Thẻ học nghề quân đội có thời hạn bao lâu

Mục lục bài viết

  • 1. Quyền lợi khi xuất ngũ theo quy định của pháp luật hiện hành ?
  • 1.1 Điều kiện xuất ngũ theo quy định hiện nay
  • 1.2 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ:
  • 1.3 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề:
  • 1.4 Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ
  • 2. Điều kiện được xuất ngũ trước hạn đối với chiến sĩ công an nhân dân ?
  • 3. Tư vấn xin nhập ngũ lại sau khi xuất ngũ ?
  • 4. Giải đáp vấn đề lãi suất vay vốn học sinh, sinh viên sau khi xuất ngũ ?
  • 5. Điều kiện để sau khi xuất ngũ được ở lại phục vụ quân đội lâu dài ?

1. Quyền lợi khi xuất ngũ theo quy định của pháp luật hiện hành ?

Thưa luật sư, Tôi sẽ xuất ngũ vào năm 2019. Trước khi xuất ngũ chúng tôi có được tư vấn nghề tại trung đoàn. Các trường nghề có mang theo hồ sơ để chúng tôi đăng kí. Theo như thông tin chúng tôi được phổ biến từ cán bộ lãnh đạo và của trường thì tôi được biết bộ đội có thẻ học nghề khi đi học sẽ được miễn 100% học phí và nhiều khoản khác.

Luật sư cho tôi hỏi khi chúng tôi xuất ngũ thì sẽ được hưởng quyền lợi gì và có thẻ học nghề bộ đội được hưởng và miễn những khoản gì?

Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Khuê, vấn đề bạn quan tâm xin trao đổi cụ thể như sau:

1.1 Điều kiện xuất ngũ theo quy định hiện nay

Xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Theo quy định tại Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, điều kiện để xuất ngũ được xác định:

Thứ nhất, đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ thì được xuất ngũ

+ Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Thứ hai, đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp:

+ Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

+ Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

+ Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

+ Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

1.2 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ:

Công dân khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định, có đủ điều kiện xuất ngũ theo Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng những quyền lợi sau:

Một là, được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;

Hai là trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;

Ba là được trợ cấp tạo việc làm;

Bốn là trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;

Năm là trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;

Sáu là được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

Bảy là đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật Nghĩa vụ quân sự, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

1.3 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề:

Một trong những quyền lợi được hưởng của công dân sau khi xuất ngũ chính là được trợ cấp tạo việc làm. Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, trong đó khoản 3 Điều này đề cập:

“Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ Điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”.

Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề như sau:

"1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

a] Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;

b] Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

2. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này."

Cụ thể được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề:

"a] Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề [sau đây gọi là Thẻ] thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:

– Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

– Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ [nếu có] chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

b] Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

c] Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học [không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp] thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học."

Như vậy, khi có thẻ đào tạo nghề thì bạn có thể hưởng những chế độ sau:

- Được hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

- Được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học;

- Được hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề, giá trị còn lại của thẻ đào tạo nghề [nếu có] chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì khi bạn đi học tại trường, bạn được miễn học phí, miễn chỗ ở trong ký túc xá nhưng tiền ăn thì vẫn phải đóng cho nhà trường. Bạn cần xem xét trong trường hợp này, thẻ đào tạo nghề có một giá trị chi trả nhất định, Thẻ ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo, giá trị còn lại của Thẻ nếu có mới dùng được chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Do đó, trường hợp của bạn vẫn có thể phải chi trả tiền ăn vì thẻ đào tạo nghề đã chi trả hết các nội dung về hỗ trợ đào tạo.

1.4 Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ

Tại Điều 44, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ như sau:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xuất ngũ hằng năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.

- Chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định xuất ngũ đối với từng hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền; tổ chức lễ tiễn hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giao quân.

Thời gian xuất ngũ phải được thông báo trước 30 ngày cho hạ sĩ quan, binh sĩ và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi giao quân hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập trước khi nhập ngũ. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan, tổ chức phải tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. [Theo điều 45 Luật nghĩa vụ quân sự 2015].

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./. Tham khảo nội dung liên quan: Cách tính tiền trợ cấp xuất ngũ của người công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân ?

