Bạch dạ hành nghĩa là gì


Bạch dạ hành

Bạch dạ hành kể về hành trình lớn lên đầy ám ảnh của hai đứa trẻ tiểu học. Điều đáng kinh ngạc là trí tuệ của chúng, một kế hoạch liên hoàn hoàn hảo được vạch ra và thực hiện một cách tinh vi, không chút sơ hở cho đến cuối cùng.

Câu chuyện bắt đầu từ một vụ án mạng. Một ông chủ tiệm cầm đồ bị giết và số tiền lớn mang theo đã biến mất. Nghi phạm được xác định là một phụ nữ, khách hàng thường xuyên tới tiệm cầm đồ của nạn nhân. Một quả phụ, chồng mất sớm phải vất vả nuôi con gái. Và khi mọi nghi vấn đều chỉ về cô ta thì phát hiện cô ta đã chết tại nhà vì ngạt khí gas. Vụ án vì thế đi vào ngõ cụt.

Tuy thế, vụ án ấy không kết thúc với con trai nạn nhân và con gái nghi phạm. Những vụ việc từ đó liên tục diễn ra trong suốt gần 30 năm được sắp đặt một cách tinh vi, hoàn hảo chỉ có thể từ những trí tuệ tuyệt đỉnh. Nhưng đáng tiếc, trí tuệ ấy phục vụ cho cái ác. Nguyên nhân từ đâu đã hủy hoại hai tâm hồn ấy?

Ấu dâm là mảnh ghép cuối cùng của cả bức tranh. Từ ngữ ấy chỉ được nhắc đến đúng một lần trong gần 600 trang sách nhưng đủ sức giải thích cho tất cả. Ấu dâm để lại hậu quả nặng nề, là nguyên nhân của tất cả tội ác sau đó. Nó cướp mất linh hồn trong trẻo của những đứa trẻ, làm méo mó cuộc đời và nhân cách của chúng. Những đứa trẻ là nạn nhân của ấu dâm không bao giờ có thể hạnh phúc dù chúng có tất cả mọi thứ.

Khép quyển sách lại, còn đó những trăn trở cho bậc phụ huynh trong giáo dục nhân cách trẻ em, cho mọi người trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trước vấn nạn ấu dâm. Trăn trở ấy, không của riêng ai.

Đây là một quyển tiểu thuyết hấp dẫn, kịch tính và đầy ám ảnh rất đáng đọc

Hồ Trúc

đầu tiên, em xin lưu ý, bài viết này hoàn toàn mang tính chất cá nhân, không phải để đáp trả lại ai hay cái gì cả, em xin chịu trách nhiệm với toàn bộ những gì em viết dưới đây

🙂 vẫn theo lệ cũ, ai đồng tình em rất hoan nghênh mà không đồng tình em cũng hoan nghênh không kém, thank a lot

chỉ có hai điều em muốn nói về《bạch dạ hành》mà thôi

Bạch dạ hành

1, bạch dạ hành là truyện trinh thám hihi có vặn vẹo nó theo chiều hướng nào thì đây cũng vẫn là một câu chuyện trinh thám mang đầy đủ ý nghĩa của nó. nó có tội ác [không chỉ một], có động cơ, có nghi phạm, có điều tra, có hành trình và diễn tiến, và, dĩ nhiên, có cả cái kết [dù không thực sự thỏa mãn được nhiều người]. em thấy người ta bảo đây là tác phẩm thiên về tâm lý, thiên về xã hội v…v… đúng là nó mang yếu tố tâm lý và xã hội, nhưng những yếu tố đó chỉ có tác dụng điểm xuyết cho câu chuyện, thế thôi. nếu nói nó là tác phẩm thuần túy tâm lý xã hội thì đây sẽ là quyển tiểu thuyết tâm lý xã hội dở tệ, vì nó lồng vào quá nhiều âm mưu và quá nhiều tội ác, thậm chí cả sự biến thái. vậy nhé, chúng ta thống nhất ở đây, bạch dạ hành là truyện trinh thám, ok chưa ạ

2, em xin thú nhận luôn, đây là tác phẩm em thích nhất của keigo higashino, nói trước thế để dễ lý giải cho đoạn sau: tại sao em lại thích nó nhất

em thích nó nhất vì đơn giản, đây là quyển sách duy nhất của keigo higashino không sa đà vào kitsch, dường như tác giả khi viết nó đã nhận được một thứ năng lượng gì đó giống như mặc khải, nên trong truyện, dù cho rất rất nhiều lúc em cảm tưởng như mạch truyện sẽ rơi vào kitsch đến nơi rồi nhưng bằng những cách tài tình, higashino đã khéo léo đưa câu chuyện thoát khỏi kitsch

