Nữ tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam

Họ là những người phụ nữ có tài năng và nghị lực phi thường; nhẹ nhàng, lịch sự trong mỗi cử chỉ, lời nói nhưng bản lĩnh, quyết liệt trong nghiên cứu khoa học. Họ là những nữ Giáo sư đầu tiên của ngành Toán học, Ngôn ngữ của Việt Nam. Đặc biệt, cả hai nữ giáo sư đều họ Hoàng: GS. TS Hoàng Xuân Sính và GS. TS Hoàng Thị Châu.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên, nữ Giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam

Giáo sư Hoàng Xuân Sính sinh ngày 05/9/1933 tại làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội [nay thuộc P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội]. Bà từng du học đại học, cao học, bảo vệ luận án Tiến sĩ Quốc gia Toán học ở Pháp và là nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam.

Cha của GS. Hoàng Xuân Sính, ông Hoàng Thúc Tấn, là một nhà kinh doanh sợi đã tài trợ vốn liếng cho tờ “Thanh Nghị” – tờ báo tập hợp những học giả yêu nước và giới trí thức đất Hà thành trong đó có các ông Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bà Sính có may mắn được tiếp xúc với các bậc trí thức mà sau này là hai cây đại thụ của ngành giáo dục Việt Nam.

Năm 1948, vượt qua định kiến xã hội, bà quyết định theo học tại trường cấp III Chu Văn An, khi ấy là trường dành cho nam sinh. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ, tiếng Anh và Pháp, bà sang Pháp lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành Toán học. Tốt nghiệp đại học, bà học tiếp cao học và nhận bằng thạc sĩ Toán vào năm 26 tuổi. Thành tích xuất sắc của bà nhận được sự chú ý, khen ngợi của báo giới cả trong và ngoài nước.

Về nước, bà giảng dạy tại khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vừa dạy, bà vừa nghiên cứu khoa học. Bản luận án tiến sĩ quốc gia của bà được viết tại căn nhà tranh gió tứ bề ở làng quê trung du, bên ánh đèn dầu, điều kiện vô cùng khó khăn.

Năm 1975, bà sang Pháp bảo vệ luận án tại Đại học Paris VII. Ngay sau đó, bà bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai. Luận án này bà được thực hiện chỉ trong vòng hai tháng, đề tài do Hội đồng toán học nơi bà bảo vệ luận án 1 ra để… “thử tài”! Bà đã vượt qua thử thách một cách xuất sắc và nhận danh hiệu nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Toán học.

Ngày 29/4/1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định số 131-CP công nhận chức vụ khoa học Giáo sư cho 83 cán bộ và Phó Giáo sư cho 347 cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, trong đó có nữ Giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam: Giáo sư Hoàng Xuân Sính.

Nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam

Giáo sư Hoàng Thị Châu sinh ngày 13/11/1934, quê ở Thừa Thiên Huế nhưng bà sinh tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Bà là nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học, nhà khoa học nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho công trình “Tiếng Việt trên các miền đất nước”.

Thuở nhỏ, bà học tiểu học tại Phú Yên. Năm 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế tiếp tục học lên các lớp trên. Tốt nghiệp tú tài, bà dạy học tại trường Trung học Bồ Đề. Bà vừa dạy học vừa hoạt động trong lòng địch. Năm 1955, bà đang dạy học thì bị cảnh sát ập đến. Nhờ có người báo tin kịp, bà thoát ra chiến khu.

Năm 1956, bà được cử sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov. Sau khi tốt nghiệp, bà về nước, làm việc tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn [Đại học Tổng hợp Hà Nội]. Không lâu sau đó, bà có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý và tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực thuộc địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số.

Sau khi công tác 13 năm tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, bà được cử sang CHDC Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt. Trong 5 năm công tác ở một trường đại học tầm cỡ quốc tế – Đại học Humboldt, bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1980 và cho xuất bản sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức.

Bà đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học thuộc Khoa Ngữ văn, ĐHTH HN trong 10 năm liên tục [1983 – 1993]. Trong khoảng thời gian này, do yêu cầu về hợp tác quốc tế, bà đã phối hợp cùng đồng nghiệp hoàn thành một bộ sách dạy tiếng Việt [3 tập] dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Campuchia.

Bà được phong học hàm Giáo sư vào năm 1991 và là nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam – một ngành khoa học có tiếng là khô khan và khó.

Giáo sư Hoàng Thị Châu qua đời ngày 06/8/2020.

Hoàng Giáp

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính lâu nay thường được gọi là “Nhà toán học nữ đầu tiên của Việt Nam”. Công chúng, hầu như ai cũng hơn một lần được nghe nhắc đến tên bà, nhưng chuyện về bà, những giai thoại xung quanh cuộc đời nhà khoa học nữ danh tiếng thì lại rất ít người được tỏ tường. Và bởi thế, chỉ riêng cụm từ GT-TS Hoàng Xuân Sính đã gợi lên những tò mò háo hức khá đặc biệt ở bao người hâm mộ bà, dù chưa một lần gặp mặt…

Tra từ điển Tiếng Việt trên mạng về Hoàng Xuân Sính, nữ GS - TS toán học đầu tiên của Việt Nam, có ghi rõ: "Bà là cháu gái nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn". Hoàng Xuân Hãn không chỉ là giáo sư toán học, mà người ta còn biết đến ông như một nhà Việt Nam học, và là người soạn thảo, ban hành chương trình trung học Việt Nam đầu tiên. Nhưng ông là người ở mãi tít thôn Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện La Sơn [nay là huyện Đức Thọ], tỉnh Nghệ Tĩnh. Còn cô Sính thì sinh ra trong một gia đình trung lưu ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Vậy hai người có sự chung gì về dòng máu, huyết thống?!. Vì nghĩ cô là cháu gái GS Hoàng Xuân Hãn mà người ta đã đương nhiên đổi quê quán cho cô có nguồn gốc ở La Sơn - Nghệ Tĩnh. Sự việc chẳng phải thế!

Trong làng của GS Hoàng Xuân Hãn, tất cả đàn ông đều mang họ và đệm là Hoàng Xuân. Còn, tại làng Cót nơi cô Sính sinh ra thì tất cả trẻ của dòng họ khi cất tiếng khóc chào đời nếu là con gái đều được ông bà mang cho họ đệm Hoàng Xuân. Tại sao cô nghiễm nhiên trở thành "cháu gái" GS danh tiếng Hoàng Xuân Hãn, chuyện thế này.

Vào năm 1941, nơi gia đình ông Hoàng Thúc Tấn [cha của Hoàng Xuân Sính] sinh sống ở con phố cổ Hà Nội, 102 phố Hàng Bông, chính là cơ sở sản xuất báo Thanh Nghị. Tờ báo tập hợp những học giả yêu nước và giới trí thức đất Hà thành. Trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ bị thực dân Pháp và phát xít Nhật đô hộ, những nhà trí thức lớn như Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Phan Anh... đã cùng nhau trải lòng mình trên diễn đàn báo Thanh Nghị để nói lên chính kiến của những con người sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp độc lập dân tộc. Ông Hoàng Thúc Tấn, và vợ là một nhà kinh doanh sợi đã tài trợ vốn liếng cho tờ Thanh Nghị. Ông cũng không ngần ngại dùng nhà mình làm nơi ra vào hội họp của nhiều nhân sĩ đất Hà thành.

Lúc này cô bé Sính đang học bậc tiểu học. Ngày ngày cô được tiếp xúc với các chú, các bác Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn... Chính tài năng và nhân cách của các chú, các bác đã lan tỏa sang cô bé Sính khi đó mới còn chúm chím tóc đuôi gà. Hai cây đại thụ của ngành giáo dục nước nhà, GS Vũ Đình Hòe và GS Hoàng Xuân Hãn đã có thời gian 5 năm, từ năm 1941 đến 1945, lập đại bản doanh tờ Thanh Nghị ngay dưới mái nhà của gia đình cô bé Sính. Cả hai ông đều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có những đóng góp to lớn vào nền giáo dục nước nhà. Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim. GS Vũ Đình Hòe chính là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Hai nhà trí thức tài ba và cấp tiến này ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường mà cô bé Sính lựa chọn. Trong cái nôi đó, ít nhiều sự ham học cùng với tư tưởng tiến bộ đã nảy mầm ngay trong cô Sính ngay từ ngày còn thơ bé. 

Năm 1948, Hoàng Xuân Sính học hết cấp II. Thời đó trường trung học rất ít, cả Hà Nội chỉ có một trường cấp II Trưng Vương cho nữ sinh và cấp II và III Chu Văn An cho nam sinh. Nếu cô gái nào muốn học cấp III thì phải vào Chu Văn An học chung với nam. Bây giờ nam nữ học chung là bình thường, nhưng thời đó không dễ dàng cho nữ sinh vì nhiều khi muốn hỏi bài nhưng lại không dám hỏi bạn nam.

Cũng phải nói rằng ngoài hai trường Trưng Vương và Chu Văn An, còn có Trường Albert Sarraut mà chính quyền Pháp đã xây dựng cho học sinh Pháp, người Việt cũng có thể học được. Cô Sính đành phải ghi tên vào học  Trường Chu Văn An, trường dành riêng cho học sinh nam. Cô còn nhớ, lớp chỉ có hai bàn dành cho nữ, còn lại là các dãy bàn của các học sinh nam.

Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ, tiếng Anh và Pháp, Hoàng Xuân Sính sang Pháp lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành toán học. Cô Sính chọn khoa Toán chứ không phải là một ngành nào khác, bởi theo sự lựa chọn của gia đình, cả cha và mẹ cô đều khuyên răn các con rằng để xây dựng đất nước học giỏi môn khoa học là thực sự rất cần thiết. Và, đơn giản, cô thấy trong các môn học thì toán là "dễ học" nhất. Nhưng trước khi lên đường sang Pháp lấy bằng tú tài 2, đã có một câu chuyện đặc biệt thú vị về cô Sính mà ít ai ngờ.

GS Hoàng Xuân Hãn và GS Hoàng Xuân Sính tại Paris năm 1992.

Năm cô 15 tuổi, bà cụ theo cách kể của cô [thực chất là mẹ kế, vì mẹ ruột cô mất năm cô 8 tuổi], mở một tiệm nhỏ bán lụa may áo dài mang tên Tấn Thanh. Trong tiệm duy nhất chỉ có một người thợ. Một sáng, người thợ xin phép gia đình ông bà chủ về quê một tháng. Ngay khi người thợ ra về, tiệm đồ lụa nhà cô lại đón một tiểu thư khuê các đến chọn lụa và ngỏ ý muốn cắt may ở ngay tại tiệm. Mẹ cô Sính đang định giải thích với cô gái, ông thợ cắt may đang trên đường về quê dễ một tháng nữa mới lên, thì cô bé Sính xuất hiện và cam đoan với mẹ cắt may được. Thế là cô bé Hoàng Xuân Sính hý hoáy đo đạc cẩn thận rồi ghi số đo ra một cuốn sổ. Một tuần sau, tấm áo dài may xong và mọi người trong gia đình đều hồi hộp đợi người đến thử. Điều đặc biệt, tấm áo dài đầu tiên mà cô bé Sính cắt may lại chính là để phục vụ cho cô dâu mặc trong ngày cưới.

Thì ra, bấy lâu, Sính đã lẳng lặng quan sát người thợ may từ khâu đo, đến việc cắt và việc máy. Vốn tinh tế lại khéo tay, nên tấm áo dài sau khi khoác lên người tiểu thư đã tôn vẻ đẹp đài các kiêu sa, lại thêm phần gợi cảm, thanh lịch.

Cô tiểu thư nọ vô cùng ưng ý và kể lại... Thế là nhiều người tò mò kéo đến cửa tiệm, ngỏ ý muốn được mặc thử chiếc áo dài của bé Sính cắt may. Ai cũng nhận ra, tấm áo dài đầu tiên của bé Sính cũng có chút gì khác với các áo dài đang thịnh hành lúc bấy giờ. Hồi đó, áo dài may cổ thấp, cao nhất chỉ khoảng 2,5 cm, và tất cả đều rập khuôn một kiểu dáng áo suông, buông thõng. Vốn ưa phá cách, nên Sính đã nghiên cứu ra chiếc áo dài cách điệu nhưng cũng rất nền nã, duyên dáng. Cô nào gầy, cổ nhẳng xương xương, Sính mạnh tay cho cổ cao lên đến 3 cm, hoặc 4cm. --PageBreak--

Vốn yêu thích vẻ đẹp tạo hóa trời ban cho người phụ nữ, cô bé Sính đã bạo dạn chít đường eo ở tấm áo dài cho lộ bờ lưng mảnh dẻ, ở đoạn hông cô lại đưa đường kéo cắt rộng ra một chút để tấm thân dưới hơi bồng bềnh cho thêm phần kín đáo, ý nhị. Chiều dài của áo dài đang hiện hành là qua đầu gối một chút, nhưng dưới bàn tay điệu nghệ của bé Sính thì chiều dài của áo dài đến ngang bắp chân. Sự sáng tạo này đã đánh lừa cảm giác, tôn lên chiều cao cho người mặc.

Trong vòng một tháng cô bé đã thay người thợ cắt may cho khách. Nhiều người thích thú, tấm tắc mãi với áo dài chít eo, cổ cao, dáng ôm rất tôn dáng thay cho áo dài dáng suông. Cửa tiệm ngày càng đông khách.

Cái đẹp luôn có sự lan tỏa, mấy tấm áo qua tay cô Sính đã nhanh chóng trở thành trào lưu áo dài ở Hà thành. Các tiệm khác cũng bắt chước học theo mốt áo dài của tiệm may Tấn Thanh. Mốt áo dài cô Sính được ưa chuộng đến độ, sau này, những người thợ may miền Bắc di cư vào Nam đã mang theo mốt áo dài này vào. Và ngay lập tức kiểu áo dài đó đã được đón nhận, tồn tại một thời gian khá lâu ở Sài Gòn.

Hết thời hạn xin nghỉ, người thợ may lên thì lúc này Sính đã thành thạo trong việc tạo dáng áo dài, nhưng vì còn bận học nên cô trả lại công việc cắt may cho người thợ. Sau này cô chỉ tự tay may áo dài cho mình và mẹ, cùng chị em trong gia đình và thi thoảng cho một vài người bạn gái thân. Trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống sau này, đã có lúc cô Sính nghĩ đến nghề may là nghề tay trái để kiếm sống.

Trở thành nhà tạo mẫu áo dài tình cờ cho thấy năng khiếu thời trang thiên bẩm của cô Sính. Sở hữu năng khiếu đầy nữ tính giúp cho cô thể hiện tình yêu đất nước trong bước đường sau này, khi cô Sính đến Paris lấy bằng tú tài II năm 1951 và sự trở lại vào lần thứ hai năm 1974 thi "Tiến sĩ Quốc gia về toán học".  Đó là kỷ niệm đẹp, nhưng cũng khá bi thương và không ít nước mắt...

Nói một chút về gia đình cô Sính. Gia đình cô có cả thảy 7 anh chị em. Cô là cả, sau cô là một em trai, còn lại năm em gái. TS Hoàng Sáng người em trai duy nhất, hiện nay đang công tác tại Đài Thiên văn Paris. Ông say mê các vì tinh tú của bầu trời hơn bất kể cái gì khác, suốt ngày ở phòng thí nghiệm, nghiên cứu vật lý vũ trụ. Các em gái đều là kỹ sư, hay trong ngành nghiên cứu khoa học khác. Khi mẹ cô còn sống, bà làm nghề bán sợi, có chút vốn liếng, bà gửi người em trai sang Pháp học.

