Hoằng pháp nghĩa là gì

Hoằng pháp là một trong những trách nhiệm quan trọng của người đệ tử Phật. Tùy theo hoàn cảnh và thời đại, việc hoằng pháp có những nhu cầu lẫn cách thức khác nhau.

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang đẩy mạnh công tác hoằng pháp, coi đó là chiến lược mũi nhọn để phát triển Phật giáo. Theo thiển ý của người viết, dù sử dụng phương thức nào đi nữa thì cốt lõi của hoằng pháp phải là sự tu học và đời sống an lạc của chính Tăng Ni. Để hiểu rõ ý nghĩa đời sống tu học của Tăng Ni đối với việc hoằng pháp, trước hết chúng ta cần xác định mục đích của hoằng pháp là gì.

Mục đích của hoằng pháp căn bản có hai điều: Một là giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn. Hai là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Nhưng làm sao để Phật pháp được trường tồn, Phật giáo được ổn định, hưng thịnh và phát triển? Để cho Phật giáo phát triển, chúng ta phải quan tâm, thực hiện rất nhiều thứ, nhưng nền tảng vẫn nằm ở các vị tu sĩ Phật giáo, chủ thể hoằng pháp. Tăng Ni có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp, làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển. Cho nên trong sự nghiệp hoằng pháp, Tăng Ni phải là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Tăng Ni tốt, Phật pháp sẽ tốt. Tăng Ni có an lạc, hạnh phúc thì mới đem được an lạc, hạnh phúc đến với cuộc đời.

Hoằng pháp là một trong những trách nhiệm quan trọng của người đệ tử Phật.

Hoằng pháp và hành pháp

Một câu hỏi đặt ra ở đây là hiện nay Tăng Ni có thật sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống tu hành của mình chưa? Cuộc sống trong chốn thiền môn có phải là cảnh Niết-bàn như vẻ bề ngoài đang có chưa?

Hình như từ trước đến giờ ít có ai đặt ra thắc mắc xung quanh vấn đề này. Giáo hội Phật giáo nói chung và trụ trì các tự viện nói riêng chỉ kêu gọi Tăng Ni phải hoằng pháp ngoài xã hội nhưng lại quên quan tâm đến việc Tăng Ni có hoằng pháp cho chính mình chưa, tức là có hưởng được lợi ích, sự an lạc từ giáo pháp của Phật hay chưa. Giáo hội các cấp tổ chức rất nhiều hội nghị hoằng pháp để thảo luận và đề ra phương pháp phổ biến Phật pháp trong xã hội, nhưng lại chưa có một hội thảo nào chọn vấn đề tu hành của Tăng Ni, làm sao cho Tăng Ni được an vui trong cuộc sống tu hành của mình làm trọng tâm. Tôi nhớ từng đọc một báo với tựa đề là “Xã hội cần gì ở Phật giáo?”. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước khi hỏi xã hội cần gì ở Phật giáo, ta nên hỏi “Tăng Ni cần gì khi đi tu?”. Xã hội có lẽ cần rất nhiều thứ ở Phật giáo: cần Phật giáo làm từ thiện, nuôi họ khi về già, mở lớp để giữ con cho họ yên tâm đi làm... Phật giáo nói chung và Tăng Ni nói riêng không thể nào đáp ứng hết cái mà xã hội cần. Nhưng nếu như Tăng Ni có thể đáp ứng hết được thì họ có còn là tu sĩ Phật giáo đúng nghĩa nữa không?

Khi nghe một số người yêu cầu/ chủ trương Tăng Ni nên học sư phạm mầm non để nuôi trẻ, một vị đã bức xúc nói rằng: “Nếu muốn nuôi thì tự đẻ nuôi chứ mắc gì đi nuôi con người khác”. Rõ ràng mục đích đi tu là để tìm cầu giác ngộ giải thoát chứ không phải đi tu là để giữ trẻ. Phật giáo chủ trương phục vụ chúng sanh, có nghĩa là đem giáo pháp để giúp người ta tu hành chứ không phải phục vụ về mặt vật chất. Nhưng Tăng Ni muốn đem giáo pháp để lợi lạc chúng sanh thì trước hết họ phải thật sự cảm nhận được lợi lạc từ giáo pháp trước. Nếu bản thân mình không thấy có gì lợi lạc trong giáo pháp mà lại đi đem giáo pháp ấy đến cho người khác thì việc hoằng pháp chỉ có hình thức mà thôi.

Chúng ta không thể cho người khác sự an vui khi bản thân chúng ta không có sự an vui đó.

Hoằng pháp cho người trẻ

Một số Tăng Ni hiện nay dấn thân vào con đường hoằng pháp, lấy việc hoằng pháp và cứu giúp người khác làm niềm vui. Điều này có thể rất tốt mà cũng có thể rất tai hại. Nó tốt khi người đó có niềm vui nội tâm do ứng dụng giáo pháp rồi đem lợi ích ấy chia sẻ với mọi người. Nhưng nếu như bản thân người hoằng pháp không có gì, thì về mặt hình thức tuy đang làm việc hoằng pháp nhưng thực chất đó là hướng ngoại, chạy theo niềm vui bên ngoài, rốt cuộc cũng không thoát khỏi cái lưới danh lợi ở thế gian.

Việc tu hành ngày xưa khá đơn giản. Ngày nay, do tác động và nhu cầu xã hội, người tu cũng phải chịu nhiều áp lực. Để cho Tăng Ni được an tâm tu hành và có điều kiện tu tập phát triển tâm linh, theo tôi, Phật giáo nói chung cần làm những điều sau đây:

Đối với Giáo hội các cấp, cần tích cực hỗ trợ Tăng Ni về mặt hành chánh, tạo điều kiện thuận lợi để Tăng Ni có thể yên tâm tu học một cách hợp pháp.

Đối với thầy tổ, cần đối xử với đệ tử như cha mẹ đối với con cái, lo cho đệ tử đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, có trách nhiệm dạy đồ chúng nên người, cũng như hướng dẫn đồ chúng tu học đúng Chánh pháp.

Đối với trụ trì thì cần đảm bảo nơi ăn chốn ở cho đại chúng, không được để quá thiếu thốn. Trụ trì chỉ nên coi mình như người đại diện chùa quản lý công việc, điều hành và coi sóc việc tu học của đại chúng. Trụ trì và chúng thường trú nên thân thiện, chan hòa chứ không nên coi mình như chủ chùa, còn đại chúng như người ăn nhờ ở đậu, vui thì cho ở, không vui thì mời đi, khiến cho một số Tăng Ni trẻ không có chỗ nương thân.

Rõ ràng mục đích đi tu là để tìm cầu giác ngộ giải thoát chứ không phải đi tu là để giữ trẻ.

Một số đặc điểm hoằng pháp của đức Phật

Đối với Tăng Ni nói chung, nhất là những người mới xuất gia thì cần phải nhận thức rõ lý tưởng của người xuất gia. Lý tưởng của người xuất gia là tìm cầu giác ngộ giải thoát, là sống cuộc sống cao thượng vượt lên trên những thứ tầm thường như tình tiền danh lợi của thế gian, là cống hiến đời mình để cứu khổ độ sanh.

Phật giáo nói chung nên tiết kiệm. Tổ chức các sự kiện cần chú trọng nội dung hơn là hình thức. Tôi thấy một số chùa khi tổ chức lễ lạt, chỉ riêng phần trang trí không thôi đã tốn khá nhiều tiền, vô cùng lãng phí. Bản thân người tu không làm gì ra tiền, muốn có tiền phải kêu gọi Phật tử hoặc kiếm bằng cách này cách nọ, trong đó cũng có những cách sai với Chánh pháp. Tu mà cứ bị áp lực tiền bạc thì tâm làm sao thanh tịnh được?

Nếu có thể làm được những điều này thì chúng ta đã phần nào tạo ra được một môi trường tu học tốt đẹp và đáng sống trong chốn thiền môn. Trong thời đại vật chất phát triển như ngày nay, con người không dễ gì từ bỏ sự hưởng thụ dục lạc để sống đời sống lý tưởng. Cho nên chúng ta càng phải trân trọng và thương yêu những người dám từ bỏ gia đình để sống không gia đình. Phải bảo vệ những người mới phát tâm xuất gia như bảo vệ mầm non, chứ nếu đi tu mà khó quá, khổ quá thì thử hỏi ai còn dám đi tu?

Phật giáo chủ trương phục vụ chúng sanh, có nghĩa là đem giáo pháp để giúp người ta tu hành chứ không phải phục vụ về mặt vật chất.

Hoằng pháp thời hội nhập

Nhiều người nghĩ rằng hoằng pháp là làm cái nọ cái kia để thu hút tín đồ như tổ chức phóng sanh, làm từ thiện, mở khóa tu cho Phật tử... Những việc làm này là cần thiết nhưng nó không phải là cái gốc của sự hoằng pháp. Cái gốc của sự hoằng pháp chính là mỗi Tăng Ni đều được sống và tu học an vui trong Chánh pháp. Bởi vì một điều đơn giản là chúng ta không thể cho người khác cái mà ta không có. Chúng ta không thể cho người khác sự an vui khi bản thân chúng ta không có sự an vui đó. Thông thường chúng ta cho rằng hoằng pháp là chuyện của những thành viên Ban Hoằng pháp. Thật ra tất cả Tăng Ni hay thậm chí Phật tử đều là ủy viên Ban Hoằng pháp vì hễ là người con Phật đều có trách nhiệm truyền bá giáo pháp chân chính của Đức Phật, và ai cũng có khả năng làm việc đó. Chỉ cần tất cả người tu được an vui trong Chánh pháp, nội tâm được hạnh phúc thì nguồn năng lượng lành đó đã được lan tỏa trong thế gian, khiến cho ai thấy nghe đều cảm thấy an lạc mà phát tâm thực hành theo Phật pháp thì đó đã là hoằng pháp rồi.

