Tiền Giang bao nhiêu tỉnh?

Tiền Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên là 2.484,2 km2, nằm trong tọa độ 105050’ – 106045’ độ kinh Đông và 10035’ - 10012’ độ vĩ Bắc. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Long An và TP. Hồ Chí Minh, phía Tây giáp Đồng Tháp, phía Nam giáp Bến Tre và Vĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông. Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền [một nhánh của sông Mê Kông] với chiều dài 120km.

Khí hậu Tiền Giang mang tính chất nội chí tuyến - cận xích đạo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm. Nhiệt độ bình quân trong năm là 27 - 27,90C; tổng tích ôn cả năm 10.1830C/năm.

Có 2 mùa : Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau ; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 [thường có hạn Bà chằng vào tháng 7, tháng 8].

Tiền Giang nằm trong dãy ít mưa, lượng mưa trung bình 1.210 - 1.424mm/năm và phân bố ít dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông; Độ ẩm trung bình 80 - 85%.

Gió : có 2 hướng chính là Đông bắc [mùa khô] và Tây nam [mùa mưa]; tốc độ trung bình 2,5 - 6m/s.

Tỉnh Tiền Giang có địa hình bằng phẳng, với độ dốc nhỏ hơn 1% và cao trình biến thiên từ 0m đến 1,6m so với mặt nước biển, phổ biến từ 0,8m đến 1,1m. Nhìn chung, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung như sau :

Khu vực đất cao ven sông Tiền [đê sông tự nhiên] phân bố dọc theo sông Tiền và kéo dài từ xã Tân Hưng [Cái Bè] đến xã Xuân Đông [Chợ Gạo]. Cao trình phổ biến từ 0,9 - 1,3m, đặc biệt trên dãy đất cao ven sông Nam quốc lộ 1 từ Hoà Hưng đến thị trấn Cái Bè do hầu hết đã lên vườn nên có cao trình lên đến 1.6 - 1.8 m.

Khu vực thuộc địa bàn huyện Cai Lậy, Cái Bè, giới hạn giữa kinh Nguyễn Văn Tiếp và dãy đất cao ven sông Tiền có cao trình phổ biến từ 0,7 - 1,0m và có khuynh hướng thấp dần về kinh Nguyễn Văn Tiếp. Trên địa bàn có hai khu vực giồng cát và vùng lân cận giồng cát có cao trình lớn hơn 1.0m là giồng Cai Lậy [bao gồm Bình Phú, Thanh Hoà, Long Khánh, thị trấn Cai Lậy, Tân Bình, Nhị Mỹ] và giồng Nhị Quý [kéo dài từ Nhị Quý đến gần Lonh Định]. Do đó, khu vực nằm giữa hai giồng này là dãy đất cao ven sông Tiền [bao gồm khu vực Long Tiên, Mỹ Long, Bàn Long, Bình Trung] có cao trình thấp hơn nên khó tiêu thoát nước.

Khu vực trũng phía Bắc Đồng Tháp Mười [bao gồm hầu hết huyện Tân Phước] có cao trình phổ biến từ 0,60 - 0,75m, cá biệt tại xã Tân Lập 1 và Tân Lập 2 có cao trình thấp đến 0,4 - 0,5m. Do lũ hàng năm của sông Cửu Long tràn về Đồng Tháp Mười cộng với cao trình mặt đất thấp nên đây là khu bị ngập nặng nhất của tỉnh .

Khu vực giữa Quốc lộ 1 và kinh Chợ Gạo có cao trình từ 0,7 - 1,0m bao gồm vùng đồng bằng bằng phẳng 0,7 - 0,8m nằm kẹp giữa giồng Phú Mỹ, Tân Hương, Tân Hiệp [Châu Thành] phía Tây và giồng Bình Phục Nhất, Bình Phan [Chợ Gạo] phía Đông .

Khu vực Gò Công giới hạn từ phía Đông kinh Chợ Gạo đến biển Đông, có cao trình phổ biến từ 0,8 và thấp dần theo hướng Đông Nam, ra đến biển Đông chỉ còn 0,4 - 0,6m Có hai vùng trũng cục bộ tại xã Thạnh Trị, Yên Luông, Bình Tân [Gò Công Tây] và Tân Điền, Tân Thành [Gò Công Đông]. Do tác động bồi lắng phù sa từ cửa Xoài Rạp đưa ra, khu vực ven biển phía Bắc [Tân Trung, Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng] có cao trình hơn hẳn khu vực phía Nam .

Trên địa bàn còn có rất nhiều giồng cát biển hình cánh cung có cao trình phổ biến từ 0,9 - 1,1m nổi hẳn lên trên các đồng bằng chung quanh.

Dân số trung bình năm 2008 là 1.742,1 ngàn người với mật độ 701 người/km2. Mật độ dân số ở thành thị khá cao nhưng chiếm cao nhất vẫn là trung tâm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị trấn Cai Lậy.

5.Tài nguyên thiên nhiên:

Tiền Giang có 236.663 ha đất tự nhiên, trong đó có các nhóm đất chính như sau:

+ Nhóm đất phù sa : Chiếm 53% tổng diện tích tự nhiên 125.431 ha, chiếm phần lớn diện tích các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho và một phần huyện Gò Công Tây thuộc khu vực có nguồn nước ngọt. Đây là nhóm đất thuận lợi nhất cho nông nghiệp đã sử dụng toàn diện tích. Trong nhóm đất này có loại đất phù sa bồi ven sông có thành phần cơ giới tương đối nhẹ hơn cả nên thích hợp cho trồng cây ăn trái.

