Kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin

Kết quả hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tintại Hậu Giang

Ngày đăng: 06/11/2019 02:33
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin[CNTT] trong các cơ quan nhà nước theo Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều chương trình và đạt được các kết quả khá tích cực.

Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Hậu Giang

Bên cạnh phần mềm Quản lý văn bản, Một cửa điện tử được triển khai vào năm 2010 và 2013, còn có các phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức vừa được triển khai đồng bộ trong phạm vi toàn tỉnh.

Ngoài ra, tất cả các cơ quan đều có những ứng dụng CNTT riêng lẻ, phục vụ công tác chuyên môn trong hoạt động thường xuyên của cán bộ, công chức. Số lượng các phần mềm được cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị sử dụng trên địa bàn tỉnh [trên 70 phần mềm khác nhau] chủ yếu khai thác năng lực tính toán và lưu trữ cho các nghiệp vụ của từng cá nhân, đơn vị mà chưa có sự chia sẻ dữ liệu, phối hợp xử lý giữa các cá nhân cũng như giữa các cơ quan với nhau.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã cung cấp thông tin về hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và các văn bản quy phạm pháp luật; bước đầu đã đưa trọn bộ thủ tục hành chính 3 cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hầu hết đạt mức độ 2 và từng bước nâng cấp một số thủ tục lên mức độ 3, mứcđộ 4; hiện tại trên Cổng có 104 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3 và 8 thủ tục đạt mức độ 4 nhưng mức độ quan tâm của người dân chưa cao nên tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến không đáng kể trừ các TTHC của ngành thuế.

Ứng dụng trực tuyến trong lĩnh vực thuế được người dân sử dụng thường xuyên hơn. Ứng dụng đăng ký kinh doanh trực tuyến gần như không được sử dụng, do người dân và doanh nghiệp rất ít khi thực hiện công việc này qua mạng.

Hệ thống Một cửa điện tử để quản lý hồ sơ của công dân đến nộp trực tiếp khá hiệu quả. Tuy nhiên, hồ sơ nộp trực tuyến ở mức độ 2 tại các tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã còn hạn chế. Nhìn chung, hạ tầng và ứng dụng CNTT của tỉnh những năm gần đây có bước phát triển khá nhưng so với mặt bằng, so với tốc độ phát triển chung của cả nước là còn thấp và chưa bắt kịp; chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT của Hậu Giang năm 2016 [VietNam ICT index 2016] là 57/63 [theo tiêu chí xếp hạng chung], tụt 6 hạng so với năm 2015, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức độ sẵn sàng thấp. ICT Index các năm trước [2014 và 2015 đều có hạng thứ 51/63 tỉnh, thành cả nước].

Tình hình cải cách hành chính nói chung, giải quyết thủ tục hành chính nói riêng thời gian qua trên địa bàn Tỉnh tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa như mong đợi, còn một số vấn đề bất cập như: Còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC; một số TTHC còn nhiều vướng mắc, gây phiền hà cho tổ chức và công dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước còn thấp.

Từ những hạn chế vừa nêu dẫn đến kết quả xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính [PAR INDEX] của tỉnh ở mức thấp [2015: xếp hạng 28/63; 2014: 47/63; 2013: 39/63]. Chỉ số năng lực cạnh tranh [PCI] của tỉnh hàng năm đều tụt giảm [2016: xếp hạng 37/63; 2015: 36/63; 2014: 25/63; 2013: 20/63]; qua đó cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong khi đó các hệ cơ sở dữ liệu nền tảng [CSDL] phục vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và phần mềm lõi có kiến trúc thống nhất để dùng chung cho tỉnh là tiền đề, làm nền tảng phục vụ cho việc hình thành Chính quyền điện tử ở giai đoạn tiếp theo nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay chưa thực hiện được.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều có cán bộ phụ trách CNTT nhưng trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu do kiêm nhiệm, chưa có trình độ chuyên môn phù hợp. Các phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện và UBND cấp xã hầu như chưa có biên chế phụ trách CNTT nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tham mưu cho UBND cấp huyện trong triển khai ứng dụng CNTT.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn CNTT từ cao đẳng trở lên là 98 [trong đó phần lớn tốt nghiệp đại học và 2 thạc sĩ]. Tuy nhiên, cán bộ chuyên trách CNTT của tỉnh: 52 trong đó, cấp huyện: 7 [Vị Thanh: 1; Châu Thành: 1, Châu Thành A: 1, huyện Long Mỹ: 1, Phụng Hiệp: 1, Ngã Bảy: 1, TX Long Mỹ: 0]; Cấp tỉnh: 45 [Sở Thông tin và Truyền thông: 8, Bảo hiểm xã hội: 5, Văn phòng UBND tỉnh: 4, Cục thuế: 4, Sở Tài nguyên và Môi trường: 4, Kho bạc nhà nước: 3, Sở Giáo dục và Đào tạo: 2, Sở Lao động Thương binh và Xã hội: 2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: 2, Sở Tài chính: 2, Ban Quản lý các khu công nghiệp: 1, Sở Công thương: 1, Sở Giao thông vận tải: 1, Sở Khoa học công nghệ: 1, Sở Kế hoạch và Đầu tư: 1, Sở Nội vụ: 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 1, Sở Y tế: 1, Thanh tra tỉnh: 1, Ban dân tộc: 0, Sở Tư pháp: 0, Sở Xây dựng: 0, Cục Thống kê: 0].

Ngoài ra, nguồn nhân lực CNTT sẵn có của tỉnh còn đang hoạt động trong các cơ quan ngành dọc của Trung ương, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào xây dựng, triển khai chính quyền điện tử thì cần tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT và hình thành công dân điện tử để họ có thể khai thác hiệu quả hệ thống Chính quyền điện tử.

Hạ tầng kỹ thuật

Trung tâm dữ liệu; mạng truyền số liệu chuyên dùng có đến các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; đường truyền Internet kết nối hầu hết các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; trang thiết bị làm việc cho các cơ quan đơn vị như: máy tính, máy in, máy scanner đạt mức khá [máy tính đạt 0,8/người/máy, bình quân cả nước 0,85]; chữ ký số cho tổ chức và cá nhân trong cơ quan nhà nước đã triển khai xong cấp tỉnh và cấp huyện.

Ứng dụng nền tảng cho chính quyền điện tử: Chưa có dịch vụ lõi, nền tảng. Tuy nhiên, có các phần mềm dùng chung như: Cổng thông tin điện tử, Cổng Quản lý văn bản, Một cửa điện tử.

Cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 cho tổ chức, công dân.

Bộ TTHC theo Đề án 30 của Chính phủ được hoàn thiện ở giai đoạn 3, thường xuyên được cập nhật, cải tiến và công bố theo mức độ ngày càng hoàn thiện.

Với kết quả vừa nêu trên, Hậu Giang xác định chính quyền điện tử của tỉnh đang là bước cuối giai đoạn 2 [tương tác] trong bốn giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử [phiên phản 1.0]: hiện diện, tương tác, giao dịch và chuyển đổi.

Cuối cùng, thông qua cải cách hành chính sẽ tạo môi trường thông thoáng, minh bạch để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã đầu tư cho ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý; quan tâm đến nhu cầu chia sẻ, tích hợp dữ liệu trong phạm vi tỉnh. Đầu tư cho ứng dụng CNTT theo hướng phát triển thành một hệ thống thống nhất vừa phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, vừa phục vụ cho nhu cầu giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là cách để khắc phục các hạn chế. Đây cũng chính là xu hướng phát triển của chính quyền điện tử./.

Theo: ictvietnam.vn

Về trang trước
Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề