Mức lương tối thiểu năm 2023

Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai chính sách về lao động, tiền lương, trong đó có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7/2023, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ông cho biết, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp khiến một bộ phận nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình hội nghị Trung ương 6 khóa XIII điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng [tăng 20,8%].

Lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, đời sống cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn.

Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm [hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34] sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 20/10. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều.

Chính phủ cũng sẽ có giải pháp nâng cao trình độ dân trí, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời triển khai đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; tăng cường y tế cơ sở, dự phòng, đảm bảo năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch của hệ thống y tế; cơ chế tài chính y tế tiếp tục được đổi mới; thực hiện lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ. Nguồn lực xã hội được huy động đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư. Năm 2023, Chính phủ phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Đồng thời, nhiều dự án sẽ được khởi công, như Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 Hà Nội; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Đắk Nông - Bình Phước; Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng; Kon Tum - Quảng Ngãi; Lạng Sơn - Cao Bằng...

Một số sân bay cũng được dự kiến nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng như Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa, Gia Lâm.

Đến năm 2022, khoảng 565 km cao tốc đã được hoàn thành; trong đó đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Cuối năm 2022, sẽ có 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam được khởi công, với chiều dài gần 730 km.

Dù đạt nhiều kết quả, Thủ tướng thừa nhận, kỷ luật hành chính có nơi chưa nghiêm; một số cán bộ công chức vi phạm quy định, bị kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng “còn diễn biến phức tạp”. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm...

Theo VNE

Chiều 20/10, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023.

Từ ngày 01/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng [khoảng 20,8%]; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Từ ngày 01/01/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để thu hẹp dần khoảng cách tiền lương của cán bộ, công chức các đơn vị này so với các cơ quan nhà nước khác, thuận lợi khi triển khai thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù.

Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023 cũng cần có phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023.

Bên cạnh đó, khi trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận định tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp.

Do đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023.

Đề xuất tăng lương cơ sở vào năm 2023 là hợp lý

Quan tâm đến việc tăng lương cơ sở trong thời điểm hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, vấn đề tăng lương cơ sở đã được đặt ra từ những năm trước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung ương và địa phương phải tập trung trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tăng cường phát triển kinh tế, do đó chưa thực hiện được công tác này. Đối với thời điểm nay, đại biểu cho rằng việc đề xuất tăng lương cơ sở vào năm 2023 là hợp lý.

Theo đó, hiện nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, nền kinh tế sau đại dịch đang dần phục hồi. Bên cạnh đó cũng có những chương trình rất ý nghĩa để phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, cuộc sống của đại đa số nhân dân chịu ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực. Đối với tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng. Tuy không rõ rệt như các doanh nghiệp hay người dân khác nhưng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng.

Theo đại biểu, có nhiều cán bộ, công chức khi đại dịch xảy ra đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế, vừa áp lực công việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga:

Tăng lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa

Về mức tăng tiền lương theo đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên mức tăng 20,8% chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính. 

Theo đại biểu, đối với cán bộ công chức, khi tính theo thang bảng lương hiện hành cộng với 20,8% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với mỗi cán bộ, công chức trong một tháng vẫn rất thấp so với nhu cầu đời sống hiện tại.

Dẫu vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga vẫn hy vọng sẽ có cải cách dần dần bởi còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách quốc gia.

Đại biểu cho rằng, khi thực hiện chi trả tiền lương theo cách tính lương mới, chế độ tiền lương sẽ được cải cách hơn rất nhiều. Đây cũng là sự mong mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách nhà nước.

Đối với giải pháp lâu dài để cán bộ, công chức có thể yên tâm sống bằng lương hưởng ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Để cải cách tiền lương phải có nguồn lực đủ mạnh. Muốn có nguồn lực đủ mạnh phải song hành với rất nhiều giải pháp phát triển kinh tế.

Đại biểu cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế bởi phần tiền lương bỏ ra để duy trì một bô máy cồng kềnh cũng rất tốn kém.

Song song với các biện pháp tổ chức bộ máy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, phải có những biện pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Chỉ khi phát triển được kinh tế thì mới có nguồn để cải cách tiền lương.

Đồng thời cho rằng, việc cải cách tiền lương trong tương lai, trả lương theo vị trí việc làm cũng giúp giải quyết phần nào rào cản đối với cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp.

Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương cũng đang nỗ lực có những chính sách ưu đãi đối với những người có tài năng, cống hiến cho địa phương.

Cải cách tiền lương là mấu chốt để 'giữ chân" nhân tài

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, hiện nay, có hiện tượng rất đáng buồn đang xảy ra đó là "chảy máu chất xám" ở các cơ quan nhà nước.

Theo đó, có hiện tượng người có năng lực di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên nhân là do tiền lương họ nhận được từ khu vực công quá ít so với khu vực tư.

Bên cạnh đó, có hiện tượng bỏ luôn nghề để làm những nghề khác kiếm được thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn.

Đại biểu cho rằng hai hiện tượng này cần suy nghĩ thận trọng bởi đều liên quan đến tiền lương, tiền công người lao động được nhận. Với điều kiện tiền lương thấp, đội ngũ cán bộ, công chức không đủ điều kiện nuôi gia đình.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: Việc cải cách tiền lương là mấu chốt vấn đề để giữ chân nhân tài, không bị chảy máu chất xám trong khu vực công./.

Theo Quochoi.vn

Chủ Đề