Vay nợ nước ngoài bằng cách nào

Mục lục bài viết

  • 1. Vay nước ngoài là gì?
  • 2. Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì?
  • 3. Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh nào phải thực hiện đăng ký?
  • 4. Đối tượng thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài là ai?
  • 5. Trình tự thủ tục đăng ký Khoản vay nước ngoài
  • 6. Hồ sơ đăng ký Khoản vay gồm những tài liệu gì?

Thưa luật sư, theo em được biết thì ngoài vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong nước thì pháp luật quy định có thể nước ngoài. Và em có tìm hiểu thì có khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Luật sư cho em hỏi văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này? Và Nội dung quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục như thế nào ạ? Rất mong sẽ nhận được giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn! [Hồng Danh - Hải Phòng]

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Cơ sở pháp lý

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Nghị định 219/2014/NĐ-CP

- Thông tư 03/2016/TT-NHNN

- Thông tư 05/2017/TT-NHNN

1. Vay nước ngoài là gì?

Vay nước ngoài là việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên đi vay.

2. Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì?

Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh [sau đây gọi là “vay nước ngoài tự vay, tự trả”] là việc Bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài.

3. Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh nào phải thực hiện đăng ký?

Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh cần tiến hành đăng ký với Ngân hàng nhà nước. Cụ thể những khoản vay phải thực hiện đăng ký được quy định tại Điều 9 Thông tư 03/2016/TT-NHNN. Đó là,

Thứ nhất, khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.

Đối với các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài, thời hạn Khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.

Thứ hai, khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 [một] năm.

Đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 [một] năm, thời hạn Khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn vay nước ngoài.

Thứ ba, khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 [một] năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 [mười] ngày kể từ thời Điểm tròn 01 [một] năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Đối với các khoản vay này, thời hạn Khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng.

Ngày rút vốn là ngày giải ngân tiền vay đối với các Khoản vay giải ngân bằng tiền, ngày thông quan hàng hóa đối với các Khoản vay dưới hình thức thuê tài chính nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối tượng thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài là ai?

Bên đi vay thực hiện đăng ký Khoản vay bao gồm:

- Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài giải ngân trực tiếp bằng tiền với Bên cho vay là người không cư trú.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác cho vay từ Bên ủy thác là người không cư trú.

- Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành cho người không cư trú.

- Bên đi thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính với Bên cho thuê là người không cư trú.

5. Trình tự thủ tục đăng ký Khoản vay nước ngoài

Bên thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay cần tuân thủ trình tự quy định tại Điều 13 Thông tư 03/2016/TT-NHNN. Cụ thể:

Bước 1: Chuẩn bị Đơn đăng ký Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh:

- Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến: Bên đi vay thực hiện khai báo Đơn đăng ký Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh trên Trang điện tử để nhận mã số Khoản vay, in Đơn từ Trang điện tử, ký và đóng dấu;

- Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống: Bên đi vay hoàn thành mẫu đơn theo Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này.

Bước 2: Gửi hồ sơ:

- Bên đi vay gửi hồ sơ đăng ký Khoản vay theo quy định tại Thông tư này qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan xác nhận đăng ký Khoản vay theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Thông tư này;

- Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến có thể lựa chọn việc gửi thêm hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn tại Trang điện tử.

Bước 3: Lưu ý về Thời hạn gửi hồ sơ:

Bên đi vay phải gửi hồ sơ trong thời hạn 30 [ba mươi] ngày kể từ:

- Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp Khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn;

- Ngày ký thỏa thuận gia hạn Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với Khoản vay tự vay tự trả quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này;

- Ngày tròn 01 [một] năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với Khoản vay tự vay tự trả quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này.

Bước 4: Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay trong thời hạn:

- 12 [mười hai] ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến;

- 15 [mười lăm] ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống; hoặc

- 45 [bốn mươi lăm] ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay đối với trường hợp Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

- Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.

Lưu ý:

- Đối với các Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài, thủ tục đăng ký Khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận Khoản vay; văn bản xác nhận đăng ký Khoản vay đồng thời là văn bản chấp thuận Khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Thông tư này có trách nhiệm:

+ Kiểm tra tính thống nhất, chính xác của hồ sơ đăng ký Khoản vay và các thông tin khai báo trên Trang điện tử; cập nhật tình hình xử lý hồ sơ trên Trang điện tử để Bên đi vay kịp thời theo dõi trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến;

+ Tổ chức nhập các thông tin liên quan của Khoản vay trên Trang điện tử để tạo mã Khoản vay và lưu trữ thông tin vào cơ sở dữ liệu vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống.

6. Hồ sơ đăng ký Khoản vay gồm những tài liệu gì?

Hồ sơ đăng ký Khoản vay được quy định tại Điều 14 Thông tư 03/2016/TT-NHNN. Cụ thể sẽ gồm những tài liệu sau đây:

1. Đơn đăng ký Khoản vay theo mẫu

2. Bản sao [có xác nhận của Bên đi vay] hồ sơ pháp lý của Bên đi vay và bên sử dụng vốn vay đối với trường hợp Bên đi vay không phải là bên sử dụng vốn vay gồm: Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác, Giấy đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của pháp luật và các văn bản sửa đổi, bổ sung [nếu có].

3. Bản sao [có xác nhận của Bên đi vay] hoặc bản chính văn bản chứng minh Mục đích vay bao gồm:

- Đối với Khoản vay quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này:

+ Phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với Khoản vay để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư xác định rõ quy mô vốn đầu tư;

+ Phương án cơ cấu lại các Khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với Khoản vay để cơ cấu lại các Khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay;

- Đối với Khoản vay quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư này:

Báo cáo việc sử dụng Khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu đáp ứng quy định về Điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn [kèm theo các tài liệu chứng minh] và phương án trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài đề nghị Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký.

4. Bản sao và bản dịch tiếng Việt [có xác nhận của Bên đi vay] thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn Khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn [nếu có]; hoặc văn bản rút vốn kèm theo thỏa thuận khung.

5. Bản sao và bản dịch tiếng Việt [có xác nhận của Bên đi vay] văn bản cam kết bảo lãnh [thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác] trong trường hợp Khoản vay được bảo lãnh.

6. Bản sao [có xác nhận của Bên đi vay] văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước.

7. Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời Điểm cuối tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và văn bản chứng minh việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo quy định của pháp luật [nếu có] đối với Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

8. Xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản trong các trường hợp sau:

- Trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại Khoản nợ nước ngoài: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên đi vay về tình hình rút vốn, trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài sẽ được cơ cấu lại từ nguồn vốn vay nước ngoài;

- Trường hợp phần vốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam đã sử dụng để đáp ứng các Khoản chi phí chuẩn bị đầu tư được chuyển thành Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật có liên quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên cho vay xác nhận các giao dịch thu, chi liên quan đến việc hình thành Khoản vay;

- Trường hợp Khoản vay thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư này: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên đi vay về tình hình rút vốn, trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu.

9. Văn bản, chứng từ chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay và xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay nhằm chứng minh việc giải ngân Khoản vay đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam

10. Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì? Trình tự, Thủ tục đăng ký khoản vay".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Bộ phận tư vấn pháp luật ngân hàng - Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề