Vai trò của việc đánh giá trẻ mầm non

Những năm đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, bởi tuy trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông.

Ảnh: Duy Thông

Ý thức được tác động của những kinh nghiệm đầu đời đối với sự phát triển của trẻ, thời gian qua giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả rất khả quan. Phó cục trưởng Cục Giáo dục mầm non, Bộ GD và ĐT Phan Thị Lan Anh cho biết, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục mầm non, mở rộng tiếp cận đối với giáo dục mầm non chất lượng cao, đặc biệt là tập trung vào trẻ có hoàn cảnh khó khăn và dân tộc thiểu số. Với mục tiêu tăng tỷ lệ nhập học, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thông qua các phương pháp dạy học tốt hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục cơ bản, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng đi học của trẻ em 5 tuổi.

Tuy nhiên, để trẻ vào lớp 1 cần có 5 lĩnh vực phát triển là kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung; sự trưởng thành tình cảm; năng lực xã hội; sức khỏe và thể chất. Nhưng theo báo cáo đánh giá phát triển trẻ thơ ở Việt Nam năm 2013 do Bộ GD và ĐT, Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục của Nga, Học viện Offord ở Canada và Ngân hàng Thế giới đồng thực hiện thì hiện nay ở Việt Nam có đến 50% trẻ em được xác định là có nguy cơ bị thiếu hụt hoặc bị thiếu hụt ít nhất một trong năm kỹ năng cần thiết để bắt đầu đi học. Ngoài ra, qua khảo sát cũng cho thấy trẻ được đi học mẫu giáo liên tục từ 3 - 5 tuổi có lợi thế nhiều hơn cho mức độ sẵn sàng đi học của trẻ và có tỷ lệ thiếu hụt thấp hơn trẻ không được đi học liên tục từ 3 - 5 tuổi, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung. Vì vậy, những trẻ khi bắt đầu đi học nhưng chưa được chuẩn bị thường bị thiệt thòi và thường khó có thể bắt kịp bạn bè - Chuyên gia giáo dục của Ngân hàng thế giới Trần Thị Mỹ An nhận định.

Có thể thấy, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục, tạo tiền đề cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp một, vào giai đoạn giáo dục phổ thông nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục phát triển bền vững. Để thực hiện được điểu này, trong thời gian tới, giáo dục mầm non cần tập trung ưu tiên các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để trẻ bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ bị thiếu hụt, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ dân tộc thiểu số phát triển toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đến phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm xã hội, kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung. Đồng thời, theo Phó cục trưởng Phan Thị Lan Anh, giáo viên mầm non đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định việc học tập và phát triển của trẻ nhỏ. Giáo viên được đào tạo tốt hơn sẽ có nhiều tương tác với trẻ tích cực hơn, nhanh nhạy hơn, thích ứng hơn, cung cấp những trải nghiệm về phát triển nhận thức và ngôn ngữ phong phú hơn. Do vậy, cần phải xây dựng được các chương trình đào tạo giáo viên sư phạm tốt và các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đang giảng dạy để giúp họ có những kiến thức mới về sự phát triển của trẻ, cùng những phương pháp dạy học tốt nhất, qua đó cung cấp những kỹ năng cần thiết, góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Đánh giá là cách thức nhìn lại cả quá trình để xem kết quả có tính khả thi hay không. Sau quá trình vui chơi và học tập tại trường, có bé sẽ được đánh giá theo các tiêu chuẩn về sự phát triển.

Đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non là hình thức so sánh, đối chiếu và phân tích các thông tin với chương trình giáo dục phát triển của trẻ. Từ đó, đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm cải thiện phương pháp giảng dạy và kế hoạch chăm sóc cho trẻ.

Trẻ học xếp chữ cùng mẹ

Vai trò của quá trình đánh giá

Quá trình đánh giá sự phát triển của trẻ sẽ phản ánh được mục tiêu phát triển, chương trình giảng dạy thích hợp với trẻ. Sự phát triển của trẻ cũng có thể phản ánh qua sự thay đổi về tâm sinh lý hằng ngày, chiều hướng phát triển lối suy nghĩ của trẻ.

Trò chơi nhận biết vật dụng

Quá trình đánh giá là cơ sở để đề xuất, trao đổi các cách dạy dỗ tối ưu và tích cực với các bậc phụ huynh.

Như vậy, có thể thấy được đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non là vô cùng quan trọng và thiết thực.

Phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ

Có 2 cách để đánh giá sự phát triển của trẻ: đánh giá theo ngày và đánh giá theo giai đoạn phát triển.

Đánh giá theo ngày

Các giáo viên thực hiện quan sát trẻ trong các hoạt động, sức khỏe, thái độ và cảm xúc thường ngày. Đảm bảo không có sự lệch lạc trong kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Kết quả sẽ được tổng hợp và ghi chép lại vào mỗi cuối ngày. Để nắm bắt tất cả các hoạt động của trẻ, giáo viên có thể ghi vào giấy ghi chú, sổ tay,… Căn cứ vào kết quả ghi chép mà điều chỉnh các phương pháp giáo dục.

Phiếu đánh giá theo ngày tại một trường mầm non Quảng Ngãi

Phương pháp này tiêu tốn khá nhiều thời gian, nhưng cho được kết quả khả thi.

Đánh giá theo giai đoạn

Để xác định được mức độ phát triển của trẻ theo các giai đoạn, giáo viên thực hiện đánh giá trẻ qua các tiêu chuẩn phát triển. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại kế hoạch chăm sóc và phát triển của trẻ ở giai đoạn kết tiếp.

Đánh giá giai đoạn phát triển của trẻ thông qua các hoạt động vui chơi, cách ứng xử thường ngày của trẻ. Ngoài ra, các giáo viên phải kết hợp thêm nhiều phương pháp khác như: trò chuyện, quan sát cách trẻ xử lý tình huống,… Và trao đổi cùng với phụ huynh về các hoạt động thường ngày của trẻ.

Thông thường, các giáo viên sẽ đánh giá trẻ khi kết thúc một chủ đề, một tháng hoặc vào cuối giai đoạn 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi.

Phiếu đánh giá trẻ theo độ tuổi

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các bạn, các giáo viên đang tìm hiểu về vai trò và phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non.

Chủ Đề