nhưng kitsch là gì? với em, trong văn chương, khái niệm kitsch không tương đương với khái niệm kitsch trong các loại hình nghệ thuật khác. trong hội họa, âm nhạc hay điện ảnh, kitsch có thể hiểu là giả nghệ thuật hoặc tệ hơn là mô-ve-gu [mauvais goût hay bad taste]. văn chương thì khác, vì được diễn giải bằng ngôn từ, kitsch chỉ có thể hiểu là sự sáo rỗng, sự cường điệu khoa trương thái quá

trở lại với các tác phẩm của higashino, ngay cả những tiểu thuyết đỉnh cao như naoko hay nghi can x, đến một lúc nào đó cũng đều rơi vào kitsch, hoặc những tác phẩm thản nhiên rơi vào kitsch ngay từ đầu như thánh giá rỗng hay trò chơi bắt cóc v…v… tất nhiên là chúng vẫn hay như chúng đã từng, tất nhiên là như vậy. nhưng để khen ngợi chúng nhiệt thành thì quá khó, em chỉ có thể khen chúng ở một [vài] tình tiết hoặc một [vài] nhân vật thôi. bạch dạ hành thì khác, vì không áp dụng thứ luân thường hướng thiện như các tác phẩm kia, nó trở nên đặc biệt. và, dĩ nhiên, chính vì vậy mà em thích nó nhất. còn một điều nho nhỏ nữa, bạch dạ hành là tác phẩm văn chương duy nhất cho đến nay em từng đọc mà không thể, hay chính xác hơn là em từ chối, đồng cảm với bất cứ nhân vật nào trong đó [có thể em cũng đang kháng cự lại, không để mình ngã vào kitsch, biết đâu đấy]

note: không liên quan đến trinh thám nhưng hai quyển ở ảnh 2 có thể coi là hai viên ngọc chói lóa trên chiếc vương miện sắt rỉ của văn chương hiện đại nhật bản, em nhiệt liệt chân thành khuyên những ai mê văn chương nhật tìm đọc

Phùng Băng

Cuối cùng cũng đã đọc xong sau khi đầu tư mua hẳn đèn đọc mới 

:v. Truyện khá hay nhưng chẳng đạt như kỳ vọng. Chất trinh thám tạm đủ, quá dễ đoán, hoặc chủ ý tác giả muốn vậy, bởi vì cứ đến đoạn cần phải suy luận xem việc xảy ra như thế nào thì được gợi ý luôn. Điểm khó khăn nhất là giải thích động cơ thì giấu khá kín, mình cũng gần đoán ra được nhưng chỉ giải quyết được ở gần cuối.

Bạch Dạ Bạch Dạ HànhHành

Về nội dung thì thiên về tâm lý nhiều hơn, công nhận. Ý tưởng chủ đạo là gái tâm thần bệnh hoạn, giai cũng điên gần ngang như thế. Nhưng về mặt tâm lý thì kém hẳn hơn nghi can X ở 2 điểm:

1] Dài, lan man, nhồi nhét rất nhiều các vụ nhỏ rời rạc. Chắc đế làm nổi bật hình tượng nữ chính? Nhưng vì như thế nên càng đọc càng thấy phức tạp, rườm rà không cần thiết. Truyện này có thể cắt đi 1 nửa nội dung cũng được.

2] Ngoại trừ vụ lúc khởi đầu thì động cơ tâm lý của thủ phạm chỉ giải thích được là : Bọn điên nó thế 

:v. Nghi can X cũng điên nhưng có gì đó dễ chấp nhận được hơn. Nói chung là mình không thấy có gì ám ảnh, nhức nhối, tâm tư lắm, chắc già rồi 
:v

Tóm lại là 7.5 nhưng dài quá trừ hẳn 1 điểm. 6,5 điểm thôi. Ai không có thời gian thì đọc khoảng 1 nửa rồi lật thẳng xuống mấy chục trang cuối đọc luôn cũng được 

:v

Hình ảnh: Higashino Keigo Vietnam fanpage

Lười Đọc

Bạch dạ hành – Higashino Keigo

Tác giả: Higashino Keigo.
Phát hành: Nhã Nam.

Đánh giá: 5/5⭐️.
_________________________

Bạch Dạ Hành là một trong những cuốn trinh thám tiêu biểu nhất, cùng với Phía sau nghi can X góp phần làm nên tên tuổi của tiên sinh Keigo.

Tác phẩm đã được chuyển thể sang bản điện ảnh của cả Hàn và Nhật, và nhờ sự thành công không nhỏ người Nhật cũng đã có bản truyền hình. Bản thân mình đã tiếp xúc với bản phim điện ảnh của Hàn do Son Yejin và Go Soo đóng nên khi đọc truyện các tình tiết không làm mình bất ngờ lắm. Tuy nhiên, nguyên tác bao giờ cũng đầy đủ chi tiết và lôi cuốn hơn rất nhiều, và bản phim không thể nào sánh được với nó.
_________________________

Câu chuyện mở ra với cái chết của người chủ tiệm cầm đồ Yosuke được cho là bị sát hại tại một ngôi nhà chưa hoàn công, một triệu yên ông mang theo người cũng bị cuốn mất.

