Luật khám chữa bệnh 2023

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi]. Đây là dự án luật thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: "Thời gian qua, tôi được tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và thấy tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc xảy ra không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà ở gần như tất cả các tình thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình... Tình trạng này rộ lên trong giai đoạn chống dịch nặng nề nhất và đến nay vẫn tiếp diễn là vấn đề cần quan tâm".

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, do công việc quá áp lực, đặc biệt áp lực giai đoạn phòng chống dịch tăng vọt, cùng với đó, chính sách chế độ với các cán bộ y tế càng ngày càng bộc lộ bất cập không thỏa đáng... 

“Trong gần 3 năm chống dịch vừa qua, để có kết quả tích cực như hiện nay là nhờ vào sự vào cuộc của toàn Đảng toàn dân nhưng ai cũng thấy được ngành y tế đã rất vất vả, gồng mình trong dịch. Bây giờ dịch cơ bản kiểm soát gần như sờ đến đâu, trong y tế nói chung cũng có vấn đề, cái đó cũng cần xem lại. Phổ biến nhất là vấn đề luật pháp chưa bao phủ được, tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc cho đúng, ngăn chặn việc sai nếu cán bộ y tế vi phạm từ sớm, từ xa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.

Về vấn đề nhiều giám đốc CDC các địa phương gần đây bị bắt, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá, phải thừa nhận có những cán bộ y tế quản lý có những sai sót, cần tiếp tục điều tra đúng để xử lý nhưng cần nhìn nhận vì sao có nhiều sai phạm đến vậy? “Có thể có người say về chuyên môn mà quên vấn đề về quản lý, tiền bạc, quy trình thực hiện gói thầu chưa chắc... nên vô tình bị sai, không loại trừ có những trường hợp biết sai nhưng cố tình làm để vụ lợi thì cần xử lý nghiêm minh”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này sẽ đem đến nhiều thay đổi. Luật phải thực sự là gắn liền với lợi ích người bệnh hơn và sửa đổi bổ sung những điều bất cập, khiếm khuyết thời gian qua dẫn đến nhiều hệ lụy trong khám chữa bệnh và giải quyết vấn đề của cán bộ y tế.

“Điều quan trọng nhất tôi kỳ vọng là sửa luật với tầm nhìn xa. khi xã hội có thay đổi mạnh mẽ, cuộc cách mạng 4.0 làm thay đổi rất nhiều trong tổ chức hệ thống y tế. Các công nghệ khám chữa bệnh, văn hóa khám chữa bệnh mà điển hình là khám chữa bệnh từ xa nên luật cần được điều chỉnh, bổ sung cho đầy đủ để cho y tế thực sự có bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả nhất nhưng mang tính hội nhập lớn với quốc tế”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình [Đoàn ĐBQH Thái Bình] cho biết, trong sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, bà quan tâm tới vấn đề đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ, chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang. 

“Theo tôi, cần tính toán lại  vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính, qua đại dịch COVID-19 vừa rồi chúng ta thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, những người y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này. Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Dung cũng cho biết, phải nhận định rằng y sĩ được đào tạo 2-3 năm như trước thì không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân cũng như thực tế. Vấn đề ở đây đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này. “Chúng ta phải  xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay”, bà Dung kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết thêm, dự án luật lần này đã đề cập vấn đề phát triển y tế cơ sở nhưng chưa đủ, cần có chính sách và quan tâm hơn nữa. Mặc dù Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều Nghị quyết và văn bản đề ra. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh cần được nghiên cứu để có những điều luật cụ thể hơn để tạo điều kiện cho y tế cơ sở thực sự phát triển.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10/2022, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi], đồng thời tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật nêu trên. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 24/10/2022 [nguồn quochoi.vn]

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] đã tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và Hội nghị đại biểu chuyên trách vừa qua. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với một số nội dung cụ thể như: mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng; việc thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập; việc tổ chức, hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực; chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh,… và thời gian thông qua dự án luật này.

Ông Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận [nguồn quochoi.vn]

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình -  Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh còn băn khoăn về khái niệm “người bệnh” tại khoản 3, Điều 2. Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dự phòng. Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định từ Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần vì thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định pháp luật cần cụ hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Về quyền của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản, đại biểu cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định này theo hướng người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hay người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và phải được cung cấp bản sao hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời, đại biểu cho rằng việc thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân; thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh; quản lý bệnh tật, tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ bảo hiểm y tế. Các nội dung này cần phải được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Song song đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm việc dự thảo luật đang quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp, vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu sửa đổi một số điều của Luật dược để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bức xúc của các cơ sở y tế hiện nay.

B.T.T LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

Chủ Đề