Mua sách Đúng việc -- Giản Tư Trung

Ai ai trong chúng ta, dù mới sinh ra hay khi đã về già, đều sống để làm việc. Công việc đầu tiên kể từ khi cất tiếng khóc chào đời của mỗi chúng ta là làm người, sau đó là làm dân và cuối cùng là làm việc. Lựa chọn của mỗi người đối với từng công việc đó, sẽ vẽ nên bức tranh của cuộc đời họ, quyết định cuộc đời của họ có viên mãn hay không. Nếu bạn đang mông lung trên hành trình tự lực khai hoá [theo cách nói của nhà văn hoá Phan Châu Trinh] – hành trình tự hoàn thiện chân – thiện – mĩ, thì Đúng việc của Giản Tư Trung chính là chiếc chìa khoá cho bạn.

Đúng việc phân biệt đúng hay sai dựa vào cách tiếp cận định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề. Với Đúng việc, bạn sẽ được cung cấp vô vàn định nghĩa với các góc nhìn khác nhau cũng như các ví dụ rất thực tế và gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Con người là một sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, của mọi thứ [Plato] 

Con người luôn trăn trở, khao khát tìm ra câu trả lời cho mục đích sống của mình. Sống để làm gì? là câu hỏi mà ngày ngày mỗi người đều kiếm tìm. Vì thế, điều khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài vật khác là “lẽ sống” – là thứ mà anh ta luôn hướng tới. Như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, thiếu lẽ sống, anh ta chỉ sống một cuộc đời trong hình hài của một con người nhưng vô hồn, không khác gì vật vô tri vô giác. Ngoài ra, con người vẫn luôn sống và đấu tranh cho lẽ phải.

Biết bao người dân Mĩ đã ngày ngày diễu hành phản đối chiến tranh tại Việt Nam, vì họ thấy được sự vô lý của cuộc chiến này cũng như sự tàn bạo của chiến tranh nói chung.

Hai phẩm giá mà con người đúng nghĩa, hay “con người tự do” có là tự trọng và tôn trọng.

Thật vậy, những người tự trọng sẽ luôn giày vò bản thân khi đi ngược lại lẽ sống, với những gì họ cho là đúng hơn là đối diện với luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. Ví dụ, “Tôi không nhận phong bì vì tôi cảm thấy đó là điều sai trái, dù rằng tôi đang cần tiền và dù tôi có nhận thì hoàn toàn không sao, vì ai cũng nhận phong bì trong phòng của tôi.” Vì vậy, người tự trọng, tự trị khó có thể làm điều xấu, dù cho không có ai biết việc họ làm. Đồng thời, họ vẫn sẵn sàng làm điều tốt dù không được công nhận, không có ai biết đến. Còn “tôn trọng” ở đây là tự do được làm mọi thứ mà mình muốn. Tuy nhiên, nếu sự tự do ấy xâm phạm quyền lợi của người khác, thì sự tự do ấy cần phải hạn chế. Ví dụ, bạn có thể hút thuốc, nhưng nếu đó là nơi công cộng, có rất nhiều người sẽ phải hút thuốc bị động theo bạn, và có nguy cơ bị các bệnh về phổi, thì bạn không nên hút thuốc. Tự do của một người không thể bị hạn chế với lý do nó sẽ khiến người đó hạnh phúc hơn. Bởi mỗi người có quan điểm về hạnh phúc khác nhau. Có người quan niệm thế này là hạnh phúc, nhưng với người khác thì không phải. Tôi thấy lên giường đi ngủ mỗi tối là một loại hạnh phúc, nhưng với cú đêm thì lại khác. Vì thế, không ai có quyền ngăn cấm người khác làm gì vì hạnh phúc của bản thân người đó.

Để làm người tự do, chúng ta cần rèn luyện năng lực khai phóng và năng lực khai tâm. Năng lực khai phóng, nôm na là để cho ánh sáng của sự đúng đắn, của lương tri quét sạch sự tăm tối của con người giáo điều, ấu trĩ bấy lâu nay. Chúng ta cần phải giữ một cái đầu sáng, có tư tưởng đúng đắn, bởi người ta từng nói “Tư tưởng quyết định số phận”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải gạt bỏ ước muốn sang một bên để thực hiện những điều đúng đắn, mà cần khai thông quan niệm của chính mình. Nếu ta có những quan niệm đúng đắn về những vấn đề hệ trọng, và cả đời bám lấy quan niệm đó thì chúng ta sẽ có một cuộc đời như ước nguyện, còn nếu ngược lại, chúng ta mang trong mình những quan niệm sai lầm, lệch lại, thì cuộc đời không biết sẽ ra sao? Còn khai tâm, đơn giản là một trái tim “có hồn”, biết rung rinh trước cái đẹp, biết phẫn nộ trước cái xấu, biết thổn thức trước những oan khuất, nỗi đau. Có lẽ chưa bao giờ mà sự vô cảm lại tràn lan một cách đáng sợ trong giới trẻ hiện nay. Ngày ngày chúng ta vẫn bắt gặp các vụ tai nạn xe nhưng phần đông người đi đường nán lại chỉ đứng nhìn, chứ rất ít người thực sự bước xuống giúp đỡ người bị nạn. Hay trên xe buýt, thật buồn khi thấy không có ai nhường chỗ cho phụ nữ có thai, người già và trẻ em. Albert Einstein đã từng nói: Thế giới trở nên nguy hiểm không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Vì vậy, nếu bạn quan niệm sống cuộc đời không làm gì xấu xa nhưng lại giữ thái độ vô tâm thì cũng không thực sự là vô hại, vì nó rất gần với vô cảm, thậm chí là vô minh.