Người cậu ruột là ông Nguyễn Văn Phúc, một nhà khoa học danh tiếng làm nghề chế tạo máy bay chuyên dụng ở Pháp từ thập niên 50. Trước đây Chuyên đề ANTG có đăng bài viết về hai nhà chế tạo máy bay người Việt mà một sống tại Pháp là ông Nguyễn Văn Phúc và ông Trương Khánh Châu của Hàng không Việt Nam.

GS-TS Hoàng Xuân Sính đã xác định cho mình con đường trở thành một nhà giáo khi vừa mới tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Trường cấp 3 Chu Văn An. Năm 1951, cô sang Paris lấy bằng tú tài 2, ban Toán. Tuy còn trẻ nhưng đầy quyết đoán, ngay từ ngày đấy cô đã khẳng khái và độc lập trong tư tưởng: Đi ra nước ngoài cũng chỉ học để lấy kiến thức, dù gì, phải trở về nước, bằng bất cứ giá nào. Cô bồi hồi nhớ lại: "Quả thực, lúc đó bầu không khí xã hội gây cho người ta lòng yêu nước đến kỳ lạ".

Ngay từ ngày đầu đặt chân lên nước Pháp, Hoàng Xuân Sính đã tham gia vào phong trào sinh viên yêu nước. Nhất là vào những ngày lễ hội, tận dụng sự tụ họp đông người để tuyên truyền chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong năm có 3 ngày có thể gây được quỹ nhiều nhất đó là vào ngày tết, ngày 19/5 và ngày mồng 2/9, khi mở ra các tiết mục văn nghệ.

Sắp cuối tháng 5 cũng là lúc cô phải chuẩn bị thi để lấy bằng thạc sĩ, cô lại được phân công phụ trách về trang phục múa sạp, để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ vào ngày 19/5. Để cho trang phục múa sạp giống văn công ở nhà, Hội Việt kiều đã gửi cho cô những tấm bưu thiếp múa sạp. Cô Sính xem đi xem lại tấm ảnh, nghiên cứu một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng trang phục múa sạp. Để rồi, ngày thì cặm cụi cắt may, đêm đến lại vùi đầu vào chuẩn bị thi cử, cứ thế cô miệt mài tạo nên những bộ trang phục múa sạp cho các bạn sinh viên biểu diễn.

Đã qua đi bao nhiêu thời gian, trong hoài niệm về quá khứ, cô Sính vẫn không bao giờ quên đi cái thời khắc đó. Buổi biểu diễn múa sạp bắt đầu, tất cả trong số họ đều là những sinh viên Việt Nam một lòng hướng về Tổ quốc, trong trang phục cô Sính thiết kế, nữ mang váy dân tộc Thái, nam trong bộ trang phục bộ đội có cả mũ lưới cài lá ngụy trang. Khi tiếng gậy tre được đánh lên nhịp nhàng, phát ra âm điệu hùng dũng, thì cô Sính ngồi thu mình sau cánh gà, bên chảo nem đỏ lửa.

Nhìn các bạn múa hát mắt ướt nhòe vì cảm động, áo quần sặc sụa mùi nem rán, và cô nhớ nhà da diết. Làm nem rán là sáng kiến của anh chị em Việt kiều. Người Pháp ăn lạ miệng, họ rất thích, nên công việc này đã mang lời nhất trong các hoạt động của  sinh viên ngày đó. Cô Sính là sinh viên làm nem ngon nhất. Cho đến tận giờ nem vẫn là sở trường của cô khi thể hiện việc nội trợ. Vào những buổi tiệc thiết đãi bạn bè, hay giỗ chạp, mọi người lại được thưởng thức vị nem đầy hấp dẫn của cô Sính.

Hồi đó như dòng nước chỉ chảy một chiều, tất cả các sinh viên sau khi hoàn thành xong khóa học đều lên đường trở về nước. Cô đã thực hiện được đúng như ao ước bấy lâu, về làm giảng viên khoa Toán của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

[Còn nữa]

Trần Mỹ Hiền

Video liên quan

Chủ Đề