Khi nào bỏ thuế nhập khẩu ô tô năm 2024

Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm, dự kiến đến năm 2030 xuống 0%, điều này giúp người Việt ngày càng có cơ hội sở hữu các mẫu xe cao cấp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam.

Thông tin trên được đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ tại “Tại tọa đàm Công nghiệp ô tô Việt Nam - Thực hiện hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?” do Tạp chí Hải quan tổ chức sáng 24.5.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Ánh Tuyết - Trưởng tiểu ban Hải quan VAMA - cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, có nhiều FTA cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%.

Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. UK/EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh, Việt Nam - châu Âu) sẽ đưa về mức 0% từ năm 2028. Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về 0% từ 2027.

Theo bà Tuyết, thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.

Các đại biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Với việc thực hiện các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm và liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống 0%.

Bà Tuyết dẫn chứng một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với năm ngoái. Tuy nhiên, số tiền thuế này còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu.

“Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...”, đại diện VAMA nhận định.

Ông Dương Bá Hải - Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính - cho rằng, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...).

Theo ông Hải, một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam.

Tính đến tháng 8/2023, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường. Cần có thêm thời gian để Việt Nam hiện thực hóa các điều khoản đã cam kết, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư với các quốc gia.

Hướng đến thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2027

Khi nào bỏ thuế nhập khẩu ô tô năm 2024
Kim ngạch nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng nhẹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Công Thương, tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 16,7%, đạt 12,16 tỷ USD. Sự sụt giảm được ghi nhận rõ nét ở các mặt hàng như phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện, phụ tùng ô tô... Ngược lại, một số ít mặt hàng có kim ngạch tăng là ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi (tăng 3,6%).

Về thị trường cung cấp, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các quốc gia châu Á. Thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2022 cho thấy, Indonesia và Thái Lan là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam với thị phần lần lượt đạt 41,9% và 41,5%; Trung Quốc chiếm 10%; các quốc gia khác như Mỹ, EU... chiếm 6,6%. Tương tự, đối với các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia ASEAN và Nhật Bản. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Các quốc gia thuộc EU chỉ chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 1,83%).

Lý do cho sự chênh lệch này, ngoài yếu tố lợi thế về vị trí địa lý và sự tín nhiệm trong quan hệ song phương, đa phương thì quan trọng hơn vẫn là các chính sách ưu đãi về thuế quan.

Cụ thể, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022.

Trong khi đó, thuế suất đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 27 quốc gia EU vẫn ở mức khá cao. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027. Ví dụ, theo EVFTA, trong năm 2023, sản phẩm bugi, lốp xe con đang được áp thuế lần lượt là 5% và 12,5%. Đến năm 2027, các sản phẩm này sẽ được giảm thuế về 0%, nghĩa là chậm hơn 5 năm so với Hàn Quốc, ASEAN. Theo UKVFTA, một số sản phẩm được áp thuế 0% sớm hơn kể từ năm 2025.

Riêng đối với xe CBU, Việt Nam đang áp thuế nhập khẩu 0% đối với xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia; trong khi xe nhập khẩu từ Pháp, Đức, Ý vẫn đang áp thuế nhập khẩu từ 56-74%.

Tăng cường các chính sách hỗ trợ thông quan hàng hóa

Khi nào bỏ thuế nhập khẩu ô tô năm 2024
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở thực thi các điều khoản Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Ảnh minh họa: Internet

Tại Khoản 5, Điều 7.5 EVFTA quy định: Nếu một bên yêu cầu báo cáo kiểm tra, kể cả chỉ riêng báo cáo đó để làm cơ sở, hoặc kết hợp với các biện pháp bảo đảm hợp chuẩn khác, hoặc để đảm bảo rằng một sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bên đó sẽ cố gắng để chấp nhận các báo cáo kiểm tra theo hình thức của Hệ thống ủy ban kỹ thuật điện quốc tế về Cơ chế đánh giá hợp chuẩn đối với Báo cáo kiểm tra các thiết bị và linh kiện điện kỹ thuật (Cơ chế IECEE CB) mà không đòi hỏi bất kỳ sự thử nghiệm khác nào.

Khoản 6, Điều 7.5 quy định: Nếu một bên yêu cầu có giấy chứng nhận của một bên thứ 3 về sản phẩm, Bên đó sẽ nỗ lực để chấp nhận Giấy chứng nhận kiểm tra CB theo cơ chế IECEE CB như một biện pháp đảm bảo sự phù hợp mà không đòi hỏi bất kỳ đánh giá sự phù hợp hoặc thủ tục hành chính hoặc chấp thuận nào khác.

Như vậy, theo tinh thần của Hiệp định, nước nhập khẩu sẽ phải thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận tại nước xuất khẩu. Quy định này giúp tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia Hiệp định.

Để triển khai thực hiện Hiệp định, ngày 16/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cơ sở pháp lý là EVFTA và UKVFTA mà Việt Nam đã ký kết tham gia ngày 1/8/2020. Theo Nghị định 60, trong thủ tục kiểm tra, nhập khẩu ô tô thuộc nhóm M1 (xe nhập khẩu nguyên chiếc chưa qua sử dụng) và linh kiện, phụ tùng của xe ô tô M1 được sản xuất tại EU, UK và đã được thử nghiệm, chứng nhận tại EU, UK thỏa mãn các quy định của ECE và EC sẽ được ưu tiên thông quan. Quy định này không áp dụng đối với các loại ô tô nhập khẩu và linh kiện ô tô nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghị định 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023 và áp dụng cụ thể cho các đối tượng như sau: Đối với linh kiện, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; Đối với ô tô, kể từ ngày 01/8/2025.

Cũng theo EVFTA, thời gian tới, sau khi tham gia ký kết Hiệp định UNECE 1958, Việt Nam sẽ chấp nhận nhãn mác chứng nhận kiểu loại hợp lệ của UNECE được gắn trên phụ tùng và thiết bị nhập khẩu từ EU, UK. Ngược lại, các sản phẩm linh kiện, phụ tùng của Việt Nam sản xuất nếu đáp ứng tiêu chuẩn của ENECE cũng sẽ được thông quan tại EU, UK. Đây là điều khoản đôi bên cùng có lợi. Hiện tại, các sản phẩm linh kiện, phụ tùng của Việt Nam sản xuất đang áp dụng tiêu chuẩn ISO, IATF 16949: 2016.

Như vậy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ thực thi các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do FTA là rất cần thiết, thể hiện cam kết bằng hành động của Chính phủ Việt Nam với các quốc gia, khu vực trên thế giới.

Theo đánh giá của ZF Aftermarket, mặc dù có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu theo từng quốc gia, nhưng dư địa phát triển thị trường ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong vòng 5 năm tới, số lượng xe mới lưu thông trên đường Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 10%. Năm 2027 cũng là thời điểm hàng loạt ô tô ở Việt Nam đến thời kỳ đại tu, sau đợt bùng nổ doanh số ô tô vào năm 2022. Nghĩa là, đến năm 2027, nhu cầu mua sắm linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ rất lớn. Cơ hội sẽ dành cho tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và rõ ràng, chính sách càng mở tới đâu thì các doanh nghiệp sẽ càng mạnh dạn đầu tư tới đó.