60 giây ngày 23 tháng 8 năm 2023

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

Show

*Nhandan.vn (23/8): Điện Biên yêu cầu làm rõ việc tăng diện tích tái định cư dự án đường Thanh Minh - đồi Độc Lập

Đồng ý với chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư dọc tuyến đường Thanh Minh - đồi Độc Lập, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên phải chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (nếu có) trong việc để dự án phải điều chỉnh tăng diện tích đất bố trí tái định cư từ 4.297 m2 lên 18.510 m2.

Được xác định là tuyến giao thông trọng điểm, kết nối giao thông quan trọng từ phía Đông (quốc lộ 279) sang phía Tây (quốc lộ 12) và khu dân cư hai bên tuyến đường của khu vực phân khu phía Bắc, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, những năm qua dự án đường Thanh Minh - Độc Lập đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên.

Theo thiết kế, tuyến đường có tổng chiều dài 4,3 km; mặt đường rộng 21 m có thiết kế các công trình phụ trợ 2 bên đường như: khu tái định cư, khu khuôn viên nhà văn hóa, trường học, khuôn viên trồng hoa cây cảnh. Khái toán tổng kinh phí đầu tư 817,955 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàng là nhà đầu tư đề xuất dự án, theo hình thức hợp đồng BT - nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án. Đổi lại, UBND tỉnh Điện Biên sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất để thực hiện dự án Khu dân cư hai bên tuyến đường Thanh Minh - Độc Lập theo quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND tỉnh phê duyệt và quản lý.

Triển khai thực hiện dự án, ngày 29/6/2018 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư hai bên tuyến đường Thanh Minh - đồi Độc Lập thành phố Điện Biên Phủ. Theo quyết định, tổng thể khu dân cư hai bên tuyến đường được phân thành các khu có chức năng sử dụng đất riêng biệt, được liên kết chặt chẽ với nhau về không gian kiến trúc cảnh quan với trục liên kết giao thông hợp lý. Trong đó, đất liền kề có diện tích 11,9 ha; đất ở biệt thự 3,27 ha; đất nhà ở xã hội 3,35 ha; đất ở tái định cư 0,43 ha…

Tuy nhiên, sau 4 năm kể từ ngày UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư hai bên tuyến đường Thanh Minh - đồi Độc Lập thì đến tháng 8/2022 diện tích đất cần bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã tăng hơn 4 lần so với diện tích ban đầu. Cụ thể, tại Quyết định 1397/QĐ-UBND ngày 12/8/2022 do Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ký, ban hành điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư 2 bên tuyến đường Thanh Minh - đồi Độc Lập, đã bổ sung 9.940,57 m2 đất tái định cư liền kề; điều chỉnh tăng diện tích tái định cư làng bản từ 4.297 m2 lên 8.569,94 m2. Như vậy, tổng quỹ đất cần bố trí tái định cư lên tới 18.510 m2. So với Quyết định phê duyệt chi tiết 1/500 được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt ngày 29/6/2018 diện tích đất bố trí tái định cư đã tăng hơn 14.000 m2.

Thực tế này đã và đang khiến dư luận nhân dân, cán bộ địa phương vô cùng bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về việc quản lý đất đai của chính quyền các địa bàn nơi có dự án đi qua.

* Giaoducthoidai.vn (23/8): Điện Biên lấp đầy 'khoảng trống' sách giáo khoa

Sách giáo khoa hiện là “từ khóa nóng” khi thời điểm năm học mới cận kề. Đặc biệt tại địa bàn vùng khó, nhiều “khoảng trống” về sách đã đặt ra không ít thử thách đòi hỏi sự linh hoạt của các cơ sở giáo dục.

Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là tại huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... Cùng với đó là số lượng học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sách cũng tương đối lớn. Theo rà soát của toàn ngành, năm học 2022 – 2023, địa phương này có gần 103.000 học sinh cần hỗ trợ SGK.

Chính vì vậy, các sơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm lấp đầy chỗ trống này. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, huyện Tủa Chùa, từ cuối tháng 5 phong trào quyên góp sách cũ đã diễn ra sôi nổi. Ý nghĩa chương trình, giá trị của sách được thông tin sâu rộng đến từng học sinh, phụ huynh. Nhờ đó, những bộ SGK cũ nối tiếp nhau lấp đầy trên các kệ sách thư viện nhà trường.

Theo Phó Hiệu trưởng Trịnh Xuân Tùng, 98% học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số. Trong đó, tỷ lệ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn chiếm trên 41%. Bởi vậy, nhiều năm qua đơn vị đã tích cực vận động và phát huy hiệu quả phong trào quyên góp, ủng hộ sách cũ.

Đến nay, hơn 240 học sinh toàn trường được đảm bảo đầy đủ SGK cho năm học mới. Trong đó, hơn 80% mua mới, gần 20% còn lại quyên góp, ủng hộ từ học sinh khóa trước và nguồn xã hội, từ thiện. “Không chỉ hỗ trợ các gia đình khó khăn, số sách kế thừa lại còn giúp nhiều phụ huynh tiết kiệm được khoản chi tiêu đầu năm học. Về phía nhà trường cũng bổ sung được một số đầu sách vào kho dùng chung. Học sinh mất, hỏng sách bất kỳ khi nào đều sẵn sàng có nguồn thay thế”

* Qdnd.vn (20/8): Điện Biên: Mưa lớn gây thiệt hại nhiều hoa màu và cơ sở vật chất

Theo ghi nhận, trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ sáng nay 20-8, trên địa bàn xảy ra mưa lớn khiến nước suối lên rất cao tràn vào điểm Trường Mầm non số 1 Pá Khoang gây nhiều thiệt hại. Trong đó, nhiều thiết bị điện tử như: Máy tính, loa đài, đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy, bàn ghế, đồ chơi của học sinh bị hư hỏng. Một phần tường bao bị đổ, khiến bùn đất tràn vào toàn bộ sân trường…

Ngoài ra, trên địa bàn xã Pá Khoang có nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của người dân cũng bị mưa lớn làm hư hỏng; một số hộ dân bị bùn đất tràn vào nhà và các công trình.

Theo ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên): Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền xã đã khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, cùng với người dân tập trung khắc phục hậu quả, dọn dẹp bùn đất, sửa chữa đồ đạc tại điểm Trường Mầm non số 1 Pá Khoang; đồng thời cử cán bộ xuống các bản để thống kê thiệt hại ban đầu.

* Baodienbienphu.com.vn (22/8): Hàng hóa chưa giảm giá theo xăng dầu

Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa và cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Công Thương, các đơn vị trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong tỉnh, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

So với cuối tháng 6, hiện giá xăng, dầu đã giảm từ 6.000 đến trên 7.000 đồng/lít. Giá xăng, dầu giảm mạnh được xem là tín hiệu tốt, là cơ sở để giá nhiều loại hàng hóa được giảm theo. Tuy nhiên, trái với mong đợi, người tiêu dùng từ khu vực thành phố đến các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn phải cân đong đo đếm từng đồng vì giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức rất cao. Giá nhiều mặt hàng rau, củ, thịt, lương thực, thực phẩm... đến cước vận tải vẫn chưa giảm hoặc giảm nhỏ giọt, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Ghi nhận tại một số cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng lương thực, thực phẩm giá vẫn cao, như: Gạo tám thơm 16.000 - 17.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; hành lá 80.000 đồng/kg; sữa Ông Thọ giật nắp 31.000 đồng/hộp. Đặc biệt, mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng vẫn neo ở mức giá cao, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu trên thị trường thế giới và trong nước, như: Đạm U rê Hà Bắc 18.000 đồng/kg, phân lân Văn Điển 4.800 đồng/kg; thép cuộn phi 6, phi 8 của Thái Nguyên tại TP. Điện Biên Phủ là 18,8 triệu đồng/tấn; tôn xốp lợp giá 155.000 đồng/m2; thép hộp mạ kẽm 2x4 giá 155.000 - 160.000 đồng/cây…

Chị Nguyễn Thị Quyên, người dân TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tăng giá chóng mặt được người bán giải thích là do giá xăng tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên. Hiện nay giá xăng đã giảm nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy giảm giá mặt hàng nào”.

 Các loại hàng hóa nhập về vẫn giữ giá cao, thậm chí một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi còn tăng giá, như: Khô dầu đậu tương Nam Mỹ là 16.600 đồng/kg (tăng 50 - 100 đồng/kg so với tháng trước); giá cám gạo (cám khô, xơ dưới 7%, không trộn) trong nước tăng 500 - 800 đồng/kg, giá sắn nguyên liệu cũng tăng. Tác động làm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 300 - 400 đồng/kg. Hiện nay giá thức ăn hỗn hợp cho lợn từ 16.700 - 23.100 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt 12.600 - 13.800 đồng/kg tùy theo hãng sản xuất.

Còn tại các doanh nghiệp, siêu thị, giá của các mặt hàng, nhất là mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị chủ động giảm lợi nhuận để giảm giá. Tại Siêu thị Hoa Ba, giá hộp sữa đặc có đường Ông Thọ trắng nhãn vàng lon 380g có giá 30.000 đồng; dầu đậu nành tự nhiên Coba can 2 lít có giá 105.000 đồng; bánh kem trứng Custas hộp 282g giá niêm yết 52.000 đồng… Để hỗ trợ người tiêu dùng, siêu thị đã giảm lợi nhuận, thực hiện nhiều chương trình giảm giá hàng loạt sản phẩm thiết yếu nhằm bình ổn giá hàng hóa. Đơn cử, thùng 48 bịch sữa tiệt trùng hương dâu Dutch Lady Canxi & Protein 220ml (1 bịch) giảm từ 6.500 đồng xuống còn 6.400 đồng/bịch; 24 chai nước ngọt Fanta hương cam 390ml giảm từ 150.000 đồng xuống còn 130.000 đồng…

Theo lý giải của một số thương nhân, thì xăng dầu chỉ là một phần, còn các yếu tố về nguyên liệu sản xuất, cung cầu chiếm vai trò lớn trong cơ cấu hình thành giá. Mới chỉ giảm giá xăng trong khi các chi phí sản xuất, nguyên liệu khác vẫn chưa giảm thì khó có thể kéo giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Khi giá đầu vào giảm, các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian nhất định để đưa mức giá mới ra thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm một thời gian dài, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường. Bởi tuy giá xăng dầu đã giảm nhưng đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ còn phải căn cứ theo xu hướng giá chung, theo lộ trình.

Thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý tăng cường dự trữ nguồn hàng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ  đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

Hàng hóa trên thị trường được điều tiết bởi quy luật cung - cầu, các hệ thống siêu thị có thể can thiệp, yêu cầu các nhà sản xuất điều chỉnh giá thông qua nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ người tiêu dùng. Trong khi đó, đối với thị trường tự do, các mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá (rau, thịt, hoa quả…), tiểu thương nhận thấy bán với giá cao vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ giá. Muốn hàng hóa giảm giá cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và bản thân người tiêu dùng.

* quochoitv.vn (23/8): Điện Biên: Xuyên đêm vượt núi vận động đồng bào đi tiêm vaccine phòng Covid-19

Thời gian vừa qua, do tâm lý chủ quan khi dịch bệnh lắng xuống, nên nhiều người dân không muốn tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt, tại một số xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Trước thực trạng đó, các địa phương đang ngày đêm nỗ lực với nhiều giải pháp, nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine. Ghi nhận tại huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, Tổ công tác triển khai tiêm phòng vaccine của xã Vàng Đán đã huy động tối đa lực lượng tham gia công tác tiêm chủng; xuyên đêm đến từng bản gặp gỡ và vận động người dân. Đặc thù ở vùng cao, bà con thường đi làm nương rẫy rất xa nhà, đến tối mới về nên tổ công tác và cán bộ y tế phải vượt núi, xuyên đêm, đi từng ngõ, gõ từng nhà với mục tiêu trong hết tháng 8 này, tỷ lệ bao phủ vaccine toàn xã đạt trên 90%.

Tổ dân vận cơ sở đã bám sát 121 bản, kiên trì bền bỉ, vượt núi xuyên đêm từ bản này tới bản kia. Trước tâm lý chủ quan của người dân và tỷ lệ tiêm còn đạt thấp, huyện Nậm Pồ đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các xã, trung tâm Y tế huyện và các cơ quan đơn vị coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách. Các điểm tiêm lưu động được đặt ngay tại trung tâm bản, ở nhà văn hóa hoặc các điểm trường để bà con không phải di chuyển xa.

Với sự vào cuộc quyết liệt, số liều vaccine được phân bổ về huyện, chỉ trong 1 – 2 ngày đã tổ chức tiêm hết, nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng tăng rõ rệt từng ngày. Đến hết ngày 20/8, người dân đủ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 đạt trên 98%; mũi 2 đạt gần 97%; mũi 3 đạt 83%; mũi 4 đạt 52,4%. Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt gần 98%, mũi 3 đạt 55%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 đạt trên 80%, mũi 2 đạt trên 41%. 

* Dienbientv.vn (22/8): Điện Biên: Còn nhiều khó khăn trong thực hiện Đề án 06

Điện Biên TV - Mặc dù đã đạt được nhiều kết qủa quan trọng trong thực hiện Đề án 06, song hiện nay việc thực Đề án này trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gọi tắt là Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị quyết liệt triển khai thực hiện. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện Đề án vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định.

Hiện toàn tỉnh vẫn còn 9% hộ dân chưa được sử dụng điện lưới, 19 bản không có sóng điện thoại, 83 bản chưa có dịch vụ viễn thông, mạng internet, 37% người dân không có điện thoại thông minh; nhận thức, kỹ năng công nghệ thông tin của nhiều người dân còn hạn chế, khó khăn trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.

Việc tạo lập tài khoản trên dịch vụ công còn phức tạp, giao diện chưa tối ưu cho việc sử dụng bằng điện thoại di động, do đó người dân gặp nhiều khó khăn khi thao tác trên hệ thống.

Mặt khác, việc đăng ký tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải sử dụng số điện thoại chính chủ, tuy nhiên nhiều người dân vẫn sử dụng sim không chính chủ nên không thực hiện được./.

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN  - NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Chinhphu.vn (23/8): Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Thông tư số 52/2022/TT-BTC tập trung hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính, xử lý tổn thất tài sản, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại, xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Theo hướng dẫn, khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

Xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quỹ hợp tác xã quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của quỹ.

Nguyên tắc ghi nhận và quản lý chi phí

Thông tư nêu rõ, chi phí được ghi nhận vào chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các khoản chi của Quỹ hợp tác xã phải được ghi nhận và hạch toán cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính thực hiện theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chi phí của Quỹ là các khoản chi thực tế phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động của Quỹ, bao gồm: Chi phí hoạt động nghiệp vụ; chi phí tài chính; chi phí quản lý; chi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất tài sản, đầu tư tài chính và các khoản dự phòng…

Các khoản chi không được hạch toán vào chi phí gồm: Các khoản thiệt hại đã được Nhà nước hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường; các khoản chi phạt thuộc trách nhiệm cá nhân do vi phạm hành chính, vi phạm môi trường, phạt nợ vay quá hạn do nguyên nhân chủ quan, phạt vi phạm chế độ tài chính; các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật; các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

* Chinhphu.vn (23/8): Sửa đổi mức tiền ăn đối với huấn luyện viên, vận động viên trong Quân đội

Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 53/2022/TT-BQP sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 4 và thay thế Phụ lục I của Thông tư số 164/2019/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, định lượng, mức tiền ăn, tiền thuốc bổ thường xuyên đối với huấn luyện viên, vận động viên và giáo viên thể dục, thể thao trong Quân đội.

Theo đó, Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 164/2019/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung như sau: Thời gian, quân số được hưởng thực hiện theo danh sách phê duyệt hoặc quyết định của Tổng Tham mưu trưởng.

Đối với vận động viên tập trung huấn luyện để tuyển chọn vào đội năng khiếu được Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập, thời gian hưởng không quá 60 ngày.

Vận động viên nghiệp dư chưa đạt đẳng cấp được hưởng theo số ngày thực tế tập luyện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/2022.

* Chinhphu.vn (22/8): NSNN hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.

Thông tư quy định rõ nội dung, mức chi thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030".

Theo đó, đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn (trên 03 tháng) ở nước ngoài: Các chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại).

Sinh hoạt phí, chi phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế bắt buộc: Theo quy định tại Thông tư số 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.

Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 05/10/2022.

* Vietnamplus.vn (23/8): Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ban hành ngày 23/8, nguyên tắc xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu là tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngày 23/8, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Theo Nghị định, cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu là tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

[Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia]

Bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin. Bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật. Bảo đảm việc quản lý, vận hành chặt chẽ, an toàn, ổn định và thông suốt.

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (23/8): Phó Thủ tướng chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả động đất tại Kon Plông, Kon Tum

Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất. Ngay trong ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện số 750/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất tại khu vực này.

Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Vật lý Địa cầu. 

Công điện nêu rõ:

Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất, dư chấn động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó phù hợp.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam

a) Tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.

b) Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.

6. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

* Chinhphu.vn (21/8): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 13-19/8/2022

Công điện của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9; tập trung thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” để phát triển kinh tế - xã hội… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 13-19/8/2022.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9: Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022.

Công điện yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên…

Tập trung thực hiện "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" để phát triển KT-XH

Tại Nghị quyết số 102/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; "3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước; "2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; "1 tiết giảm": tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không": không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Chính phủ quyết nghị khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM vào 30/6/2023: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024.

Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023.

Khởi công xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.

Phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định phối hợp thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Về phương thức phối hợp, Bộ Công an gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan cử thành viên tham gia thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm cử thành viên tham gia đầy đủ các hoạt động trong quá trình thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo nội dung đề nghị.

Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả: Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật".

Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát của Đề án là đổi mới toàn diện, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, khả thi, phù hợp với tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực tiễn cuộc sống; đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phấn đấu đến 2025, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 7,8 tỷ USD/năm: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại Công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. 

KINH TẾ - HỘI NHẬP – ĐẦU TƯ

* Vietnamplus.vn (23/8): Có tới 27 Bộ và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%

Bộ Tài chính cho biết, có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt 35,49% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 39,15%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,60%).

Trong số đó, vốn trong nước đạt 40,87% (cùng kỳ năm 2021 đạt 44,71%), vốn nước ngoài đạt 14,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,94%).

Bộ Tài chính cho biết, có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%)...

Ngoài ra, có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Về tình hình thực hiện chế độ báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 8/2022 của 18/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 54/63 địa phương. Còn lại 33/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 9/63 địa phương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo.

* Vtv.vn (22/8): [Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công]

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt (bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng, đường ven biển).

Đồng thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại công văn số 5146/VPCP-QHQT ngày 12/8/2022 của Văn phòng Chính phủ.

* Toquoc.vn (21/8): Moody's: Việt Nam tăng trưởng 8,5% năm 2022, cao nhất châu Á - Thái Bình Dương

Theo tờ The Business Times (Singapore), mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 7, Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics vẫn đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Các chuyên gia của Moody’s cho biết: “Kinh tế Việt Nam tái mở cửa có phần hơi chậm chạp từ đầu năm, nhưng hiện đã tăng tốc, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào”.

Dựa vào số liệu tháng 7, dù xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc nhưng các chuyên gia của Moody’s tin rằng nhu cầu sẽ ổn định ở thị trường Mỹ do thị trường lao động của nước này phát triển mạnh.

Moody’s cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro liên quan tới việc lạm phát đến bất ngờ do gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này có thể làm giảm nhu cầu của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả nhà ở.

Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự phóng tăng. Với mức dự báo này, đây cũng là tổ chức đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam cao nhất.

Bên cạnh đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay có thể đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là 6 - 6,5%.

Theo kịch bản tăng trưởng hai quý cuối năm do Bộ này xây dựng, với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, quý III cần tăng 7,9%. Ở kịch bản thứ hai, quý III phải tăng trưởng 9% để cả năm đạt mức tăng 7%.

* Cafef.vn (21/8): Bloomberg: Việt Nam có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% nếu...

Việt Nam cần đẩy nhanh hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Từ vị thế địa chính trị cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ nhiều lợi thế để có thể bứt phá trong thời gian tới.

Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu từ Samsung Electronics cho tới Lego Group đang xây dựng các siêu nhà máy tại đây. Apple cũng đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên đưa dây chuyền sản xuất Apple Watch và MacBook tới quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc chạy đua tuyển dụng người lao động trong nước cũng đang diễn ra vô cùng "khốc liệt".

Dù nỗ lực không ngừng trong công tác xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình đưa các sản phẩm công nghệ vào về sản xuất tại Việt Nam diễn ra tương đối chậm.

Hiện đại hóa hệ thống đường bộ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong vài năm trở lại đây và minh chứng rõ ràng nhất là dự án đường cao tốc Bắc Nam đang được gấp rút thi công. Tuy nhiên, quá trình xây dựng gặp không ít khó khăn do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có diễn biến tăng giá chi phí nguyên vật liệu, gây đội vốn đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 34%, trong khi 90% nguồn vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tới từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nếu như quá trình giải ngân chậm, tiến độ các dự án, công trình cũng không thể đẩy nhanh.

Từ vị thế địa chính trị cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ không ít lợi thế để bứt phá trong thời gian tới. Điều mà họ thiếu là khả năng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến một số quy định pháp lý, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% cho năm nay nhưng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

* Vtv.vn (21/8): ILO: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu lao động

Theo Giám đốc ILO Ingrid Christensen: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động.

Tuy nhiên, ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa một cách toàn diện nhất có thể, và thiết lập các cơ chế điều phối liên bộ ngành. Chính thức hóa là hoạt động quan trọng, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình.

Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Việc làm, đạo luật quy định chức năng và nhiệm vụ của các tác nhân và thể chế của thị trường lao động. Trong cuộc họp đầu tiên của tôi với Bộ LĐTB&XH về hoạt động này, tôi đã được nghe về định hướng hiện đại hóa Luật Việc làm phù hợp với thực tiễn thị trường lao động. Bà Ingrid Christensen khuyến nghị một số định hướng cụ thể:

Thứ nhất, Luật Việc làm cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.

Thứ hai, Luật Việc làm cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi các ưu tiên về thị trường lao động, để có thể bắt kịp các thay đổi diễn ra trên thị trường. Luật cũng có thể quy định về thành lập một cơ chế ba bên, chẳng hạn như ủy ban việc làm, để thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ ba, khi các vấn đề về biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, chúng ta cần phải có hành động chiến lược để chuyển dịch công bằng hướng đến một nền kinh tế và một xã hội bền vững hơn về môi trường.

Cuối cùng, Luật Việc làm cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam. Định hướng này phải bao trùm cả vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng và cũng cần phải liên kết với thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.

* Daibieunhandan.com.vn (21/8): Chất lượng lao động chưa phải là "vàng"!

Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” sáng 20.8.

Nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại trường lao động Việt Nam có thể thấy đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Bên cạnh đó thị trường lao động của chúng ta cũng bộc lộ những điểm còn hạn chế, chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu thị trường lao động chưa hợp lý, chưa hiệu quả.

Theo kết quả đuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam trong năm 2019 cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng cao. 73% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% doanh nghiệp gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp.

Trong khi đó, Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI cũng cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một thách thức. Theo đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (chiếm 62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Đáng chú ý, nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành, chỉ có 15%.

Rõ ràng nhìn vào số liệu này cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán nan giải mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện khi tuyển dụng.

* Vtv.vn (21/8): Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá để ban hành hoặc kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tạo thuận lợi cho quản lý điều hành giá.

Đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất, giá cước vận tải; hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm.

* Toquoc.vn (21/8): 5 thành phố trực thuộc Trung ương hút bao nhiêu vốn FDI 7 tháng đầu năm 2022?

Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng đầu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2022, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 5 thành phố trực thuộc TW, TP. HCM hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 2,43 tỷ USD.

Hiện nay, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm 2022 gồm có: Bình Dương (2,6 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh (2,43 tỷ USD), Bắc Ninh (1,68 tỷ USD), Thái Nguyên (1,53 tỷ USD), Hải Phòng (1,02 tỷ USD), Hà Nội (0,83 tỷ USD), Bắc Giang (0,82 tỷ USD), Long An (0,59 tỷ USD), Đồng Nai (0,56 tỷ USD) và Nghệ An (0,52 tỷ USD).

Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40,2%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn, đạt 14,7%, chỉ xếp sau Hà Nội (17,8%).

Trong 5 thành phố trực thuộc TW, TP. HCM hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 2,43 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 373 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 274,93 triệu USD, tăng 8,1% số dự án cấp mới .

Trong 7 tháng đầu năm 2022, TP. HCM có 85 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 13,3% về số dự án và tăng 169,4% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

Đứng ở vị trí thứ 3 là Hà Nội với tổng vốn đăng ký đạt trên 826 triệu USD, trong đó có 185 dự án mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 125,4 triệu USD. Bên cạnh đó, Đà Nẵng thu hút được 106 triệu USD vốn FDI, cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới là 67,53 triệu USD. Cần Thơ thu hút được 10,44 triệu USD vốn FDI, 1 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới là 1,26 triệu USD.

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

* Daibieunhandan.vn (23/8): Những định mức lỗi thời!

Mới 7 tháng trôi qua, thu thuế thu nhập cá nhân đã gần đạt dự toán cả năm. Dữ liệu cho thấy tính hợp lý của thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, các khoản chi được giảm trừ cần được xem xét lại bởi định mức thuế không chỉ lỗi thời mà còn tạo ra bất bình đẳng!

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm nay đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77,5% dự toán năm. Trong đó đáng chú ý là thu từ thuế thu nhập cá nhân đã đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán, tức là gần hoàn thành mục tiêu cả năm.

Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả tích cực này. Đầu tiên, có thể do dự toán thu thuế thu nhập cá nhân năm nay được xây dựng với tâm lý thận trọng sau hai năm đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế và tác động mạnh đến người dân, doanh nghiệp. Năm nay cơ quan thuế dự kiến thu 118 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2021. Bên cạnh đó là nhờ nền kinh tế dần hồi phục, giúp cải thiện tiền lương, tiền công của người lao động - nguồn thu đóng góp lớn nhất vào thuế thu nhập cá nhân và tính chất “mùa vụ” của loại thuế này (các đơn vị thường nộp khoản thuế này nhiều trong 3 tháng đầu năm trước khi nộp quyết toán - hạn vào cuối tháng 3). 

Đằng sau niềm vui cho ngân sách, điều cần xem xét là tính hợp lý của mức giảm trừ gia cảnh hiện nay và các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa đã tăng mạnh.

Sau lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người đóng thuế hiện là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Không cần phải là chuyên gia để tính toán chi tiết, chính người dân sẽ cảm nhận rõ nhất sự lỗi thời, lạc hậu của các định mức này; nhất là khi họ đang phải chi trả một mức giá mới khá cao cho hầu hết mặt hàng, dịch vụ, từ mớ rau, bát phở... chứ không phải chỉ "nhẹ nhàng" tăng 2,54% như số liệu của cơ quan thống kê.

Đó là chưa kể đến số lượng các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế hiện nay quá ít. Người lao động chỉ có 4 khoản giảm trừ là giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, giảm trừ đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng góp quỹ hưu trí. Những chi phí khác như học phí, tiền thuê nhà, chi phí y tế… không được giảm trừ. Điều này không chỉ gây ra rất nhiều gánh nặng cho người lao động mà còn bất bình đẳng bởi theo quy định hiện hành, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ tiền học phí cho con, tiền mua vé máy bay về phép…

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Sửa đổi Luật lần này nên theo hướng “khoan thư sức dân”- tức nuôi dưỡng nguồn thu, giảm khó khăn cho người lao động khi lạm phát tăng cao. Đồng thời, thuế cũng là một công cụ chính sách để phân phối lại của cải trong xã hội hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội. Theo đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính; mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm tự nguyện… cho cả người đóng thuế và người phụ thuộc. 

Làm được như vậy, người lao động sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn; đồng thời vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Và khi chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, sự thịnh vượng của người dân, của đất nước và mức độ hài hòa xã hội sẽ được nâng cao.

* Daibieunhandan.vn (22/8): Số lượng đi kèm chất lượng

Việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã trải qua quãng thời gian hơn 40 năm, được luật hóa bằng Luật số 72/2006 của Quốc hội Khóa XI, sau đó thay thế bằng Luật số 69/2020 của Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực từ đầu năm nay. Luật số 69/2020 với nhiều quy định mới, tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Dù vậy, cũng phải thẳng thắn rằng, những năm qua, xuất khẩu lao động mới chỉ tập trung giải quyết việc làm cho lao động nghèo, chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.

Minh chứng rõ nét cho nhận định này là mới chỉ có hơn 12 triệu người trong tổng số khoảng 56 triệu người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp nghề trở lên - tương đương hơn 22%. Cũng từ điểm yếu này đã dẫn đến "hệ lụy" là dù mỗi năm có tới hơn 100.000 người đi làm việc tại 40 quốc gia thuộc hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD nhưng vẫn có tới 90% người đi làm việc ngoài nước thuộc nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ; tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia vỏn vẹn khoảng 10%. Bên cạnh đó, có khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền chứ không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp trong tương lai...

Bởi vậy, trước mắt để có thể thực hiện mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay và xa hơn nữa là của cả giai đoạn sau đem lại hiệu quả bền vững hơn, còn rất nhiều việc phải giải quyết. Cụ thể, cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu; có cơ chế để thu hút sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này.

Bên cạnh đó, cần phải giải quyết vấn đề gây bức xúc hiện nay là tình trạng lừa đảo của các công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề cốt lõi là có nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật của nước sở tại.

Như phân tích của Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng thì trình độ lao động thấp tất yếu dẫn đến giá trị sức lao động của lao động Việt Nam thấp, hạn chế về tiền lương và thu nhập khi làm việc ở nước ngoài dù ở chừng mực nào đó, điều này phù hợp với thực tiễn là hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bởi vậy, chắc chắn rằng, không thể mãi sử dụng lao động phổ thông, không có tay nghề, ngoại ngữ mà phải nhanh chóng chuyển sang việc đưa người lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề phù hợp và được đào tạo ngoại ngữ bài bản đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng phải đi kèm chất lượng, để một mặt vừa tăng giá trị sức lao động thông qua tiền lương, thu nhập với điều kiện làm việc tốt, đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh cả về nguồn lao động, điều kiện làm việc trong nước và thị trường lao động ngoài nước đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

* Daibieunhandan.com.vn (20/8): Không thể chậm trễ!

Tại Phiên họp thứ 14 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là tin vui đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10.9.2022.

Trước đó, để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ tiền mặt và các mức hỗ trợ khác nhau dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể. Thời gian thực hiện từ ngày 1.10.2021 - 31.12.2021.

Dù việc triển khai, giải quyết chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện, tổ chức kịp thời, nhưng việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành. Đáng nói là, ngày 31.12.2021 -  thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động nhưng vẫn còn hơn 414.000 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn nhưng chưa được chi trả. Theo nhận định của Ủy ban Xã hội: “việc xử lý của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tồn đọng chưa giải quyết chế độ đối với hơn 400.000 người lao động là rất chậm, không đúng với tinh thần làm việc của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Chính sự chậm trễ này đã làm giảm đi phần nào ý nghĩa của một chính sách nhân văn, cấp bách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Với quan điểm xuyên suốt luôn đồng hành, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa rất lớn, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt qua khó khăn. Nghị quyết quy định rõ, chậm nhất đến này 10.9.2022 phải thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động. Mốc thời gian đã được ấn định, nhiệm vụ còn lại là của các cơ quan thực thi chính sách này.

Sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, ngành Bảo hiểm xã hội đã tích cực bắt tay triển khai chính sách này. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, tính đến 13h30 phút ngày 19.8.2022, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã chi hỗ trợ cho hơn 298.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với số tiền gần 845 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, chỉ sau 8 ngày triển khai quyết liệt Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi trả gói hỗ trợ đạt gần 72% tổng số hồ sơ người lao động đề nghị nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Sự nỗ lực vào cuộc kịp thời của ngành Bảo hiểm xã hội là rất đáng ghi nhận.

Thời gian từ nay đến ngày 10.9.2022 không còn nhiều. Do đó, để về đích theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đòi hỏi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan, địa phương trong phối hợp thực hiện. Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Bảo hiểm xã hội ở các địa phương để khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động. Kịp thời tháo gỡ, vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc thực hiện chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan cố tình thực thi chậm trễ chính sách.

Một chính sách hỗ trợ kịp thời, nhân văn, chính sách mà người lao động rất chờ đợi, không có lý do gì lại thực hiện chậm trễ!

QUẢN LÝ

* Vnexpress.net (23/8): Năm 2026 cả nước dự kiến có 242.000 biên chế công chức

Biên chế của cơ quan, tổ chức hành chính giai đoạn 2022-2026 là 242.000, giảm khoảng 7.000 so với hiện nay, theo đề xuất của Bộ Nội vụ.

Ngày 22/8, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng biên chế các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2026 (hưởng lương ngân sách nhà nước).

Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế của cơ quan, tổ chức hành chính hơn 242.000. Trong đó, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hơn 100.000 biên chế. Địa phương (cấp huyện trở lên) có hơn 140.000 biên chế. Số này đã bao gồm hơn 7.000 công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND chuyển thành công chức quận.

Biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hơn 1.000. Biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương là 686.

Các bộ, ngành, địa phương được giao xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 và hàng năm để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế so với năm 2021.

Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ có ý kiến về số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương cho cả giai đoạn 2022-2026 và đến hết năm 2026 theo số lượng Bộ Chính trị đã phê duyệt. Số này chưa bao gồm gần 66.000 biên chế giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026, do Bộ Chính trị mới quyết định bổ sung.

Tổng biên chế công chức được Thủ tướng phê duyệt giảm dần những năm qua, năm 2021 là hơn 249.000; năm 2020 hơn 253.000 và năm 2019 gần 260.000.

* Vtv.vn (21/8): Gần 9.500 viên chức nghỉ việc từ đầu năm 2021, Bộ Y tế đề xuất giải pháp

Theo Bộ Y tế, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ, nhân viên y tế.

Thực trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc với số lượng không hề nhỏ đang là vấn đề nổi cộm của ngành Y tế trong thời gian gần đây. Tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt lực lượng phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực trạng này một lần nữa được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề cập đến tại Hội nghị 'Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững' đang diễn ra sáng 21/8.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022, có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gồm: 8.692 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 775 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; trong đó có 2.989 bác sĩ, 2.907 điều dưỡng, 561 kỹ thuật y và 3.010 viên chức y tế khác.

Về các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ: Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế hiện chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác.

Chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp với học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (các chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt...) để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêucầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Hệ thống tổ chức ngành y tế tại một số địa phương còn tồn tại các mô hình tổ chức hệ thống khác nhau ở một số lĩnh vực (y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số) dẫn đến một số bất cập trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ.

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách Nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp), mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.

Mức lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp đã đành, việc thực hiện chi trả các phụ cấp phòng, chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương.

* Vnexpress.net (23/8): Trục cao tốc dài 176 km thiếu trạm xăng, điểm dừng nghỉ

Trục cao tốc Hạ Long - Móng Cái dài 176 km sẽ liên thông vào ngày 1/9, nhưng đang không có trạm đổ xăng, điểm dừng nghỉ.

Ngày 1/9, cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, Vân Đồn - Tiên Yên (16,1 km) sẽ thông xe, liên thông với các tuyến đã khai thác là cầu Bạch Đằng - Đại Yên (25 km), Hạ Long - Vân Đồn (71,2 km). Như vậy, Quảng Ninh sẽ là địa phương có tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 176 km từ cầu Bạch Đằng tới Móng Cái.

Tuy nhiên, trên cả tuyến không có trạm xăng và điểm dừng nghỉ. Anh Đỗ Quân, 32 tuổi, ngụ TP Hà Nội, cho biết do nhu cầu công việc nên thường xuyên về Quảng Ninh. Từ khi có cao tốc, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. "Nhưng trên tuyến sắp khánh thành và tuyến đã khai thác đều chưa có trạm xăng, hôm nào tôi quên đổ đầy bình là vừa đi vừa lo", anh nói. Trên cả tuyến cũng chưa có trạm dịch vụ, nếu gặp sự cố như hỏng lốp, chết máy, tài xế sẽ rất khó xoay xở.

Trong khi đó, theo Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN5729:2012, dọc cao tốc nên xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường.

Cụ thể, cứ khoảng 15-25 km có một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Vị trí chỗ dừng xe có thể được chọn xa đường từ vài chục mét đến hàng trăm mét.

Trong khoảng 50-60 km có một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); cứ khoảng 120-200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở đang lên kế hoạch xây dựng trạm dịch vụ trên cao tốc. Trước mắt, tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu xây hai trạm ở đầu Vân Đồn và Móng Cái.

* Chinhphu.vn (23/8): Hội đồng Tư vấn đặc xá họp xét duyệt hồ sơ đặc xá năm 2022

Chiều 23/8, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng Tư vấn đặc xá họp xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đợt 2/9/2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá, chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá, Trưởng Ban chỉ đạo đặc xá Bộ Công an, cùng các thành viên của Hội đồng Tư vấn đặc xá.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết đợt đặc xá năm 2022 là lần thứ 9 kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đặc xá năm 2009. Qua 8 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, Nhà nước Việt Nam đã đặc xá cho 90.000 người.

Riêng trong đợt đặc xá năm 2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá cho 3.035 người, trong đó có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.

Qua theo dõi, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lượng thiện; tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp (tính đến nay, có 2 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm 0,06%).

Công tác đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây ra.

Nhằm tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, đồng thời khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, ngày 1/7/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 766/2022/QĐ-CTN về đặc xá năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022).

Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, các bộ, ban, ngành liên quan và thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá đã khẩn trương chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022, các mặt công tác đều được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, thời gian qua, các Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng Tư vấn đặc xá và các tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá thuộc các bộ, ngành (Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) đã tiến hành kiểm tra, thẩm định gần 3.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thuộc Bộ Công an và các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý.

Để việc xét, duyệt danh sách bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hội đồng Tư vấn xem xét từng trường hợp đề nghị đặc xá với quy trình chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để công tác đặc xá và hậu đặc xá năm 2022 đạt kết quả tốt, các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm  của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân chung tay giúp người được đặc xá xóa bỏ mặc cảm tội lỗi; tránh kỳ thị đối với người được đặc xá, đồng thời làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về với cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế-xã hội quan tâm, giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Sau cuộc họp này, Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá đợt 2/9/2022 để xem xét quyết định./.

* Vtv.vn (21/8): Thủ tướng: Các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý những vấn đề cấp bách của ngành y tế

Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Bộ Y tế tổ chức. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Bộ Y tế với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế… Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng đề nghị phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Làm việc phải thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật".

Thủ tướng yêu cầu tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập; triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung, dài hạn.

Đặc biệt, mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, trước mắt tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19, các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi, phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế, trực tiếp là Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp; khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế; đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; tập trung phát triển công nghiệp dược...

* Vtv.vn (21/8): Vì sao chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, dù Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng, nhưng kết quả là ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này.

Theo báo Tiền phong, khoản vay ưu đãi 40.000 tỷ đồng chỉ bằng 1/10 dư nợ cho vay của toàn hệ thống. Như vậy, cứ 10 doanh nghiệp, chỉ có 1 doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi này và ngân hàng phải lựa chọn kỹ để tránh cho vay chưa đúng đối tượng.

Báo Đại biểu Nhân Dân cho rằng, việc chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng gói hỗ trợ này đang khát vốn. Nếu được hỗ trợ kịp thời, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, như vậy mới có cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tờ Thời báo tài chính dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải thích hạn mức tín dụng (room) là một công cụ hành chính, kinh nghiệm của nhiều nước có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm cũng có lúc phải sử dụng công cụ hành chính để điều hành.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn từ 2001 - 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, bình quân trên 30% một năm, kỷ lục lên đến 51,54% trong năm 2006. Hệ quả là Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có việc phải đưa ra hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát các rủi ro từ việc ngân hàng cho vay quá nhiều.

Ngân hàng Nhà nước thận trọng vì lo ngại lạm phát và nợ xấu gia tăng, nhưng trong bản kiến nghị do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng cho hay, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp tình trạng khó vay vốn ngân hàng.

Tờ Đại biểu Nhân dân chỉ ra 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó vay: một là quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo thấp; hai là dòng tiền của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định nên về cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi, vốn vay trung và dài hạn; ba là các ngân hàng không còn hạn mức tín dụng.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản. Trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh hỗ trợ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Nếu những doanh nghiệp này phá sản thì hậu quả là rất nặng nề.

Dẫn số liệu gần 1,1 triệu tỷ đồng thu ngân sách nhưng chính sách tài khóa không thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, trong khi chiến lược lâu dài cho ổn định vĩ mô là lấy ngắn nuôi dài, phải hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu về sau, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp bình luận đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần định vị lại mục tiêu lạm phát, dùng chính sách tài khóa kết hợp nhuần nhuyễn với chính sách tiền tệ đưa câu chuyện bơm vốn cho doanh nghiệp được thông suốt.

Nhiều tờ báo chuyên viết về kinh tế nhận định việc nới trần tín dụng không nên tiến hành đồng loạt, những ngân hàng thực hiện tốt việc cho vay vào lĩnh vực ưu tiên nên xem xét cho nới sớm, đồng thời cũng cần kiểm soát kỹ dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán.

Nhấn mạnh tinh thần nhìn thẳng vào thực tiễn để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc hỗ trợ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ngay cuối tháng này phải tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ, ngành liên quan, bên cạnh đó cần sớm thành lập một số đoàn công tác tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, theo tờ Thời báo Ngân hàng.

* Vtv.vn (21/8): Tinh giản biên chế theo kiểu cơ học xảy ra ở nhiều địa phương?

Những kết quả đạt được vẫn là khá khiêm tốn khi việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học, thậm chí hình thức.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017 - 2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng. Tinh giản biên chế đã tạo bước đột phá quan trọng, giúp cho bộ máy giảm cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách.

Nhưng những kết quả đạt được vẫn được coi là khá khiêm tốn khi việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học, thậm chí hình thức.

Cả hệ thống chính trị hiện nay đã giảm 262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn còn nhiều điều chưa thể hài lòng. Vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh, nên việc xây dựng đề án kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm, một số bộ ngành địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức theo vị trí việc làm. Thực trạng này dẫn tới tình trạng bộ máy của nhiều đơn vị vẫn còn cồng kềnh, chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đã đề ra.

Giảm cơ học có thể hiểu là chủ yếu mới tinh giản những người đến tuổi nghỉ hưu và xin về hưu trước tuổi, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy. Câu chuyện này xảy ra ở nhiều địa phương, ban ngành.

Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ thừa nhận, việc tinh giản được thực hiện trong bối cảnh vừa làm vừa hoàn thiện thể chế. Ngay cả vấn đề vị trí việc làm, mặc dù chúng ta đã triển khai một thời gian tương đối dài, nhưng do cách tiếp cận chưa thật sự đúng hướng và khoa học để bố trí người theo vị trí việc làm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chúng ta cũng chưa có điều kiện thực hiện được, vì thế nói tinh giản biên chế mới chỉ là giảm cơ học cũng phù hợp với kết quả thực tiễn.

Và theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chính sự cào bằng cơ học này dẫn đến tinh giản biên chế tinh nhưng chưa gọn. Bởi nhiều khi thu gọn đầu mối nhưng vẫn chưa tinh giản được một cách rõ rệt, vẫn là phép cộng cơ học, cho nên, có những cơ quan, bộ, ngành, có những tỉnh, thành, tổng biên chế vẫn không thay đổi, mặc dù đầu mối giảm đi.

Ông Lê Như Tiến cho biết, đã từng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Bộ Nội vụ và các cơ quan nội vụ của các cấp có tổng kết quá trình thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế để xem xét hiệu quả đến đâu, có thực sự giúp thu gọn đầu mối và tinh giản được biên chế không.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tinh giản biên chế nhưng vẫn phải đáp ứng được số người làm việc trong nền hành chính hiện nay trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế, là việc khó, cần nhiều thời gian.

Bởi theo nữ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cùng lúc chúng ta phải giải quyết hai bài toán, vừa thực hiện mục tiêu giảm biên chế, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả tinh gọn để đáp ứng được hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, đơn vị sự nghiệp nói riêng, là một vấn đề còn khó khăn. Việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả, khung năng lực, vị trí việc làm của công chức, viên chức vẫn còn rất chậm, kỷ cương, kỷ luật của một số địa phương, đơn vị về quản lý công chức, viên chức còn chưa tốt.

* Vtv.vn (21/8): Bình Dương hỗ trợ đặc biệt cho nhân viên y tế, giáo dục

Ngày 20/8, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 4198 do ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này ký về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 103 của Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các địa phương thông báo, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc diện được hưởng; triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai và đúng đối tượng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ hỗ trợ cho UBND tỉnh và các bộ, ngành theo quy định. Sở Tài chính phải kịp thời bố trí, bổ sung kinh phí theo đúng quy định.

Mức hỗ trợ một lần là 3,7 triệu đồng/người, áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ; hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Trong lĩnh vực y tế, quyết định điều chỉnh mức lương đối với nhân viên đang làm việc hợp đồng theo Nghị định số 68 của Chính phủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Mức lương theo tháng cụ thể đối với trình độ thạc sĩ, chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú là 6,037 triệu đồng; trình độ đại học là 5,61 triệu đồng; trình độ cao đẳng là 5,38 triệu đồng; trình độ trung cấp là 5,14 triệu đồng; trình độ sơ cấp đã qua đào tạo nghề là 5 triệu đồng.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Vtv.vn (21/8): Vì sao người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến?

 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở các tỉnh, thành mới chỉ đạt hơn 2 triệu hồ sơ, chiếm 1/5 tổng số hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nguyên nhân phản ánh từ người dân là việc thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt như với một số dịch vụ thiết yếu, đăng ký khai sinh, đăng ký tạm trú, người dân thao tác còn khá là vất vả.

Thủy ở Hà Nội trải nghiệm đăng ký dịch vụ khai sinh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Khi nộp hồ sơ, chị thấy có hai vấn đề đang vướng. Thứ nhất, thông tin phải nhập bị lặp đi lặp lại nhiều lần vì vậy quá trình nhập thông tin có thể bị sai lệch. Thứ hai, phần yêu cầu nộp giấy tờ nhưng câu từ khó hiểu, dài dòng khiến chị không biết phải nộp giấy tờ gì.

Tại hội nghị về cải cách hành chính tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá: Việc liên thông trong thanh toán dịch vụ về đất đai của thành phố lớn nhất cả nước còn quá chậm so với nhiều địa phương khác.

Để tăng tỷ lệ dùng dịch vụ công trực tuyến, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực" . Đặc biệt, để thu hút người dùng với các dịch vụ công trực tuyến, việc thực hiện thủ tục hành chính cần phải đơn giản, dễ hiểu và người dùng nhanh chóng nhận được kết quả.

Hiện một số thành phố lớn đã được chọn làm thí điểm thực hiện đề án 06 của Chính phủ, với trọng tâm từ nay đến cuối năm sẽ số hóa hoàn toàn 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Việc triển khai được Chính phủ yêu cầu phải triển khai đồng bộ, tránh mạnh địa phương nào địa phương đấy làm với mục đích cuối cùng đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dùng một cách hiệu quả và tốt nhất.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Baotintuc.vn (20/8): Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh​, chỉ còn tương đương hơn 43% GDP

Theo bản tin nợ công số 14 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP. Cùng với đó nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần.

Cụ thể, mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.

Nợ Chính phủ cũng giảm từ tỷ lệ 51,7% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 còn 39,1% GDP. Nợ Chính phủ bảo lãnh từ 9,1% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 là 3,8% GDP. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 vào khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia tính đến hết năm 2021 giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP.

Tính đến năm 2021, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2 %, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vào khoảng 21,8%.

Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2021 được tính trên cơ sở GDP năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Đáng chú ý là nợ nước ngoài giảm đi còn nợ trong nước tăng lên, đến hết năm 2021, nợ vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng; nợ vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến năm 2021 chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản hơn 316 nghìn tỷ, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 32 nghìn tỷ đồng, 30 nghìn tỷ đồng và 14 nghìn tỷ đồng.

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 380 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với hơn 188 nghìn tỷ đồng...

* Tienphong.vn (21/8): Cần Thơ còn hơn 5 nghìn tỷ đồng cần giải ngân

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, tính đến ngày 15/8, tỷ lệ giải ngân của thành phố là 29,1%. Trong đó, 33 chủ đầu tư cấp thành phố đạt 20,2%; còn 9 chủ đầu tư quận/huyện đạt 58,4%.

Tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt thấp so với tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc. Mặc dù Chủ tịch UBND TP đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng kết quả công tác triển khai thực hiện các dự án, công trình nhìn chung còn rất chậm.

Thời gian còn lại trong năm 2022 không còn nhiều, trong khi khối lượng và số vốn cần giải ngân còn rất lớn (trên 5 nghìn tỷ đồng). Hiện một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hoàn tất hồ sơ tổ chức lựa chọn nhà thầu triển khai dự án, công tác bàn giao mặt bằng chưa đảm bảo tiến độ thi công ở một số công trình…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, chủ tịch UBND quận/huyện tổ chức kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề ra biện pháp khắc phục ngay và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ.

Trong đó, khắc phục ngay các nguyên nhân chậm giải ngân, đảm bảo kết quả giải ngân của đơn vị mình đạt trên 95% kế hoạch vốn giao năm 2022. Trường hợp không đạt thì thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.

Giám đốc Sở KH&ĐT theo dõi, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền điều chuyển vốn nội bộ, điều chuyển vốn sang đơn vị và dự án giải ngân tốt, đảm bảo hiệu quả và tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.

Phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát khả năng cân đối nguồn vốn, nghiên cứu đề xuất phương án tạm dừng/cắt giảm các dự án chưa thật cấp bách trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên cân đối vốn các dự án trọng điểm , cấp bách theo chủ trương của trung ương và lãnh đạo thành phố.

Giám đốc các sở KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, Công Thương, NN&PTNT, TN&MT, Chủ tịch UBND quận/huyện tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư, tiến độ thi công các gói thầu, tăng tỷ lệ giải ngân…

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

* Vtv.vn (21/8): Phú Yên: Hiệu quả từ mô hình khai hoang đất, chia ruộng cho người nghèo

Những diện tích đất hoang hóa của tỉnh Phú Yên trở thành những cánh đồng lúa trĩu hạt nhờ mô hình khai hoang đất chia cho người nghèo cùng làm lúa nước.

Cánh đồng lúa nước rộng 25ha ở buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Tận tay cắt những bông lúa đã chín trên 1,2 sào lúa nước được chính quyền chia ruộng canh tác vụ đầu tiên, Ma Giá tin rằng bắt đầu từ nay, ông và người những hộ nghèo khác ở các buôn trong xã đã ổn định được lương thực tại chỗ quanh năm.

1 năm trước, 18 hộ dân canh tác 25ha đất trồng sắn và hoa màu kém hiệu quả nằm vùng bán ngập nước thủy điện sông Ba Hạ được Đảng ủy và chính quyền xã Ea Lâm vận động người hiến đất để san ủi, cải tạo, chuyển đổi sang trồng lúa nước theo Nghị quyết xóa đói, giảm nghèo của huyện. Mỗi ha được hỗ trợ 1 triệu đồng để thuê máy san ủi thành ruộng.

Từ diện tích này, xã đã chia ruộng cho 104 hộ gia đình nghèo trong buôn. Hộ hiến đất được chia diện tích lớn hơn. Hộ nghèo không có đất được chia từ 1 - 1,5 sào lúa nước. Người dân ở xã còn tự nguyện hiến 2ha đất để tỉnh đầu tư trạm bơm, hệ thống thủy lợi và đường nội đồng ngay trên vùng đất này.

"Giờ mình có đất, mình chia cho dòng họ mỗi người một sào. Mình có mà dòng họ mình nghèo không có ruộng làm cũng không được'', ông K'So Y Trương, người dân xã Ea Lâm chia sẻ.

Trên cánh đồng này, sản lượng nông dân thu được 70 tạ/ha. Huyện tiếp tục vận động người dân khai hoang và chia ruộng cho thêm nhiều hộ nghèo trong dòng tộc cùng làm. Dự kiến sắp tới, chỉ riêng Ea Lâm sẽ khai hoang thêm 22ha lúa nước chia cho dân cùng làm.

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Vtv.vn (20/8): Quảng Trị: Một Chủ tịch UBND phường bị cách chức

UBND TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vừa công bố quyết định số 1728 về việc kỷ luật cách chức đối với ông Hoàng Nhật Thi, Chủ tịch UBND phường 2.

Lý do kỷ luật là ông Hoàng Nhật Thi không làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước địa phương, buông lỏng trong quản lý, không chỉ đạo, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về pháp luật đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn, gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động ra ngoài phạm vi nội bộ địa phương.

* Thanhtra.com.vn (20/8): Hàng loạt gói thầu được chia nhỏ để “lách” Luật Đấu thầu?

Hàng loạt gói thầu cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (ĐHSKĐA) TP Hồ Chí Minh chi từ nguồn vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được lãnh đạo trường chia nhỏ ra hàng chục gói dưới 100 triệu đồng. Không những thế, trong quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu và thanh quyết toán có nhiều bất thường.

Chia nhỏ gói thầu để “lách” Luật Đấu thầu?

Năm 2019, 2020, Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh thực hiện 41 gói thầu cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất với tổng giá trị 3.384.000.000 đồng với 2 nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết kế Xây dựng Phương Nam (thực hiện 32 gói thầu); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Trần Gia (thực hiện 9 gói thầu).

Trong 41 gói thầu này, có 40 gói được Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh chia nhỏ, có giá dưới 100 triệu đồng với cùng nội dung, tính chất công việc, khoảng thời gian gần nhau và thực hiện chỉ định thầu dựa trên các báo giá thấp nhất của chính các nhà thầu.

Ngoài ra, trường áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói thầu cải tạo thư viện tầng 10 nhà B có giá 211.819.000, thực hiện chỉ định thầu là không đúng quy định Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cụ thể, năm 2019, Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh thực hiện 11 gói thầu cải tạo, sửa chữa có tổng giá trị hơn 987 triệu đồng (tháng 1/2019: Có 2 gói thầu, tổng giá trị 298 triệu; tháng 8/2019: Gói giá trị 60 triệu; tháng 11/2019: 5 gói tổng giá trị 373 triệu; tháng 12/2019: 3 gói thầu, tổng giá trị 255 triệu đồng).

Năm 2020, trường thực hiện 30 gói thầu, với số vốn gần 2,4 tỷ (tháng 3/2020: 1 gói thầu, giá trị 93 triệu; tháng 4/2020: 4 gói, tổng giá trị 276 triệu; tháng 5/2020: 3 gói thầu, 236 triệu; tháng 6/2020: 4 gói giá 308 triệu; tháng 7/2020: 6 gói có giá 488 triệu; tháng 8/2020: 4 gói thầu tổng giá 262 triệu; tháng 11/2020: 3 gói thầu có giá trị 250 triệu đồng).

Bên cạnh đó, 41 gói thầu này, trường không thực hiện việc khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng toàn bộ cơ sở vật chất, không lập kế hoạch đầu tư sửa chữa cải tạo tổng thể (hoặc giai đoạn), không có bản vẽ thiết kế cải tạo, không có bản vẽ hoàn công...

Trường cũng không tổ chức lập dự toán, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thực hiện không đúng quy định về cải tạo, sửa chữa tài sản là không đúng quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Trong đó, 38 gói thầu do ông Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng ký hồ sơ (giai đoạn từ trước tháng 9/2020) và 3 gói do ông Đinh Quang Trung, quyền Hiệu trưởng ký hồ sơ (tháng 11/2020).

Điều bất thường, những gói thầu này đều có giá dưới 100 triệu, cùng tính chất cải tạo, sửa chữa công trình dân dụng tập trung vào 3 khu nhà A, B, C và có khoảng thời gian gần nhau. Phải chăng lãnh đạo Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh cố tình chia chỏ gói thầu để “lách” Luật Đấu thầu? Liệu có dấu hiệu trục lợi tài chính ở đây hay không?

Theo luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật GLaw, Khoản 3, Điều 33 và Điểm k, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án và quy mô gói thầu hợp lý. Một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là chia dự án các gói thầu trái với quy định của luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Tại Nghị định số 58/2008/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm “không chia nhỏ gói thầu để tổ chức chỉ định thầu"…

Theo thông tin chúng tôi có được, một số gói thầu cải tạo, sửa chữa công trình ở Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh đã thi công xong, một số đã thanh toán và tạm ứng nhưng hồ sơ thủ tục kế toán hoàn toàn bất hợp lý. Một số hồ sơ có chữ ký nhưng không đóng dấu hoặc hồ sơ được ký, đóng dấu nhưng không có số văn bản, ngày tháng. Đồng thời trường cho đơn vị thi công tạm ứng trước khi ký hợp đồng, chưa thu hồi tạm ứng khi đã nghiệm thu, thanh toán và đơn vị thi công đã hoàn thành công việc, có nghiệm thu, có khối lượng thanh toán nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thanh quyết toán.

Những điều này trái với Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; trái với Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị là ông Vũ Ngọc Thanh - Hiệu trưởng giai đoạn từ tháng 8/2020 trở về trước; ông Đinh Quang Trung - quyền Hiệu trưởng từ tháng 9/2020 đến nay và trách nhiệm của ông Nguyễn Anh Tuấn - Kế toán trưởng. Đồng thời, có phần trách nhiệm của bộ phận tham mưu là Phòng Hành chính - Tổng hợp.

Theo tìm hiểu, ngoài 41 gói thầu năm 2019 và 2020, ngày 7/5/2021, ông Đinh Quang Trung, quyền Hiệu trưởng đã ký Quyết định 89/QĐ-SKDAHCM phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu thi công xây lắp công trình sửa chữa khu nhà B và hệ thống phòng cháy chữa cháy có giá trị 7.939.664.253 đồng; đơn vị trúng thầu tiếp tục là Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết kế Xây dựng Phương Nam. Tuy nhiên, gói thầu này không được công khai trên mạng đấu thầu.

Theo Điều 8 Luật Đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) là một trong những thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Nội dung thông báo KQLCNT bao gồm tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng, danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn. Tuy nhiên, Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh dù đăng thông báo mời thầu, nhưng lại “quên” đăng KQLCNT.

Khi chúng tôi đề cập cung cấp thông tin về dự án này, ông Trung cho biết, dự án này nhà trường thuê trọn gói. Đơn vị được Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh thuê là Ban Quản lý Dự án Miền Trung (trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

“Hồ sơ có ở trường nhưng hiện nay mình không thể công khai, cái này thuộc hồ sơ tài liệu để sau này mình trình cho Vụ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch - PV). Cái này nhà trường không đứng ra tổ chức đấu thầu, mình thuê trọn gói Ban Quản lý Dự án Miền Trung từ khâu tư vấn, mời thầu, chào thầu…”.

* Nhandan.vn (23/8): Phạt 5 năm tù vì tham ô tài sản

Ngày 23/8, Tòa án nhân dân huyện Tân Phước (Tiền Giang) đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù giam đối với bị cáo Trang Thị Cẩm Nhung, sinh năm 1988, ngụ xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước về tội “tham ô tài sản” xảy ra tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tân Phước.

Theo cáo trạng, từ tháng 8/2019 đến 12/2020, Nhung là nhân viên tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tân Phước và được phân công phụ trách lĩnh vực chính sách người có công kiêm thủ quỹ đơn vị, quản lý Nhà bia ghi tên liệt sĩ, công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng kế hoạch và các chương trình hành động bảo vệ trẻ em…

Trong quá trình công tác, Nhung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện 13 lần chiếm đoạt của 27 người được hưởng chế độ người có công với số tiền hơn 381 triệu đồng.

Để thực hiện hành vi trên, Nhung đã không gửi giấy báo lĩnh tiền cho người nhận tiền mà giả chữ ký, viết họ tên người nhận tiền trong danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi một lần, hoàn chỉnh thủ tục giao cho kế toán để quyết toán với Kho bạc theo quy định. Nhung nhận tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện Tân Phước và chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân.

* Tuoitre.vn (22/8): Khai trừ Đảng giám đốc CDC Tiền Giang do liên quan Việt Á

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang vừa kết thúc kỳ họp thứ 6. Tại kỳ họp này, ủy ban đã thống nhất thi hành kỷ luật bằng hình thức "khai trừ" đối với 4 đảng viên thuộc Đảng ủy CDC Tiền Giang do đã nhận "quà' từ Công ty Việt Á.

Theo đó, bên cạnh những mặt làm được, trong quá trình mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang (CDC Tiền Giang) cũng còn có những hạn chế thiếu sót nhất định như để đơn vị thực hiện một số gói thầu có sai sót về trình tự thủ tục; công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, yêu cầu đảng viên nộp lại quà tặng.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin CDC một số tỉnh thành có liên quan đến việc vi phạm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Đảng ủy CDC tỉnh đã có yêu cầu, "động viên" nếu có cá nhân nào nhận quà từ Công ty Việt Á phải trung thực khai báo và nộp lại.

Do đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với Đảng ủy CDC.

Đối với các cá nhân liên quan, có vi phạm trong việc nhận quà (tiền) từ nhân viên của Công ty Việt Á nhưng không khai báo và nộp đúng quy định, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất thi hành kỷ luật bằng hình thức “khai trừ” đối với 4 đảng viên.

Đó là ông Nguyễn Ngọc Chơn - bí thư Đảng ủy, giám đốc CDC Tiền Giang; ông Võ Thanh Bình - đảng ủy viên, bí thư chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang; ông Triệu Vương Tuyền - chi ủy viên chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang và ông Đặng Minh Uy - đảng viên chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang.

Bên cạnh đó, với vai trò tỉnh ủy viên, đảng ủy viên Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, bí thư Đảng ủy Sở Y tế, ông Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế - chưa thật sự kiểm tra sâu sát, quyết liệt và ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách, dẫn đến cấp dưới vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với ông Trần Thanh Thảo bằng hình thức "khiển trách".

THẾ GIỚI

* Tuoitre.vn (23/8): Ukraine cảnh báo 'phản ứng mạnh mẽ' nếu Nga tấn công dịp Quốc khánh

Ngày 23-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Ukraine sẽ "phản ứng mạnh mẽ" nếu quân Nga tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Ukraine dịp Quốc khánh Ukraine (24-8) - ngày đánh dấu 31 năm Ukraine tách khỏi Liên Xô năm 1991.

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Zelensky cho rằng Nga có thể thử làm "điều gì đó đặc biệt xấu" trong dịp Quốc khánh Ukraine.

Tại cuộc họp báo với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (đang có chuyến thăm tại Ukraine), khi được hỏi về khả năng Nga tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev, ông Zelensky nói Ukraine đối diện với các mối đe dọa tấn công hằng ngày và lực lượng tình báo Ukraine đang hợp tác với tình báo nước ngoài.

"Nga sẽ tăng số lượng các cuộc tấn công hay không? Vâng, họ có thể làm điều đó vào ngày 23 và 24-8" - ông Zelensky nói ngày 23-8.

Ông cho biết: "Ukraine sẽ làm gì nếu họ tấn công Kiev? Cũng giống như bây giờ. Bởi vì đối với tôi với tư cách là tổng thống và đối với mọi người Ukraine, Kiev, Chernihiv hay Donbass đều như nhau. Người Ukraine sống ở những nơi đó".

Cụ thể, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng phản ứng của Ukraine sẽ giống nhau khi bất kỳ thành phố nào của Ukraine bị Nga tấn công.

"Nếu họ tấn công chúng tôi, họ sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng này sẽ lớn hơn và ngày càng mạnh mẽ hơn" - ông Zelensky tuyên bố, nhưng không nói rõ phản ứng mạnh mẽ gồm những gì.

Trong diễn biến liên quan, theo Hãng tin Tass, ngày 23-8 phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói cơ hội Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO là "bằng 0" nhờ vào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

* Vtv.vn (20/8): Đức tung gói hỗ trợ hàng chục tỷ USD để chống lạm phát

Chính phủ Đức đang xem xét triển khai thêm một gói hỗ trợ trị giá hàng chục tỷ USD để chống lạm phát.

Gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp dành cho hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như viện trợ kinh tế có trọng điểm cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.

Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7 vừa qua trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa Đông.

Hồi đầu năm nay, Chính phủ Đức đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ euro để giúp người tiêu dùng ứng phó với lạm phát, bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu và phát hành vé giao thông công cộng giá rẻ dùng từ tháng 6 đến tháng 8.

* Vtv.vn (20/8): Người dân Mỹ sẽ tự chi trả phí liên quan COVID-19

Sau gần 3 năm được chính phủ tài trợ, người dân Mỹ sẽ phải tự chi trả các khoản phí tiêm vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19.

Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ dự kiến sẽ họp vào cuối tháng này để thảo luận về biện pháp mới. Cuộc họp sẽ có sự tham dự của các bên liên quan lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, trong đó đại diện của các chuỗi nhà thuốc, cơ quan y tế các bang và các nhà sản xuất thuốc sẽ thảo luận để vạch ra lộ trình và các quy định về quản lý để thực hiện chuyển đổi trên.

Quy trình thương mại hóa này được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng mới hoàn tất. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để đảm bảo 30 triệu người Mỹ chưa có bảo hiểm vẫn có thể tiếp cận vaccine và các biện pháp điều trị. Giá bán thương mại của các loại vaccine và thuốc chữa COVID-19 được cho là sẽ cao hơn giá mà chính phủ liên bang chi trả.

* Tuoitre.vn (24/8): Tin thế giới 24-8: Tên lửa Ấn Độ bắn vào Pakistan do...nhầm; Kho đạn Nga lại phát nổ

Kho đạn Nga gần biên giới Ukraine tự phát nổ vì nắng nóng; Phương Tây gửi thêm vũ khí mới cho Ukraine; Ba sĩ quan Ấn Độ mất chức vì vụ phóng nhầm tên lửa; Twitter bị tố che giấu yếu kém trong bảo mật,...là một số tin tức thế giới đáng chú ý.

* Phương Tây viện trợ khủng cho Ukraine trong Ngày độc lập. Ngày 24-8, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là một quan chức Mỹ tiết lộ Washington sắp công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 3 tỉ USD cho Kiev. 

Đức, một đồng minh của Mỹ trong NATO, cũng công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu euro trong cùng ngày. Tuy nhiên theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, số vũ khí này sẽ không được giao ngay mà sẽ được chuyển vào năm 2023.

Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố gói viện trợ này trong ngày hôm nay 24-8, cùng ngày Ukraine kỷ niệm 31 năm Ngày độc lập và 6 tháng Nga đưa quân vào Ukraine dưới danh nghĩa "chiến dịch quân sự đặc biệt". Theo Reuters, đây sẽ là gói viện trợ quân sự lớn nhất mà Mỹ dành cho Ukraine nếu tính theo từng đợt từ ngày 24-2 đến nay.

* Kho đạn Nga gần biên giới Ukraine lại tự phát nổ. Ông Vyacheslav Gladkov - tỉnh trưởng vùng Belgorod, cho biết người dân gần làng Timonovo đã được sơ tán sau khi một kho đạn ở vùng này bất ngờ phát nổ ngày 23-8.

Một quan chức địa phương cho biết nguyên nhân là do nhiệt độ cao và không có ai bị thương trong vụ việc. Tuần trước, người dân ở làng Timonovo và làng Soloti cách Ukraine 15 km cũng được sơ tán sau khi một kho chứa đạn dược gần đó bốc cháy. 

Hiện chưa rõ hai vụ trên có xảy ra ở cùng một kho đạn hay không. "Trong vài tháng nữa, chúng ta sẽ được kiểm chứng liệu kho đạn của Nga có nổ vì giá lạnh hay không", Bộ Quốc phòng Ukraine nói đầy ẩn ý trong bài viết đăng trên Twitter ngày 23-8.

* Mỹ xử hai người kích động "Cách mạng Mỹ lần hai". Ngày 23-8, một bồi thẩm đoàn của Mỹ đã kết tội hai người đàn ông bị cáo buộc âm mưu kích hoạt "Cuộc cách mạng Mỹ lần hai" bằng cách bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer. 

Phán quyết đối với Adam Fox, 39 tuổi và Barry Croft Jr., 46 tuổi, được đưa ra khoảng 4 tháng sau khi một thẩm phán liên bang ở Grand Rapids (Michigan), tuyên bố có sai phạm trong quá trình tố tụng.

Cả hai bị bị cáo, được cho là thành viên của nhóm dân quân Three Percenters, cũng bị kết tội âm mưu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hiện ngày kết án vẫn chưa được ấn định.

* Các đại diện của Liên Hiệp Quốc sắp đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ngày 23-8, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết phái đoàn của cơ quan này sắp đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine hiện do Nga kiểm soát.

Cũng theo ông Grossi, quá trình tham vấn và đàm phán giữa IAEA với các bên đang rất tích cực. Nếu thành công, người của cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ đến nhà máy Zaporizhzhia "trong vài ngày tới". Nga và Ukraine đều cáo buộc phía bên kia đã pháo kích vào khu vực quanh nhà máy làm dấy lên lo ngại một thảm họa hạt nhân tương tự vụ Chernobyl năm 1986.

* Twitter bị người cũ tố, thêm bằng chứng có lợi cho Elon Musk. Cựu giám đốc an ninh của Twitter, ông Peiter Zatko, vừa lên tiếng tố mạng xã hội này đã đánh lừa các cơ quan quản lý liên bang Mỹ về các biện pháp phòng thủ đối với tin tặc và tài khoản ảo.

Trong đơn khiếu nại dài 84 trang công bố ngày 23-8, Zatko - một hacker nổi tiếng được biết đến rộng rãi hơn với cái tên "Mudge", cáo buộc Twitter đã đưa ra các tuyên bố sai lệch khiến nhiều người tin rằng mạng xã hội này có hệ thống bảo mật chắc chắn.

Theo Reuters, đơn tố cáo có thể trở thành bằng chứng có lợi cho tỉ phú Musk, người tuyên bố sẽ mua lại Twitter với giá hơn 44 tỉ USD nhưng sau đó rút lui vì cho rằng Twitter đầy tài khoản ảo.

* Iran bớt nêu yêu sách với Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân. Theo Reuters ngày 23-8, chính quyền Tehran đã thông báo với Mỹ sẽ từ bỏ bớt một số yêu sách để đổi lấy việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1.

Các yêu sách này bao gồm Mỹ phải loại lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách khủng bố và các cuộc thanh tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc ở một số địa điểm. Một quan chức Mỹ tiết lộ Washington sẽ sớm hồi đáp động thái của Tehran thông qua các trung gian hòa giải của Liên minh châu Âu.

* Ba quan chức Ấn Độ mất ghế vì "ấn nhầm" nút phóng tên lửa vào Pakistan. Ngày 23-8, lực lượng không quân Ấn Độ thông báo đã sa thải ba sĩ quan vì vô tình bắn tên lửa hành trình vào Pakistan, một quốc gia đối địch với Ấn Độ và có vũ khí hạt nhân. 

Đây là kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của New Delhi, được tiến hành sau khi một tên lửa không có đầu đạn BrahMos được phóng từ một căn cứ quân sự bí mật ở miền bắc Ấn Độ hồi tháng 3 vừa qua. Tên lửa sau đó rơi xuống lãnh thổ Pakistan, cách biên giới Ấn Độ khoảng 125 km và may mắn không gây ra thiệt hại gì.

* Tây Ban Nha bắt các lò mổ lắp camera để bảo vệ quyền lợi động vật. Các lò mổ của Tây Ban Nha sẽ phải cài đặt video giám sát để đảm bảo động vật không bị ngược đãi trước khi bị giết, Reuters trích quy định được công bố ngày 23-8 cho biết.

"Quy định này sẽ đưa Tây Ban Nha đi đầu ở châu Âu, đảm bảo quyền lợi của động vật trong quá trình chúng đi qua các lò mổ, đồng thời cải thiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng", Bộ trưởng Bộ Tiêu dùng Alberto Garzon giải thích. Quy định mới cần được Quốc hội Tây Ban Nha thông qua trước khi có hiệu lực./.

Xem nội dung chi tiết Tại đây