Nền văn học Việt Nam chính thức bước vào công cuộc đổi mới ở thời điểm nào

Nhà văn Việt Nam qua 30 năm Ðổi mới

Các nhà văn Việt Nam tại đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 9 năm 2015. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới với phương hướng công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, đã và đang làm thay đổi không gian và khí hậu sinh tồn của văn học nghệ thuật, trong đó có văn học. Những định nghĩa ngỡ như kinh điển về nhà văn và văn học của lớp trước rất dễ thành hài hước với lớp trẻ hôm nay. Đời sống tinh thần và tình cảm của con người hiện đại hình như đang cần những thuốc bổ dưỡng mới và bệnh tật cũng cần ở văn học những loại kháng sinh mới. Những suy nghĩ đó tới với tôi, khi lướt nhìn lại sự biến động của đội ngũ nhà văn Việt Nam qua 30 năm đổi mới.

Đến thời điểm năm 1985, nhà văn Việt Nam vẫn được phân chia thành mấy thế hệ khá rõ ràng:

Thế hệ tiền chiến: Đây là thời điểm rất quan trọng, không phải về sáng tác, mà về đánh giá, định giá và tổng kết sự nghiệp sáng tác trải qua nhiều biến động lịch sử của lớp nhà văn cầm bút từ trước 1945. Những sự nghiệp từng bị chia lẻ trong những thời điểm lịch sử nhất định, nay được gom về trong một tổng thể. Nhiều đứa con tinh thần một thời phải từ bỏ, nay được chính thức thừa nhận, làm nên sự giàu có, đa sắc của một hành trình sáng tạo không đơn giản. Trong thế kỷ 20, đây là thế hệ có nhiều tác giả giàu tài năng sáng tạo, có nhiều tác phẩm ghi dấu son trong văn học nước nhà.

Thế hệ chống Pháp: Đây là thế hệ nhà văn xuất hiện và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều tác giả, đặc biệt các nhà văn mặc áo lính vẫn còn sức sáng tạo với những đổi mới quyết liệt. Đây là thế hệ nhà văn-chiến sĩ, bằng cuộc đời và tác phẩm của mình đã góp sức động viên tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của dân tộc, nhiều tác phẩm của họ sẽ còn mách bảo với tương lai gương mặt tinh thần và đời sống tình cảm của người Việt ở một thời điểm không thể quên. Cũng có không ít nhà văn gặp nhiều trắc trở, nhưng đến thời điểm đổi mới, hầu như nhiều điều đã được giải tỏa, nhiều tác phẩm và tác giả đã được đánh giá lại. Thế hệ nhà văn này đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh công dân - nghệ sĩ với nghĩa đẹp nhất của nó.

Thế hệ chống Mỹ: Tính về số lượng nhà văn và tác phẩm, đây là thế hệ đông đảo và thành công nhất. Được đào tạo chu đáo, từng có mặt ở nhiều địa bàn, nhiều đơn vị chiến đấu khắp hai miền nam bắc, từ thực tiễn chiến đấu và công tác mà tìm tới văn học như tìm thêm một vũ khí chiến đấu. Tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, nhân vật người lính chiếm số lượng chủ yếu trong sáng tác của thế hệ nhà văn này. Trong những khuôn thước và giới hạn, tầm nhìn đương thời, tác phẩm của thế hệ chống Mỹ thực tế đã vượt lên những gì có thể, tạo nên một bức tranh văn học đặc sắc, độc đáo. Đã xuất hiện một số tác phẩm nói đến thân phận người lính không tìm thấy chỗ đứng trong đời sống mới, như là dấu hiệu của sự giải thoát khỏi một quan niệm cố hữu của văn học đề tài chiến tranh. Cho đến nay, đây vẫn là lực lượng chủ chốt trong các cơ quan liên quan đến văn học.

Nhà văn Chu Cẩm Phong.

Nhà văn Lê Anh Xuân.

Nhà văn Nguyễn Thi.

Trong những năm đổi mới, đóng góp vào văn học và sự nghiệp kháng chiến của ba thế hệ này đã được Nhà nước công nhận xứng đáng bằng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Đã có năm nhà văn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng: Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Sơn Tùng.

Bước vào một nhà sách hôm nay, biết bao nhiêu tác phẩm quen thân vẫn được thường xuyên khoác tấm áo mới mà tác giả đã thành người thiên cổ. Một thành quả không thể có nếu không có những năm đổi mới khôi phục vị trí cho nhiều tác giả và tác phẩm giàu lòng yêu nước, thương dân sống ở đô thị miền nam trước đây, một số giờ đang cư trú ở nước ngoài. Kho tàng văn học hiện đại của nước nhà giàu có lên nhờ sự cởi mở trong quan niệm về văn học dân tộc. Tâm huyết, tài năng, tình cảm gói trong những trang sách vẫn mách bảo cho người sống hôm nay và mai sau những bài học về làm người, về sử dụng cuộc đời sao cho hữu ích, cho có danh gì với núi sông!

Cho nên khi nói đến văn học thời kỳ đổi mới, người ta vẫn nhìn vào và hy vọng ở lớp nhà văn cầm bút từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trong chiến tranh, lực lượng sáng tác văn học được tổ chức thành đội hình, có lớp lang, thứ tự, những cây cao bóng cả được tôn trọng. Một vài tác phẩm mới, một giọng điệu thơ văn lạ được chào đón, quan tâm. Viết văn không mưu cầu kiếm sống, không phải là một nghề, nhưng ai đã bước vào thế giới văn chương, dễ xác định hướng sẽ đi, việc sẽ làm, tính chuyên nghiệp vì thế lại khá rõ.

Từ ngày đất nước bắt đầu đổi mới, tình thế đã có nhiều đổi khác. Thế giới văn chương không còn nét thiêng liêng, xa cách, mà tràn ngập tinh thần dân chủ. Số người tham gia sáng tác văn học đông vui với một khối lượng tác phẩm in ấn nhiều đến mức không một nhà phê bình hay quản lý văn hóa nào có thể bao quát hết. Giao lưu và hòa nhập thế giới, trong đó có văn hóa, làm cho văn hóa thế giới với nhiều loại hình giải trí tràn ngập trong đời sống thường nhật, đã làm thay đổi vị trí trang trọng của văn học và vị trí xã hội của nhà văn. Các lớp nhà văn trẻ kế tiếp bước vào văn học, nhanh chóng có tác phẩm được chú ý. Giọng điệu là thứ được trình diện đầu tiên, nhiều cây bút trẻ có học vấn cao, có điều kiện đi lại nhiều, có quan hệ rộng, cho nên ngay từ tác phẩm đầu tay đã tỏ ra điêu luyện, không trải qua thời kỳ tập bút như thế hệ trước. Sức viết, sự mở rộng đề tài, thể loại cũng là thế mạnh của nhiều người. Điều kiện in ấn dễ dàng, sự tham gia truyền thông của báo chí góp phần làm cho nhiều tác phẩm và tác giả có một lượng người đọc khá đông. Có những tác giả không chỉ sống được mà còn sống phong lưu chỉ bằng sáng tác. Hoạt động của văn học trẻ bao giờ cũng sôi động, đầy mầu sắc. Nhưng nói đến những tác phẩm có đóng góp vào đời sống xã hội, những nhà văn thật sự có tìm tòi mới, có tiếng nói được xã hội công nhận, thật không dễ. Không ít người coi văn chương chỉ là một trong những hoạt động để thể hiện bản thân mình. Khá nhiều cây bút có năng khiếu văn chương, sau một số tác phẩm đầu tay đầy hứa hẹn, đã bị công việc với cường độ cao của guồng máy báo chí hút vào việc mưu sinh là chính.

Xưa nay, người ta vẫn nghĩ, thiên tài chỉ là những cây mọc dại, không thể chăm bón mà thành. Nhưng để có những nhà văn lớn, nghĩa là sáng tác được những tác phẩm mà đương thời mong đợi, hậu thế có thể nhìn vào để không chỉ thấy hình ảnh một thời, mà còn nhận từ đó lời mách bảo thân gần cho cuộc sống chính họ, thì không thể thiếu trách nhiệm của xã hội. Rất gần thôi, nhìn xem cách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng các vận động viên thể thao đỉnh cao của ngành thể thao nước ta. Trong văn học nghệ thuật, hình như chưa ai nghĩ đến một chiến lược đường dài như thế? Không đào tạo được nhà văn, nhưng với những người có năng khiếu, việc tạo điều kiện để nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, xã hội, sự từng trải và điều kiện sáng tác có thể tổ chức và làm được. Nhìn một số nhà văn xuất hiện chói sáng một thời rồi cứ mờ dần như ngọn đèn hụt bấc khi tuổi đời còn trẻ, tôi thấy hình như chúng ta chưa làm được những việc cần làm đối với việc bồi dưỡng các nhà văn trẻ. Càng mở rộng giao lưu quốc tế, càng phải xây dựng được một nền văn hóa dân tộc vững vàng, giàu bản sắc, trong đó có văn học. Để trong những năm tới, văn học nước nhà có một thế hệ nhà văn và tác phẩm sánh vai với bạn bè quốc tế, một chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người có năng khiếu văn chương cần được sớm cụ thể hóa.

Càng mở rộng giao lưu quốc tế, càng phải xây dựng được một nền văn hóa dân tộc vững vàng, giàu bản sắc, trong đó có văn học.

NGÔ THẢO

Video liên quan

Chủ Đề