Hướng dẫn lai tạo giống cây ăn quả

Vẫn thiếu giống chất lượng

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP, các cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Đáng nói, trong số này, giống bưởi, cam mới đáp ứng 35%, chuối là 40%. Đối với cây ăn quả khác chủ yếu tận dụng giống vườn nhà nên không bảo đảm năng suất, chất lượng.

Trong khi đó, có tình trạng nhiều chủ vườn trên địa bàn TP đã chủ động mua các giống cây ăn quả trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Bởi vậy, khi năng suất, chất lượng quả không đạt như mong muốn, nhiều hộ phá bỏ để trồng lại, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trước thực trạng trên, từ năm 2019 đến nay, được sự hỗ trợ kinh phí của TP, Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình ghép cải tạo thay thế bằng các giống bảo đảm năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân…

Hướng dẫn lai tạo giống cây ăn quả

Mô hình ghép cải tạo giống bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đạt hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Ánh

Cụ thể, mô hình đã được triển khai tại các xã: Nam Phương Tiến, Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Vân Nam (huyện Phúc Thọ), với quy mô 2ha/xã, tỷ lệ ghép đạt yêu cầu khoảng 85%. Kết quả bước đầu, đã rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của cây bưởi xuống 2 - 3 năm, năng suất đạt 70% so với vườn bưởi 8 - 10 năm tuổi.

Đáng chú ý, đối với 2.000ha nhãn là giống truyền thống bị già cỗi tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai… Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín sớm, chín muộn, siêu ngọt trên nền giống nhãn cũ với các giống chủ lực như HTM1, HTM2, T6, PHS2 được các địa phương đánh giá cao.

Tăng diện tích cây ăn quả giá trị cao

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền chia sẻ, trước đây do hạn chế về chuyên môn và tâm lý ham rẻ, nông dân thường mua cây giống của người bán buôn, bán rong... nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng.

Sau khi được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc một số cây trồng chủ lực (bưởi, cam, chanh…) kết hợp cải tạo, lai ghép giống chất lượng cao, người dân xã Nam Phương Tiến đã đầu tư trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất vườn đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, nhờ hoạt động ghép - cải tạo vườn cây ăn quả đã khắc phục cơ bản việc phải phá bỏ vườn cây do sử dụng giống kém chất lượng. Từ đó, thu nhập của người làm vườn tăng, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Đánh giá về phát triển, cải tạo cây ăn quả, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, với 17.000ha cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, chuối, táo, đu đủ…), hiện nay, cơ cấu các loại cây trồng tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng chuyên canh tập trung. Trong đó, diện tích cây ăn quả đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương đều tăng nhanh. Toàn TP đã có hơn 11.000ha diện tích trồng cây ăn quả theo hướng cải tiến, đạt giá trị kinh tế cao.

Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả kém chất lượng, vườn tạp sẽ được cải tạo nhằm đạt năng suất, chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục hỗ trợ nông dân 50% kinh phí ghép - cải tạo vườn tạp, vườn hiệu quả kém. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, các chuyến đi tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu ở các địa phương nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác cho bà con.

Hiện nay, toàn TP đã có 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 634ha sử dụng giống chất lượng cao; 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao... Diện tích cây ăn quả theo hướng VietGAP khoảng 45ha.

Hiện, thành phố có đủ cơ sở và điều kiện để xây dựng thành trung tâm giống cây trồng công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng khắc phục những hạn chế trong công tác sản xuất, lai tạo giống trong nước khi nước ta phải nhập đến 90% các giống rau, giống hoa với giá trị hàng chục triệu USD mỗi năm...

Lai tạo nhiều giống mới

Với hơn 8.000m2 trồng dưa lưới giống TL3 ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Chi, hằng năm, Công ty du lịch nhà vườn sinh thái Quốc Bảo thu lãi ròng hàng tỷ đồng. Đây là giống dưa lưới đang được ưa chuộng tại Việt Nam do Công ty TNHH nông nghiệp Chánh Phong (Công ty Chánh Phong) nghiên cứu, lai tạo, sản xuất và cung ứng giống. Dưa lưới TL3 có giá bán cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với các dưa lưới khác do độ giòn, ngọt, mùi thơm, chất dinh dưỡng cao hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, độ kháng sâu bệnh cũng vượt trội hơn các giống dưa lưới khác.

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Quản lý kỹ thuật Công ty du lịch nhà vườn sinh thái Quốc Bảo chia sẻ, giống dưa lưới TL3 được Công ty Chánh Phong chuyển giao cho công ty trồng thương mại cách đây khoảng hai năm. Năng suất của dưa lưới TL3 tương đương với các giống dưa lưới khác, hơn 35 tấn/ha. Mỗi trái dưa lưới có trọng lượng khoảng 1,5 kg mang về lợi nhuận từ 10 đến 12 nghìn đồng một trái...

Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi được 14 dự án đầu tư phù hợp với tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng. Chỉ tính riêng lĩnh vực lai tạo, sản xuất cây giống, con giống, đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu nông nghiệp công nghệ cao và các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố đã sản xuất và cung cấp hơn 370 tấn hạt giống F1 các loại; gần 6,2 triệu hạt giống dưa lưới F1; 100 nghìn túi meo giống nấm và gần 3 triệu bịch phôi giống nấm các loại; cung cấp từ 10 triệu đến 20 triệu cây lan giống,... Các giống cây đều cho năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt... đạt tiêu chuẩn cung cấp phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố cũng đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Duy trì hoạt động thu thập và du nhập hơn 500 giống nguồn gen bản địa; chọn lọc và lai tạo các giống hoa lan, giống rau ăn lá, rau ăn quả, giống nấm… thích hợp sinh trưởng và phát triển trong điều kiện các vùng thổ nhưỡng trong cả nước.

Thạc sĩ Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lai tạo, Khu nông nghiệp công nghệ cao đã chọn ra các giống phù hợp với điều kiện sinh thái ở Việt Nam để phát triển với hệ số nhân giống bằng công nghệ sinh học hiệu quả rất cao so với quy trình nhân giống trước đây, đáp ứng được nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi của người dân, doanh nghiệp. Các giống hoa, giống các loại rau ăn lá, ăn quả, các hạt giống dưa lưới... lai tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, chuyển giao cho nông dân, doanh nghiệp.

Để sớm trở thành trung tâm giống

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Từ năm 2016 đến 2021, lượng hạt giống các loại sản xuất được 173.514 tấn, nhập khẩu 18.085 tấn, xuất khẩu hơn 2.157 tấn. Trong số này, có 20 đơn vị triển khai nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô một năm, chủ yếu là các giống lan cung cấp cho thị trường phía nam. Những năm gần đây, trong nghiên cứu chọn tạo giống lan mới, đã tạo 20 dòng lan lai (Dendrobium) thể hiện ưu thế lai cao về một số tính trạng vượt trội so với bố mẹ và giống đối chứng. Trong đó, có 12 dòng lan lai mới được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống mới...

Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tập trung hướng đến hình thành trung tâm giống cây, giống con chất lượng cao và khi thành phố sản xuất giống thì giá trị tạo ra rất lớn.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung số lượng lớn các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, nhất là đã xây dựng cơ sở vật chất, cũng như nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu lai tạo giống cây trồng. Ngoài Khu nông nghiệp công nghệ cao, thành phố còn có Trung tâm Công nghệ sinh học... Các đơn vị này đã nghiên cứu chọn tạo giống bằng các phương pháp hiện đại về công nghệ sinh học giúp cho khả năng chọn tạo giống mới nhanh và hiệu quả. Nhiều bộ sưu tập giống hoa lan, cây kiểng, rau các loại, cây dược liệu là nguồn gen phong phú cùng với phòng thí nghiệm, hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại phục vụ công tác chọn tạo giống hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở thành phố đang diễn ra nhanh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng khó tiếp cận được diện tích đất lớn để triển khai công tác nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống và sản xuất giống. Nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các công nghệ mới trong nghiên cứu chọn tạo giống. Doanh nghiệp có thực lực nghiên cứu chọn tạo giống ở thành phố khá ít...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, thành phố cần tiếp tục đầu tư tập trung kinh phí một cách thỏa đáng, đồng bộ hằng năm cho công tác sưu tập, bảo tồn nguồn gen cũng như trao đổi nguồn gen trong và ngoài nước làm vật liệu cho công tác lai tạo và nhân giống, sản xuất giống mới. Tiếp tục các chính sách ưu đãi khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư vào công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống mới, nhất là chính sách về thuế, về vốn vay cho sản xuất cũng như một số ưu đãi khác. Cần ưu tiên triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực khoa học, cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất giống không chỉ cho cơ quan nghiên cứu khoa học mà cho cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thành phố cần đầu tư một khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao khoảng 100 đến 200ha với chức năng sản xuất giống cây để phục vụ công tác sản xuất giống đầu dòng, giống bố mẹ, giống lai F1 các giống rau, hoa có giá trị. Khu sản xuất này là nơi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu về giống của các đơn vị như Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao hay các đơn vị khác để triển khai sản xuất giống thương phẩm, duy trì giống bố mẹ, sản xuất giống lai F1... cũng như bảo quản hạt giống.