Người nghiện ma túy là gì

Tôi có thắc mắc như sau: Người nghiện ma túy có thể thực hiện cai nghiện ma túy tại nhà được không và phải cai nghiện trong bao lâu? Con trai tôi theo bạn bè dùng thử ma túy nên đã bị nghiện ma túy nhưng còn nhẹ thì có được cai nghiện ma túy tại nhà không? Người tự nguyện cai nghiện ma túy tại nhà phải có trách nhiệm gì đối với việc cai nghiện của mình?

Người nghiện ma túy có thể thực hiện cai nghiện ma túy tại nhà được không và trong bao lâu?

Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Phòng chống ma tuý 2021.

Theo khoản 13 Điều 2 Luật Phòng chống ma tuý 2021 giải thích cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này.

Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 30 Luật Phòng chống ma tuý 2021 quy định:

“Điều 30. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
1. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
...”

Theo đó, người nghiện ma túy có thể thực hiện cai nghiện ma túy tại nhà với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

Cai nghiện ma túy tại nhà [Hình từ Internet]

Ai có thẩm quyền quyết định cai nghiện ma túy tại nhà đối với người đăng ký cai nghiện tự nguyện?

Căn cứ quy định tại Điều 30 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 30. Quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc quyết định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện, đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thẩm định hồ sơ đăng ký cai nghiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
2. Quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Mẫu số 24 Phụ lục II Nghị định này phải được gửi cho cá nhân, gia đình người cai nghiện, các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.”

Theo đó, trong 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thẩm định hồ sơ đăng ký cai nghiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người có thẩm quyền quyết định cai nghiện ma túy tại nhà đối với người đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Người tự nguyện cai nghiện ma túy tại nhà phải có trách nhiệm gì đối với việc cai nghiện theo quy định?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 30 Luật Phòng chống ma tuý 2021 quy định:

“Điều 30. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
4. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:
a] Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;
b] Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.”

Tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định:

"Điều 31. Thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
1. Người cai nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy có trách nhiệm:
a] Thực hiện cai nghiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
b] Phối hợp với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện tự nguyện hoàn thiện kế hoạch cai nghiện và thực hiện kế hoạch cai nghiện với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và trợ giúp của gia đình. Tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy của cá nhân;
c] Trả chi phí sử dụng dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo hợp đồng sử dụng dịch vụ.
2. Gia đình và người đại diện hợp pháp của người cai nghiện ma túy tự nguyện có trách nhiệm:
a] Quản lý, hỗ trợ, động viên người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện;
b] Tạo điều kiện vật chất, tinh thần để người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, tâm lý; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em tham gia học tập [đối với người dưới 18 tuổi], học nghề, tạo việc làm, sinh kế giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, xã hội;
c] Trả chi phí cai nghiện theo hợp đồng sử dụng dịch cai nghiện [đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi].
…”

Theo đó, người tự nguyện cai nghiện ma túy tại nhà có trách nhiệm thực hiện cai nghiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phối hợp với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện tự nguyện hoàn thiện kế hoạch cai nghiện và thực hiện kế hoạch cai nghiện với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và trợ giúp của gia đình. Tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy của cá nhân.

Người tự nguyện cai nghiện ma túy tại nhà phải trả chi phí sử dụng dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo hợp đồng sử dụng dịch vụ.

Chủ Đề