Lựa chọn tác phẩm văn học cho trẻ mầm non

Tóm tắt nội dung tài liệu

Lê Thị Thanh Huệ và Đtg

Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

109[09]: 21 - 25

LỰA CHỌN TÁC PHẨM VĂN HỌC THIẾU NHI CHO TRẺ 5-6 TUỔI
LÀM QUEN VỚI CHỦ ĐỀ “QUÊ HƯƠNG - ĐẤT NƯỚC- BÁC HỒ”
THEO QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP
Lê Thị Thanh Huệ1, Lê Thị Như Nguyệt2*
1

Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên,
2
Nhà xuất bản ĐH Thái Nguyên

TÓM TẮT
Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc và là một nội dung quan
trọng trong Chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ mẫu giáo, có thể lồng ghép, tích hợp vào nhiều
hoạt động khác nhau để kích thích hứng thú, củng cố bài học cũng như cung cấp kiến thức cho trẻ
một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Khi lựa chọn tác phẩm cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với chủ đề “Quê
hương – Đất nước – Bác Hồ” theo quan điểm tích hợp cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể về nội dung
[phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với chủ đề] và nghệ thuật [về ngôn ngữ,
hình ảnh, cốt truyện…].
Từ khóa: Văn học thiếu nhi, lựa chọn, tác phẩm văn học, chủ đề,…

ĐẶT VẤN ĐỀ*
Tích hợp theo chủ đề trong tổ chức các hoạt
động giáo dục ở trường mầm non là một quan
điểm mới, phù hợp với xu thế giáo dục trong
khu vực và trên thế giới. Việc giáo viên
thuyết trình, diễn giải kiến thức theo trình tự
mẫu bài soạn sẵn với các “tiết học” riêng rẽ
trên thực tế đã không đem lại hiệu quả như
mong muốn. Vì vậy, cách tích hợp theo chủ
đề đòi hỏi mỗi giáo viên và những người làm
công tác giáo dục phải có nhận thức và cách
làm mới trong chăm sóc và giáo dục trẻ.
Trong chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ 5-6
tuổi nói riêng và trẻ mẫu giáo nói chung, các
chủ đề được xây dựng mở rộng dần từ đơn giản
đến phức tạp, từ gần đến xa, từ bản thân trẻ đến
gia đình, môi trường tự nhiên và môi trường xã
hội gần gũi. Trong đó, chủ đề “quê hương – đất
nước – Bác Hồ” [QH-ĐN-BH] được đặc biệt
chú trọng, nhằm mang đến cho trẻ những hiểu
biết nhất định và hình thành những xúc cảm,
tình cảm gắn bó với quê hương – đất nước,
niềm kính yêu với Bác Hồ.
Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng
của nền văn học dân tộc. Đây không chỉ là một
hình thức giải trí bổ ích mà còn là phương tiện
quan trọng để giáo dục và phát triển nhân cách
*

Tel: 0973216622

toàn diện cho trẻ em. Làm quen với tác phẩm
văn học [TPVH] là một nội dung quan trọng
trong chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ Mẫu
giáo, có thể lồng ghép, tích hợp vào nhiều hoạt
động khác nhau để kích thích hứng thú, củng cố
bài học, cũng như cung cấp kiến thức cho trẻ
một cách nhẹ nhàng, sâu sắc.
Vấn đề văn học thiếu nhi và việc lựa chọn tác
phẩm văn học thiếu nhi trong quá trình chăm
sóc - giáo dục trẻ đã được nhiều nhà nghiên
cứu, các nhà giáo dục quan tâm ở những bình
diện khác nhau, nhưng cho đến nay chưa có
công trình chuyên biệt nào nghiên cứu kĩ
lưỡng, thấu đáo về cách lựa chọn và sử dụng
tác phẩm văn học, chủ đề QH-ĐN-BH dành
riêng cho trẻ mẫu giáo lớn 5-6 tuổi để dạy học
theo quan điểm tích hợp.
Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin đưa
ra một số yêu cầu khi lựa chọn TPVH thiếu nhi
cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với chủ đề QH-ĐNBH theo quan điểm tích hợp ở trường mầm non.
MỘT SỐ YÊU CẦU KHI LỰA CHỌN TPVH
THIẾU NHI CHO TRẺ 5-6 TUỔI LÀM
QUEN VỚI CHỦ ĐỀ QH-ĐN-BH THEO
QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP
Về nội dung
Đảm bảo phù hợp với lứa tuổi
Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc bắt
buộc phải tuân theo khi lựa chọn TPVH thiếu
nhi cho trẻ, bởi vì các tác phẩm vô cùng đa
21

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

//www.lrc-tnu.edu.vn

Lê Thị Thanh Huệ và Đtg

Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng
thức cho mọi lứa tuổi thiếu nhi. Đối với trẻ
Mầm non, cũng có một số lượng rất phong
phú các TPVH về chủ đề QH-ĐN-BH, từ thơ
đến truyện ngắn hay truyện dân gian được
viết lại. Đối với trẻ mẫu giáo lớn, với những
đặc trưng riêng về tâm - sinh lí lứa tuổi và với
những yêu cầu cần phải đạt được để chuẩn bị
tâm thế trước khi vào lớp 1, thì việc lựa chọn
các TPVH phù hợp với lứa tuổi có một ý
nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây có thể gọi là
giai đoạn bước ngoặt của trẻ trước khi chuyển
sang một hoạt động chủ đạo mới là hoạt động
học tập, thay thế cho hoạt động vui chơi.
Vậy nên, nếu các tác phẩm mà trẻ được làm
quen không đáp ứng được nhu cầu thưởng
thức của trẻ về nội dung tri thức chứa đựng
trong tác phẩm, cấu trúc quá ngắn, quá đơn
giản hay quá quen thuộc với trẻ…, sẽ làm cho
trẻ cảm thấy nhàm chán, không hứng thú, kìm
hãm sự phát triển. Ngược lại, nếu các tác
phẩm quá khó với khả năng tiếp thu của trẻ,
nội dung quá dài, quá trừu tượng… cũng sẽ
khiến trẻ khó khăn khi tiếp cận, dù đã cố gắng
hết sức vẫn không cảm thụ được, khi ấy tác
phẩm không thể đem lại hiệu quả tác động
như mong muốn. Do đó, hiểu đặc điểm tâm sinh lí của trẻ để lựa chọn các tác phẩm phù
hợp với lứa tuổi là vô cùng cần thiết. Các tác
phẩm ấy phải vừa sức tiếp thu và có khả năng
tác động đến “vùng phát triển gần nhất” của
trẻ [L.X.Vưgôtxki] để sao cho dưới sự hướng
dẫn của cô giáo, trẻ nỗ lực thì sẽ cảm thụ
được nội dung, nghệ thuật cũng như ý nghĩa
của tác phẩm.
Đảm bảo tính giáo dục
Văn học được coi là một phương tiện quan
trọng để giáo dục trẻ em. Nội dung, tư tưởng
của các tác phẩm phản ánh đúng đắn những
sự vật, hiện tượng trong cuộc sống bằng các
hình ảnh, hình tượng nghệ thuật độc đáo, giúp
trẻ nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ chúng trong
sự phát triển và mối liên hệ với các sự vật,
hiện tượng khác. Từ đó, các tác phẩm này có
vai trò khơi gợi những rung động và những
hành vi cao cả ở trẻ. Đó cũng chính là đặc
điểm giáo dục nhẹ nhàng bằng những đặc
trưng thẩm mĩ của văn học thiếu nhi.

109[09]: 21 - 25

Nhà văn Hữu Thỉnh từng nói: “Văn học thiếu
nhi rất quan trọng và không thể thiếu. Mỗi tác
phẩm có giá trị được ví như một người thầy
không những bồi dưỡng tâm hồn mà còn định
hướng cho các em”. Nhận xét này cho thấy ý
nghĩa lớn lao của văn học trong nhiệm vụ
giáo dục trẻ. Lựa chọn các TPVH ra sao để
trong bối cảnh hiện đại ngày nay, khi được
tiếp xúc với quá nhiều loại hình giải trí hấp
dẫn, các em cũng có thể tiếp nhận thông tin ở
nhiều loại phương tiện khác nhau, nhưng
những tác phẩm giàu ý nghĩa giáo dục và nổi
tiếng một thời không khiến trẻ “quay lưng”
lại, không thấy đó là những hình ảnh xưa cũ,
nhàm chán. Thêm vào đó, cuộc sống đổi mới
cũng cần cho các em tiếp xúc với những tác
phẩm mới, “hiện đại” như chính cuộc sống
của các em và vẫn không bị mất đi ý nghĩa
giáo dục sâu sắc. Khi chúng ta hướng đến
mục tiêu là giáo dục đạo đức và nhân cách
cho các em, hướng các em về cội nguồn của
dân tộc, về Chân - Thiện - Mỹ…, thì việc
hướng các em đến những điều nhân văn, nhân
bản, sẽ không chỉ là thiên chức của những nhà
văn, nhà thơ mà còn là nhiệm vụ của những
người làm công tác giáo dục…
Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đã đạt được những mức
độ nhất định về sự phát triển trí tuệ, đã có khả
năng tiếp nhận các TPVH phù hợp với lứa
tuổi, nhưng đồng thời trẻ cũng rất dễ học theo
những gì thể hiện ở trong tác phẩm mà chưa
cần biết đó là đúng sai, tốt xấu, do thiếu sự
chọn lựa hay định hướng của giáo viên, của
nhà giáo dục trong quá trình cho trẻ làm quen
với tác phẩm. Ngoài ra, việc chọn lựa các tác
phẩm giàu ý nghĩa giáo dục sẽ cung cấp thêm
cho trẻ một khối lượng tri thức phong phú về
tự nhiên - xã hội, con người đồng thời cũng
giúp trẻ được giáo dục nhân cách một cách tự
nhiên, nhẹ nhàng mà không cần những lời dạy
khô khan, triết lí.
Đảm bảo phù hợp với chủ đề “Quê hươngĐất nước-Bác Hồ”
Chương trình giáo dục mầm non hiện nay
đang tiến hành đổi mới các hình thức tổ chức
hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo theo
hướng tích hợp chủ đề. Trong đó, chủ đề QH-

22

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

//www.lrc-tnu.edu.vn

Lê Thị Thanh Huệ và Đtg

Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

ĐN-BH là một chủ đề lớn thường được thực
hiện từ 2 đến 4 tuần, nhằm cung cấp cho trẻ
những kiến thức cơ bản và gần gũi nhất về
chủ đề, đồng thời bước đầu hình thành cho trẻ
những lí tưởng, tình cảm cao đẹp với Bác Hồ
và quê hương, đất nước mến yêu. Ở trẻ mẫu
giáo lớn, nhu cầu và tình cảm của trẻ không
chỉ hướng vào bản thân mà đã biết hướng đến
con người và sự vật, hiện tượng bên ngoài.
Hoạt động của trẻ cũng không chỉ là theo sở
thích, vui thì mới học, mới hành động nữa.
Trẻ cần phải biết được “trách nhiệm” của
mình đối với bản thân, đối với mọi người
xung quanh. Vì vậy, khi làm quen với chủ đề
này, giáo viên cần phải lựa chọn nội dung dạy
thật phù hợp để củng cố những biểu tượng đã
được hình thành từ trước, đồng thời hình
thành, phát triển ở trẻ những biểu tượng mới
với tình cảm sâu sắc, gắn bó một cách tự
nhiên. Việc lựa chọn các TPVH thiếu nhi cũng
phải dựa trên nguyên tắc ấy. Đặc biệt, cần phải
tăng cường lựa chọn các tác phẩm về chính
quê hương nơi trẻ sinh sống để trẻ thấy được
vẻ đẹp của đất nước thật gần gũi, ngay ở chính
nơi trẻ sinh ra và lớn lên. Đó có thể là những gì
mà các em nhìn thấy hàng ngày, tiếp xúc hàng
ngày, là con đường đến trường, nơi có hương
rừng thơm và nước suối trong thầm thì:
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi
[Minh Chính - Hương rừng]
Nhưng cũng có thể đưa các em đến một vùng
biển, có sóng vỗ rì rào, sóng biển lấp lánh và
mỗi chiều thuyền về đầy ắp cá:
Quê em bên bãi biển,
Khuất sau rừng phi lao,
Quanh năm nghe rì rào
Lá reo và sóng vỗ…
[Nhược Thủy - Quê em ở vùng biển]
Những bài thơ và câu chuyện về Bác Hồ cũng
phải gần gũi với các em nhỏ ngày nay, chứ
không chỉ là với thiếu nhi thời kháng chiến.
Đó có thể là:“Khi em ra đời/Đã không còn

