Ảnh hưởng của điện năng đến môi trường tự nhiên và xã hội như thế nào

Thứ hai,21/07/2008 00:00

Xem với cỡ chữ

Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, nhưng việc phát triển các nguồn năng lượng lại tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường. Đây là một vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những chính sách năng lượng hợp lý nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển, đồng thời giảm đến mức tối đa nhữngï tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Phát triển năng lượng và tác động đến môi trường

Thực trạng môi trường hiện nay đang đe doạ sự sống của loài người. Khí hậu trái đất đang nóng lên, tầng ôzôn có tác dụng ngăn tia tử ngoại bị thủng, tài nguyên dần cạn kiệt, cân bằng sinh thái bị phá vỡ làm thiên tai gia tăng, nhiều vùng đất bị sa mạc hoá, nhiều vùng ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm do sự tan băng ở hai cực, sức khoẻ con người bị ảnh hưởng… Thủ phạm gây nên tình trạng này không ai khác là con người. Còn những tác nhân thì vô cùng đa dạng: Từ sự nghèo khổ cùng cực đến sự giàu có xa hoa, từ sự bùng nổ dân số trong thế giới thứ ba đến việc hiện đại hoá đô thị ở các nước công nghiệp. Suốt một thời gian dài, trái đất như một con bò sữa mà con người chỉ tìm cách vắt đến giọt sữa cuối cùng trong khi thiếu sự quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng cho nó. Và bây giờ, cả loài người đang phải trả giá.

Việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng luôn gắn liền với sự phát triển của loài người. Năng lượng là nhu cầu không thể thiếu của con người, góp phần nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống. Điện năng có mối liên hệ nhiều mặt với nền văn minh: Chiếu sáng, điều hoà không khí, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, phương tiện làm việc, tiện nghi sinh hoạt... Điện năng cũng là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm tăng trưởng kinh tế và tiến bộ khoa học, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Than, dầu khí là nguồn nhiên liệu thiết yếu cho công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Thế nhưng việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường và hệ sinh thái xem bảng 1.

Cho đến nay, chưa có nguồn năng lượng nào là không ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng chúng ta không thể ngừng sản xuất năng lượng để giữ cho môi trường sạch sẽ. Trái lại, sự tồn tại và phát triển của con người đòi hỏi nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao. Chính vì thế, việc nghiên cứu so sánh nhằm lựa chọn một cơ cấu năng lượng vừa có tính khả thi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất vừa gây hậu quả tiêu cực ít nhất là nhiệm vụ số một của quy hoạch năng lượng.

Sự thoát các khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhất là cacbon điôxit CO2 do việc đốt nhiên liệu hoá thạch than, dầu khí đang làm thay đổi đáng kể khí hậu trái đất theo chiều hướng xấu. Một thay đổi lớn là sự nóng lên toàn cầu global warming dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Băng tan ở Bắc cực và Nam cực làm cho mực nước biển dâng cao, thiên tai tàn khốc hơn, hệ sinh thái bị phá vỡ, sức khoẻ con người xấu đi. Theo tài liệu của Hội thảo quốc tế về sự thay đổi khí hậu International Panel on Climate Change do Tổ chức Khí tượng thế giới WMO và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc UNEP tổ chức, cần phải giảm 60-80% lượng khí thải CO2 để giữ tình trạng môi trường như hiện nay. Đối với một số loại khí thải khác cần phải giảm nhiều hơn. Đây là vấn đề cực kỳ khó giải quyết, vì phần lớn lượng khí thải CO2 có nguồn gốc từ hai dạng năng lượng chủ yếu là than đá và dầu khí đóng góp trong sản lượng điện toàn cầu của các nguồn năng lượng như sau: Than đá 39%, dầu mỏ và khí đốt 25%, thuỷ năng 19%, hạt nhân 16% và các nguồn năng lượng mới khoảng 0,5%.

Phát triển điện hạt nhân - Một lựa chọn hợp lý?

Việc giảm khí thải CO2 thông qua các biện pháp năng lượng có ý nghĩa quyết định. Mục tiêu sẽ chú ý hướng vào việc sử dụng nhiều hơn những nguồn năng lượng không đưa CO2 vào môi trường như: Thuỷ năng, năng lượng hạt nhân, các dạng năng lượng mới mặt trời, sức gió, địa nhiệt, thuỷ triều.... Theo dự báo, phần tham gia của các nguồn năng lượng mới vào sản lượng điện trong một vài thập kỷ tới sẽ không vượt quá 3-5%. Nhà máy thuỷ điện sẽ tiếp tục được xây dựng ở một số nước đang phát triển, nhưng không thể mở rộng ở các nước công nghiệp. Nhiều dự án xây dựng thuỷ điện vấp phải sự phản đối quyết liệt do việc xây dựng các công trình năng lượng dạng này chiếm diện tích lớn, gây ra sự di dân, phá rừng, thay đổi trầm tích, mất cân bằng sinh thái.

Do tâm lý “sợ” tạo ra vũ khí hạt nhân, một bộ phận đáng kể dân cư có thái độ quay lưng lại với năng lượng hạt nhân, đặc biệt là sau thảm hoạ hạt nhân Trecnôbưn Ucraina, 1986. Mặc dù vậy, năng lượng hạt nhân vẫn không ngừng phát triển, trở thành nguồn điện năng chủ lực ở nhiều nước xem bảng 2.

Hiện nay, điện hạt nhân cung cấp khoảng 16% tổng sản lượng điện trên thế giới. Nếu lượng điện này được sản xuất từ nhiên liệu là than thì lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ tăng khoảng 9%. Ở nước Anh, nơi 70% sản lượng điện được sản xuất từ than, đã tạo ra lượng khí thải CO2 là 0,78 kg/kWh. Trong khi ở nước Pháp, nơi điện hạt nhân chiếm 78% sản lượng điện, lượng khí thải CO2 tính theo kWh điện nhỏ hơn 10 lần. Tháng 7.1990, Hội nghị cấp cao 7 nước công nghiệp phát triển đã tuyên bố: “Đối với các nước đã lựa chọn, năng lượng hạt nhân tiếp tục góp phần quan trọng vào việc cung cấp năng lượng cho chúng ta và có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự tăng lên của khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Vậy vấn đề nhiễm bẩn phóng xạ của năng lượng hạt nhân thì thế nào? Con người luôn sống trong một môi trường bức xạ. Hàng năm, trung bình mỗi cá nhân nhận được một liều bức xạ có nguồn gốc tự nhiên tia vũ trụ, đất đá, nước uống, thực phẩm… là 2,4 mSv mili sivơ - đơn vị đánh giá mức nguy hiểm bức xạ, trong khi việc sản xuất điện hạt nhân chỉ góp thêm vẻn vẹn có 0,0002 mSv.

Vì tất cả những lý do trên mà nhiều nước đã lựa chọn điện hạt nhân là giải pháp để giải quyết vấn đề năng lượng và mối quan hệ giữa năng lượng với môi trường trong niềm lạc quan tin tưởng rằng thời gian tới khoa học và công nghệ sẽ cho ra đời những nhà máy điện hạt nhân có tính an toàn cao.

Ở nước ta, thuỷ điện đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình điện trên toàn quốc, đảm nhận cung cấp gần 60% sản lượng điện. Nhưng tỷ lệ này tiềm ẩn yếu tố mất an ninh năng lượng. Bình quân điện theo đầu người của chúng ta vẫn còn thấp, nhiều vùng của đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có ánh sáng điện. Nhu cầu năng lượng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cải thiện đời sống nhân dân đang trở nên cấp bách. Việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó có năng lượng nói chung và điện năng nói riêng là tiền đề cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Xây dựng một chính sách năng lượng và một cơ cấu năng lượng hợp lý có ý nghĩa sống còn đối với tương lai đất nước. Việc nhập công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, có tính an toàn cao là một giải pháp phù hợp, bởi lẽ: Chúng ta phải dành một lượng lớn than đá và dầu thô cho xuất khẩu; nguồn dự trữ thuỷ năng không còn nhiều và phân tán; việc sử dụng năng lượng mới vẫn đang sơ khai; và đặc biệt, nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ cân bằng sinh thái đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.


Theo TCHĐKH

Video liên quan

Chủ Đề