Xã hội hóa các vấn đề xã hội là gì

ND - Xã hội hóa là một chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trước mắt, mà là lâu dài, nhằm huy động mọi tiềm năng và nguồn lực các thành phần kinh tế và của toàn xã hội, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong những năm trước đổi mới, chúng ta đã có chủ trương huy động sức dân rất đúng và đã đem lại những kết quả hết sức to lớn. Ðó là "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, Ðảng và Nhà nước chủ trương phát huy mọi nguồn lực, trong mọi thành phần kinh tế thông qua xã hội hóa để xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh nguồn lựccủa Nhà nước là ngân sách ngày càng tăng lên, thì sức mạnh từ các nguồn lực khác cũng ngày càng tăng lên, thậm chí còn tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của nguồn lực ngân sách nhà nước. Ðiều đó thể hiện sức sống và sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể, của các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Với tư duy của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước đây, mọi công việc muốn triển khai đều trông chờ vào ngân sách, đều do Nhà nước đảm nhận. Ngay cả khi Nhà nước không đủ sức để lo, nhiều người cũng không muốn để cho các thành phần kinh tế khác tham gia lo cùng Nhà nước. Ðấy là dấu ấn hết sức sâu đậm cả về tư duy và cách làm của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, đã làm hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của chúng ta.

Bước vào thời kỳ đổi mới, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa không đơn thuần là giải pháp tình thế nhằm huy động sức dân khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, eo hẹp; cũng không phải là chủ trương tư nhân hóa hay Nhà nước giảm sự quan tâm đầu tư và buông lơi vai trò quản lý của mình như một số người lo ngại. Xã hội hóa là một trong những biện pháp đổi mới phương thức vận hành kinh tế - xã hội; là sự đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách quản lý của Nhà nước. Xã hội hóa là sự tiếp tục phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm phát huy nội lực, phát huy tính chủ động của mọi người, mọi cấp, mọi ngành, mọi thành phần kinh tế và mục tiêu hướng tới phải là nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, của toàn xã hội.

Trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa, vai trò quản lý cũng như đầu tư của Nhà nước không hề giảm đi, mà ngược lại, vẫn tiếp tục được tăng cường, cùng với việc đổi mới cơ chế và phương thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ và hiệu quả của sự phát triển.

Trên thực tế, những năm qua, được thừa hưởng những thành quả phát triển kinh tế, đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho tất cả mọi lĩnh vực không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, mức đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách và thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chúng ta đã và đang huy động thêm được các nguồn lực về tài chính, sức lao động và trí tuệ trong xã hội. Ðồng thời, Nhà nước cũng mạnh dạn chuyển giao một phần công việc cho các tổ chức, tập thể, cá nhân thực hiện dưới sự quản lý của Nhà nước, nhất là một số lĩnh vực như y tế, văn hóa, giáo dục, các dịch vụ công... Nhân dân được tạo điều kiện thực hiện quyền làm chủ, được tham gia đóng góp và tham gia quản lý. Các cơ sở được giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, từng bước khắc phục sự bao biện, cấp trên làm thay cấp dưới, từ đó tạo sự chuyển biến đồng bộ về cơ chế quản lý kinh tế và xã hội, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Xã hội hóa là một trong những phương thức để thực hiện công bằng xã hội. Mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều có quyền và trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời được hưởng các dịch vụ tốt hơn; có thêm cơ hội học tập, hưởng thụ văn hóa, chăm sóc y tế, rèn luyện nâng cao sức khỏe, vui chơi, giải trí... Xã hội hóa còn là biện pháp góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách có hiệu quả vì những người trực tiếp đầu tư bằng tiền của mình, nhất định họ sẽ quản lý một cách chặt chẽ và có hiệu quả nhất.

Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trên một số lĩnh vực như quản lý đô thị, giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, thể thao... của Thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng; bước đầu khai thác, phát huy được tiềm năng và các nguồn lực của xã hội, góp phần giảm tải cho các cơ sở công lập và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ðặc biệt là Thành phố đã ban hành một số quy chế, cơ chế tạo thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa. Trên địa bàn Thành phố đã ra đời một số bệnh viện, trường học tư; huy động được sự tài trợ của các tầng lớp nhân dân để tu bổ di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng tượng đài, biểu diễn nghệ thuật, tham gia vào các hoạt động xã hội: xóa đói, giảm nghèo, làm nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bị thiên tai...

Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế còn tham gia vào các lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường, cải tạo, xây dựng các chợ, các khu chung cư, cải tạo hoặc xây mới các vườn hoa, công viên... Tất cả các hoạt động đó đã thu hút được hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Tuy đã thu được một số kết quả quan trọng, nhưng tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch còn chậm, kết quả xã hội hóa nói chung còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của Thủ đô. Các dịch vụ ngoài công lập phát triển chưa đồng đều và đa dạng, thiếu cơ sở cung ứng dịch vụ chất lượng cao; quy mô các cơ sở ngoài công lập nhìn chung còn nhỏ lẻ.

Nhiều người nêu câu hỏi, vì sao đến nay vẫn chưa có các nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước bỏ vốn mở thêm trường học, bệnh viện chất lượng cao để học sinh và công dân nước ta không phải đi học, chữa bệnh ở nước ngoài, trong khi các nguồn lực tài chính và lao động ở trong nước đều sẵn sàng đáp ứng được.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là các cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong việc xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách để chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chủ trương xã hội hóa. Những tồn tại, hạn chế đó là do nhận thức ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ. Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai công tác xã hội hóa từ cấp các bộ, ngành Trung ương cho đến tỉnh, thành còn chậm, chưa đồng bộ. Về khách quan cũng có nguyên nhân là một số lĩnh vực ít hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi chậm.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, tạo nguồn lực phong phú hơn nữa cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước, chúng ta cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa càng tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung kinh phí, ngân sách ưu tiên đầu tư cho những nơi khó khăn, những đối tượng thuộc diện chính sách, người nghèo. Xã hội hóa thật ra không phải là điều hoàn toàn mới mẻ, bởi nhiều năm trước đây chúng ta đã rất thành công trong việc giải quyết nhiều vấn đề cấp bách và quan trọng bằng chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Xã hội hóa không chỉ là huy động nguồn lực tài chính mà là huy động mọi nguồn lực từ vốn, trí tuệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý, tài nguyên, sức lao động... và tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý, làm chủ xã hội.

Hai là, trong quá trình thực hiện xã hội hóa cần khắc phục tư tưởng, cách làm theo lối tư duy bao cấp, ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, vào ngân sách nhà nước. Phải tiếp tục đổi mới tư duy thì chủ trương xã hội hóa mới có thể đi vào cuộc sống. Ðặc biệt, phải quan tâm giải quyết thỏa đáng mối quan hệ ba lợi ích: Nhà nước [xã hội], nhà đầu tư và những đối tượng trực tiếp có liên quan. Các cơ quan tham mưu, cơ quan quản lý có trách nhiệm xử lý, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách giúp cho việc thực hiện chủ trương này thông qua giải quyết hài hòa ba lợi ích chứ không phải nhân danh bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội mà đặt ra những điều kiện các nhà đầu tư không thể đáp ứng được, đưa ra những "đề bài" không ai có thể giải được.

Chúng ta khuyến khích xã hội hóa nhưng cũng cần tránh tình trạng khoán trắng, buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước hoặc chỉ quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư. Nếu không vì lợi ích của xã hội thì xã hội hóa sẽ đi chệch khỏi mục tiêu. Vì vậy, thực hiện xã hội hóa càng cần phải làm đúng luật pháp; phải quan tâm đến các khía cạnh xã hội của vấn đề; đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của xã hội. Làm được như vậy xã hội hóa mới không là tư nhân hóa; mới đề cao, phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý của Nhà nước.

Cần xác định cụ thể hơn nữa phạm vi và nội dung công tác quản lý Nhà nước để đảm bảo định hướng phát triển đúng đắn, chỉ rõ những việc, những lĩnh vực được hay không được làm; khắc phục những lệch lạc trong quá trình thực hiện như lợi dụng xã hội hóa để thu lợi bất chính, sử dụng các nguồn lực không đúng mục đích, kém hiệu quả, thậm chí để lại những hậu quả xấu về môi trường, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Ba là, khẩn trương xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách để thực hiện chủ trương xã hội hóa; phê duyệt và công bố công khai các quy hoạch phát triển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Tập trung nghiên cứu, đề xuất bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đối với các nhà đầu tư. Ðó là những biện pháp cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục những tiêu cực của cơ chế bao cấp xin - cho, tạo điều kiện hấp dẫn mọi thành phần kinh tế, mọi nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế, xã hội.

Thành phố Hà Nội xác định xã hội hóa là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là bởi chúng ta nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương này. Ðồng thời, cũng nhìn thấy rõ các nguồn lực có thể huy động được trong nhân dân, trong toàn xã hội là hết sức to lớn. Với tất cả những gì chúng ta đã làm được trong thời gian qua là minh chứng vô cùng sinh động cho tính đúng đắn và sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để góp phần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ, hiệu quả và chất lượng phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Chủ Đề