+ Nhóm đất mặn : Chiếm 14,6% tổng diện tích tự nhiên 34.552ha, chiếm phần lớn diện tích huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Gò Công Tây và một phần huyện Chợ Gạo. Về bản chất đất đai thuận lợi như nhóm đất phù sa, nhưng bị nhiễm mặn từng thời kỳ hoặc thường xuyên. Nếu được rửa mặn loại đất này sẽ rất thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp với chủng loại cây trồng tương đối đa dạng.

+ Nhóm đất phèn : Chiếm diện tích 19,4% diện tích tự nhiên 45.912ha, phân bố chủ yếu ở khu vực trũng thấp Đồng Tháp Mười thuộc phía Bắc 3 huyện Cái bè, Cai Lậy, Tân Phước. Đây là loại đất hình thành trên trầm tích đầm lầy mặn ven biển thành tạo trong quá trình biển thoái, nên loại đất này giàu hữu cơ và phèn. Đất phèn tiềm tàng và hoạt động sâu [phèn ít] có diện tích ít hơn so với đất phèn tiềm tàng và hoạt động nông [phèn nhiều] với tỷ lệ 6,82% so với 12,19%.

Hiện nay, ngoài tràm và bàng là hai loại cây cố hữu trên đất phèn nông, đã tiến hành trồng khóm và mía có hiệu quả ổn định trên diện tích đáng kể. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng đã bước đầu được canh tác có hiệu quả với một số mô hình như trồng khoai mỡ và các loại rau màu, trồng hai vụ lúa và cả trồng cây ăn quả trên những diện tích có đủ nguồn nước ngọt và có khả năng chống lũ.

Đất phèn nặm chiếm diện tích nhỏ phân bổ dọc bờ đất thấp [đất biền] bị ngập triều ven các lạch triều bưng trũng.

+ Nhóm đất cát giồng : Chiếm 3,1% diện tích tự nhiên với 7.336ha, phân bổ rải rác ở các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây và tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông do đất cát giồng có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ, nên chủ yếu làm đất thổ cư và canh tác cây ăn trái, rau màu.

Nhìn chung, đất đai của tỉnh phần lớn là nhóm đất phù sa [chiếm 53%], thuận lợi nguồn nước ngọt, từ lâu đã được đưa vào khai thác sử dụng, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh; còn lại 19,4% [45.912ha] là nhóm đất phèn và 14,6% [34.552ha] là nhóm đất phù sa nhiễm mặn ... trong thời gian qua được tập trung khai hoang, mở rộng diện tích, cải tạo và tăng vụ thông qua các chương trình khai thác phát triển vùng Đồng Tháp Mừơi, chương trình ngọt hoá Gò Công, đã từng bước mở rộng vùng trồng lúa năng suất cao, vườn cây ăn trái sang các huyện phía Đông và vùng chuyên canh cây công nghiệp thuộc huyện Tân Phước.

Than bùn: tìm thấy ở Phú Cường, Tân Hoà Tây - Cai Lậy [mỏ Tân Hoà] và tân Hoà Đông - Tân Phứơc [mỏ Tràm Sập].

Sét: tìm thấy ở Tân Lập - Tân Phước. Mỏ sét Tân Lập có chất lượng tốt, có khả năng làm nguyên liệu để sản xuất ra các mặt hàng gốm xây dựng như gạch, ngói ...

Cát sông: Phân bố chủ yếu trên lòng sông Tiền. Các mỏ cát được xác định, phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành với 9 thân cát có trữ lượng lớn với chiều dài 2 - 17km, rộng 300 - 800m, dày 2,5-6,9m, có chất lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp

Nước dưới đất: trên phạm vi tỉnh có 3 tầng chứa nước có triển vọng, có độ giàu nước từ lớn đến trung bình, có chất lượng tốt, đủ điều kiện khai thác với qui mô lớn và vừa gồm các phân vị Pliocen trên, Pliocen dưới và Miocen. Các phân vị này phân bố tập trung ở Mỹ Tho, Cai Lậy; tại các nơi khác, khả năng khai thác hạn chế. Tại Mỹ Tho, lưu luợng đang khai thác hơn 40.000m3/ngày đêm.

Tiền Giang có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, bờ biển dài thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá với các khu vực lân cận đồng thời là môi trường cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Các con sông chảy qua tỉnh Tiền Giang gồm có: Sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính, chảy 115km qua lãnh thổ Tiền Giang, sông Vàm Cỏ Tây: là một sông không có nguồn, lượng dòng chảy trên sông chủ yếu là từ sông Tiền chuyển qua. Sông Vàm Cỏ Tây là nơi nhận nước tiêu lũ từ Đồng Tháp Mười thoát ra và là 1 tuyến xâm nhập mặn chính. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số sông, rạch nhỏ thuộc lưu vực sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây góp phần rất quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá và phục vụ sản xuất như : Cái Cối, Cái Bè, Ba Rài, Trà Tân, Phú Phong, Rạch Rầm, Bảo Định, Kỳ Hôn, Vàm Giồng, Long Uông, Gò Công, sông Trà v.v...

