10 điểm khác biệt hàng đầu giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo năm 2022

Để tồn tại được trong thế kỷ 21, một thế hệ các nhà lãnh đạo mới - chứ không phải là một thế hệ các nhà quản lý mới - là vô cùng cần thiết. Sự khác biệt này rất quan trọng.

Các nhà lãnh đạo chế ngự được tình huống - những tác động bên ngoài đầy hỗn loạn, nhập nhằng mà đôi khi cứ như có một âm mưu chống lại chúng ta - và chắc chắn sẽ bóp chết chúng ta nếu ta để chúng làm như vậy - trong khi các nhà quản lý lại đầu hàng trước các tình huống như thế.

Những nhà lãnh đạo khám phá thực tế, chọn lấy những yếu tố thích đáng và phân tích chúng một cách cẩn thận. Trên cơ sở này, họ tạo ra những tầm nhìn, mô hình, kế hoạch và chương trình mới. Các nhà quản lý thì lấy dữ kiện thực tế từ người khác và áp dụng nó mà không cần thăm dò những thông tin sẽ dẫn dắt họ đến với các thực tế sâu sắc hơn.

Có một sự khác biệt vô cùng đáng kể - một vực sâu ngăn cách - giữa các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý.

Nói một cách ngắn gọn: Một nhà quản lý giỏi làm đúng công việc. Một nhà lãnh đạo thì làm điều đúng. Làm điều đúng ở đây có nghĩa là một mục tiêu, một hướng đi, một tầm nhìn, một con đường, một ước mơ, một phạm vi cần đạt đến.

Quản lý có nghĩa là hiệu suất. Còn lãnh đạo có nghĩa là hiệu quả. Quản lý là như thế nào. Lãnh đạo là cái gì và tại sao. Công việc quản lý bao gồm những hệ thống, kiểm soát, quá trình, chính sách và cấu trúc.

Công việc lãnh đạo bao gồm việc tin tưởng người khác. Lãnh đạo có nghĩa là cải tiến và khởi xướng. Quản lý có nghĩa là sao chép, kiểm soát hiện trạng. Lãnh đạo là sáng tạo, thích ứng và nhanh chóng. Lãnh đạo có nghĩa là nhìn vào đường chân trời, chứ không phải chỉ nhìn vào đường đáy.

Những nhà lãnh đạo đặt nền móng cho những tầm nhìn, yêu cầu của họ đối với người khác, và sự chính trực thực tế của họ - trên những sự kiện, một đánh giá cẩn thận về sức mạnh hiện tại, và trên những xu hướng cũng như mâu thuẫn. Họ phát triển những ý nghĩa nhằm thay đổi thế cân bằng vốn có của các nguồn sức mạnh, để tầm nhìn của họ được người khác nhận thấy.

Một nhà lãnh đạo là người có khả năng tạo ra một tầm nhìn thuyết phục để đưa người ta đến với những chân trời mới, nơi tầm nhìn đó được biến đổi thành hành động. Những nhà lãnh đạo kéo người khác lại gần mình bằng cách cuốn người ta vào tầm nhìn của họ. Điều mà một nhà lãnh đạo làm là truyền cảm hứng, trao quyền hành động cho người khác. Họ kéo - thay vì đẩy.

Mô hình lãnh đạo “kéo” này có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ và biết cách truyền năng lượng cho người khác để cùng tham gia vào một tầm nhìn hướng đến tương lai. Nó thúc đẩy người khác bằng cách giúp họ nhận biết được nhiệm vụ và mục tiêu thay vì thưởng hoặc phạt họ.

Trong một bài giảng cách đây không lâu, khi Warren thảo luận về khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc và hấp dẫn người khác của các nhà lãnh đạo, một người phụ nữ trong số các thính giả đã nói thế này, “Tôi có một đứa con gái bị điếc, thế nên tôi đã học ngôn ngữ cử chỉ (ASL). Trong ngôn ngữ ASL, đây là cách để bạn diễn tả công việc quản lý.” Cô ấy đưa tay ra như thể đang nắm một cái cương ngựa, hay đang kiềm chế một cái gì đó. Cô nói tiếp, “Còn đây là cách để thể hiện công việc lãnh đạo trong ngôn ngữ ASL.” Cô ấy khoanh tay lại và đung đưa chúng như cách các bậc cha mẹ đang chăm sóc, âu yếm đứa con sơ sinh của mình.

Chúng tôi không thể diễn tả sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo theo một cách nào khác hay hơn cách này được. Hãy luôn ghi nhớ trong đầu hình ảnh này khi bạn bắt tay vào làm công việc của một nhà lãnh đạo.

Để đạt được thành công, các tổ chức vẫn cần cả hai: những nhà quản lý và những nhà lãnh đạo. Dù vậy, cấu trúc cũ đề cao sự kiểm soát, có tôn ti trật tự và những gì dự đoán trước được đang ngày càng nhường chỗ cho một trật tự không phân theo thứ bậc, mà trong đó tất cả những đóng góp của nhân viên đều được tôn trọng và ghi nhận, và tính sáng tạo có giá trị hơn nhiều so với lòng trung thành một cách mù quáng.

Trong một tổ chức của thiên niên kỷ mới, người ta đòi hỏi một loại hình lãnh đạo khác: một nhà lãnh đạo phải là người tạo điều kiện cho người khác, chứ không phải là một người chuyên quyền; một người biết trân trọng những ý tưởng, chứ không phải là người bào chữa chúng. Tầm nhìn, giao tiếp, cải tiến, tính chính trực, tính linh hoạt, và luôn biết dựa vào quan điểm của bản thân là những đặc tính sẽ ngày càng được đề cao nơi các nhà lãnh đạo của tương lai.

Như chúng ta có thể thấy, có một khác biệt vô cùng đáng kể giữa công việc quản lý và công việc lãnh đạo. “Quản lý” có nghĩa là “gây ra, đạt được, có trách nhiệm đối với cái gì, chỉ đạo”. “Lãnh đạo” có nghĩa là “có ảnh hưởng, hướng dẫn trong đường lối và hành động.”

Dù mọi tổ chức đều cần có các nhà quản lý để đạt được những mục tiêu cụ thể, nhưng cũng cần có các nhà lãnh đạo để xác định được các mục tiêu cụ thể đó và tạo ra sự hỗ trợ để đạt được chúng. Không một tổ chức nào có thể vận hành trơn tru mà thiếu một trong hai vai trò này cả.

Dù vậy, điều nguy hiểm là chúng ta lại hay nhầm lẫn chúng với nhau, không cung cấp được tài nguyên cho cả hai vai trò và làm giảm bớt những đóng góp tiềm năng của mỗi bên. Sự khác biệt có thể được tổng kết bằng cách nhìn nhận những hoạt động của các nhà lãnh đạo như là những hành động mang tính tầm nhìn và đưa ra quyết định - hay nói cách khác, hiệu quả - đối lại với những hành động của các nhà quản lý là tập trung vào việc làm chủ được công việc - hay nói cách khác, hiệu suất.

Sự khác nhau giữa nhà quản lý và lãnh đạo:

Nhà quản lý quản trị, nhà lãnh đạo cải tiến.

Nhà quản lý là một bản sao, nhà lãnh đạo là một bản gốc.

Nhà quản lý duy trì, nhà lãnh đạo phát triển.

Nhà quản lý chấp nhận thực tế, nhà lãnh đạo khám phá nó.

Nhà quản lý tập trung vào hệ thốngcấu trúc, nhà lãnh đạo tập trung vào con người.

Nhà quản lý dựa vào việc kiểm soát, nhà lãnh đạo thì truyền cảm hứng để tạo ra niềm tin.

Nhà quản lý có một cái nhìn ngắn hạn, nhà lãnh đạo có một tầm nhìn dài hạn.

Nhà quản lý hỏi thế nào và khi nào; nhà lãnh đạo hỏi cái gì và tại sao.

Nhà quản lý luôn nhìn vào đường đáy, nhà lãnh đạo thì nhìn vào đường chân trời.

Nhà quản lý bắt chước; nhà lãnh đạo khởi xướng.

Nhà quản lý chấp nhậnhiện trạng; nhà lãnh đạo thách thức nó.

Nhà quản lý là một người lính gương mẫu; nhà lãnh đạo là chính bản thân anh/cô ta.

Nhà quản lý làm đúng công việc; nhà lãnh đạo làm điều đúng đắn.