109[09]: 21 - 25

Bác/Chỉ còn tiếng hát/Chỉ còn lời ca.../Mà em
vẫn thấy/Bác sao thật gần/Năm điều Bác
dạy/Mãi còn vang ngân” [ Phan Thị Thanh
Nhàn - Trích Bác Hồ của em].
Ngoài hình ảnh về một đất nước Việt Nam
giàu truyền thống yêu nước, với những cảnh
đẹp hùng vĩ qua các trang thơ, bài văn của các
tác giả nổi tiếng cũng cần có thêm những
sáng tác mới về một Việt Nam hiện đại, đang
trên đà phát triển, hội nhập dưới con mắt của
các em nhỏ ngày nay.
Về nghệ thuật
Một TPVH có giá trị nói chung bao giờ cũng
phải có sự thống nhất hài hoà giữa nội dung
và hình thức nghệ thuật. TPVH thiếu nhi cũng
vậy, đã là một TPVH được tuyển chọn để dạy
cho trẻ mẫu giáo thì nhất thiết cũng phải đáp
ứng yêu cầu đó. Nội dung tác phẩm có thể
đơn giản, nghệ thuật có thể không thật sự
hoàn mĩ nhưng đó phải là tác phẩm có những
điểm riêng, độc đáo. Trẻ 5-6 tuổi đã có sự
phát triển vượt bậc về khả năng cảm thụ văn
học qua ngôn từ nghệ thuật, nên việc lựa chọn
những tác phẩm có yếu tố nghệ thuật độc đáo
là rất cần thiết để trẻ có thể cảm nhận được
hết ý nghĩa của tác phẩm cũng như được “bay
bổng, thăng hoa” cùng với nhân vật trữ tình.
Thơ văn để các em vừa yêu thích, vừa đạt
được các yêu cầu về giáo dục là rất khó. Mỗi
tác phẩm lôi cuốn được trẻ ở lứa tuổi này bao
giờ cũng xuất phát trước hết từ hình thức của
chính tác phẩm. Khi trẻ yêu thích, trẻ mới
thâm nhập vào tác phẩm mà cảm thụ được nội
dung ý nghĩa của nó, cũng như nhớ mãi
những bài học đầu đời này.
Đối với tác phẩm thơ
- Thể thơ: Thơ dành cho trẻ mầm non thường
là thể thơ tự do, thơ 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5
chữ hay thể lục bát, có vần điệu giúp trẻ dễ
nhớ, dễ thuộc. Chẳng hạn, có những bài thơ
chỉ có 4 câu, mỗi câu có 4 chữ như bài Con
chim hót - Phạm Hổ hoặc có 4 câu, mỗi câu 5
chữ như bài Đêm vườn - Hồ Tĩnh Tâm hoặc
dài hơn một chút như Chú giải phóng quân Cẩm Thơ [12 câu, thể lục bát], Buổi sáng –
Hoàng Gia Minh [12 câu, 4 chữ]…
23

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

//www.lrc-tnu.edu.vn

Lê Thị Thanh Huệ và Đtg

Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ phải ngắn gọn, rõ
ràng, trong sáng và dễ hiểu; có phần gần với
khẩu ngữ, vừa cụ thể vừa chi tiết nhưng cũng
phải tinh tế. “Đường xa em đi về/Có chim reo
trong lá/Có nước chảy dưới khe/Thì thào như
tiếng mẹ…” [Hương rừng - Minh Chính].
- Hệ thống âm thanh, nhịp điệu: Thơ cho các
em cũng có những nét rất khác so với thơ của
người lớn, đó là sự giàu chất truyện trong thơ
[hình tượng cảm xúc]. Nghĩa là mỗi bài thơ
cũng giống như một mẩu truyện hoặc chất
chứa đầy yếu tố truyện [Ra thăm bến cảng
Hải Phòng – Nguyễn Hồng Kiên, Về quê –
Nguyễn Thắng …]. Có thể nhận thấy, trẻ em
luôn ưa sự sôi động, nhộn nhịp, vui tươi.
Những tác phẩm giàu nhịp điệu, cách ngắt nhịp
độc đáo, âm thanh, tiếng động phong phú chắc
chắn sẽ thu hút sự chú ý của trẻ và có thể sử
dụng trong nhiều hoạt động khác nhau.
- Hình ảnh: Thơ cho các em rất cần chứa
đựng nhiều hình ảnh đẹp, mới lạ, hấp dẫn để
thu hút sự chú ý và hứng thú của trẻ.
Ngoài ra, nếu các tác phẩm thơ có được tính
hài hước để trẻ bật ra tiếng cười cũng là một
yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự thành công
khi cho trẻ tiếp xúc với tác phẩm.
Đối với truyện
- Ngôn ngữ: Giống như thơ, ngôn ngữ trong
truyện của các em cũng phải đơn giản, ngắn
gọn, sử dụng chủ yếu là câu đơn, một cụm
chủ vị, hạn chế câu ghép, câu nhiều thành
phần cú pháp để trẻ có thể dễ nghe, dễ hiểu và
dễ thể hiện lại tác phẩm [Ai ngoan sẽ được
thưởng - st, Quả táo Bác Hồ - st, Đôi bạn
dưới biển san hô – Như Mai, Thánh
Gióng…]. Ở lứa tuổi này, trẻ thích được vận
động, thích sự thay đổi và diễn biến nhanh, do
vậy ngôn ngữ truyện cũng phải giàu tính kịch
và tính hành động.
- Kết cấu truyện và hệ thống nhân vật: Kết
cấu truyện cần đơn giản, có thể theo trục thời
gian thuận [và tránh sự đồng hiện], theo hai
tuyến nhân vật đối lập và có những đoạn lặp
lại để trẻ có thể nhớ được các tình tiết trong
tác phẩm. Nếu như trong thơ giàu chất truyện
thì trong truyện dành cho các em cũng phải
giàu chất thơ và yếu tố hài hước, vui nhộn để
phù hợp với sở thích của trẻ. Nhà văn Võ
Quảng - nhà văn viết nhiều cho thiếu nhi đã
từng có những nhận xét rất xác đáng, rằng:

109[09]: 21 - 25

Các em thích những câu chuyện có nhiều tình
tiết li kì, nói lên những sự việc hàng ngày
nhưng cách diễn tả phải hồn nhiên, vui tươi,
dí dỏm; thường được trình bày một cách linh
hoạt, sự việc luôn luôn chuyển động, tâm lý
nhân vật không quá “chẻ tư”, phải như trò
chơi, luôn hoạt bát; thể hiện nhân vật một
cách chân thật hoặc được tung hoành trong trí
tưởng tượng và đánh thức được trong lòng trẻ
những tình cảm cao quý… Ví dụ:
“…Một hôm chim Sẻ được các bạn cử đến
gặp Sơn Ca. Chim Sẻ hỏi Sơn Ca:
- Bạn Sơn Ca ơi, có phải bác Mặt Trời cho
bạn giọng hát mê li ấy không?
- Không phải đâu. Bác Mặt Trời tốt bụng chỉ
cho tôi những tia nắng vàng rực rỡ, ấm áp thôi.
- Thế có phải cô Mây Hồng cho bạn giọng hát
hay không?
- Cũng không phải đâu bạn Sẻ ạ. Cô Mây
Hồng xinh đẹp chỉ cho tôi những tảng bông
êm dịu thôi…” [Giọng hót chim sơn ca – Thu
Thủy st].
Với chủ đề QH-ĐN-BH, những câu chuyện
về Bác Hồ, đất nước thường gắn với lịch sử,
nhưng qua những câu chuyện kể viết lại cho
trẻ cũng phải đảm bảo các yêu cầu về nghệ
thuật như vậy để trẻ tiếp nhận và làm quen
với chủ đề một cách tốt nhất.
KẾT LUẬN
Yêu cầu tích hợp trong Chương trình giáo dục
mầm non mới đòi hỏi mỗi giáo viên cần chủ
động, linh hoạt hơn trong quá trình dạy học
và thiết kế hoạt động sao cho phù hợp với
từng địa phương và từng trường lớp. Việc lựa
chọn các TPVH thiếu nhi phù hợp với lứa
tuổi mẫu giáo lớn để sử dụng khi cho trẻ làm
quen với văn học và tích hợp vào các hoạt
động chăm sóc - giáo dục trong chủ đề QHĐN-BH trở thành một công việc cần thiết và
có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, việc lựa
chọn này phải tuân theo một số yêu cầu cụ thể
để mỗi tác phẩm khi đưa đến các em vừa đảm
bảo về nội dung lại vừa hài hòa về hình thức
nghệ thuật, nhằm tuyển chọn được những tác
phẩm hay, có ý nghĩa giáo dục cao, phù hợp
với đặc điểm tiếp nhận của trẻ và thông qua
đó góp phần phát triển toàn diện nhân cách
cho trẻ, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất
trước khi đến trường phổ thông.

24

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

//www.lrc-tnu.edu.vn

Lê Thị Thanh Huệ và Đtg

Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Văn Cẩn [2005], Dạy học TPVH dành
cho thiếu nhi, tập 1, Nxb Giáo dục.
2. Phạm Mai Chi, Lê Thu Hương, Trần Thị Thanh
[2009], Đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động
giáo dục trẻ mẫu giáo theo hướng tích hợp chủ đề,
Nxb Giáo dục.
3. Phạm Thị Điểm [Chủ biên] [2009], Thiết kế dạy
học hoạt động làm quen văn học ở trường mầm
non, Nxb Giáo dục.

109[09]: 21 - 25

4. Phạm Hổ, Lữ Huy Nguyên [1995], Văn học cho
thiếu nhi, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Lã Thị Bắc Lý, Lê Thị Ánh Tuyết [2008],
Phương pháp cho trẻ mầm non làm quen với
TPVH, Nxb Giáo dục, Hà Nội
6. Nguyễn Ánh Tuyết [2005], Giáo dục mầm non
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học
Sư phạm, Hà Nội.

SUMMARY
HOW TO SELECT LITERATURE WORKS FOR CHILDREN BETWEEN FIVE
AND SIX YEARS OLD IN ORDER TO HELP THEM ACQUAINT WITH THE
THEME “HOMETOWN – COUNTRY – UNCLE HO” IN THE INTEGRATED
POINT OF VIEW
Le Thi Thanh Hue1, Le Thi Nhu Nguyet2*
1

College of Education – TNU, 2Thai Nguyen University Publishing House

Literature for children plays an important role in national literature and a vital part in the preschool children caring-educating program. It can be integrated into various activities in order to
raise their interest, review old lessons as well as provide them with knowledge gently and deeply.
When selecting a story for children aged 5 – 6 to get used to the topic “Hometown – Country –
Uncle Ho”, according to integration view, it is neccessary to guarantee specific requirements of
content [appropriate to different ages, educational characteristics, appropriate to the topic] and art
[linguistics, image, plot…].
Key words: literature for children, select, literature works, theme...

Ngày nhận bài: 20/02/2013; Ngày phản biện: 02/3/2013; Ngày duyệt đăng: 02/10/2013
Phản biện khoa học: TS. Mai Thị Nhung – Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên
*

Tel: 0973216622

25

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

//www.lrc-tnu.edu.vn

Page 2

YOMEDIA

Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc và là một nội dung quan trọng trong Chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ mẫu giáo, có thể lồng ghép, tích hợp vào nhiều hoạt động khác nhau để kích thích hứng thú, củng cố bài học cũng như cung cấp kiến thức cho trẻ một cách nhẹ nhàng, sâu sắc.

30-06-2018 186 6

Download

Giấy phép Mạng Xã Hội số: 670/GP-BTTTT cấp ngày 30/11/2015 Copyright © 2009-2019 TaiLieu.VN. All rights reserved.

Video liên quan

Chủ Đề