Tác giả đưa ra mô hình Ta là sản phẩm của chính mình, động viên người đọc chọn một hệ quy chiếu đúng đắn [gần với tự do, chân lý] để nhìn nhận cuộc đời. Mô hình gồm 5 phần: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mình và cuối cùng là Giữ được chính mình.

Ai cũng mang trong mình quốc tịch của riêng mình, nên công việc tiếp sau làm người là làm dân.

Theo Giản Tư Trung, Quyền Hiến định là những quyền do Hiến pháp quy định, quyền Luật định là những quyền do Luật pháp quy định. Còn quyền Mặc định tức là những quyền tự nhiên, hiển nhiên, do tạo hoá ban cho con người khi sinh ra. Khác với nhân dân, Nhà nước không có quyền mặc định, vì “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân và chính từ nhân dân mà ra. Và nhân dân tạo ra mỗi Nhà nước là để Nhà nước đó phục vụ mình, bảo vệ các quyền của mình, nhất là quyền mặc định của mình. Tổng thống Mĩ Obama đã từng nói: Là Tổng thống của Hoa Kỳ và Tổng Tư lệnh của quân đội, tôi chấp nhận rằng mọi người sẽ réo tên tôi như những thứ xấu xa mỗi ngày – và tôi sẽ luôn luôn bảo vệ quyền để họ làm vậy. Như vậy, ta có thể thấy, nếu một chính quyền sợ tư do ngôn luận và tự do học thuật tức là chính quyền đó sợ chân lý, sợ sự thật. Và chỉ có những chính quyền dối trá, xấu xa thì mới sợ “giấu đầu lòi đuôi” như vậy.

“Nô dân”, “thần dân” và “công dân”

Một công dân đúng nghĩa sẽ có hiểu biết về phẩm chất của một con người tự do, tự trị, về hiện trạng xã hội cũng như chính trị của đất nước, và biết cách làm thế nào để quản trị xã hội mình đang sống một cách đúng đắn. Khác với công dân, thần dân và nô dân không hề quan tâm đến vấn đề nà. Anh ta xem đó dường như là việc của người khác chứ không phải của mình, chỉ chờ đợi để nghe theo lệnh.

“Dân trí”, “dân quyền” và “dân sinh”

“Dân trí” là con đường bắt buộc phải cải thiện nếu muốn có “dân quyền” và “dân sinh”. Tất cả phải bắt đầu từ “dân trí”, mà dân trí của mỗi người thì bắt đầu từ năng lực khai phóng của chính bản thân họ.

Chương ba của sách bàn luận về “Làm việc”. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có một [hoặc một số] nghề nghiệp và dành một nửa cuộc đời sống với nghề nghiệp đó. Tuy nhiên, những người hạnh phúc thường không phải là những người không kiếm tìm được niềm vui trong công việc. Hay nói cách khác, “đạo sống” và “đạo nghề” của một người nếu không hoà quyện thì khó để người đó có một cuộc đời trọn vẹn. “Đạo sống” [làm người] là những giá trị ta lựa chọn theo đuổi trong cuộc đời, còn “đạo nghề” là lý tưởng nghề nghiệp. 

Nghề nghiệp mình chọn phản ánh con người của chính mình. Ta chọn nghề ca sĩ vì muốn được ca hát cho mọi người theo đúng đam mê cháy bỏng hay bị sự nổi tiếng cám dỗ? Ta chọn nghề giáo viên vì muốn được truyền tải kiến thức đến mọi người hay muốn được thị uy với học sinh?...

“Đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống không có mục đích. Đáng buồn thay trong xã hội ngày nay, ta bắt gặp được vô vàn trường hợp mà người làm nghề lại chệch khỏi rất xa khỏi “đạo nghề”. Chẳng hạn như cảnh sát giao thông thay vì điều khiển giao thông lại chỉ “núp lùm” vòi tiền phạt của dân. Hay bác sĩ cũng vòi tiền người bệnh thay vì nhiệm vụ chính là chữa bệnh cứu người,…

Bạn có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:

-  Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề / việc đó không?

-  Việc mà mình chọn có phù hợp với con người của mình không?

Chương này sẽ nêu ra chân dung một số nghề dưới hình thức cặp đối ngẫu để người đọc có thêm góc nhìn, những đối sách cần thiết, cũng như tự mình chiêm nghiệm ra đâu là cái “đạo” của nghề đó.

Cuối cùng, tác giả đưa thêm một công việc, coi như là quà tặng thêm cho độc giả là “làm giáo dục”, bàn luận về năm chủ thể trong hệ thống giáo dục: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. “Công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể thực sự diễn ra khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác.

LỜI KẾT

Dù cho làm người, làm dân hay làm việc thì mục tiêu cuối cùng của đời người cũng là sống một cuộc sống hạnh phúc. Với những phân tích và đề xuất tưởng chừng như đơn giản mà lại rất khó, nếu bạn hướng tới tự hoàn thiện mình thành một “con người tự trị” và đảm bảo thực hiện được điều đó, thì Đúng việc hoàn toàn là một cuốn sách dành cho bạn. Hãy thử đọc và thử làm theo các đề xuất của Giản Tư Trung, rất nhanh thôi bạn sẽ đạt được hạnh phúc trong cuộc đời của mình!

Tác giả: Mei Hoàng - Bookademy 

----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: //www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng kí tại link: //bit.ly/2Hxkazt

Video liên quan

Chủ Đề