Tiền Giang có khu vực giáp biển Đông thuộc huyện Gò Công Đông với bờ biển dài 32km nằm kẹp giữa các cửa sông lớn là Xoài Rạp [sông Vàm Cỏ] và cửa Tiểu, cửa Đại [sông Tiền].Vùng ven biển, thuộc hệ thống các cửa sông giáp biển nên từ lâu đã thiết lập được hệ thống rừng trồng ngập mặn với diện tích 2.028ha gồm các loại bần, đước, mắm, dừa nước, phi lao. Thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn rất phong phú gồm 75 loài thuộc 35 họ.

Với điều kiện nằm giữa các cửa sông nên rất thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Thủy sản nước lợ: gồm con giống và con non sinh sản và di chuyển vào sâu trong bờ, trữ lượng hàng năm ước tính về tôm, cua, cá, sò, nghêu ... tại các vùng cửa sông là 156.000 tấn. Hải sản, tiềm năng hải sản khá dồi dào với trữ lượng hàng năm về sinh vật nổi lên đến 12.000 triệu tấn thực vật phiêu sinh, 5,96 triệu tấn động vật phiêu sinh, 4,7 triệu tấn sinh vật đáy và hơn 1 triệu tấn cá.

Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ Cái Bè là chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Hàng ngày, có khoảng 400 đến 500 thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng. Ghe xuồng như mắc cửi, tiếng nói cười rộn rã, huyên náo - cái huyên náo không dễ lẫn mà chỉ riêng miền sông nước Cửu Long mới có, mang một nét quyến rũ đặc biệt. Chợ họp suốt ngày đêm trên một quy mô lớn, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Chính vì vậy mà hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ hàng vái, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long, dài tới cả cây số. Ghe thuyền từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau tới để mua hàng.. Khu chợ nổi Cái Bè là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền [sang cả Trung Quốc]. Ghe tam bản chở đầy trái cây: chôm chôm đỏ rực, xoài màu vàng ửng, sầu riêng thơm nồng, dưa hấu xanh tươi… từ sáng sớm đã được chở đến. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc khu chợ nổi đã nhộn nhịp như một thành phố nổi trên sông. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như cơm, phở, hủ tiếu, đồ tạp hóa chạy luồn lách theo các mạn ghe, mạn tàu để bán hàng. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời. Đến với chợ nổi Cái Bè sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị và khám phá nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây.

+ Khu du lịch sinh thái miệt vườn Cái Bè

Miệt vườn Cái Bè nằm dọc theo bờ bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Miệt vườn được bao bọc bởi nhiều kênh rạch nên Cái Bè quanh năm như đắm mình trong phù sa màu mỡ của miền châu thổ. Nhờ vậy, mảnh đất trù phú này đã tạo điều kiện để người dân trồng chuyên canh cây ăn trái cung cấp cho nhiều nơi trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, Cái Bè không chỉ là vựa trái cây lớn vào bậc nhất ĐBSCL mà còn là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, từ khi cầu Mỹ Thuận được khai thông. Cái Bè như gặp vận hội mới để phát triển du lịch sinh thái vườn.

Hiện nay, toàn huyện Cái Bè có gần 15.000ha vườn trồng cây ăn trái với nhiều chủng loại [chiếm hơn 1/3 diện tích cây ăn quả của Tiền Giang] như: sầu riêng tứ quý, sầu riêng sữa hạt lép có nguồn gốc từ Cái Mơn [Bến Tre], bưởi Năm Roi, giống được đem về từ Bình Minh [Vĩnh Long], bưởi đường núm, bưởi đường hồng, bưởi da láng... Nhãn thì nhãn long, nhãn tiêu da bò cho hai vụ trái/năm, cam có nhiều loại, nhưng cam sành và cam mật là hai giống cam ngon nhất. Đặc biệt là các loại nổi tiếng như: xoài cát Hoà Lộc, xoài bưởi, xoài thơm...và một số loại xoài ghép có mùi vị thật độc đáo như: xoài bưởi ghép, xoài sầu riêng ghép...

Ngoài ra, còn nhiều loại cây ăn quả khác như: sapôchê, ổi, táo, quýt, mít, mận, hồng đào... So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng “phong phú vào bậc nhất”, trái cây có 4 mùa, mùa nào thức ấy nên du khách đến Cái Bè dù ở mùa nào cũng đầy ắp nhiều loại trái cây chín thơm ngon. Tham quan Cái Bè, du khách được đi trong màu xanh dịu vợi của miệt vườn châu thổ Cửu Long. Người dân nơi đây hiền lành, chất phác, chân tình và hiếu khách…

Từ thành phố Mỹ Tho, chỉ cần 45 phút trên sông là đến một cù lao rộng khoảng 1.200ha mang tên Thới Sơn. Nằm ở hạ lưu sông Tiền, toàn xã Thới Sơn là một vùng chuyên canh cây ăn trái, quanh năm được phù sa bồi đắp. Sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ, đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào, bí bức của phố phường. Khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào. Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang.

Lượng du khách đến với Thới Sơn ngày càng tăng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Thới Sơn thu hút được du khách là nhờ có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo,đa dạng, mới lạ, phong cách phục vụ chu đáo. Thới Sơn là một trong nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở Tiền Giang.

+ Khu du lịch biển Tân Thành

Từ thành phố Mỹ Tho đi thêm 50km theo quốc lộ 50, du khách sẽ đến biển. Khu du lịch biển Tân Thành, thuộc huyện Gò Công Đông. Nơi đây có bãi cát dài 7km, nhìn ra biển là khu du lịch Cồn Ngang cách bờ khoảng 1 giờ đi đò máy. Cồn Ngang có hình vòng cung với hai đầu là hai bãi cát lớn, hiện đang được đầu tư trở thành khu du lịch với nhiều dịch vụ: nghỉ biển, tắm nắng, thể thao trên nước,...

Cách Mỹ Tho 12km là trại rắn Đồng Tâm - một trung tâm nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng nhiều loại cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nơi đây còn là một khu vườn thật đẹp - tổ ấm cho đủ các loại chim và động vật quý tại Nam bộ.

Đến đây, khách du lịch sẽ đựơc xem khu nuôi rắn công nghiệp với hàng chục loại trăn rắn khác nhau, được xem khu nuôi rắn ăn, chơi với trăn và nhiều hoạt động khác. Trong trại còn nuôi cá sấu và nhiều loại chim thú khác .

Nông trường khóm Tân Lập ở vùng Đồng Tháp Mười chính là thành quả lao động của những người nông dân cần mẫn trên mãnh đất chua phèn. Ở đây có rất nhiều sản vật Đồng Tháp Mười và cảnh hoang sơ của những cánh rừng - địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam qua bao cuộc đấu tranh giữ nước.

- Du lịch văn hóa – lịch sử:

Tiền Giang có thế mạnh trong thu hút khách du lịch nhờ vào các di tích văn hóa lịch sử, trong đó có thể kể đến:

+ Chùa Vĩnh Tràng - Tỉnh Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa tọa lạc trong một khu vườn rộng ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang .

Chùa do ông bà Bùi Công Ðạt xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ðến năm 1849, Hòa thượng Huệ Ðăng ở chùa Giác Lâm [Gia Ðịnh] về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên chùa Vĩnh Tràng. Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chùa mang dáng vẻ kiến trúc châu Á pha lẫn châu Âu. Chùa gồm có 5 lớp với 2 sân cảnh, 178 cột. Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa mang cả kiến trúc Angkor và kiến trúc châu Âu. Quanh chùa có nhiều mộ tháp của những vị sư đã trụ trì và được trang trí với các phiến đá chạm trổ công phu. Trong điện Phật có 60 pho tượng bằng gỗ quí, đặc biệt bộ tượng thập bát La Hán được tạc vào năm 1907 là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

+ Di tích khảo cổ Gò Thành

Di tích Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nằm trong khu dân cư, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước 200 m và cách Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo 6 km về phía Bắc.

Di tích đã được khai quật nhiều lần, phát hiện 12 hố thờ và mộ có dạng hình giếng nằm rải rác trên mặt gò và nhiều hiện vật bằng vàng, đồng, đá, đất nung đang được trưng bày tại nhà trưng bày trong khuôn viên di tích.

Hiện nay, khu di tích Gò Thành đã được trùng tu, tôn tạo, có tường rào bao quanh, cổng chính được thiết kế theo những hoạ tiết, hoa văn thuộc nền văn hóa Óc-Eo rất độc đáo, có một nhà bao che một số đền tháp quan trọng, một nhà trưng bày hiện vật của di tích và một đình thần trong khuôn viên rộng lớn, khang trang.

Di tích Gò Thành gợi nhớ cho chúng ta nhận thức mới về xã hội người Phù Nam, về các quy luật phát triển lịch sử, xã hội trên vùng đất Nam bộ, trên đất nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hiện nay, di tích Gò Thành đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

+ Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút 

Tượng đài Rạch Gầm - Xoài Mút 

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút thuộc ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Khu di tích được khánh thành vào ngày 20/01/2005, nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, với tổng diện tích hơn 02ha gồm 3 khu vực: nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài, nhà trưng bày số 2 nằm cạnh bờ sông và một nhà cổ Nam Bộ. Đây là một khu di tích đẹp, thoáng mát và thơ mộng. Chung quanh di tích là các vườn cây ăn trái, sát bên bờ sông có nhà hàng Rạch Gầm với lối kiến trúc gỗ, tre, nứa vừa mát mẻ vừa lạ mắt. Khu di tích Rạch Gầm Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia và đang thu hút một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tại Tiền Giang tổ chức rất nhiều lễ hội, trong đó phải kể đến:

Hội được tổ chức từ ngày 15-16/8 âm lịch tại xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hội được tổ chức nhằm suy tôn bốn anh hùng thời chống Pháp, đó là các ông: Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Ngô Tấn Ðước và Trương Văn Rộng. Mộ của bốn ông còn gọi là Lăng Tứ Kiệt ở xã Thanh Hòa. Tục truyền các vị rất linh ứng nên dân chúng quanh vùng tham dự lễ rất đông. Sau lễ dâng hương tưởng niệm lễ hội còn tổ chức những hoạt động văng hóa và các trò chơi dân gian. Lăng Tứ Kiệt hiện nay được xây theo kiến trúc truyền thống, chia làm hai khu vực rõ rệt:

Chính tẩm - Nhà tưởng niệm ở phía trước rộng hơn 100m², mái cong hai lớp chạm rồng, được đỡ bởi 16 cây cột chạm rồng tinh vi. Bên trong được bày trí theo lối thờ phụng. Chính giữa là bàn thờ, lư hương, bài vị tạo nét nghiêm trang. Hai bên có hai giá binh khí và đôi hạc cưỡi qui bằng gỗ được chạm thật khéo.

Nhà mộ - Nhà lăng ở phía sau, chỉ có một lớp mái cong chạm rồng. Bên trong là 4 cây cột đỡ mái chạm rồng. Bên đưới là bốn ngôi mộ đều được dán bằng đá granite màu gạch tôm sẫm. Khuôn viên quanh Lăng được bố trí các loại kiểng quý từ các nơi khác mang đến tạo nên nét hài hoà với cảnh quang chung quanh. Du khách đến tham quan chắc hẳn sẽ hài lòng với khung cảnh và càng thích thú hơn khi được nghe về nhân vật trong Lăng. Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông.

+ Hội Vàm Láng [Hội Nghinh Ông]

Hàng năm, từ ngày 9 tháng 3 âm lịch, dân vùng biển Gò Công và khách thập phương hoan hỉ kéo về Vàm Láng [thuộc huyện Gò Công Ðông] dự lễ hội Nghinh Ông, một lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển tại Tiền Giang. Ðường về Vàm Láng rất thuận tiện. Từ thị xã Gò Công xe đi khoảng 6km về ngã ba Tân Tây, rồi rẽ phải đi khoảng 9km về Vàm Láng. Lăng Ông Nam Hải tọa lạc tại ấp Lăng xã Vàm Láng, là lăng thờ cá Ông của hai xã Kiểng Phước và Vàm Láng. Trong lăng Ông Nam Hải tại Vàm Láng, có xương sườn cá Ông – một phần di cốt vị thủy tướng. Tương truyền, thời ông Huỳnh Văn Bìn làm hương cả [khoảng cuối thế kỷ XIX, chú thích của L.A.S], có một cá Ông lụy xác tấp vào làng Ðông Hòa [Gia Ðịnh] ở bên kia sông Soài Rạp, ông phó hương cả Vạn phát hiện, nhưng chỉ còn khúc giữa của con cá. Dân làng đưa về Kiểng Phước, để cho rả thịt, rồi đưa cốt về đình, đặt trong quan tài cho dân làng kính bái. Không bao lâu sau, một ngư phủ ở Phước Hải [Bà Rịa] đến Vàm Láng xin thỉnh hài cốt của “Ông”, vì cho rằng “Ông” về báo cho dân làng Phước Hải biết do “Ông” phạm lỗi với thiên đình, nên khi chết thân trôi dạt 3 nơi: đầu ở Phước Hải, thân ở Kiểng Phước, đuôi ở Vũng tàu, nếu đưa được 3 khúc về Phước Hải thì dân làng Phước Hải sẽ ăn ra làm nên. Nhưng ngư phủ Vàm Láng không chịu, vì nếu cho cốt “Ông” thì dân Vàm Láng sẽ mất lộc.

Cũng như nhiều lăng thờ cá Ông ở Nam Bộ [Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bế Tre, Kiên Giang v.v…] Lăng Ông Nam Hải ở Vàm Láng có kiến trúc cơ bản giống một ngôi đình của cư dân trồng lúa nước. Do xây dựng khá muộn [1922] và được tu bổ nhiều nên kiến trúc chủ yếu bằng gạch, xi măng, hợp chất ô dước, ngói, gỗ.

Lăng thờ cá Ông ở Vàm Láng cũng như một số nơi khác, vừa mang chức năng tín ngưỡng, là nơi trú sở của thần linh: vừa là nơi mang chức năng thế tục, là nơi vui chơi giải trí trong những ngày hội của cư dân làm nghề đánh cá. Trong sinh hoạt văn hóa của vùng Vàm Láng, đáng kể nhất là lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội Nginh Ông Vàm Láng: tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông của ngư dân vùng biển Tiền Giang. Nghi lễ được tổ chức tại chùa thờ cá Ông vào lúc 9 giờ sáng. Thuyền nghênh Ông được trang hoàng lộng lẫy, trên đặt bàn thờ có mâm cổ mặn, từ Rạch Vàm Láng tiến ra sông Soài Rạp, sau đó là lễ cúng vong Ông, an vị Ông. Lễ hội còn có tấu nhạc, các trò vui chơi giải trí.

+ Lễ hội cúng thủy thần tại Miếu Cậu

Miếu Cậu còn gọi là "Hà Dương Thủy Phủ Chi Thần hay Miếu Thờ Thần Bão Tố" tọa lạc tại vàm Mân [vàm sông Hoà Khánh] làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Theo tương truyền thì khúc sông này ngày xưa rất nguy hiểm do dòng nước xoáy mỗi khi có gió lốc hay giông bão. Vì thế dân trong làng cùng nhau quyên góp tiền của để lập nên ngôi miếu để thờ thần chế ngự giông bão. Cứ mỗi lần ghe xuồng qua đây đều phải đốt pháo hay bóp còi ngụ ý để chào vị thần giông bão nơi đây.

Sau đó có một vị quan tri phủ tên là Hồ Trung Dinh trên đường kinh lý ngang qua đây thì thuyền ông bị sóng lớn làm chao đảo thuyền, ông liền ra lệnh cho dừng thuyền lại và tìm hiểu nguyên nhân thì mới phát hiện ra nơi đây có một ngôi miếu hoang vắng, trên cổng có đề "Phong Ba Miếu" ông liền khấn vái lập tức sau đó sóng gió liền ngưng hẳn. Sau đó ông cho trùng tu lại ngôi miếu hoang này và thay đổi tên như ngày nay là: "Hà Dương Thủy Phủ Chi Thần" thay vì Phong ba miếu. Về sau này ngôi miếu được dân thương hồ cùng người dân địa phương cho mở rộng như hiện nay.

Hàng năm cứ vào ngày 22, 23 tháng 3 âm lịch và ngày 9, 10 tháng 10 âm lịch thì dân thương hồ từ mọi nơi kéo về đây cúng bái nhằm tỏ lòng tôn kính thần linh và cũng nhằm xin thần linh bảo trợ cho họ trong những ngày bôn ba trên sông nước mênh mông.

Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có diện tích 3.500m2, tại ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo [Tiền Giang] được xây dựng khá khang trang theo lối kiến trúc truyền thống, cách Ủy ban nhân dân xã 500m về phía Bắc và Quốc lộ 1A 3km về phía Đông. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Giữa có bàn thờ, lư hương và bằng công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia. Ngôi mộ, lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1927, con cháu ông và nhân dân địa phương xây dựng lại bằng đá xanh gồm hai phần: nấm mộ và bia mộ. Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu “Voi phục” vì trông giống như con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Nền mộ là những viên đá dày 30cm, rộng 40cm, dài 120cm ghép lại với nhau thành nền để đặt núm mộ với diện tích phần nền bằng đá 4,042m2. Núm mộ gồm 2 tảng đá xanh có hình dáng mô hai đầu cao 70cm, phần giữa lõm xuống cong như lưng voi, phía trước có hoa văn khắc ô chữ nhật xoáy vòng, phía sau hoa văn là những vòng gợn và uốn xoáy lại ở cuối đã được ghép bằng xi măng theo chiều dài. Bia mộ nối liền với núm mộ gồm 3 phần: chân bia, thân bia và mái bia. Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm rộng 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, rộng 38cm. Mái che giả ngói chia làm 8 rãnh, cuối đầu mỗi rãnh có chạm hoa sen, hai đầu chạm 2 con dơi quay mặt ra ngoài tư thế đang bay trông rất sinh động. Ngôi mộ tuy không nguy nga, lộng lẫy nhưng đã nói lên được sự tôn kính của nhân dân địa phương với vị anh hùng dân tộc. Tại đây, các ngành chức năng đã thành lập Ban bảo vệ đền thờ, hàng ngày có người trông nom, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan. Tưởng nhớ đến ông, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng một tượng đài lớn trong công viên cạnh sông Tiền, ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho. Và công viên này cũng đã chính thức mang tên ông.

Đền thờ và mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có giá trị lịch sử văn hóa. Mười lăm năm chống giặc, ba lần khởi nghĩa, ba lần bị bắt, bị đày tận đảo RéUNI0N nhưng ông không nao núng tinh thần cho đến phút cuối cùng. Đó chính là niềm tự hào dân tộc nói chung, của nhân dân Tiền Giang nói riêng.

3.Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng:

Tiền Giang được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 32 km với hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, sản lượng cây trồng vật nuôi đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với diện tích cây ăn trái vào loại bậc nhất của vùng với nhiều loại trái cây đặc sản như: bưởi Long Cổ Cò [Cái Bè], mận An Phước, xoài Cát Chu, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim [Châu Thành], sầu riêng Ngũ Hiệp [Cai Lậy], thanh long [Chợ Gạo], dưa hấu và sơri [TX Gò Công], khóm Tân Lập [Tân Phước],... và nhiều vùng chuyên canh trái cây đặc sản của tỉnh như: vùng trái cây ở Cai Lậy, vùng chuyên canh trái cây ở Hòa Khánh - An Hữu [Cái Bè], vùng cam sành ở HTX cây ăn trái ở Mỹ Lương [Cái Bè], HTX bưởi lông, da xanh Cổ Cò [An Thái Đông, Cái Bè],...

- Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim:

Xã Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho 14km về phía Tây và cách TP.HCM khoảng 80km, nằm gần ngã ba sông Rạch Gầm – Xoài Mút, là “cái nôi” của vú sữa Lò Rèn. Vú sữa Lò Rèn có màu xanh ngà, lớn gấp đôi vú sữa thông thường. Quả tròn, vỏ mỏng, hột nhỏ, ruột dày với dòng nhựa trắng như sữa. Khi chín phơn phớt màu nâu đỏ nhạt, ăn rất ngon, ngọt dịu, mát thanh trong cuống họng, phảng phất hương thơm khá lạ với một chút hương vị của sữa, một chút hương vani… rất đặc biệt. Trái vú sữa Lò Rèn còn có độ bóng tự nhiên, làn da bóng mượt. Đây là một đặc trưng của vú sữa Lò Rèn, một món quà hiếm trời cho vùng đất này. Vĩnh Kim hội tụ những điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu như đất đai màu mỡ, nước ngọt mát và nắng vàng ấm áp rất phù hợp với giống cây này. Chỉ cần cách một con rạch, không phải đất Vĩnh Kim, chất lượng của trái vú sữa đã khác nhau. Có lẽ vì những ưu điểm nổi trội như vậy nên vú sữa Lò Rèn đã nhanh chóng chinh phục thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, chợ trái cây Vĩnh Kim đã hình thành ở khu vực ngã ba sông Rạch Gầm. Nhờ thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên Vĩnh Kim dần trở thành chợ đầu mối trái cây nổi tiếng khắp vùng. Tùy theo mùa, các loại trái cây từ khắp đồng bằng được tập trung về đây bán cho thương lái. Từ khoảng tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán là mùa thu hoạch rộ Vú sữa Lò Rèn để cung cấp cho thị trường trái cây mùa tết. Nhiều năm qua, cây vú sữa Lò Rèn đã góp phần ổn định cuộc sống cho bà con nông dân Vĩnh Kim.

