Tuần lễ cấp cao apec 2022 là gì

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương [APEC] lần thứ 28, hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC và một số hoạt động khác của Tuần lễ cấp cao, từ ngày 11-12/11/2021, theo hình thức trực tuyến. Hội nghị cấp cao APEC 28 sẽ tập trung thảo luận hai nội dung chính, đó là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

* Đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều cách thức mới do sự tái bùng phát của dịch COVID-19 với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực song còn bấp bênh và không đồng đều. Các nước tiếp tục ưu tiên phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.
Với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, Hội nghị cấp cao APEC 28 tập trung thảo luận hai nội dung chính, đó là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định tổ chức có vai trò quan trọng là diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương giúp thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.
Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-20215, chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Vị thế của Việt Nam trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng gia tăng nhờ kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế và việc Việt Nam đảm nhiệm thành công hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Việt Nam đã tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực, hiệu quả thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác lớn và các kết quả của Năm APEC 2017, trong đó có xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Tại Hội nghị cấp cao APEC 28, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chia sẻ về tình hình thế giới, khu vực và xu hướng thúc đẩy hợp tác APEC trong thời gian tới.

* APEC và sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam
APEC được thành lập vào ngày 6/11/1989 tại Canberra [Australia]. Hiện nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới [Mỹ, Nhật Bản và Canada]; 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn-G20 [Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Mỹ] và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương.
  Kể từ khi thành lập đến nay, cam kết xuyên suốt và quan trọng nhất của APEC, được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 2 [tại Indonesia, năm 1994], là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Các Mục tiêu Bogor xác định APEC sẽ trở thành một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai, đề ra thời hạn để hoàn tất đối với các nền kinh tế thành viên phát triển là năm 2010 và đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển là năm 2020.
  Sau 32 năm hình thành và phát triển, và sau 27 năm thực hiện Mục tiêu Bogor, đến nay, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực, tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Những thành tựu đạt được của APEC đã góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo và mang lại lợi ích chung cho mọi người.
  Cụ thể, trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor [từ 1994-2019], lĩnh vực kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đã đạt mức tăng trưởng lớn: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ gần như được nhân gấp 4 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc [MFN] giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019; Lượng vốn FDI đầu tư vào và ra của các nền kinh tế thành viên APEC tăng trưởng trung bình trên 10%/năm với sự đóng góp ngày càng lớn từ các nền kinh tế đang phát triển; Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm, nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong khi mức tăng trưởng tính trên đầu người đạt 3,1%.
  Bên cạnh những thành tựu về tự do hóa thương mại và đầu tư nêu trên, về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế-kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
  Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghệ 4.0, APEC đang triển khai các chiến lược và chương trình hợp tác lớn như: Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến 2025; Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025; Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030; Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025. Ngoài ra, các thành viên cũng đang trao đổi hướng tới xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020 nhằm góp phần duy trì vai trò của khu vực là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế diễn đàn kinh tế hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, định hướng các hoạt động hướng tới người dân và doanh nghiệp hơn nữa.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC từ tháng 11/1998. Trong 23 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.
Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017 để lại những dấu ấn tốt đẹp cả trong việc chuẩn bị nội dung lẫn trong công tác tổ chức, hậu cần. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức nhiều cuộc họp các Nhóm công tác của APEC, như Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 [năm 2014]... Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số Ủy ban và nhóm công tác quan trọng trong APEC, tổ chức thành công cuộc họp của Nhóm công tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hội thảo chuyên ngành về chuỗi cung ứng, năng lượng, an ninh lương thực...
Việt Nam luôn tích cực tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia triển khai thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế…; đóng góp vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC thông qua các sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển; đối phó với các nguy cơ khủng bố, thiên tai, dịch bệnh; cải cách APEC hiệu quả và năng động phù hợp với những phát triển mới của tình hình khu vực và thế giới…          
Bên cạnh đó, Việt Nam cùng các thành viên APEC triển khai mạnh mẽ liên kết kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khu vực. Tại các diễn đàn APEC, Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói xây dựng, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm.
Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực, như chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới [năm 2014], quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng [năm 2015], thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực [năm 2016]…. Đồng thời, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển có một số kinh nghiệm nhất định, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào một số lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh... thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nền kinh tế khác, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển của APEC.
Với những đóng góp thiết thực và quan trọng của Việt Nam cho APEC trong suốt 23 năm tham gia, Việt Nam ngày càng được các thành viên APEC tin tưởng và đánh giá cao./.

Minh Duyên [tổng hợp]

Chủ Đề