Tôi viết bài này khi hay tin một Ni sinh trẻ vừa có quyết định đau lòng là tự vẫn. Người tập tu cũng là con người như bao nhiêu con người khác, có lúc vẫn bị bế tắc, không tìm được giải pháp cho chính mình trong hoàn cảnh bất như ý. Tuy nhiên, việc có người tìm đến cái chết cũng nói lên một điều rằng họ không an lạc trong đời sống mà họ đang có. Ta thử nghĩ, hoằng pháp để cho có nhiều người theo Phật giáo nhưng bản thân người tu không hạnh phúc, việc có nhiều tín đồ còn ý nghĩa gì nữa?

Hoằng pháp là phải hướng dẫn Pháp hành

Hoằng pháp phải được hiểu là những hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết

Con đường hoằng pháp thành công của Đức Phật kéo dài bốn mươi lăm năm theo quan điểm Nam truyền. Từ lúc thành đạo cho đến khi nhập Niết-bàn ở tuổi tám mươi, Đức Phật đã không ngừng phục vụ nhân sinh qua hai phương cách: gương lành và lời dạy. Trong suốt cuộc đời của Đức Thế Tôn, đôi khi một mình, đôi lúc cùng với môn đệ, Ngài đi từ nơi này đến nơi khác để truyền bá giáo pháp trong nhân gian và dẫn dắt nhiều người ra khỏi vòng khổ đau sinh tử của kiếp người.

Mục đích chính của việc hoằng pháp từ thời Đức Phật còn tại thế là để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh. Do đó việc hoằng pháp được hiểu với ý nghĩa rộng và sâu sắc hơn, không chỉ mang ý nghĩa giới hạn trong việc truyền đạo. Đức Thế Tôn giáo hóa chúng sanh không phải vì muốn thu phục nhiều tín đồ theo và tôn sùng Ngài, mà mục đích chính của Ngài là làm sao mọi người có thể hiểu và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống để giải thoát khổ đau, có được sự bình an và hạnh phúc.

Giáo pháp mà Đức Phật đã để lại cho thế gian thật sự là một giáo pháp mầu nhiệm, thiết thực trong mọi thời đại, đem lại sự an lạc thật sự cho mọi người. Nền giáo lý ấy dù đã trải qua trên 2.500 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị, mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho cả nhân loại. Cho nên tất cả những người con Phật chúng ta, không những chỉ có Tăng Ni mà tất cả những cư sĩ Phật tử, với sự nhiệt tâm và sự tu học của mình, hãy tạo nên sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu từ hành động và lời nói; và cũng nỗ lực xiển dương Phật pháp với mong muốn đem lợi ích và an vui đến cho tất cả mọi người.

Với ý nghĩa ấy, việc hoằng pháp phải được hiểu là những hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết. Một bài học không phải chỉ để học thuộc mà còn phải hành theo; và chính bản thân người hoằng pháp càng phải là người thể hiện được sự toàn vẹn của pháp học và pháp hành. Những người thực thi sứ mệnh hoằng pháp không chỉ trình bày giáo pháp của Đức Phật qua lời giảng, mà còn qua hành vi, thái độ và sự ứng xử của người con Phật. Nếu một vị thầy toát lên được sự thảnh thơi, thanh thoát, ung dung và an lạc, thì chính vị ấy cũng đang thực hiện thành công việc hoằng pháp của mình. Vì sao? Vì công hạnh tu tập của vị đó thể hiện ra bên ngoài có thể khiến người khác phát khởi sự hoan hỷ, tin tưởng và rồi mong muốn học hỏi giáo pháp.

Về mặt ý nghĩa & lợi ích

Từ thời Đức Phật cho đến ngày nay, ý nghĩa cũng như mục tiêu trao truyền của đạo Phật không hề thay đổi. Đức Phật nhận thấy rõ chúng sanh do vô minh nên không hiểu được nguyên nhân khổ, không biết thế nào là khổ, không biết cách để diệt khổ và giải thoát khỏi khổ đau. Ngài đã tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện giáo hóa chúng sanh theo từng căn cơ, trình độ để giúp họ tránh ác, làm lành, mà có thể hiểu đơn giản nhưng bao quát nhất là: “Không làm các điều ác, hành các việc lành và giữ tâm ý trong sạch”. Chỉ cần giữ 3 điều này, thì với bất kỳ ai, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp, địa vị hay tuổi tác là gì… cũng đều nhận được sự an lạc trong cuộc sống, không nhất thiết chỉ là những người con Phật. Đó là tính nhân văn mà Đức Phật đã trao truyền và để lại cho nhân loại. Ngài đã trao vào tay chúng ta chiếc chìa khóa mở cửa ngôi nhà hạnh phúc của chính mình. Ai hành theo, người ấy sẽ có được sự bình an và hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Phương tiện hoằng pháp

Ngày xưa Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài đi trì bình khất thực mỗi buổi sáng, và đó cũng là một hình thức hoằng dương Chánh pháp. Hình thức này rất hữu hiệu và thực tiễn vào thuở ấy. Có rất nhiều người khi nhìn thấy Đức Phật trì bình khất thực đã phát khởi lòng tín thành và quy y theo Ngài. Đi khất thực là hình thức nhập thế của đạo Phật, vừa chứng tỏ con người có hoạt động xã hội, vừa tạo cơ hội cho chúng sinh gieo duyên lành với Chánh pháp. Khất thực là dịp người Tăng sĩ tiếp xúc với mọi hạng người, qua đó họ có thể giảng dạy giáo lý bằng phương pháp lý thuyết và thực hành. Khất thực cũng là hình thức thể hiện hạnh từ bi, tinh tấn và nhẫn nại trong giáo lý Đạo Phật. Tuy nhiên ngày nay, ở Việt Nam, việc trì bình khất thực chỉ được thực hiện trong một số tự viện hoặc vào các dịp lễ hội của Phật giáo. Do đó việc hoằng pháp ngày nay không thể thông qua việc khất thực được, mà cần đến những phương thức thực tiễn khác. Chúng ta cần đến những phương tiện khác như văn hóa, truyền thông, giáo dục, từ thiện… để mang giáo pháp của Đức Phật đến với mọi tầng lớp dân chúng. Đó là những điều kiện cần để việc hoằng pháp được thành tựu và có hiệu quả.

Ngày xưa Đức Phật và Tăng đoàn đi bộ để hoằng pháp, và cũng có khi Ngài dùng thần thông để tùy duyên độ sinh. Ngày nay, với công nghệ kỹ thuật hiện đại người ta có thể dễ dàng ngồi một chỗ để tra cứu và tìm hiểu kinh điển, học lời Phật dạy cũng như tìm kiếm các thông tin có liên quan đến Phật pháp. Chỉ cần vào Google là người ta có thể tìm thấy nhiều điều để học hỏi. Bên cạnh, bằng các phương tiện như máy bay, điện thoại, internet, máy ghi âm, v.v.. việc hoằng pháp ngày nay được thuận tiện, nhanh chóng và rút ngắn thời gian rất nhiều. Điều này là một lợi thế và là hạnh phúc lớn cho tất cả chúng ta. Hoằng pháp ngày nay được xem như là “đa phương hóa, đa dạng hóa”; và người hoằng pháp cần phải vận dụng một cách trí tuệ những phương tiện hiện đại cho việc truyền bá Chánh pháp.

Tinh thần trong hoằng pháp

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy người giảng pháp cần phải có và thông hiểu năm phận sự của mình [dhammadesakadhamma]:

- Thuyết tuần tự thứ lớp, có nghĩa là từ thấp lên cao.

- Thuyết y cứ theo pháp môn và kinh điển.

- Thuyết vì lòng từ bi, muốn cho người khác được lợi ích.

- Thuyết không vì lợi lộc, không muốn được lợi hay được đền đáp.

- Thuyết không đụng chạm mình và người khác, không cố ý châm chích, khen mình chê người.

Người giảng pháp nếu thiếu một trong năm yêu cầu này thì xem như nhiệm vụ hoằng pháp không hoàn hảo. Người thuyết pháp cần phải ghi nhớ rằng, thuyết pháp không phải là dịp để thể hiện sự hùng biện của mình, thao thao bất tuyệt như những diễn giả thế gian, và cũng không nên mượn diễn đàn Phật pháp để thể hiện tri kiến tô bồi chủ nghĩa cá nhân. Nếu muốn phô diễn [show] mặt bằng kiến thức thì đó chỉ là học giả mà không phải hành giả, vì người hoằng pháp là một hành giả đã trải nghiệm giáo lý của Đức Thế Tôn, và đang đem sự bình an hạnh phúc đến với mọi người.

Không nên lấy hiểu biết thế học của mình hay trích dẫn từ một danh nhân nào đó và cho đó là Phật thuyết. Lại càng không nên lấy giáo lý của Đức Phật để châm chích, chê bai đả kích người khác, hoặc đề cập những vấn đề không thiết thực và không nằm trong giáo lý của Đức Phật. Đây là những điều mà nhà truyền trao Chánh pháp nên tránh vì Đức Thế Tôn đã từng nói đó chỉ là hý luận, không ích lợi cho cuộc đời.

Vấn đề hoằng pháp thực tế hiện nay

Vấn đề hoằng pháp hiện nay, như tôi đã đề cập ở trên, đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Ở đây tôi xin đưa ra một vài phương cách.

1. Tụng kinh và thực hiện các nghi lễ

Tụng kinh không ngoài mục đích để người Phật tử thấm nhuần Chánh pháp. Tuy nhiên, người tụng kinh phải có chánh niệm và tỉnh thức thì mới tụng không lầm lẫn. Như vậy tụng kinh công phu cũng là hình thức gia tăng chánh niệm trong đời sống tu tập. Người hướng dẫn Phật tử tụng kinh cũng là người hoằng pháp.

Tuy nhiên cần nên xem xét mức độ thiết thực và sự lan tràn của việc tổ chức các buổi tụng kinh tự phát của các nhóm cư sĩ tại gia hiện nay. Nếu việc tổ chức các buổi tụng kinh tại gia không được hướng dẫn đúng đắn và thiếu sự khéo léo, thì có thể có sự ảnh hưởng không tốt đối với địa phương, gây bất thiện cảm và khiến cho người khác có cái nhìn không tốt đối với Phật giáo. Với tình hình này, chúng ta cần đặt ra câu hỏi là, tại sao các Phật tử không đến chùa tu tập mà tập hợp tại tư gia để tụng kinh? Có phải vì môi trường tu tập tại địa phương không có, thiếu điều kiện tu tập tại các bổn tự hay là các nhóm Phật tử không muốn đến chùa?