Xoài cát Hòa Lộc là một trong đặc sản cũa đồng bằng Sông Cửu Long.Xoài được trồng nhiều ở cac tỉnh như: Đồng Tháp, Tiền Giang, TP.Cần thơ,...Nhưng nói đến xoài Cát Hòa Lộc phải nhắc đến vùng chyên canh xoài ở ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyên Cái bè, Tiền Giang nơi đây là vùng sản sinh ra thứ xoài nổi tiếng này, đặc biệt chỉ có xoài Hòa lộc nơi đây mới có vị ngọt đậm đà và hương thom ngào ngạt và nơi đây trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của huyện Cái Bè nói riêng và Tiền Giang nói chung. Do chất lượng ngon, hương vị đậm đà nên hiện nay giống xoài cát Hòa Lộc được trồng với qui mô công nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng xoài cát Hòa Lộc khi được trồng ở những nơi khác thì phẩm chất không ngon bằng tại nơi xuất xứ của nó. Những năm gần đây do nhu cầu thị trường tăng cao xoài Cát Hòa Lộc được tiêu thụ mạnh tại Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc do đó đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân Hòa Hưng.

Tiền Giang còn có các đặc sản nổi tiếng khác như:

Nghề làm bánh cốm ở ấp An Ninh, xã Ðông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có từ rất lâu đời.

Gọi là cốm, nhưng không phải là thứ cốm dẻo dẻo làm bằng lúa nếp non như hạt cốm ở đồng bằng Bắc bộ. Cốm được là từ gạo tẻ, gạo nếp, hay bắp [ngô], rang thành bỏng rồi ép thành bánh.

Ðể làm được bánh cốm phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn nguyên liệu. Phải là loại thóc đều hạt, không quá dẻo hay quá khô mới cho cốm ngon và đẹp. Sau đó đến rang cốm [hay nổ cốm], rồi ngào với đường, cuối cùng là trộn cốm và đóng gói.

Mỗi lò cốm có một bí quyết chế biến khác nhau, làm nên những thương hiệu có tiếng mà du khách đến Tiền Giang thường mua về làm quà.

Mắm tôm chà Gò Công là đặc sản độc đáo của thị xã Gò Công [Tiền Giang]. Mắm tôm chà ở Gò Công được mệnh danh là món Tứ Cung, một trong 52 món cung đình được chúa Nguyễn chuyên dùng. Món này được làm từ tôm bạc nghệ xay nhuyễn, ướp gia vị rồi phới nắng, mang một hương vị đặc trưng của quê biển Gò Công. Tại thị xã Gò Công hiện chỉ còn 5 lò sản xuất loại mắm này. Nguyên liệu làm mắm tôm chà chủ yếu được tận dụng từ nguồn tôm bạc đất sẵn có ở địa phương. Nước cốt đặc trưng của mắm tôm chà có màu hồng nhạt, sền sệt, mịn màng trông rất bắt mắt. Dung dịch này và phần bã đem phơi nắng đến khi mắm cô đặc. Trung bình cứ chế biến 3kg tôm bạc đất tươi sẽ cho 1kg mắm thành phẩm.

Ở Gò Công, làm mắm tôm chà là nghề cha truyền con nối. Nhà nào cũng giữ những bí quyết tuyệt chiêu như: định lượng trong khâu ướp, nêm nếm sao cho hợp khẩu vị... Sức cuốn hút của mắm tôm chà Gò Công là hương vị thơm ngon, không có mùi khẳm và rất hợp với các loại rau quả có vị chua... Hiện, mắm tôm chà Gò Công đã có mặt trên thị trường nhiều nước như: Hoa Kỳ, ôxtrâylia, Canada...

Bản đồ hành chính Tỉnh Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang với 10 đơn vị hành chính gồm: Trung tâm là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Tân Phước.

ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG 

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội VIII và kế hoạch 5 năm 2006-2010 đề ra, kết quả đạt được như sau:

1. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010

Kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện với nhịp độ khá cao, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn mức trung bình của cả nước, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện.

Trong 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh [GDP giá so sánh năm 1994] tăng từ 8.167 tỷ đồng [năm 2005] lên 13.735 tỷ đồng [năm 2010]; Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 11%/năm [chỉ tiêu đề ra là 11%-12%]. Trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm, vượt kế hoạch đề ra [4,2-4,5%/năm]; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 19,5%/năm, đạt kế hoạch [19%-20,8%/năm], cao hơn giai đoạn trước [5 năm 2001-2005 tăng 16,7%/năm]; khu vực dịch vụ tăng 12,4%/năm thấp hơn so với kế hoạch [13,7%-14,7%] và cao hơn giai đoạn 5 năm trước [giai đoạn 2001-2005 tăng 11,4%].

