Thống tin về cách mạng mùa thu

QPTD -Thứ Hai, 17/08/2015, 08:47 [GMT+7]

Xã luận

Mùa thu cách mạng

Mít-tinh Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội
[Ảnh tư liệu]

Tháng 8 năm 1945 - Tháng Tám của mùa Thu Cách mạng. Mùa thu của một dân tộc, của một “Nước Việt Nam từ máu lửa/rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đã làm nên một sự kiện “long trời lở đất” - cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Đó là cuộc cách mạng đã xóa bỏ chính quyền Nhà nước thực dân - phong kiến, lập chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta. Bảy mươi năm đã qua đi, nhưng giá trị và ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945 vẫn còn nguyên đối với thực tiễn hiện nay và sẽ còn mãi in đậm trong tâm khảm của các thế hệ người Việt Nam với niềm tự hào sâu sắc.

Trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta vạch rõ: “Cách mạng Việt Nam là một quá trình cách mạng không ngừng từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa”1. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối dân tộc dân chủ đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua quá trình vận động cách mạng sâu rộng [1930-1931, 1936-1939, 1939-1945] và chuẩn bị thực lực cách mạng không ngừng trong suốt 15 năm [1930-1945] cùng với nghệ thuật tạo dựng, tận dụng thời cơ chín muồi để tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi triệt để. Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi mở đầu của công cuộc vĩ đại: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên đất nước Việt Nam trong thế kỷ XX. Cuộc cách mạng đó có ý nghĩa thời đại và quốc tế to lớn, là một đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa đế quốc, thực dân; đồng thời, là biểu tượng và nguồn động lực thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các dân tộc thuộc địa, đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và tiếp theo là những thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang diễn ra hiện nay đã chứng minh hùng hồn một nguyên lý có tính quy luật của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề giành chính quyền”. Cách mạng Tháng Tám đã thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả đó - giành chính quyền, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ.

Chỉ ít ngày sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2-9 hằng năm trở thành Ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một sự kiện trọng đại đối với dân tộc Việt Nam, với toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước.

Ngày nay, nhân dân ta đang tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế và trong nước có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, chúng ta đang phải tiếp tục đấu tranh để từng bước loại bỏ những nguy cơ mà Đảng ta cảnh báo, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cùng những diễn biến phức tạp, khó lường về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Nhà nước. Trên cơ sở đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, không ngừng tăng cường thế và lực của đất nước để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của Đảng, phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI] gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị [khóa XI] về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trọng tâm là xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong quá trình xây dựng Đảng, phải gắn chặt giữa “xây” và “chống”; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta của các thế lực thù địch; đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phải giữ vững nguyên tắc trong mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo và có cơ chế, hình thức tổ chức phù hợp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, kiến tạo đường lối, mà trực tiếp tới đây là đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII nhằm đảm bảo đường lối, quan điểm của Đảng thực sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực, nhất là quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, trọng tâm là kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo ngang tầm yêu cầu quản lý đất nước trong tình hình mới.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những biến động mới. Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào tôn giáo dân tộc ở vùng sâu, vùng biên giới, biển, đảo có nhiều khó khăn. Qua đó, tăng cường mối quan hệ máu thịt và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng hợp cao, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Đất nước đang vào Thu. Một mùa Thu mới rực rỡ nắng vàng, tràn đầy niềm tin và hy vọng sau những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã giành được qua 30 mùa Thu đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta không khỏi nhớ về một mùa Thu đã xa, mùa Thu Cách mạng năm 1945 với niềm kiêu hãnh, tự hào. Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu to lớn hơn, hoàn thành thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân
_______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 500.

Nhớ mùa thu Cách mạng 1945 với cuộc tổng khởi nghĩa "long trời, lở đất"

VTV.vn - Hôm nay [19/8], 75 năm sau ngày thu lịch sử ấy, những cảm xúc về mùa thu xưa vẫn vang vọng trong mỗi chúng ta.

