Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh

Sau nhiều thập niên kể từ khi khoa học phát minh ra loại thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, giờ đây, Tổ chức Y Tế Thế Giới [WHO] đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Điều gì đã dẫn đến hiểm hoạ kháng thuốc của ngày hôm nay?

Dưới đây là một số những nguyên nhân và hậu quả của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Liệu bạn chính là một trong những tác nhân thúc đẩy hiểm hoạ này ngày một nghiêm trọng hơn? Hãy nhận thức về mối hiểm nguy chung của toàn nhân loại, và tham gia vào các biện phápkhắc phục và giảm thiếu tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh.

1. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Hầu hết mọi người khi mắc phải các căn bệnh thường thức ở giai đoạn khởi phát, thường tự mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc gần nhà. Đó có thể là các loại thuốc kháng sinh phổ rộng thuộc phân nhóm penicilin như amoxicillin hay ampicillin.

Cứ mỗi khi bị bệnh dù nặng hay nhẹ, mọi người sẽ thường trở thành bác sĩ tại gia, tự kê đơn và tự điều trị hay thậm chí “chữa bệnh” cho cả gia đình theo cùng một phương thuốc. 

Thậm chí, khi bệnh trạng không thấy cải thiện và chậm lành bệnh, lại tiếp tục tự mua thuốc và với liều lượng nặng hơn. Cho đến lúc bệnh đã chuyển biến trầm trọng, người bệnh mới tìm đến bác sĩ trong tình trạng vi khuẩn đã có khả năng vô hiệu hoá hầu hết các loại thuốc kháng sinh.  

2. Vi khuẩn kháng thuốc nhờ gen [*]

Sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn nhờ vào các “gen kháng thuốc” có trong tế bào, nhờ đó có thể tồn tại và làm mất tác dụng của thuốc kháng sinh. “Gen kháng thuốc” của vi khuẩn được hình thành từ việc đột biến gen trong tế bào vi khuẩn.

Tuy nhiên, sự đột biến tự thân này của vi khuẩn gây bệnh, không hẳn là nguyên nhân chủ đạo và duy nhất của hiểm hoạ kháng thuốc kháng sinh. Một nguyên nhân khác là do các yếu tố lan truyền “gen kháng thuốc”, qua việc tiếp nhận “gen kháng thuốc” từ vi khuẩn trên động vật, hay “gen kháng thuốc” được lây truyền trên phạm vi toàn cầu.

– Đột biến: thuốc kháng sinh đã làm đột biến tính di truyền của vi khuẩn. DNA của vi khuẩn bị biến đổi theo hướng chống lại sự tác động của thuốc kháng sinh. Gen bị đột biến này được gọi là “gen kháng thuốc”. Nguyên nhân dẫn đến sự đột biến này là do việc dùng thuốc kháng sinh với liều lượng không theo quy chuẩn [không uống đủ liều lượng, hoặc uống quá liều]. Vi khuẩn “sống sót” sau đợt điều trị trở nên “mạnh mẽ” hơn, từ đó “tiến hoá” và biến đổi DNA để chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh.

– Nhận “quyền trợ giúp” từ vi khuẩn trên động vật: vì một lý do nào đó, hệ vi khuẩn trên động vật thâm nhập được vào trong cơ thể người. “Gen kháng thuốc” có sẵn trong vi khuẩn trên động vật, theo cơ chế chuyển gen – được “vận chuyển” bởi một bán sinh thể sống có tên gọi là plasmid, truyền vào hệ vi khuẩn trên con người.

– Phạm vi kháng thuốc xuyên quốc gia: một chủ thể mang trên mình vi khuẩn đã hình thành “gen kháng thuốc”. Người này khi đi đến một quốc gia khác, tiếp xúc với những loại vi khuẩn mới chưa có khả năng kháng thuốc, và lây truyền “gen kháng thuốc”, gây nên một dòng vi khuẩn kháng thuốc mới trên chính quốc gia đó, từ đó gây nênhiểm hoạ kháng thuốc kháng sinh thể mới trên toàn cầu.

3. Hậu quả nghiêm trọng

Người bệnh dùng thuốc kháng sinh bừa bãi dẫn đến nguy cơ phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh, và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ mới có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để chữa trị. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Việc dùng thuốc kháng sinh tùy tiện, ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể [ví dụ như vi trùng đường ruột tạo men tiêu hóa]. Thậm chí, có thể gây ra những tai biến, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn hoặc nôn; nặng có thể gây độc cho gan, thận hoặc sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng. [*1]

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh của mỗi cá nhân, góp phần làm gia tăng sự nguy hại của việc đề kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu. Tác dụng “yếu đi” của thuốc kháng sinh trước những vi khuẩn đang “mạnh lên” từng ngày, khiến con người mất dần đi biện pháp chữa trị nhằm chống lại mọi căn bệnh nhiễm khuẩn.

4. Khắc phục tình trạng kháng thuốc

– Chỉ mua và sử dụng thuốc khi được bác sĩ khám bệnh và kê đơn.

– Kháng đúng bệnh, kháng vi khuẩn không kháng vi rút: thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cảm cúm hoặc các bệnh cảm ho thông thường khác do vi rút gây nên. [*2]

– Không tự ý tăng giảm liều lượng hay thay đổi loại thuốc kháng sinh: khi được bác sĩ kê đơn thuốc có bao gồm kháng sinh, kể cả khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm cũng không được tự ý ngừng uống thuốc, hay uống thêm ngoài đơn thuốc vì cho rằng “phòng bệnh” chắc chắn hơn. Trường hợp khác, khi dùng thuốc kháng sinh sau vài ngày không khỏi, không được tự ý đổi loại thuốc mà không qua chỉ định của bác sĩ.  