GDP bình quân đầu người năm 2010 ước tăng 2,55 lần so với năm 2005, từ 7,6 triệu đồng năm 2005 tăng lên 19,3 triệu đồng năm 2010 [tương đương 1.066 USD, bằng 87,4% so cả nước], vượt kế hoạch đề ra [kế hoạch 950-1020 USD].

Cơ cấu kinh tế tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu công nghiệp – xây dựng trong GDP từ 22,4% năm 2005 tăng lên 25,4% năm 2010 [mục tiêu kế hoạch 33-34%]; khu vực dịch vụ từ 29,5% năm 2005 tăng lên 29,8% năm 2010 [mục tiêu kế hoạch 32-33%]; khu vực nông – lâm – ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh [cả nước là 21,3%].

Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành trong 5 năm 2006-2010 ước đạt 5,5%/năm, vượt mục tiêu đề ra [4,2-4,5%/năm]; trong đó nông nghiệp tăng bình quân 4,4%, lâm nghiệp tăng 1,9% và thuỷ sản tăng 9,8%.

Khu vực công nghiệp – xây dựng: Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng bình quân 25,9%, cao hơn so với giai đoạn 2001-2005 [17,4%/năm]. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước tăng bình quân 10,4%/năm.

Khu vực thương mại dịch vụ: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 12,5%/năm, cao hơn giai đoạn trước [11,7%/năm giai đoạn 2001-2005].

c] Kinh tế nhiều thành phần dựa trên sự tồn tại và đan xen nhiều hình thức sở hữu đã phát huy các nguồn lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

- Khu vực kinh tế nhà nước: giai đoạn 2006-2010 xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới đối với 8 doanh nghiệp nhà nước còn lại, trong đó, chuyển 05 doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên và cổ phần hoá 03 doanh nghiệp. Cuối năm 2008, đã chuyển đổi 02 DNNN thành công ty TNHH một thành viên và hoàn thành cổ phần hoá Cảng Mỹ Tho. Dự kiến trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 sẽ hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới đối với 5 doanh nghiệp còn lại.

- Kinh tế tập thể: Giá trị tăng thêm khu vực kinh tế tập thể ước tăng bình quân 21%/năm giai đoạn 2006-2010 và chiếm tỷ trọng trong GDP cũng tăng, từ 1,1% năm 2005 tăng lên 1,6% năm 2010.

- Kinh tế tư nhân: Khu vực này phát triển nhanh, ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, vốn đầu tư ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, đặc biệt trong chế biến thuỷ sản, may mặc. Giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng GDP của tỉnh, từ 13,3% năm 2005 tăng lên 19,2% năm 2010.

- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Dự kiến giai đoạn 2006-2010, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đạt 941,5 triệu USD, gấp 3,5 lần so với thời kỳ 2001-2005; tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến 97 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động; đóng góp cho ngân sách khoảng 58,6 triệu USD, tăng gấp 2 lần so giai đoạn 2001-2005.

- Kinh tế cá thể: Khu vực kinh tế cá thể tạo ra giá trị tăng thêm [theo giá hiện hành] từ 8.825,9 tỷ đồng [2005] dự kiến tăng lên 21.996,6 tỷ đồng [2010], tăng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2006-2010, chiếm 63,8% trong cơ cấu GDP của tỉnh năm 2010.

d]Vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, dự kiến tốc độ tăng bình quân 21%/năm giai đoạn 2006-2010. Nguồn vốn đầu tư và cơ cấu đầu tư trên địa bàn từng bước thực hiện hợp lý theo các nhiệm vụ mục tiêu phát triển trọng tâm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 ước khoảng 44.466 tỷ đồng, chiếm khoảng 36,5% so với GDP, cao gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001-2005 và đạt 106% so với mục tiêu [40-42.000 tỷ đồng.

- Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI]: Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 30/6/2009 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 314,4 triệu USD. Quy mô vốn đăng ký bình quân 14,3 triệu USD/dự án. Dự kiến trong giai đoạn 2006-2010, tỉnh cấp phép cho 36 dự án FDI mới, vốn đăng ký mới là 558 triệu USD, tăng gấp 4 lần về số dự án, gấp 8 lần về vốn đăng ký so giai đoạn 2001-2005. Quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án là 15,5 triệu USD, tăng gấp 4 lần về số dự án, gấp 8 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2001-2005. Vốn thực hiện dự kiến đạt 178 triệu USD, tăng gấp 3,4 lần giai đoạn 2001-2005, đạt 32% tổng vốn đăng ký, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức [ODA]: Trong giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn vốn ODA tỉnh được phân bổ là 26,66 triệu USD, trong đó vốn giải ngân khoảng 18,204 triệu USD, tỷ lệ giải ngân vốn ODA so với cam kết phân bổ là 68,3%.

đ] Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng khá cao, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đến năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 425 triệu, đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010, tập trung chủ yếu là hàng thuỷ sản chiếm 63% tổng kim ngạch và tăng trên 41%/năm [2006-2010].

e] Lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Các hoạt động văn hoá xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển tương ứng với nhịp độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế và đáp ứng được cơ bản nhu cầu vật chất – tinh thần của nhân dân; đồng thời ngày càng chú trọng khu vực nông thôn nhằm giảm cách biệt nông thôn – thành thị.

g] Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được củng cố, công tác đối ngoại được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ Đề