Xi măng sinh học là chất gì

Xương là một vật liệu kỳ diệu xét về mặt tính chất vật lý do có cấu tạo đồng tâm đặc biệt, nên vừa đủ cứng để chịu được sức nén, lại vừa dẻo dai để chịu được những tác động đối kháng. Tuy nhiên quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể sẽ gây ra loãng xương, làm giảm mật độ xương và giảm chất lượng xương. Khi trọng lượng cơ thể lớn hơn khả năng hỗ trợ tải trọng của cột sống [vì xương bị thưa, xốp, giảm khối lượng] sẽ gây ra xẹp, phù nề thân đốt sống, thậm chí gãy đốt sống, chèn ép tủy sống dẫn đến bại liệt.

Gãy xẹp đốt sống, tổn thương cột sống gây đau đớn dữ dội nhất là khi đi lại hoặc thay đổi tư thế, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Trước đây, để phục hồi hình dạng và độ chắc chắn của đốt sống, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp mổ mở, dùng nẹp vít tốn rất nhiều thời gian và xâm lấn nhiều hơn. Tuy nhiên với những trường hợp loãng xương thì phương pháp này không tối ưu vì kết cấu xương ít, không chắc chắn, mật độ xương thưa.

Hiện nay, có một chọn lựa khác để phục hồi hình dạng đốt sống là dùng xi măng [cement] sinh học hay còn gọi là xi măng xương acrylic [Poly methylmetharylate – PMMA]. PMMA có tính chất lỏng và cứng dần, đặc tính gắn kết mạnh, nên bơm cement vào thân sống được áp dụng cho ba trường hợp chính là :

  • Gãy lún thân sống do loãng xương gây đau nhiều
  • Gãy lún thân sống do chấn thương nhưng không có chỉ định phẫu thuật làm cứng.
  • Và một số ít trường hợp hủy thân sống do u.

Khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân được đặt nằm sấp, gây tê tại chỗ, vị trí mổ được xác định dưới màn hình tăng sáng truyền hình C-arm và sự dẫn đường của tia X. Bác sĩ dùng kim đặc biệt chọc dò qua cuống vào thân đốt sống, bơm xi măng lỏng với số lượng và áp lực vừa đủ để xi măng tràn vào thân sống trám kín các đường gãy, gắn lại cái chỗ gãy xương siêu nhỏ, làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc, lấy lại chiều cao cho đốt sống ban đầu.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tuấn Linh, khoa Ngoại Bệnh viện Quốc tế Becamex được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về phẫu thuật cột sống. Bác sĩ Tuấn Linh đã thực hiện hơn hai mươi ca bơm xi măng qua đường ngoài cuống vào thân đốt sống với tỷ lệ thành công 100%.

Bệnh nhân L.T.T [sinh năm 1972 – Bình Dương] nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quốc tế Becamex do bị đau nhiều vùng lưng sau ngã, cử động rất hạn chế. Qua thăm khám và làm các kiểm tra hình ảnh, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị gãy xẹp 3 đốt sống, tụ máu ngoài màng tủy do té ngã.

Hình 1. Ba đốt sống của bệnh nhân đã được bơm xi măng

Bệnh nhân N.Đ.S [sinh năm 1949 – Buôn Ma Thuột] sau chấn thương cột sống không thể đứng dậy hay di chuyển, đau đớn rất nhiều. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị gãy nát gần hoàn toàn thân sống L2

Hình 2. Đốt sống L2 bị vỡ nát của bệnh nhân đã được bơm xi măng

Bác sĩ Tuấn Linh đã tiến hành kỹ thuật bơm xi măng vào thân sống qua cuống cho các bệnh nhân trên. Sau khi thực hiện thủ thuật, xi măng cứng lại, bệnh nhân ngay lập tức được giảm đau, có thể ngồi dậy đi lại bình thường và được xuất viện an toàn sau một ngày theo dõi tại khoa Ngoại.

Bệnh viện Quốc tế Becamex luôn cập nhật những kỹ thuật y học tiên tiến nhất, ngày một nâng cao năng lực khám chữa bệnh để người dân tỉnh Bình Dương và các vùng phụ cận yên tâm đến thăm khám và chữa trị, hy vọng giảm tải chia sẻ gánh nặng về y tế cho các bệnh viện tuyến trên.

Xẹp đốt sống gây ra những cơn đau, biến dạng cột sống và ảnh hưởng đến vận động. Xẹp đốt sống hay gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi mà nguyên nhân thường do loãng xương. Phương pháp cổ điển là điều trị bằng mổ, nhưng phương phương pháp này có nhiều nhược điểm như đau, thời gian nằm viện kéo dài, có nhiều biến chứng trong và sau mổ. Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay chữa xẹp đốt sống bằng bơm xi măng sinh học được ưa thích hơn mổ do giảm đau nhanh chóng, không nằm viện hoặc nằm viện ngắn, ít biến chứng.

  1. Bơm xi măng sinh học là gì?

Bơm xi măng sinh học là kĩ thuật dùng một ống thông rất nhỏ chọc qua da và bơm một lượng xi măng sinh học vào đốt sống xẹp dưới hướng dẫn của hình ảnh.

Hình 1: Hình mô phỏng bơm xi măng sinh học vào đốt sống xẹp [nguồn internet].

Có hai kĩ thuật bơm xi măng sinh học là bơm xi măng sinh học không dùng bóng [Vertebroplasty] và bơm xi măng sinh học dùng bóng [Kyphoplasty]

  1. Khi nào nên chữa xẹp đốt sống bằng bơm xi măng sinh học?

       Bơm xi măng sinh học được áp dụng điều trị trong các trường hợp sau:

  • Đau cột sống do loãng xương gây xẹp đốt sống.
  • Đau cột sống cấp tính do xẹp đốt sống cần phải nhập viện điều trị.
  • Sau điều trị bằng thuốc giảm đau, nẹp lưng, nghỉ ngơi mà không khỏi.
  • Đau trong xẹp đốt sống do chấn thương.
  • Xẹp đốt sống ở người già
  • Xẹp đốt sống do các khối u các tính
  • Loãng xương do dùng corticoid kéo dài hoặc bệnh chuyển hóa.
  1. Bạn cần chuẩn bị gì khi điều trị xẹp đốt sống bằng bơm xi măng sinh học?

Bạn cần khám một cách toàn diện nhằm đánh giá mức độ xẹp đốt sống và toàn trạng. Việc đánh giá bao gồm: khám lâm sàng,  chẩn đoán hình ảnh [xquang cột sống, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ cột sống] và xét nghiệm máu.

Bạn phải nói cho bác sĩ tất cả các thuốc đang dùng kể cả thuốc bổ.

Nói với bác sĩ các bệnh đang mắc nhất là bệnh tim, huyết áp, suy thận.

Nếu bạn bị dị ứng với một loại thuốc nào đó thì bạn phải báo với bác sĩ nhất là dị ứng với thuốc tê, thuốc mê và thuốc cản quang.

Bác sĩ có thể khuyên bạn dừng các thuốc aspirin, thuốc kháng viêm không steroid [NSAIDs] hoặc thuốc chống đông trong một thời hạn nhất định trước khi làm thủ thuật.

Nếu bạn có thai hoặc nghi ngờ có thai thì hãy nói với bác sĩ để tránh nhiễm xạ cho thai.

Bạn được lấy máu xét nghiệm để xác định tình trạng máu chảy máu đông.

Vào ngày làm thủ thuật, bạn có thể dùng các thuốc thông thường của bạn và có thể ăn uống nhẹ. Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy sử dụng thuốc hạ áp như thường ngày của bạn.

Bạn cần có người thân hoặc bạn bè để chăm sóc cho bạn.

  1. Các thiết bị gì được sử dụng khi làm thủ thuật bơm xi măng sinh học?

Các thiết bị thường được sử dụng bao gồm:

  • Một máy xquang kết nối với màn hình video để theo dõi quá trình làm thủ thuật nhằm đảm bảo xi măng được bơm vào đúng vị trí tổn thương.
  • Một cái kim rỗng hoặc ống rỗng và thường được gọi là troca
  • Xi măng sinh học là polymethylmethacrylate [PMMA], chất này giống kem đánh răng và nó bị đông cứng khi được bơm vào vùng tổn thương.
  • Bóng được sử dụng nhằm tạo khoang trống trong thân đốt sống để bơm xi măng vào.
  • Các thiết bị khác có thể được sử dụng trong quá trình bao gồm một đường truyền tĩnh mạch [IV], máy siêu âm và các thiết bị theo dõi nhịp tim và huyết áp.
  1. Kĩ thuật được tiến hành như thế nào?

Thủ thuật này được thực hiện bởi một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm.

Bạn nằm sấp khi làm thủ thuật và được kết nối với các thiết bị theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở trong suốt quá trình làm can thiệp.

Một y tá hoặc kĩ thuật viên sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch nhằm đưa thuốc vào cơ thể của bạn khi cần. Bạn có thể được dùng thuốc an thần hoặc dùng thêm một số thuốc chống nôn, giảm đau, kháng sinh phòng nhiễm trùng trong quá trình làm.

Bác sĩ sẽ sát trùng bằng thuốc sát trùng và gây tê tại vùng dự định chọc kim ở vị trí gần với tổn thương nhất.

Một đường rạch da nhỏ được thực hiện, sau đó dưới hướng dẫn của máy can thiệp, kim được chọc qua các cơ của cột sống cho đến khi đầu của nó được xác định chắc chắn nằm trong vùng tổn thương.

Trong veterbroplasty, xi măng sinh học sẽ được bơm từ ngoài qua kim vào đốt sống, trong 10- 20 phút đầu xi măng có thể lỏng nhưng sau đó xi măng sẽ cứng dần và cột sống được cố định.

Hình 2: kỹ thuật Vetebroplasty [nguồn internet]

Trong kyphoplasty, bác sĩ sử dụng một quả bóng. Bóng được đưa qua lòng kim vào thân đốt sống bị tổn thương sau đó bóng được bơm căng để đưa thân đốt sống về chiều cao bình thường. Bác sĩ sẽ làm xẹp bóng từ từ và được đưa ra ngoài. Khoảng trống trong thân đốt sống do bóng tạo ra sẽ được làm đầy bằng xi măng sinh học.

Hình 3: kỹ thuật kyphoplasty [nguồn internet]

Xquang hoặc cắt lớp vi tính được thực hiện vào cuối thủ thuật nhằm kiểm tra sự phân bố xi măng.

Băng cầm máu và tháo đường truyền tĩnh mạch.

Thủ thuật này thường được thực hiện trong khoảng 1 tiếng hoặc lâu hơn nếu bạn có nhiều đốt sống bị tổn thương.

Sau thủ thuật bạn có thể đi lại bình thường, ăn uống bình thường. Thậm chí bạn có thể về nhà trong ngày.

  1. Bạn sẽ như thế nào trong quá trình làm thủ thuật?

Thiết bị theo dõi nhịp tim và huyết áp được gắn vào cơ thể bạn.

Cảm giác đau nhẹ khi đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc gây tê tại chỗ.

Bạn có thể cảm giác thoải mái hoặc buồn ngủ do được dùng thuốc an thần. Bạn có thể vẫn còn tỉnh táo hoặc không tùy thuộc vào mức độ dùng thuốc an thần của bác sĩ.

Trong khi làm thủ thuật bạn sẽ được bác sĩ hỏi về cảm giác của bạn, hãy nói với bác sĩ của mình về cảm giác đau nếu bạn thấy khó chịu.

Phần dài nhất của thủ thuật là việc bác sĩ xác định chính xác đầu kim nằm trong vùng đốt sống bị tổn thương dưới hướng dẫn của máy can thiệp.

Bạn có thể có cảm giác kim đi vào đốt sống của mình trong quá trình bác sĩ chọc kim vào vùng tổn thương.

Sau thủ thuật, bạn có thể giảm đau ngay lập tức. Với một số người khác, đau có thể được loại bỏ hoặc giảm sau 2- 3 ngày.

Bạn sinh hoạt bình thường sau khi về nhà nhưng phải hạn chế những nỗ lực gắng sức như nâng vật nặng trong khoảng ít nhất 6 tuần.

Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ luyện tập.

  1. Kết quả sẽ được ai giải thích và bạn sẽ được theo dõi như thế nào?

Khoảng 1 tiếng sau khi làm thủ thuật, bạn có thể đi lại được. Các bác sĩ điện quang can thiệp sẽ trực tiếp giải thích cho bạn về mức độ thành công của thủ thuật và tư vấn về chế độ luyện tập.

Các bác sĩ điện quang can thiệp sẽ theo dõi định kì cho bạn, trong các lần theo dõi định kì bạn có thể được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

  1. Ưu điểm và nguy cơ rủi ro của phương pháp là gì?

Ưu điểm:

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giúp họ trở lại các sinh hoạt đời thường hàng ngày mà không phải dùng thêm thuốc hay các phương pháp phục hồi chức năng nào khác.
  • Giảm đau ngay lập tức hoặc sau 2-3 ngày, nhiều bệnh nhân khỏi đau hoàn toàn sau điều trị.
  • Bệnh nhân đi lại bình thường sau thủ thuật do đó tránh được biến chứng viêm phổi do nằm lâu.
  • Bệnh nhân hoạt động tích cực nên giảm nguy cơ loãng xương và tổn thương các đốt sống khác.
  • Là thủ thuật an toàn, ít biến chứng, hiệu quả cao
  • Không phải nằm viện nên không cần người chăm sóc nhiều.

Nguy cơ:

  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc, nguy cơ này có thể xảy ra giống như bất kì một cuộc mổ hoặc xâm lấn nào khác
  • Rò rỉ xi măng ra ngoài thân đốt sống trong quá trình làm thủ thuật. Nguy cơ này thường không nghiêm trọng trừ khi rò rỉ vào ống tủy hoặc mạch phổi.
  • Các biến chứng khác có thể là nhiễm trùng, chảy máu, đau tăng, các triệu chứng thần kinh như tê hoặc ngứa ran. Các nguy cơ này có thể có nhưng rất ít và ít hơn mổ nhiều lần.
  • Liệt là vô cùng hiếm gặp.
  • Một nguy cơ thấp khác là dị ứng thuốc.
  1. Những hạn chế của bơm xi măng sinh học trong điều trị đau do xẹp đốt sống?

Bơm xi măng sinh học không được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Người bị thoát vị đĩa đệm nặng hoặc viêm đốt sống
  • Người trẻ khỏe
  • Phòng ngừa xẹp đốt sống hoặc loãng xương trong tương lai.
  • Sử dụng để chữa cong vẹo cột sống
  • Hẹp ống sống hoặc có dấu hiệu chèn ép tủy.

Bơm xi măng sinh học trong điều trị đau do xẹp đốt sống là một phương pháp hiệu quả và có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác. Phương pháp này hiện đã áp dụng thành công cho rất nhiều bệnh nhân và được thực hiện bởi các bác sĩ chấn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội.

BS. Nguyễn Tiến Long- BS. Nguyễn Ngọc Cương

Khoa Chẩn đoán hình ảnh- BV Đại học Y Hà Nội

Video hướng dẫn: 

Video liên quan

Chủ Đề