Trọng tài nghĩa là gì

Trọng tài [Arbitration] và cụ thể hơn là trọng tài thương mại [Commercial Arbitration] là phương thức giải quyết tranh chấp [Tranh chấp ở đây là các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010] do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp rất đơn giản. Các bên trong tranh chấp thỏa thuận đưa tranh chấp của họ tới một chủ thể để giải quyết mà các bên tin tưởng sự phán xét của chủ thể đó. Mỗi bên trình bày vụ việc của mình cho người ra quyết định, một chủ thể tư - còn được gọi là "trọng tài viên". Trọng tài viên lắng nghe các bên, xem xét các tình tiết và lập luận của các bên và đưa ra quyết định. Quyết định đó là chung thẩm và ràng buộc các bên. Sở dĩ quyết định mang tính chung thẩm và ràng buộc bởi vì các bên đã tự thỏa thuận như vậy chứ không bị cưỡng chế bởi bất kỳ nhà nước nào.

Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp Doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Nói ngắn gọn, trọng tài là phương thức hiệu quả để đi đến một quyết định có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp mà không cần đưa ra tòa án [bởi vì pháp luật trọng tài quốc gia và các điều ước quốc tế như Công ước New York đã thừa nhận các phán quyết trọng tài sẽ được tòa án cho thi hành một cách rộng rãi nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành].

14/07/2022 10:45

Trọng tài thương mại là một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại được lựa chọn ngày càng nhiều bởi những ưu điểm vượt bậc. Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài nhanh gọn, đơn giản và linh hoạt giúp cho các doanh nghiệp bảo đảm quá trình kinh doanh ổn định, bảo vệ các bí mật thông tin tranh chấp không làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Như vậy trọng tài thương mại là gì? Được pháp luật quy định như thế nào? Mời Quý khách cùng tham khảo qua bài tư vấn sau.

Trọng tài thương mại theo quy định pháp luật

Mục Lục

  • Trọng tài thương mại là gì?
  • Các hình thức trọng tài thương mại
    • Thứ nhất, trọng tài vụ việc
    • Thứ hai, trọng tài thường trực
  • Điều kiện để giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
  • Ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Trọng tài thương mại là gì?

Trọng tài thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 được định nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Các tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

>> Xem thêm: Tư Vấn Luật Hợp Đồng Thương Mại

Các hình thức trọng tài thương mại

Hiện nay, trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực.

Hình thức của trọng tài thương mại

Thứ nhất, trọng tài vụ việc

Đây là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ không còn tồn tại khi vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc trưng cơ bản của trọng tài vụ việc bao gồm:

  • Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
  • Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
  • Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.

Thứ hai, trọng tài thường trực

Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách các trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài,… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.

Điều kiện để giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp tùy từng trường hợp. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện ở dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng, nhưng bắt buộc thỏa thuận phải được lập thành văn bản. Các hình thức thỏa thuận dưới đây cũng được xem là xác lập dưới dạng văn bản:

  • Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin giữa các bên.
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.
  • Trong giao dịch của các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng cứ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác.
  • Qua trao đổi về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận của một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Tuy nhiên đối với các trường hợp dưới đây, thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu:

  • Thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Người xác lập không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Hình thức của thỏa thuận không phù hợp với các quy định được nêu ở trên.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Đại hội Trọng tài thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ nhất, tạo được sự linh hoạt, thuận lợi, chủ động cho các bên khi không phải tham gia qua nhiều cấp xét xử. Các bên được tự do lựa chọn thủ tục tố tụng và thủ tục tố tụng của trọng tài cũng đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Thứ hai, phán quyết của trọng tài khách quan và có độ tin cậy cao vì các bên được toàn quyền tự lựa chọn trọng tài viên. Việc chỉ định trọng tài viên giúp các bên chọn được trọng tài viên kinh nghiệm, có uy tín, kiến thức sâu rộng về vấn đề tranh chấp.

Thứ ba, nguyên tắc giải quyết tranh chấp của trọng tài không công khai giúp các bên bảo vệ được uy tín của mình và các bí mật kinh doanh.

Thứ tư, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm, bắt buộc thi hành với các bên, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Đây là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với Tòa án.

Trên đây là toàn bộ bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề Trọng tài thương mại, được pháp luật quy định như thế nào? Nếu Quý khách quan tâm đến vấn đề trên hoặc cần tìm DỊCH VỤ TƯ VẤN HỢP ĐỒNG để gặp luật sư hỗ trợ bất cứ dịch vụ pháp lý nào, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn và trợ giúp kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!

Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng thành viên đoàn luật sư Tp.HCM. Founder Công ty luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn giải quyết các vấn đề về đất đai, hợp đồng thương mại ổn thỏa và nhanh nhất. Với 7 năm kinh nghiệm của mình đã giải quyết thành công nhiều yêu cầu pháp lý của khách hàng.

Chủ Đề