Những ngày mùa Thu tháng Tám gợi nhớ trong mỗi người Việt chúng ta thật nhiều cảm xúc.Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa "long trời, lở đất" giành chính quyền trong cả nước. Vào ngày này của 75 năm về trước, Thủ đô Hà Nội là ngọn cờ đầu của cuộc Tổng khởi nghĩa.

"Ủng hộ Việt Minh! Đả đảo các cuộc xâm lăng!". Sáng 19/8/1945, cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong những tiếng hô vang. Đúng 11h, hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng do các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu đã chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu như: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát hay trại lính bảo an.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. [Ảnh: TTXVN ]

Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân.

75 năm đã trôi qua thế nhưng những ký ức về ngày 19/8/1945 không bao giờ phai nhạt trong lòng người Hà Nội và người dân cả nước. Trong thời khắc ấy, có những cô gái, chàng trai 18, 20 cũng đã đóng góp rất lớn cho thành công của cách mạng. Họ, chính là những chứng nhân lịch sử ngày hôm đó.

Bước vào tuổi 99, Đại tướng Nguyễn Quyết, khi ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn luôn nhớ đến những ngày mùa thu năm 1945. Ông là người triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng tối 17/8, thống nhất quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.

Những cụ ông, cụ bà 75 năm trước là thành viên của các tổ chức Thanh niên, phụ nữ, công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu. Họ là lực lượng nòng cốt dẫn đầu các đoàn biểu tình và tham gia giành chính quyền năm ấy. Rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu, treo cờ, tổ chức mít tinh quần chúng ở những nơi đông người. Diễn thuyết chợ Mễ Trì, phá kho thóc Nhật ở Mọc Quan Nhân. Đó là những hoạt động gây tiếng vang khiến kẻ địch kinh hoàng của những chàng trai, cô gái tuổi 20.

75 năm đã trôi qua nhưng thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử vẫn còn nguyên vẹn. Bởi chiến thắng này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng. Đưa dân tộc Việt Nam sang kỷ nguyên mới, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Những chứng tích lịch sử vẫn còn vẹn nguyên như nhắc nhớ về những ngày không quên của dân tộc.

Tháng 8, Hà Nội khoác lên mình một màu đỏ thắm, màu của Tổ quốc, màu của những ngày tháng lịch sử. Nhiều địa điểm nơi đây vẫn in đậm dấu ấn những ngày tháng 8 của 75 năm về trước.

Nhà Hát lớn nằm tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Chính tại quảng trường lịch sử này, ngày 19/8/1945, lực lượng cách mạng đã tuyên bố tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Hà Nội.

Địa danh Bắc Bộ Phủ ngày nay, xưa kia là Phủ Khâm Sai Bắc Kỳ - địa điểm đầu tiên mà nhân dân ta đã giành được chính quyền. Ngày nay, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều những vết đạn trên song sắt như dấu tích của thời gian.

Vườn hoa con cóc hay còn gọi là Vườn hoa Diên Hồng, nơi đây vào ngày 20/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.

Tại ngôi nhà lịch sử số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản tuyên ngôn độc lập.Quảng trường Ba Đình lịch sử - đây chính là nơi Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng 8 lịch sử. Những địa danh lịch sử này sẽ mãi là nhân chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc.

Giờ đây khi đi qua những chứng tích lịch sử này tại Thủ đô Hà Nội, có lẽ trong mỗi người dân vẫn sẽ ánh lên niềm tự hào, nhớ về những ký ức thiêng liêng năm ấy. Những địa điểm lịch sử này cũng sẽ như nhắc nhớ những thế hệ sau này nữa, về Mùa thu Cách mạng năm 1945, về một dấu mốc lịch sử của nước Việt Nam ta ngày nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của trên TV Online!

Từ khóa:

Nhà Hát Lớn, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Cách mạng Tháng Tám, tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, Vườn hoa Diên Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Quảng trường Ba Đình

Video liên quan

Chủ Đề