Những lễ nghi trong đời sống của người cư sĩ như đám tang, cưới hỏi, cúng giỗ cần nên có sự chứng minh của chư Tăng để tụng kinh và cầu nguyện. Người Tăng sĩ khi tham dự vào những dịp này với tâm thanh tịnh và đầy đủ oai nghi tế hạnh thì cũng là một cách hoằng pháp hiệu quả. Nếu những lễ nghi đó được kết hợp với việc thuyết giảng Phật pháp hoặc ban đạo từ để thí chủ tròn đủ tài thí, vật thí và pháp thí, thì đó cũng là cách hoằng pháp thiết thực. Việc hoằng pháp trong các trường hợp này phải khéo léo, dùng lời lẽ dễ thương và vận dụng giáo lý của Đức Phật để hướng dẫn người Phật tử hiểu đúng Phật pháp, tránh những việc làm mê tín, sai lầm, giúp người Phật tử tại gia hướng đến con đường tu tập để có sự bình an, thảnh thơi và hạnh phúc.

2. Giảng kinh, viết sách, phát hành băng đĩa giảng

Nếu thuyết giảng có khả năng khai mở đạo tâm của một người thì việc đọc kinh sách có tác dụng củng cố, gia tăng, phát triển trí tuệ hiểu biết. Một lần nghe giảng pháp có thể không giữ được hết các ý và lời của người giảng sư, nhưng nếu có thêm các ấn phẩm kinh sách, đĩa sao chép ghi âm ghi hình lại thì việc giảng dạy sẽ được lưu giữ, giúp người khác có thể nghe và đọc nhiều lần. Tuy nhiên cần nhìn nhận vấn đề này chỉ có thể phát huy nơi thành thị. Đối với các vùng sâu, vùng xa không có phương tiện thì chúng ta cần nên cố gắng tìm phương cách khác, để cho ánh sáng đạo pháp của Đức Thế Tôn đến được mọi nơi.

Một quyển kinh sách hay sẽ là một món quà tinh thần tuyệt vời, có khả năng chuyển đổi đời sống nội tâm của người khác. Như vậy, việc ấn tống, biếu tặng kinh sách cũng là một phương cách hoằng pháp.

Việc tổ chức các khóa tu tại các bổn tự, hướng dẫn Phật tử tu tập cho đúng phương pháp, đem lại sự an lạc, bình an thảnh thơi thật sự trong cuộc sống là một nhu cầu thiết yếu hiện nay. Việc tổ chức và nhân rộng các hoạt động thiết thực này cũng là một phương cách hoằng pháp.

Các khóa tu không nên chỉ dành riêng cho các Phật tử mà cho tất cả những ai có sự quan tâm và yêu thích đạo Phật, giúp họ có sự hiểu biết đúng ý nghĩa của việc tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, thiền hành… để họ hiểu đúng mục tiêu của đạo Phật là đem lại sự hạnh phúc, bình an cho mọi người. Trong các khóa tu nên tổ chức các buổi pháp đàm, giải đáp những thắc mắc mà mọi người gặp phải trong đời sống hàng ngày… Những sinh hoạt của các khóa tu phù hợp cho mọi lứa tuổi sẽ có tác dụng tạo không khí vui tươi, hạnh phúc và bổ ích cho mọi đối tượng.

Vấn đề hoằng pháp xưa và nay tuy có những khác nhau nhất định, nhưng mục đích chính là để hướng dẫn đại chúng đến với giáo pháp của Đức Phật, hiểu rõ Chánh pháp nhằm áp dụng chuyển hóa những khó khăn mà mọi người đang gặp phải trong cuộc sống. Tất cả những người con Phật chúng ta hãy nhiệt tâm vì sự nghiệp hoằng pháp cao cả, để mạng mạch Phật pháp mãi được lưu truyền, và để chất liệu Phật pháp có thể chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh ở mọi hoàn cảnh trong xã hội hiện nay. Hoằng pháp không phải chỉ có ngồi ở pháp tòa mà được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Mỗi khi chúng ta đem lời dạy của Đức Thế Tôn đến với người khác, giúp những người tiếp xúc với đạo Phật thấy được sự lợi ích từ đạo Phật, từ đó áp dụng tu tập, thì chính chúng ta đang hoằng dương Chánh pháp

Thích Thiện Bảo

Nguồn://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2012/09/15/1AD413/

Hoằng pháp trong giai đoạn hội nhập

Bài của Thích Huệ Giáo

Hoằng pháp là gì? Truy tìm một định nghĩa đầy đủ để rút ra một câu trả lời trong ý nghĩa ngôn từ thật khó khăn, chúng ta có thể nói một cách tổng quát, hoằng pháp nghĩa là mang ánh sáng giác ngộ đến với tất cả chúng sanh. Trở về con đường hoằng pháp của đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng sau khi chứng quả dưới cội Bồ đề, đức Phật đã xác định công việc hoằng pháp trước hết và suốt trong 49 năm giáo hóa, bằng nhiều phương tiện khác nhau, Ngài đã không mệt mỏi và xao lãng một giây phút nào. Đức Phật không những đích thân làm công việc của mình, Ngài còn sách tấn hàng đệ tử hãy vận dụng khả năng của mình để làm lợi ích cho chúng sanh. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, hoằng pháp là một hành động cụ thể chứ không phải đơn thuần là một lý thuyết, lý thuyết thì không thể nào diễn tả hết công việc này. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, Ban Hoằng pháp tỉnh Khánh hòa xin đề cập đến khía cạnh hành động của công việc hoằng pháp trong thời hội nhập và phát triển.

I/ Nhận định chung:

Những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam đã có chuyển biến rõ nét, đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong sự hội nhập với cộng đồng quốc tế. Nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam, nhiều tông phái và quốc gia Phật giáo vào Việt Nam giao lưu tìm hiểu. Phật giáo Việt Nam là thành viên trong các tổ chức lớn của Phật giáo thế giới, đó là dấu hiệu tiếng nói của Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có vị thế đứng trong cộng đồng loài người. Đây là hệ quả tất yếu trong xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu. Thế giới đang luôn mở, nếu một quốc gia nào đó tự khép mình, không hội nhập đồng nghĩa với sự chấp nhận nghèo nàn, lạc hậu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Phật giáo là một cá thể trong một tập thể xã hội cũng không thể đứng ngoài quy luật toàn cầu hóa.

Hoằng pháp là một ngành trong nhiều lãnh vực của xã hội Phật giáo, tuy nhiên công việc hoằng pháp là công việc hết sức quan trọng, là tiếng nói, là nhân tố, hành động để quyết định sự tồn tại và phát triển của ngôi nhà chung. Chức năng hoằng pháp được vận dụng tối đa thì ảnh hưởng vào xã hội vô cùng phong phú. Lời dạy của đức Phật được lưu truyền rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay và được tiếp nhận một cách trân trọng từ nhiều thành phần trong xã hội, chính là hành động hoằng pháp thiết thực của hàng Phật tử.

Sự đa dạng và phong phú trong việc hoằng pháp, chúng ta học được khá nhiều từ nơi đức Thế Tôn. Đối tượng hoằng pháp không chỉ là con người, đức Phật cũng đã hướng đến các loài chúng sanh khác, từ súc sanh cho đến chư Thiên, Long thiên và loài người. Ngôn ngữ hoằng pháp của đức Thế Tôn không giới hạn một ngôn ngữ chung. Phương pháp hoằng pháp của Ngài không chỉ là lời nói, hành động mà cả sự im lặng cũng là sự giáo hóa. Tâm niệm hoằng pháp là tâm tinh tấn không mệt mỏi. Tình thương được vận dụng hoằng pháp của Như Lai là tình thương vô hạn và sức nhẫn nại kiên cố… Có thể nói rằng, đây là đặc thù hoằng pháp của đức Thế Tôn cách thời đại chúng ta gần 3000 năm. Trải qua thời gian, tùy quốc độ, phương tiện hoằng pháp mỗi nơi mang nhiều cung cách khác nhau, nhưng phải nói rằng những bài học từ đức Thế Tôn là những bài học được xem là kim chỉ nam cho mọi thời đại.

II/ Hội nhập và phát triển:

Tưởng cũng nên xác định lại tư tưởng “Truyền thống và phát triển” trong cộng đồng Tăng già trước khi chúng ta bàn về việc “Hội nhập và phát triển”. Có rất nhiều ý kiến được bảo lưu từ xưa cho đến hôm nay, những gì cần bỏ, giữ lại bổ sung và những gì cần sáng tạo và phát triển. Đây là, những ý kiến được trăn trở qua mọi thời đại. Điều gì cần bỏ và điều gì cần bổ sung? Chắc chắn rằng, chúng ta chưa có một hội đồng đủ thẩm quyền để thẩm định nghiêm túc và được bàn luận. Có chăng cũng là tùy thuận cá nhân không phải là cộng đồng chấp thuận.

Có rất nhiều truyền thống trong Phật giáo mà nội dung của chúng mang tính bất biến, tùy biến thuộc về hình thức. Điển hình, sự truyền và thọ lãnh giới pháp, nội dung thì bất biến, nhưng hình thức tùy thuộc vào quốc độ. Nội dung truyền thống Phật giáo, chúng ta thử tạm chia thành nhiều cấp độ. Những truyền thống bất biến của Phật giáo chúng ta tạm gọi là truyền thống cấp độ I. Ngoài ra, những truyền thống Phật giáo đã được pha trộn tín ngưỡng và truyền thống văn hóa bản địa, đây là truyền thống cấp độ II. Truyền thống cấp độ III của Phật giáo là những truyền thống được sáng tạo để phù hợp với trào lưu và xu thế hòa quyện bởi tính đa truyền thống, bên cạnh có những nét truyền thống không có dấu tích trong lời dạy của đức Phật. Và cũng có thể còn nhiều cấp độ khác nữa, nhưng nơi đây chúng ta thử vạch định ba cấp độ trên.

Xét về khía cạnh truyền thống, thì truyền thống cấp độ I và II sẽ được sự quan tâm. Cấp độ I nếu tùy biến thì Phật giáo sẽ không còn là Phật giáo, vì dần sẽ mất đi tính nguyên thủy. Cấp độ II không tùy duyên thì không thể hội nhập, đặt biệt trong xu thế toàn cầu hóa xã hội. Lịch sử cho chúng ta thấy Phật giáo đến đất nước nào cũng nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa bản địa để tồn tại và phát triển. Cấp độ III thì chúng ta phải cân nhắc, sàng lọc để giữ vững tinh thần trong sáng nguyên thủy lời dạy của đức Thế Tôn. Phật giáo đã là một tôn giáo của khoa học và là tôn giáo của toàn cầu thì những hình thức phi Phật giáo chúng ta cần nên loại trừ. Văn minh còn có nghĩa là những hành vi phù hợp với thực tế và cuộc sống hiện tại lành mạnh được đông đảo quần chúng cổ vũ.

Một nền văn hóa mà thiếu tính truyền thống thì nền văn hóa đó lai căng, mất gốc và có khả năng sẽ bị tiêu hủy, văn hóa Phật giáo cũng thế. Một nền văn hóa toàn là cổ xưa và cổ hủ thì có văn hóa nhưng thiếu văn minh cũng dễ dàng bị loại trừ và không phù hợp với thời đại.

Hội nhập và phát triển được cụ thể hóa như một hành động của con người đang ở trong ngôi nhà bước ra bên ngoài. Muốn tồn tại trong thế giới luôn biến chuyển thì người đó cần mở cửa và bước ra thế giới. Đóng cửa ở trong nhà thì không thể nói là hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, cách hội nhập và phát triển mang lại hiệu quả thì cần phải cân nhắc và sàng lọc. Đặc biệt, cá thể và tập thể đó phải biết tùy duyên nhi bất biến, tinh thần này là bài học lớn mà đức Thế Tôn đã để lại cho chúng ta từ lâu.

III/ Góp ý hành động:

Như trên chúng tôi đã nói, hoằng pháp muốn mang lại hiệu quả thì phải hành động. Trong mấy năm gần đây, ban Hoằng pháp cũng như nhiều ban ngành khác của Giáo hội, từ TW xuống tỉnh thành đã có rất nhiều chương trình khả thi, nhưng phần lớn vẫn còn nằm trong những trang giấy, nếu có hành động cũng chỉ là tạm thời, chưa đứng vững, ăn sâu gốc rễ, để đủ sức sinh trưởng hoa lá. Nhiều kỳ hội thảo, được sự quan tâm rộng lớn của Tăng Ni Phật tử, rất nhiều ý tưởng sáng tạo được đề xuất, nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa có thể làm được, có thể bị tác động bởi chủ quan và khách quan. Chúng ta cần kiểm định lại và mạnh dạn hành động đđúng với tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Ví như những vấn đề:

- Nhân sự thực hiện:

Con người là yếu tố quan trọng, xây dựng được con người để thực hiện một chương trình cụ thể thì sự thành công đã đến hơn 70%. Ở đây, chúng ta thấy nơi nào thiếu nhân sự thì nơi đó công việc hoằng pháp trở nên yếu kém. Một đoàn Giảng sư TW cũng đã được thành lập, có vài tỉnh thành cũng đã có đoàn giảng sư. Chức năng của đoàn giảng sư là mang giáo pháp phổ cập vào quần chúng, đem ánh sáng giác ngộ đến với tất cả mọi người. Đặc biệt, là những nơi xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, chúng ta thấy các đoàn giảng sư vẫn đang tập trung ở các tỉnh thành lớn và còn trên giấy trắng, các địa phương xa xôi, hẻo lánh vẫn chưa có cơ hội để cung tiếp những đoàn giảng sư đó. Tổ chức đoàn giảng sư vẫn chưa đồng bộ và thiếu sự hỗ trợ của các cấp chức năng. Có người có tâm huyết, nhưng lại thiếu phương tiện, thiếu sự phân phối hợp lý và điều kiện vật lực để họ thực hiện tâm lực. Ban Hoằng pháp nên chú trọng đến vấn đề đạo tạo con người và đặc biệt là có những chương trình cụ thể dài hạn, ngắn hạn để đáp ứng với nhu cầu thực tế, từng địa phương và từng thời điểm. Cách đào tạo chung chung như hiện nay đã không còn phù hợp, mặc dầu mỗi năm chúng ta có thể đào tạo hàng trăm giảng sư cao cấp và trung cấp đi nữa, vẫn thiếu hụt và vẫn dư thừa.

- Truyền thông đại chúng:

Toàn cầu hóa mang thêm một ý tưởng thế giới này là một, cũng có nghĩa sự giao lưu giữa con người với con người, quốc gia này và quốc gia khác trong sự đồng bộ, tổng thể. Sợi dây để kết nối và truyền đạt với nhau trên toàn cầu hiện nay đã được công nghệ thông tin hỗ trợ rất nhiệt lực. Phật giáo Việt Nam sở dĩ ít được biết đến trong tâm khảm của quần chúng Phật tử trên thế giới, chính là thiếu cổng thông tin này. Phật giáo Việt Nam hiện nay chưa có một kênh truyền hình, truyền thanh để giới thiệu Phật giáo ra ngoài thế giới. Ngay trong đất nước cũng chỉ đơn thuần báo giấy và rất ít mạng lưới website. Tuy nhiên, những hoạt động thông tin này nếu có cũng nằm trong phạm vi địa phương và tầng lớp người trên, chưa thật sự phổ cập quần chúng. Chúng ta cần nên khai triển và tận dụng trợ thủ đắc lực này để ánh sáng đạo Phật đi vào tất cả mọi miền đất nước và quần chúng nhân dân. Tiếp đến là thế giới bên ngoài.

- Quốc độ hoằng pháp:

Đã có hơn 3 triệu Việt kiều đang sinh sống và học tập, làm việc ở nước ngoài, hầu như nơi đâu cũng có người Việt, và con số này tăng lên mỗi ngày. Nhu cầu tìm hiểu và tu học của kiều bào không thua kém gì Phật tử trong nước. Người dân Việt luôn luôn muốn gìn giữ bản sắc Việt, người Phật tử Việt Nam cũng luôn muốn tu học theo truyền thống Việt Nam, mặc dầu trên căn bản Phật giáo dù ở truyền thống và quốc gia nào chăng nữa nội dung vẫn không mấy khác biệt, mang sứ mạng hoằng pháp, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này. Đối tượng trao truyền đã có, thì chủ thể trao truyền rất dễ dàng thực hiện. Kiều bào luôn mở rộng tiếp nhận giáo lý Phật đà, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ mà người hoằng pháp đã có thuận duyên. Ngoài ra, dù con người ở đâu chăng nữa, quốc tịch nào, theo như đức Phật thì tất cả họ đều có Phật tánh. Thế thì, không trao truyền Phật pháp đến cho họ, thì thiếu sót cả về chất và lượng.

Vùng sâu, vùng xa, cao nguyên, hải đảo tại quốc gia cũng là địa điểm mà ban Hoằng pháp cần phải lưu tâm. “Nơi nào cần chúng ta đến, nơi nào không cần chúng ta đi” đây là câu nói của một danh tăng thời hiện đại đã nhắc nhở chúng ta trong công việc hoằng pháp. Nơi đô thị, trung tâm văn hóa, chắc chắn là không thiếu, bởi vì họ có đủ điều kiện để tiếp cận nhiều nguồn thông tin. Do đó, ban Hoằng pháp cũng không phải đầu tư nhiều công sức vào những nơi này.

Để làm được việc này, ban Hoằng pháp phải có chương trình hành động cụ thể, có tuyển chọn, đào tạo, và tổ chức, cũng như tạo một hành lang pháp lý vững chắc, để tài trợ theo bước chân của người dấn thân hoằng pháp. Tự phát theo kiểu cá nhân mỗi chùa, mỗi tăng sĩ vẫn làm được, nhưng chắc chắn rằng kết quả không lớn bằng sự hợp tác và tổ chức. Chúng ta chưa có những khóa đào tạo những Tăng sĩ hoằng pháp quốc tế, thì làm sao chúng ta hoằng pháp ra thế giới bên ngoài được. Ngay bây giờ chúng ta nên hành động. Hành động chính là tiếng nói thiết thực trong công cuộc hội nhập và phát triển.

IV/ Kết Luận:

Chúng tôi xin được mượn lời văn của Hòa Thượng Thích Chơn Thiện viết trong Tiếng Hót Ca Lăng Tằng Già, về triết lý tùy duyên nhi bất biến của đạo Phật để kết thúc tham luận này: “Đức Phật đã dạy trong kinh tạng Nikaya rằng 'Phật đến một hội chúng nào thì ứng xử theo cung cách, ngôn ngữ của hội chúng đó': Nói chuyện với bác tiều phu, đức Phật dùng ngôn ngữ thường nhật gần gũi với bác tiều phu. Không phải vì thế mà đức Phật đánh mất mình, đánh mất giá trị của mình. Sự thật hệt như một đấng trượng phu: Ứng xử với vợ con thì khác với bàn dân thiên hạ, khác với cung cách mô phạm đứng trên bục giảng, cũng khác với thái độ ứng xử với bạn bè, thượng cấp…”.

//www.kyvientrungnghia.com/thu-vien/noi-san-tam-thi/noi-san-tam-thi-10/hoang-phap-trong-giai-doan-hoi-nhap.html

Hoằng hóa: Dạy người hoá ác thành thiện một cách rộng mở [từ hai chữ Hán Hoằng hoằng: Lớn, mở rộng ra, làm cho rộng lớn hơn, và Hoá ].

Video liên quan

Chủ Đề