– Không dùng thuốc kháng sinh “mạnh” để chữa bệnh “nhẹ”: thuốc kháng sinh “mạnh” là những loại kháng sinh thế hệ mới, chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm, hay dùng để “đối phó” với một số loại vi khuẩn là “nhờn” thuốc thế hệ cũ. Dùng quá liều trong các trường hợp bệnh truyền nhiễm, góp phần “thúc đẩy” sự đột biến trong tế bào của vi khuẩn gây bệnh, và làm tăng khả năng sản sinh vi khuẩn kháng thuốc mới.

– Không uống tiếp thuốc chưa dùng hết trong lần bệnh trước đó, tránh dùng thuốc quá hạn và tự “điều trị” bệnh mới tương tự mà chưa qua chẩn khám của bác sĩ.

– Không dùng lại đơn thuốc: không sử dụng lại đơn thuốc cho lần sau mà không được bác sĩ tái khám hoặc kê đơn mới.

Lạm dụng thuốc kháng sinh, hậu quả khôn lường

    Việc lạm dụng thuốc kháng sinh khi kê đơn hoặc thói quen người dân tự mua thuốc điều trị khi mắc bệnh đã đẩy Việt Nam vào danh sách một trong những quốc gia có người bệnh kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Các nhà thuốc cũng dễ dàng bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ là thực trạng đáng báo động hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết.

Hình ảnh minh họa

    Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh [Bộ Y tế], kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc của người bán thuốc lẫn người dân đều rất thấp. Có đến 88% số dân ở thành thị, 91% số dân ở nông thôn sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ.

    Kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc... sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh phát triển, khiến cho thuốc kém hiệu quả và mất dần tác dụng. Đáng nói là tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm trùng huyết bị thất bại, dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các căn bệnh nguy hiểm như: Lao, sốt rét, nhiễm trùng huyết, tả, lỵ đang bị kháng thuốc rất nghiêm trọng.

    Các nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc Paracetamol chính là thủ phạm số 1 của bệnh suy thận, nhất là những ai lạm dụng loại thuốc này, vì thuốc giúp hạ sốt khá an toàn, lại được bán khắp nơi không cần toa của bác sĩ. Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng sinh khác như Streptomycin nếu uống liều cao cũng dễ bị điếc và suy thận.

[HNMCT] - "Lạm dụng kháng sinh hôm nay - ngày mai không thuốc chữa", đó là cảnh báo mà ngành Y tế đã đưa ra, song cho đến nay nhiều người vẫn thờ ơ với cảnh báo này.

Gánh nặng y tế

Kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, như sử dụng kháng sinh cho bệnh do virus [cảm cúm] hoặc dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn chưa hợp lý. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.

Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị của người bệnh. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng có xu hướng tăng mạnh mà nguyên nhân chính là lạm dụng kháng sinh đã diễn ra trong một thời gian dài, làm gia tăng tỷ lệ tử vong, dẫn đến gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất về kinh tế. Hậu quả kinh tế của tình trạng kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả từ khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng. Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh [Bộ Y tế], Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Việc dùng thuốc kháng sinh không hợp lý đã làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Càng nhiều sinh vật tiếp xúc với thuốc kháng sinh thì càng có nhiều khả năng một số ít sẽ đột biến để có thể sống sót, vượt qua cơ chế tấn công của thuốc. Các công ty dược phẩm liên tục tạo ra các loại kháng sinh mới để giúp con người chống lại nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên, các vi sinh vật đang phát triển nhanh chóng này đã tìm cách xoay xở để sống sót với tốc độ đáng báo động, vượt xa tốc độ phát triển của thuốc mới. Bác sĩ Hoàng Cương [khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương] cho hay, vi khuẩn không đáp ứng với thuốc có thể dẫn đến mù lòa ở các bệnh nhân bị nhiễm trùng về mắt: “Với khoảng 1 triệu người phải phẫu thuật đục thủy tinh thể hằng năm và hơn một triệu mũi tiêm thoái hóa điểm vàng do tuổi tác được thực hiện mỗi năm, nhu cầu hiểu về vấn đề kháng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng mắt cao hơn bao giờ hết”.

Bỏ thói quen dùng kháng sinh một cách tùy tiện

Các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều tới nạn lạm dụng kháng sinh nhưng có lẽ cả người dân và ngay cả một số nhân viên y tế vẫn chưa nhận ra mối nguy hại thực sự của thói quen này.

Dù ngành Y tế đang siết chặt việc bán thuốc theo đơn tại các hiệu thuốc song thực tế, nhiều nhà thuốc, nhiều dược sĩ, người bán hàng luôn bán thuốc một cách tùy tiện cho những người bị sổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy, trong đó luôn có một loại kháng sinh được kê dùng trong 3 - 5 ngày. Người dân khi thấy mệt mỏi, ốm đau cũng thường mua thuốc uống vô tội vạ mà không cần biết điều đó có gây hại hay không. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng kháng kháng sinh tăng cao.

Trước vấn nạn vi khuẩn kháng thuốc trầm trọng, các chuyên gia đều khuyên người dân "đừng tự làm bác sĩ", không dùng thuốc theo sự mách bảo của người không có chuyên môn. Hãy đi khám để được dùng thuốc hợp lý, an toàn. Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, “để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh thì ngoài nỗ lực của ngành Y tế, người dân cũng phải có trách nhiệm. Mọi người không nên mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi”.

Hiện nay, tình trạng kháng thuốc có xu hướng gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 , đó là điều đã được Tổ chức y tế Thế giới cảnh báo. Mặc dù một số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, với các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi các thầy thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng của người bệnh.

Video liên quan

Chủ Đề