2. Điều kiện được xuất ngũ trước hạn đối với chiến sĩ công an nhân dân ?

Chào luật sư, Hiện nay em đang tham gia nghĩa vụ công an nhân dân nhưng gia đình em muốn xin cho em xuất ngũ trước thì cần những điều kiện gì ạ ? thủ tục thực hiện như thế nào ?

Mong luật sư giải đáp giúp.

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo quy định tại điều 11 Nghị định 129/2015/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân thì hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ thì được xuất ngũ. Trong trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, hạ sĩ quan, chiến sĩ có thể được giải quyết xuất ngũ trước thời hạn. Cụ thể:

Điều 11. Xuất ngũ

1. Hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này thì được xuất ngũ. Trong trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, hạ sĩ quan, chiến sĩ có thể được giải quyết xuất ngũ trước thời hạn. Điều kiện và thủ tục xuất ngũ trước thời hạn do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

2. Hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi về nơi cư trú, nơi làm việc hoặc học tập trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký vào ngạch dự bị.

Theo đó, điều 9 Thông tư 38/2016/TT-BCA quy định về điều kiện và thủ tục để được xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ trong công an nhân dân như sau:

Điều 9. Xuất ngũ trước thời hạn

1. Điều kiện

Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được xuất ngũ trước thời hạn, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a] Được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an kết luận không đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ tại ngũ;

b] Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động hoặc bị mắc bệnh thuộc danh mục bắt buộc chữa trị dài ngày hiện hành của Bộ Y tế mà điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra;

c] Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

d] Một anh hoặc một chị hoặc một em của liệt sĩ;

đ] Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Thực hiện

a] Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa cùng cấp hoặc Hội đồng y khoa Bộ Công an khám và kết luận. Riêng đối với các đơn vị ở Bộ, do Tổng cục trưởng, Tư lệnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an khám và kết luận.

Căn cứ vào kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ của Hội đồng giám định y khoa, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ;

b] Đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị [có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ cư trú]; căn cứ quy định tại Thông tư này và hoàn cảnh thực tế của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ.

Như vậy, theo quy định trên thì nếu bạn thuộc một trong những trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe; là lao động chính trong gia đình hoặc thuộc trường hợp gia đình thương binh, liệt sĩ... thì có thể được xem xét để được xuất ngũ trước thời hạn.

3. Tư vấn xin nhập ngũ lại sau khi xuất ngũ ?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Tôi là bộ đội xuất ngũ rồi.Giờ tôi muốn xin nhập ngũ lại có được không? Năm nay em được 30 tuổi . Năm 18 tuổi tôi xin đi lính tình nguyện ?

Trân trọng cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn luật dân sự, luật nghĩa vụ quân sự, gọi số:1900.6162

Trả lời:

Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

Điều 30. Độ tuổi gọi nhập ngũ

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Như vậy, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, trường hợp bạn qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ là đến hết 27 tuổi. Hiện nay bạn 30 tuổi. Do đó, bạn không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự theo độ tuổi nêu trên, mặc dù bạn tự nguyện muốn xin nhập ngũ lại.

Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailhoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.6162.

4. Giải đáp vấn đề lãi suất vay vốn học sinh, sinh viên sau khi xuất ngũ ?

Thưa Luật sư! Em có thắc mắc về vấn đề lãi trả lãi vốn vay hs-sv: Trong thời gian 2009-2012 em vay vốn HSSV 30 triệu sau khi ra trường em nhập ngũ 18 tháng [đến năm 2014] và được miễn thu lãi vốn vay HSSV, nay em tiếp tục đi học liên thông hệ chính quy[2015-2017].

Vậy trong thời gian học liên thông em có được miễn thu lãi vốn vay HSSV trước đó không? Và nếu vẫn phải đóng lãi vốn vay HSSV thì có giảm % lãi xuất không?

Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại Mục 2 Văn bản số 1964/NHCS-TDSV ngày 16/7/2009 của NHCSXH về hướng dẫn một số nội dung bổ sung và chấn chỉnh cho vay HSSV năm 2009 - 2010 ngày 16/7/2009 của NHCSXH về hướng dẫn một số nội dung bổ sung và chấn chỉnh cho vay HSSV năm 2009 - 2010, đối với HSSV đã vay vốn sau khi tốt nghiệp đi nghĩa vụ quân sự nếu còn dư nợ Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại NHCSXH thì số dư nợ đó được kéo dài thời gian trả nợ và miễn lãi vay tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ của HSSV đó, nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày HSSV nhập ngũ.

Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ thời gian ghi trên Lệnh gọi nhập ngũ đến ngày kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự [là ngày tháng có hiệu lực của các Quyết định về việc quân nhân xuất ngũ].

Đối với những HSSV đã được kéo dài thời hạn trả nợ do đi nghĩa vụ quân sự, nếu trả nợ trước hạn được thực hiện giảm lãi tiền vay theo quy định hiện hành.

Theo quy định tại Điều 9 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về trả nợ gốc và lãi tiền vay:

Điều 9. Trả nợ gốc và lãi tiền vay:
1. Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.
2. Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.
3. Mức trả nợ mỗi lần do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và được thống nhất trong hợp đồng tín dụng.

Theo điều 7, quyết định 157/2007/QĐ-TTg thì lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên như sau:

Điều 7. Lãi suất cho vay:

1. Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Theo khoản 2 điều 1 Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên là 0,65%/tháng [7,8%/năm]

Như vậy, mức lãi suất được áp dụng cho bạn phải theo quy định trên, bạn so sánh với lãi suất vay của mình xem có vượt quá lãi suất quy định không .

Về vấn đề thời hạn cho vay, khoản 3 hướng dẫn 2162A/NHCS-TD quy định:

"3. Thời hạn cho vay:

3.1. Thời hạn cho vay: Là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi được thoả thuận trong Khế ước nhận nợ.

Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

a. Thời hạn phát tiền vay: Là khoảng thời gian tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên [sau đây viết tắt là HSSV] kết thúc khoá học, kể cả thời gian HSSV được nhà trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập [nếu có].

Trong thời hạn phát tiền vay, người vay chưa phải trả nợ gốc và lãi tiền vay; lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.

b. Thời hạn trả nợ: Là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi. Người vay và ngân hàng thoả thuận thời hạn trả nợ cụ thể nhưng không vượt quá thời hạn trả nợ tối đa được quy định cụ thể như sau:

- Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay.

- Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay."

Theo những quy định kể trên thì bạn chỉ được miễn lãi trong thời hạn đi nghĩa vụ quân sự nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì bạn tiếp tục đóng lãi theo quy định hiện hành. Cụ thể, bạn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học. Và hiện tại, vẫn chưa có quy định về việc giảm lãi cho HSSV sau khi xuất ngũ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

5. Điều kiện để sau khi xuất ngũ được ở lại phục vụ quân đội lâu dài ?

Thưa luật sư cháu sinh năm 1994 hiện nay đang đi làm công nhân nay cháu muốn nộp đơn đi nghĩa vụ quân sự tự nguyện thì cháu phải đạt những yêu cầu gì ? Và trình độ học vấn của cháu thì chỉ được 11/12 nhưng cháu muốn sau khi đi nghĩa vụ quân sự tự nguyện cháu sẽ xin phục vụ quân đội lâu dài thì liệu có được không?

Cháu xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Thông tư 148/2018/TT-BQP về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bao gồm:

Điều 4. Tiêu chuẩn tuyển quân

1. Tuổi đời:

a] Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

b] Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

2. Tiêu chuẩn chính trị:

a] Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

b] Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

3. Tiêu chuẩn sức khỏe:

a] Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

b] Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

c] Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt [cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ]; nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

4. Tiêu chuẩn văn hóa:

a] Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

b] Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tu

Việc sau khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, bạn muốn được phục vụ lâu dài trong Quân đội là vấn đề không nói trước được, bởi phụ thuộc vào 2 yếu tố:

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật của bạn.

- Nhu cầu của quân đội nhân dân. Tham khảo bài viết liên quan:Điều kiện được miễn nghĩa vụ quân sự là gì?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn luật Nghĩa vụ Quân Sự - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề