Nguyên nhân bàn chân dính ngón

Biến dạng ngón chân cái là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh chủ yếu gây ra do di truyền hoặc tình trạng mang giày chật mũi, giày cao gót. Do đó, bệnh thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường nhất từ 20 – 50 tuổi. Tuy là một bệnh lành tính, hầu hết không cần điều trị, nhưng vẫn có thể gây hậu quả nặng nề. Cùng theo chân tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên nhé!

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về biến dạng ngón chân cái
  • Triệu chứng biến dạng ngón chân cái
  • Khi nào cần khám bệnh?
  • Nguyên nhân làm biến dạng ngón chân cái
  • Biến dạng ngón chân cái độ tuổi vị thành niên
  • Biến chứng
  • Chẩn đoán
  • Phương pháp điều trị
  • Biện pháp phòng ngừa

Tổng quan về biến dạng ngón chân cái

Biến dạng ngón chân cái [bunions] là sự sưng to của xương, hình thành ở khớp bàn ngón chân cái. Biến dạng này xảy ra khi các xương ở phần trước bàn chân nằm sai lệch vị trí. Chỏm xương bàn ngón cái bị lệch vào trong và đốt ngón chân cái bị kéo lệch về các ngón còn lại. Từ đó, làm nhô phần khớp bàn ngón chân cái nhiều hơn bình thường. Da vùng khớp biến dạng này có thể đỏ và đau, gây ra bởi tình trạng viêm. Bệnh diễn tiến từ từ, biến dạng nặng dần theo thời gian.

Mang giày chật là yếu tố quan trọng gây ra biến dạng ngón chân cái và làm nặng hơn tình trạng của bệnh. Ngoài ra, tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở ngón út, hay còn gọi là biến dạng ngón chân “thợ may” [tailor’s bunion – Bunionette].

Triệu chứng biến dạng ngón chân cái

Các dấu hiệu và triệu chứng của biến dạng ngón chân cái bao gồm:

  • Khối sưng phồng, cứng, nhô ra ở bờ trong khớp bàn ngón chân cái.
  • Ngón chân cái lệch về hướng các ngón chân còn lại của bàn chân.
  • Sưng, nóng, đỏ hoặc đau quanh khớp bàn ngón chân cái.
  • Cục chai ở da thường xuất hiện khi ngón chân cái và ngón thứ 2 cọ sát vào nhau.
  • Cứng khớp và hạn chế cử động ngón chân cái.
Viêm quanh khớp bàn ngón cái

Khi nào cần khám bệnh?

Mặc dù biến dạng ngón chân cái thường không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp cần đi khám khi có các dấu hiệu sau:

  • Đau ngón chân hoặc bàn chân nhiều, liên tục.
  • Thử các biện pháp điều trị tại nhà như chườm đá, hạn chế cử động, mang giày phù hợp nhưng không khỏi.
  • Gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
  • Khó tìm được giày phù hợp vì biến dạng ngón chân cái gây ra.
  • Mắc các bệnh làm nặng thêm tình trạng biến dạng ngón chân cái như đái tháo đường.

Xem thêm: Bàn chân: Một cấu trúc kì diệu của tạo hóa

Nguyên nhân làm biến dạng ngón chân cái

Có nhiều giả thuyết được đưa ra về quá trình hình thành biến dạng ngón chân cái. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn còn chưa biết. Các nguyên nhân có khả năng gây ra bao gồm:

1. Giày cao gót

Mang giày cao gót sẽ dồn toàn bộ trọng lượng của cơ thể về phía đầu ngón chân. Lâu ngày làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân cái. Điều này giải thích tại sao phụ nữ bị nhiều hơn gấp 10 lần nam giới.

Xem thêm: Cách chọn cho trẻ một đôi giày tốt

Mang giày cao gót nguy cơ biến dạng ngón chân cái.

2. Nghề nghiệp

Những người phải đi lại nhiều, đứng lâu, hay những vũ công múa ba lê dễ mắc bệnh hơn.

3. Giày không phù hợp

Những người mang giày quá chật, hoặc quá nhọn ở mũi giày có nhiều khả năng gây biến dạng này.

4. Di truyền

Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh sẽ dễ bị hơn những nguời khác.

5. Các dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương

Chấn thương hoặc các động tác lặp đi lặp lại gây căng thẳng cho bàn chân.

6. Biến thể giải phẫu của bàn chân ở một số người

  • Vòm thấp, bàn chân bẹt, lỏng các khớp và gân làm tăng khả năng gây biến dạng ngón chân cái.
  • Hình dạng biến thể của chỏm xương bàn ở một số người. Nếu chỏm quá tròn, mặt khớp sẽ kém ổn định, dễ gây biến dạng hơn khi mang giày chật, hẹp.

7. Thai kỳ

Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thai kỳ làm lỏng dây chằng và làm phẳng bàn chân. Từ đó, làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân cái và các vấn đề khác ở bàn chân.

Xem thêm: Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích

8. Các bệnh lý khác

Biến dạng có thể liên quan đến một số loại viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra cũng liên quan đến các bệnh lý thần kinh cơ, như bệnh bại liệt

Biến dạng ngón chân cái độ tuổi vị thành niên

Tình trạng này thường xảy ra nhất ở các bé gái từ 10 đến 15 tuổi. Tuy nhiên chúng vẫn có thể xảy ra ở các bé trai. Biến dạng ngón chân cái ở người trưởng thành thường hạn chế vận động khớp bàn ngón chân cái. Trái lại, ở lứa tuổi vị thành niên thường có thể di chuyển ngón chân cái, mặc dù vẫn có thể gây đau. Biến dạng ở người lớn thường liên quan đến mang giày chật. Trong khi, ở lứa tuổi vị thành niên thường liên quan đến di truyền.

Biến chứng

Các biến chứng có thể gây ra bởi biến dạng ngón chân cái, bao gồm:

  • Viêm bao hoạt dịch: Tình trạng này xảy ra khi các túi chứa dịch nằm gần khớp bàn ngón chân cái bị viêm.
  • Ngón chân hình búa: Tình trạng này gây ra sự uốn cong bất thường ở đốt giữa của ngón chân. Ngón cạnh ngón chân cái thường bị ảnh hưởng nhất, có thể gây đau và áp lực.
  • Đau ngón chân mạn tính.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tiền căn bản thân và gia đình, thăm khám bàn chân và các ngón chân. Sau khi hỏi bệnh và thăm khám thường là đủ để chẩn đoán được bệnh lý này. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn đề nghị chụp thêm X-quang để xác định được mức độ tiến triển và nguyên nhân của bệnh. Ngoài ra, có thể xét nghiệm máu để xem có nguyên nhân viêm khớp hay không.

Bác sĩ sẽ tiến hành đo các góc trên phim X quang để đánh giá. Góc tạo bởi xương bàn ngón cái và xương ngón chân cái bình thường tối đa là 15 độ. Góc tạo bởi xương bàn ngón cái và xương bàn ngón 2 bình thường tối đa là 9 độ. Tùy theo mức độ của biến dạng mà đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau.

Khám biến dạng ngón chân cái.

Phương pháp điều trị

Lựa chọn điểu trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, lứa tuổi, mức độ hoạt động bàn chân của bệnh nhân.

1. Điều trị bảo tồn

Phương pháp điều trị không phẫu thuật nhằm giảm đau và giảm áp lực cho khớp bàn ngón chân cái. Bao gồm các phương pháp:

  • Thay giày phù hợp: Mang giày rộng rãi, thoải mái, cung cấp nhiều không gian cho ngón chân.
  • Đệm lót giày: Các miếng lót giày giúp phân phối áp lực đồng đều khi đi lại. Chúng giúp giảm các triệu chứng và ngăn tình trạng biến dạng ngón chân cái nặng thêm.
  • Đệm ngón chân: Có thể sử dụng các miếng đệm giữa các ngón chân, hoặc nẹp chỉnh hình hỗ trợ ngón chân cái. Nên chọn các loại đệm lót có kích thước phù hợp. Nếu sai kích thước nó có thể gây thêm áp lực và làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Nẹp chỉnh hình ngón chân cái
  • Thuốc: Acetaminophen [Tylenol], ibuprofen [Advil, Motrin IB] hoặc naproxen natri [Aleve] có thể giúp kiểm soát cơn đau. Cortisone tiêm cũng có thể hữu ích. Tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ khi dùng kháng viêm thường xuyên, liều cao.
  • Chườm lạnh: giúp giảm đau, giảm sưng nề gây ra bởi tình trạng viêm khớp bàn ngón cái. Mỗi lần chườm tối đa 20 phút, vài lần mỗi ngày khi sưng đau. Không chườm trực tiếp đá vào nơi tổn thương, nên bọc đá bằng một túi vải. Nếu bị tổn thương thần kinh hoặc các vấn đề về tuần hoàn, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi đặt túi đá lên chân.

2. Phẫu thuật

Nếu điều trị bảo tồn không làm giảm các triệu chứng, có thể cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật không được khuyến khích vì lý do thẩm mỹ. Chỉ định phẫu thuật khi biến dạng làm đau thường xuyên hoặc cản trở hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng không được khuyến khích ở lứa tuổi vị thành niên. Vì đây là lứa tuổi xương đang phát triển, dễ tái phát sau phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật tùy theo mức độ của bệnh, bao gồm:

Các mức độ biến dạng.
  • Mức độ nhẹ: Gặm bỏ phần xương thừa ở phần nhô ra của chỏm xương bàn ngón chân cái. Sắp xếp lại các gân, cơ và dây chằng bao quanh khớp. Mất 3 đến 4 tuần để phục hồi, phụ thuộc vào việc mang giày sau phẫu thuật. Có thể không chỉnh sửa được biến dạng ngón chân cái.
  • Mức độ vừa: Thực hiện tương tự như đối với mức độ nhẹ. Ngoài ra, thực hiện thêm đục xương, sửa trục xương bàn ngón cái. Sau đó xương bàn được cố định bằng vít hoặc kim. Mất 4 đến 6 tuần để phục hồi, phụ thuộc vào quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân cần nẹp bột và đi nạng sau phẫu thuật.
  • Mức độ nặng: Cắt bỏ phần xương thừa ở chỏm xương bàn ngón chân cái. Đục bỏ 1 phần xương bàn dạng hình nêm để chỉnh lại trục ngón chân cái. Chỉnh lại gân và dây chằng. Mất 6 đến 12 tuần để phục hồi. Cần nẹp bột và đi nạng sau phẫu thuật. Nếu khớp bàn ngón cái không thể sửa được, có thể thay bằng khớp nhân tạo.

Cần hạn chế vận động tác động lên bàn chân ít nhất 2 tuần. Hạn chế lái xe trong 6 đến 8 tuần. Tránh thể thao tác động đến bàn chân trong 6 tháng. Để ngăn ngừa tái phát, cần mang giày phù hợp sau khi phục hồi.

Kết quả và biến chứng sau phẫu thuật:

  • Biến chứng phổ biến nhất là tái phát sau phẫu thuật, được báo cáo trong 16% trường hợp. Điều này có thể xảy ra khi chỉ thực hiện gặm bỏ phần xương nhô ra, nhưng biến dạng cơ bản không được sửa chữa.
  • Đôi khi xảy ra tình trạng chậm lành xương, hoặc hiếm hơn có thể không lành xương. Khi đó thường cần phẫu thuật lại. 
  • Kích thích từ đinh hoặc vít và sẹo xơ cứng quá mức. 
  • Sưng sau phẫu thuật thường giảm trong vòng hai tháng nhưng có thể kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. 
  • Khớp có thể bị cứng trong vài tháng. 
  • Tổn thương thần kinh và đau liên tục là rất hiếm. Khi chúng xảy ra, chúng có thể kéo dài thời gian phục hồi và có thể cần phẫu thuật thêm. 
  • Nhiễm trùng xảy ra ít hơn 1%.

Biện pháp phòng ngừa

Nên chọn kích cỡ giày vào cuối ngày, vì lúc đó bàn chân sẽ lớn nhất. Kích thước bàn chân cũng thay đổi theo lứa tuổi. Nên đo cả 2 bàn chân và chọn kích cỡ giày theo bàn chân lớn hơn. Phần mũi giày nên rộng rãi, có khoảng trống giữa đầu ngón chân dài nhất và mũi giày. Hình dạng giày phù hợp với hình dạng bàn chân, không bị bóp hẹp ở bất cứ phần nào của bàn chân. Gót giày thấp, thấp hơn 1 inch và đế giày có miếng lót mềm.

  • Giảm cân khi thừa cân, béo phì.
  • Hạn chế đứng lâu hoặc tác động lặp đi lặp lại lên đầu ngón chân.
  • Điều trị các bệnh lý nền như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, các bệnh lý thần kinh cơ.

Qua bài viết, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng thể về bệnh lý biến dạng ngón chân cái. Bệnh này hầu như lành tính và không cần điều trị. Tuy nhiên, cần điều chỉnh thói quen mang giày và các công việc phải đứng lâu. Khi có triệu chứng sưng đau có thể thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Khi có các dấu hiệu nặng cần phải đến các cơ sở khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm, hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra. Phẫu thuật vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ và có thể tái phát bệnh sau phẫu thuật. Người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật. Tái khám định kỳ đầy đủ, đúng hẹn.

Chủ Đề