu từ cái nhìn đúng đắn về con người.

Con người được gọi đi vào con đường thiện tâm

Mỗi người, dù ở tuổi nào, vẫn phải nhớ mình là bất toàn. Vì thế, mỗi người đều được mời gọi phải mỗi ngày mỗi tấn tới trên con đường hoàn thiện chính mình. Càng tiến bước trên con đường đó, người ta càng thấy mình còn xa lý tưởng toàn thiện. Có nghĩa là, từ lúc sinh ra cho đến cuối đời, con người không ngừng được kêu gọi phải tiến lên mãi trên các bậc thang giá trị. Tiến lên bằng việc không ngừng được giáo dục và tự giáo dục.

Giáo dục này chủ yếu giúp con người phân định được điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì là xấu phải tránh, điều gì là thiện nên làm. Hơn thế nữa, giáo dục đó còn đưa con người tới chỗ nhận định được cấp bậc của các sự thiện, để biết bỏ sự thiện thấp mà chọn sự thiện cao hơn.

Việc phân định nội tâm như thế đòi sự phấn đấu nội tâm. Phấn đấu này nhiều khi gay gắt. Bởi vì bỏ cái này, chọn cái kia, thường là điều chẳng dễ chút nào.

Chính vì thế mà phấn đấu nội tâm là một yếu tố của cuộc giải thoát lương tri. Lương tri được giải thoát khỏi biết bao áp lực xấu. Việc giải thoát này sẽ rất cam go, nhưng nó đem lại cho lương tri sự tự do đích thực của những con người được gọi sống trong chân lý.

Tôi vừa nói về ba việc:Phân định tốt xấu, phấn đấu nội tâm và giải thoát lương tri. Ba việc này cần được hướng dẫn tốt. Chúng là ba đòi hỏi của thiện tâm. Thực hiện đúng ba đòi hỏi này sẽ kể được là sống theo thiện tâm.

Chỉ nhìn qua con đường thiện tâm, chúng ta cũng thoáng thấy những ai đi trên đường đó, phải được tập luyện và biết đón nhận nâng đỡ của những hướng dẫn có thẩm quyền.

Nhưng giáo dục theo đức tin không dừng lại trên con đường thiện tâm, mà phải đi xa hơn, tức là phải đi vào con đường thánh ý Chúa.

Con người được gọi đi vào con đường thánh ý Chúa

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc sống theo thánh ý Chúa.

Thánh ý Chúa không luôn giống ý ta, cho dù ý ta là do thiện tâm. Hơn thế nữa, thánh ý Chúa nhiều khi khác hẳn ý riêng ta.

Để biết thánh ý Chúa trong những trường hợp cụ thể, chúng ta phải cầu nguyện, học hỏi, gẫm suy Lời Chúa.

Thêm vào đó, phải có một nhạy bén do ơn Chúa Thánh Thần, để biết đọc được ý Chúa trong các dấu chỉ thời đại.

Một cách rèn luyện mình thông thường, để dễ nhận ra ý Chúa, và dễ thực thi ý Chúa là : Giáo dục mình biết dùng thời giờ, biết dùng sức khỏe và mọi hoàn cảnh. Làm sao hằng ngày, ta vẫn thực thi được những từ bỏ nho nhỏ, và dâng lên Chúa được những phục vụ bé mọn, để mỗi ngày ta thuộc về Chúa nhiều hơn.

Như thế, sống theo ý Chúa là con đường của đức tin nặng về tu đức. Tu đức trong từng giây phút hiện tại. Tu đức trong lãnh vực lý trí, ý chí, đam mê, tình cảm, nhất là trong lãnh vực cộng tác với ơn Chúa.

Con người được gọi đi vào con đường làm chứng

Kinh nghiệm cho tôi thấy rõ : Những ai được giáo dục và tự giáo dục đi trên con đường thánh ý Chúa sẽ cảm thấy mình được gọi phải đi sâu vào con đường làm chứng. Làm chứng cho sự gì ?

Theo tôi, câu trả lời ngắn gọn là : Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu của ta.

Tình yêu của ta rất bé nhỏ. Nhưng nhờ được giáo dục và tự giáo dục theo đức tin, nó trở nên như một cơ chế đón nhận tình yêu Thiên Chúa và diễn tả tình yêu Thiên Chúa.

Một tình yêu khiêm tốn ẩn dật phản ánh tình yêu ẩn dật của Đức Giêsu Kitô. Suốt đời Đấng Cứu thế là tình yêu giấu mình trong thân phận con người, để chia sẻ những thao thức của con người.

Một tình yêu phục vụ phản ảnh tình yêu phục vụ của Đức Kitô. Từ Belem đến Calvariô. Đức Kitô luôn phục vụ con người, nhất là những con người lầm than, bé mọn, khổ đau.

Một tình yêu cứu độ phản chiếu tình yêu cứu độ. Con người của Đức Kitô, cuộc đời của Đức Kitô là một quà tặng cứu độ nhưng không, Chúa Cha ban cho loài người.

Một tình yêu hy sinh phản ảnh tình yêu hy sinh của Đức Kitô. Thánh giá là biểu tượng tình yêu hy sinh đến tột độ của Đức Kitô.

Một tình yêu phục sinh phản ảnh tình yêu phục sinh của Đức Kitô, Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Đó là kế hoạch của tình yêu dẫn con người từ cõi chết đi vào cõi phúc đời đời.

Làm chứng như thế đòi mỗi người chúng ta phải hết sức ngoan ngoãn trước sự đào tạo thường xuyên mà Chúa Giêsu dành cho từng người.

Chia sẻ trên đây tất nhiên có nhiều thiếu sót. Nhưng vẫn là một niềm vui, lòng biết ơn và niềm hy vọng.

Vui, vì đây là dịp được lại gần Đức Mẹ và hai ông bà thân sinh của Người.

Biết ơn, vì đây là dịp ta nhớ lại sâu sắc công ơn những vị đã giáo dục ta theo đức tin.

Hy vọng, vì đây là dịp để những người thiện chí nâng đỡ lẫn nhau.

Ta nâng đỡ nhau, để được Chúa đỡ nâng. Càng nâng đỡ nhau và càng được Chúa đỡ nâng, ta càng dễ nghiệm ra rằng :

Giáo dục theo đức tin là chuỗi dài những nâng đỡ và được đỡ nâng, để trong mọi sự, ta luôn đi theo định hướng đúng, với ý chí mạnh, cùng những khát vọng trong sáng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tới mức ta được đổi mới, sẽ có thể nói như thánh Phaolô : Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi [Gl 2,20].

Nhờ vậy, với bao yếu đuối, ta vẫn tiếp tục hành hương yêu thương sám hối trên cuộc đời khó tránh được lầm lỗi.

Cho dù cuộc sống đôi khi gặp phải những bất ngờ đau đớn, nhưng đức tin giúp ta luôn nhìn lên Chúa, luôn thuộc về Chúa.

Người mãi thương ta. Người sẽ đến gọi ta về. Nơi đó, ta sẽ được an nghỉ trong tình yêu thương xót của Người đến muôn thuở muôn đời.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội [Facebook, Twitter], đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.

Video liên quan

Chủ Đề