Tinhrbinhf định lập dự toán theo đơn giá bao nhiêu

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu [Nghị định số 63/2014/NĐ-CP];

Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước [Thông tư số 194/2012/TT-BTC];

Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước[Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC];

Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp [Thông tư số 58/2016/TT-BTC];

Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương [Quyết định số 2177/QĐ-UBND];

Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 12/05/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 15/09/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 15/09/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

  1. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
  1. Lập dự toán

Các yếu tố cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN:

- Tiền công lao động trực tiếp; tiền công thuê chuyên gia phối hợp trong quá trình nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

- Chi điều tra, khảo sát, thu thập số liệu.

- Chi hội thảo khoa học, công tác phí trong và ngoài nước phục vụ hoạt động nghiên cứu.

- Chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN [nếu có].

- Chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

- Dự toán chi phí mua thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định.

- Các khoản chi khác [đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức KHCN...].

Cụ thể:

1. Công lao động

1.1. Dự toán tiền công tính theo công thức: Tc = Lcs x Hstcn x Snc

Trong đó:

Tc: Dự toán tiền công

Lcs: Lương cơ sở do Nhà nước quy định

Hstcn: Hệ số tiền công ngày

STT

Chức danh

Hệ số tiền công theo ngày

Hstcn

Nhiệm vụ cấp tỉnh

Nhiệm vụ cấp cơ sở

11

Chủ nhiệm nhiệm vụ

0,79

0,63

22

Thành viên thực hiện chính; thư ký khoa học

0,49

0,39

33

Thành viên

0,25

0,20

44

Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ

0,16

0,13

Snc: Số ngày công [do Hội đồng KHCN xem xét và Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt].

Ví dụ: công xây dựng thuyết minh đề cương nhiệm vụ cấp tỉnh do chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện, số ngày công là 11 ngày, tại thời điềm Lương cơ sở là 1.300.000 đồng thì dự toán tiền công được tính như sau:

Tc = Lcs x Hstcn x Snc

Tc = 1.300.000 x 0,79 x 11 = 11.297.000 đồng.

Lưu ý:

- Dự toán tiền công đối với chức danh kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ không quá 20% tổng dự toán tiền công đối với các chức danh: Chủ nhiệm nhiệm vụ; Thành viên thực hiện chính; Thành viên; thư ký khoa học.

- Các chức danh như: Thành viên thực hiện chính; thư ký khoa học; Thành viên; Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ phải ghi cụ thể trong thuyết minh, được Hội đồng KHCN xem xét và Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

2. Thuê chuyên gia trong nước phối hợp nghiên cứu

Trường hợp nhiệm vụ KHCN có nhu cầu thuê chuyên gia trong nước, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài thuyết minh rõ để hội đồng tư vấn đánh giá xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Hợp đồng khoán việc, mức dự toán thuê chuyên gia trong nước không quá 40.000.000 đồng/người/tháng [22 ngày/1 tháng].

Lưu ý:

- Nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở không được thuê chuyên gia trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia trong nước không quá 30% tổng dự toán kinh phí chi tiền công thực hiện nhiệm vụ KHCN.

3. Chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu

Bao gồm các nội dung:

STT

Nội dung chi

Khung, mức chi tối đa

Nhiệm vụ

cấp tỉnh

Nhiệm vụ

cấp cơ sở

1

Lập mẫu phiếu điều tra

1.1

Đến 30 chỉ tiêu

750.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

600.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

1.2

Trên 30 chỉ tiêu đến 40 chỉ tiêu

1.000.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

800.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

1.3

Trên 40 chỉ tiêu

1.500.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

1.200.000 đồng/phiếu mẫu được duyệt

2

Lấy ý kiến chuyên gia về phương án điều tra, nội dung phiếu điều tra, báo cáo kết quả điều tra [tối đa không quá 5 chuyên gia], nhà quản lý [trường hợp không thành lập Hội đồng.]

500.000 đồng/bài viết

400.000 đồng/bài viết

3

Chi điều tra

3.1

Chi công tác phí cho người tham gia điều tra, phúc tra, kiểm tra [chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước tại tỉnh Bình Dương].

- Trường hợp đi công tác trong ngày [đi và về trong ngày]:

+ Từ 11km đến dưới 20km, mức chi không quá 50.000 đồng/ngày;

+ Từ 20 km trở lên, mức chi không quá 100.000 đồng/ngày.

3.2

Thuê điều tra viên [đối với trường hợp phải thuê ngoài]

Mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 250% mức lương tối thiểu chung.

[Ví dụ: Mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định là 1.300.000 đồng. Mức tiền công tối đa 1 người/ngày là: 1.300.000 đồng: 22 ngày x 250% = 147.727 đồng/ngày].

3.3

Thuê người dẫn đường

Mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 150% mức lương tối thiểu chung.

[Ví dụ: Mức tiền công tối đa 1 người/ngày là: 1.300.000 đồng: 22 ngày x 150% = 88.636 đồng/ngày].

3.4

Chi cho đối tượng cung cấp thông tin, tự điền phiếu điều tra:

3.4.1

Cá nhân:

- Dưới 30 chỉ tiêu

- Trên 30 chỉ tiêu đến 40 chỉ tiêu

- Trên 40 chỉ tiêu

30.000 đồng/phiếu

40.000 đồng/phiếu

50.000 đồng/phiếu

24.000 đồng/phiếu

32.000 đồng/phiếu

40.000 đồng/phiếu

3.4.2

Tổ chức:

- Dưới 30 chỉ tiêu

- Trên 30 chỉ tiêu đến 40 chỉ tiêu

- Trên 40 chỉ tiêu

70.000 đồng/phiếu

85.000 đồng/phiếu

100.000 đồng/phiếu

56.000 đồng/phiếu

68.000 đồng/phiếu

80.000 đồng/phiếu

4

Chi nhập dữ liệu

- Nhập dữ liệu có cấu trúc: là các dữ liệu đã được tổ chức theo một cấu trúc thống nhất.

+ Đối với trường dữ liệu có số lượng ký tự trong 1 trường [n] ≤ 15: tối đa 300 đồng/1 trường.

+ Đối với trường dữ liệu có số lượng ký tự trong 1 trường 15 < n ≤ 50: tối đa 375 đồng/1 trường.

+ Đối với trường dữ liệu có số lượng ký tự trong 1 trường [n] > 50: tối đa 450 đồng/1 trường.

- Nhập dữ liệu phi cấu trúc: dữ liệu ở dạng tự do và không có cấu trúc được định nghĩa sẵn, ví dụ như: các tập tin video, tập tin ảnh, tập tin âm thanh...

+ Trang tài liệu chỉ gồm các chữ cái, chữ số: tối đa 9.500 đồng/1 trang.

+ Trang tài liệu có bảng biểu kèm theo: tối đa 11.700 đồng/1 trang.

+ Trang tài liệu dạng đặc biệt có nhiều công thức toán học, hoặc các ký tự đặc biệt: tối đa 14.000 đồng/1 trang.

5

Chi viết báo cáo kết quả điều tra

Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra. Tuỳ theo tính chất, quy mô của cuộc điều tra.

5.000.000 đồng - 8.000.000 đồng/báo cáo

4.000.000 đồng - 6.400.000 đồng/báo cáo

4. Chi hội thảo khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu

STT

Nội dung công việc

Khung định mức chi tối đa [đồng]

Nhiệm vụ cấp tỉnh

Nhiệm vụ cấp cơ sở

1

Người chủ trì

1.500.000

1.200.000

2

Thư ký hội thảo

500.000

400.000

3

Báo cáo viên trình bày tại hội thảo

2.000.000

1.600.000

4

Báo cáo khoa học được cơ quan tổ chức hội thảo đặt hàng [không trình bày tại hội thảo]

1.000.000

800.000

5

Thành viên tham gia hội thảo

200.000

160.000

5. Chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh [nếu có]:

STT

Nội dung công việc

Đơn vị tính

Khung định mức

1

Chi họp Hội đồng tự đánh giá

Hội đồng

Chủ tịch hội đồng

750.000

Phó chủ tịch hội đồng; thành viên hội đồng

500.000

Thư ký hành chính

150.000

Đại biểu được mời tham dự

100.000

2

Chi nhận xét đánh giá

phiếu nhận xét đánh giá

Nhận xét đánh giá của ủy viên Hội đồng

250.000

Nhận xét đánh giá của ủy viên phản biện trong Hội đồng

350.000

6. Chi quản lý chung nhiệm vụ KHCN

Dự toán kinh phí quản lý chung nhiệm vụ KHCN bao gồm: chi điện, nước, các khoản chi hành chính phát sinh liên quan đảm bảo triển khai nhiệm vụ KHCN tại tổ chức chủ trì; chi tiền lương, tiền công phân bổ đối với các hoạt động gián tiếp trong quá trình quản lý nhiệm vụ KHCN của tổ chức chủ trì.

Tính bằng 5% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng.

Ví dụ: kinh phí thực hiện các nội dung đề tài sau khi dự toán là 1.000.000.000 đồng [bao gồm cả kinh phí khoán và không khoán] thì chi phí quản lý chung sẽ là: 1.000.000.000 x 5% = 50.000.000 đồng.

Tổng kinh phí dự toán cho nhiệm vụ nghiên cứu sẽ là: 1.050.000.000 đồng.

7. Trường hợp nhiệm vụ có nội dung xây dựng phần mềm

Xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ thực hiện theo Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ.

Lưu ý:

- Ngoài chi phí xây dựng phần mềm cần bổ sung dự toán chi phí thuê tư vấn thẩm định kinh phí xây dựng phần mềm vào kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN.

8. Mua vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu

8.1. Các nội dung được giao khoán

- Mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, phân tích mẫu, phụ tùng phục vụ hoạt động nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

- Mua dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng, năng lượng, tài liệu, tư liệu, số liệu, sách, báo, tạp chí tham khảo; dịch vụ thuê ngoài; văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, in, phô tô tài liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu.

Các nội dung này khi mua sắm không phải tổ chức lựa chọn nhà thầu: Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ tự quyết định việc mua sắm đối với nội dung mua sắm được giao khoán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ: Đề tài có nội dung phân tích 10 mẫu nước mặt DO [Oxy hòa tan]. Đây là nội dung đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành định mức tại Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 ban hành Quy định về đơn giá hoạt động quan trắc và phân tích môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo đó, đơn giá phân tích DO là 83.476 đồng. Chủ nhiệm đề tài khi xây dựng dự toán chỉ cần lấy số mẫu cần phân tích nhân với đơn giá: 10 x 83.476 = 834.760 đồng. Kinh phí này được xem là kinh phí khoán.

Khi thực hiện Tổ chức chủ trì chỉ cần ký Hợp đồng với đơn vị có chức năng phân tích mẫu và đảm bảo hóa đơn, chứng từ theo quy định.

8.2. Các nội dung không được giao khoán

- Thuê xe;

- Mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, phụ tùng phục vụ hoạt động nghiên cứu chưa được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Thuê, mua tài sản thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu.

Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện theo quy định mua sắm hiện hành: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính. Khi xây dựng dự toán, tổ chức chủ trì phải lấy báo giá của đơn vị có chức năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ: đề tài có nội dung thuê ô tô đi điều tra, khảo sát số liệu tại các địa điểm cần nghiên cứu và tổ chức chủ trì không có sẵn phương tiện [trường hợp có sẵn phương tiện tạm tính theo số Km, giá xăng hiện hành]. Đây là nội dung không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, mà thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Khi xây dựng dự toán, chủ nhiệm đề tài cần lấy báo giá của đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ vận tải, báo giá cho thuê xe vận chuyển từ tổ chức chủ trì đến điểm nghiên cứu, trên cơ sở đó, sẽ tạm tính vào dự toán, khi ký Hợp đồng NCKH-PTCN sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Lưu ý:

Các loại vật tư, nguyên liệu, thiết bị, dụng cụ phải ghi cụ thể trong thuyết minh, được Hội đồng KHCN xem xét và Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

  1. CẤP KINH PHÍ

Căn cứ Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ và Tổ chức chủ trì, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí theo tiến độ và điều kiện thể hiện tại Hợp đồng.

- Đơn vị nhận kinh phí: Tổ chức chủ trì.

- Tài khoản nhận kinh phí: Tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch.

- Hình thức chuyển tiền: Chuyển khoản.

  1. SỬ DỤNG KINH PHÍ

Việc sử dụng kinh phí nhiệm vụ được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó quy định quy chế chi tiêu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức mình chủ trì để áp dụng công khai, minh bạch.

  1. Đối với các nội dung được giao khoán

Căn cứ vào Thuyết minh nhiệm vụ được phê duyệt, chủ nhiệm nhiệm vụ xây dựng phương án triển khai các nội dung công việc được giao trình thủ trưởng tổ chức chủ trì phê duyệt trước khi triển khai và đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả kinh phí giao khoán để đạt được các yêu cầu về khoa học theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Trong phạm vi tổng dự toán kinh phí được giao khoán, chủ nhiệm nhiệm vụ được quyết định chi cao hơn hay thấp hơn định mức của Nhà nước, được quyền điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các nội dung chi theo yêu cầu của công việc nghiên cứu. Tùy thuộc vào tình hình thực tế triển khai nhiệm vụ, chủ nhiệm có thể bổ sung thành viên tham gia nghiên cứu và chi trả công lao động trong phạm vi dự toán kinh phí đã được phê duyệt [điều này phải được thể hiện trong phương án triển khai].

  1. Đối với các nội dung không được giao khoán

Chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện quản lý và chi tiêu theo các quy định hiện hành của Nhà nước và trong phạm vi dự toán được phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các nội dung chi thì chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ

3. Đối với việc mua sắm thiết bị, vật tư, hoá chất

Những gói thầu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, Tổ chức chủ trì trình Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt hoặc gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Quy trình, thủ tục đấu thầu:

- Xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Tổ chức chủ trì

- Phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Xây dựng hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu, báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu: Tổ chức chủ trì

- Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu:

+ Dưới 100 triệu đồng: Tổ chức chủ trì

+ Từ 100 triệu đồng trở lên: Sở Khoa học và Công nghệ

- Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng: Tổ chức chủ trì.

  1. QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

1. Nguyên tắc

Kinh phí nhiệm vụ đã thực chi được Tổ chức chủ trì theo dõi, hạch toán, tổng hợp vào báo cáo quyết toán của đơn vị.

Kinh phí nhiệm vụ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ quyết toán phải phù hợp với nội dung nghiên cứu và khối lượng công việc đã thực hiện.

Tổ chức chủ trì có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí và gửi báo cáo quyết toán kinh phí nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định của Nhà nước và của Sở Khoa học và Công nghệ

2. Chứng từ thanh quyết toán

Chứng từ chi trả tiền công lao động trực tiếp: Bảng kê chi trả tiền công; chứng từ liên quan đến chuyển khoản, giao nhận tiền; các hợp đồng khoán việc và biên bản thanh lý hợp đồng [Có thể ký hợp đồng với thời gian thực hiện kéo dài nhưng nghiệm thu sản phẩm và thanh lý hợp đồng theo từng giai đoạn quyết toán]; các báo cáo đã được thanh toán tiền công;

Các hợp đồng khoán việc có thể thực hiện theo 02 phương án sau:

Phương án 1:

- Thủ trưởng tổ chức chủ trì ký hợp đồng với chủ nhiệm nhiệm vụ toàn bộ kinh phí công lao động khoa học của nhiệm vụ.

- Chủ nhiệm nhiệm vụ ký hợp đồng thuê khoán hoặc Phiếu giao việc với từng thành viên nghiên cứu.

- Phương thức thanh toán: hàng tháng hoặc theo đợt.

Phương án 2:

- Thủ trưởng tổ chức chủ trì ký hợp đồng với chủ nhiệm nhiệm vụ nội dung chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện.

- Thủ trưởng tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm nhiệm vụ ký hợp đồng thuê khoán với từng thành viên nghiên cứu.

- Phương thức thanh toán: hàng tháng hoặc theo đợt.

Chứng từ chi trả tiền công chuyên gia: Hợp đồng thuê chuyên gia; biên bản thanh lý hợp đồng, các sản phẩm theo hợp đồng thuê chuyên gia, chứng từ liên quan đến chuyển khoản, giao nhận tiền;

Hồ sơ thanh quyết toán đối với các hợp đồng thuê ngoài, bao gồm: hợp đồng, biên bản nghiệm thu kết quả, biên bản thanh lý hợp đồng, hoá đơn tài chính của bên được thuê, phiếu chi tiền hoặc uỷ nhiệm chi chuyển tiền của tổ chức chủ trì. Nếu thuê cá nhân thì có hợp đồng, biên bản nghiêm thu và thanh lý hợp đồng, giấy biên nhận nhận tiền, phiếu chi tiền hoặc uỷ nhiệm chi chuyển tiền của tổ chức chủ trì; thuê cá nhân với giá trị dưới 500.000 đồng thì có giấy biên nhận nhận tiền trong đó ghi rõ số chứng minh thư, địa chỉ người nhận, phiếu chi tiền hoặc uỷ nhiệm chi chuyển tiền của tổ chức chủ trì.

Đối với công tác điều tra: ngoài các chứng từ trên cần có phiếu điều tra, bảng hỏi, danh sách thông tin người được điều tra và số tiền đã nhận [nếu có].

Chứng từ chi trả tiền thù lao hội thảo khoa học: Gồm bảng kê danh sách, số tiền thực chi cho từng người có chữ ký của người nhận tiền được chủ nhiệm nhiệm vụ và thủ trưởng tổ chức chủ trì ký xác nhận; các báo cáo khoa học được nhận thù lao báo cáo; chứng từ liên quan đến chuyển khoản, giao nhận thù lao báo cáo.

Đối với các khoản chi mua sắm tài sản cố định, vật tư, nguyên nhiên vật liệu, công tác phí ngoài nước và các khoản chi khác liên quan: Chứng từ quyết toán theo quy định hiện hành, cụ thể: Quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Báo cáo thẩm định Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu; Quyết định phê duyệt Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu; Báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; Bộ Hồ sơ dự thầu; Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng, hoá đơn tài chính của bên cung cấp hàng hóa, uỷ nhiệm chi chuyển tiền của tổ chức chủ trì.

Về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, chỉ lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê.

Đối với kinh phí tiết kiệm: Chứng từ quyết toán là báo cáo xác định kinh phí tiết kiệm, có chữ ký của kế toán trưởng, chủ nhiệm nhiệm vụ; chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng tổ chức chủ trì.

Tổ chức chủ trì phải lưu giữ Hồ sơ, chứng từ quyết toán và có trách nhiệm giải trình khi có thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan khác có thẩm quyền.

3. Quyết toán kinh phí

Nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi được hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng.

Đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm, tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về số kinh phí thực nhận và thực chi trong năm

Việc quyết toán nhiệm vụ được thực hiện không muộn hơn 06 tháng kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết.

Căn cứ để xét duyệt quyết toán nhiệm vụ theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng gồm:

- Quyết định phê duyệt nhiệm vụ;

- Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Biên bản họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ;

- Biên bản thanh lý hợp đồng.

Căn cứ để xét duyệt quyết toán nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần gồm:

- Quyết định phê duyệt nhiệm vụ;

- Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Biên bản họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ;

- Biên bản thanh lý hợp đồng;

- Hồ sơ, chứng từ chi đối với phần kinh phí không được khoán.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các cá nhân, tổ chức chủ trì liên hệ với Phòng kế hoạch Tài chính [0274. 3838356] để được giải đáp./.

Chủ Đề