Sau đó một tháng, nghi can Fumiyo được cho rằng có quan hệ tình ái với nạn nhân và sát hại ông để cướp một triệu yên, cũng chết tại nhà riêng vì ngộ độc khí gas. Vụ án rơi vào bế tắc và bị bỏ xó.

Nhưng với hai đứa trẻ mười một tuổi, con trai nạn nhân và con gái nghi can, vụ án mạng năm ấy chưa bao giờ kết thúc. Sinh tồn và trưởng thành dưới cái bóng đen cái chết của bố mẹ, cho đến cuối đời, Ryoji vẫn luôn khao khát được một lần đi dưới ánh mặt trời, còn Yukiho cứ ra sức vẫy vùng rồi chìm mãi vào đêm trắng.
________________________

Hai nhân vật chính, Ryouji và Yukiho đều đem đến cho mình mỗi người một cảm nhận riêng. Với Ryouji là thương cảm và Yukiho là căm giận.

⭕️Ryouji, anh mang trong mình nỗi cô đơn, cô quạnh, trong thế giới của mình, có lẽ Yukiho là người hiểu anh nhất. Ngay từ nhỏ, nỗi cô đơn đó đã thể hiện ngay trong đôi mắt “Sasagaki giật mình, không phải vì không nghe thấy tiếng cậu bé đi xuống tầng, mà bởi vì trong khoảnh khắc hai mắt chạm nhau, ông bị chấn động trước sự tối tăm ẩn sâu trong đôi mắt đó”. Ước mơ của anh, vùi sâu dưới những suy nghĩ ti tiện và bỉ ổi, là được đi dưới ánh mặt trời. “Kirihara, cuộc sống của anh chẳng có quy tắc vậy sao? -Cuộc đời anh cứ như là đi trong đêm trắng vậy. ”

Phải, như cá bống trắng và tôm pháo, nghĩa vụ cuộc đời Ryouji sống là để bảo vệ Yukiho. Nhưng cho đến cuối đời, anh vẫn không thể cùng cô ta bước ra khỏi đêm trắng.

⭕️“Yukiho. Ừm, viết thế nào nhỉ? -Yuki là bông tuyết, Ho là bông lúa. -À, Yukiho, tên hay thật phải không? ”

Yukiho là nhân vật vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Vì sự kiện trong quá khứ, cô đã bị ảnh hưởng cả về mặt thể chất và tinh thần. Cô trưng ra cho thế gian bộ mặt của một thánh nữ và giấu những suy nghĩ xấu xa ti tiện bên trong lớp vỏ của mình. Phải tinh ý lắm, gia sư của cô mới nhận ra rằng” Cho dù khoảng cách giữa hai người gần đến mức có thể chạm vào nhau, nói chuyện cũng thân mật, nhưng có lúc anh ta cảm thấy cô xa xôi ngoài tầm với. “Cô đang tay hãm hại ngay cả với những người thân cận với mình nhất, biến họ thành cái bóng của bản thân. Trong các nhân vật, chỉ có Kazunari là nhận ra bản chất của cô. “Mỗi người có quan hệ mật thiết với cô ta, đều gặp phải bất hạnh dưới một hình thức nào đó. “. Nhưng cho dù như thế, có lẽ trong con người cô, một phần người nào đó vẫn hướng về Ryouji, hướng về cái thiện. Cho đến khi anh biến mất, nỗi bỏ ngỏ để lại, liệu ai sẽ sát cánh và bảo bọc Yukiho: “Bầu trời của tôi không có mặt trời, chỉ toàn là bóng đêm, nhưng không hề tối tăm, vì có thứ khác thay thế cho mặt trời. Tuy rằng không được như mặt trời nhưng với tôi thì thế là đủ rồi. Nhờ chút ánh sáng này, tôi có thể biến đêm đen thành ngày rạng. Tôi chưa từng có mặt trời, nên tôi không sợ mất đi nó.

Gấp cuốn sách lại, có lẽ mỗi chúng ta ai cũng tự đặt cho mình một câu hỏi: là sự căm phẫn hay nỗi thương cảm xót xa?

Chu Chu

Bạch Dạ Hành

Đã từng đọc khá nhiều tác phẩm của tác giả Higashino Keigo, theo đánh giá của mình, đây là tác phẩm xuất sắc nhất của ông tính đến thời điểm này.

Xuất sắc từ bìa truyện của Nhã Nam cho đến dấu chấm kết thúc tác phẩm.

Xuất sắc từ việc khiến cảm xúc của mình thay đổi từ yêu thích đến ghê sợ, rồi lại đồng cảm với 2 nhân vật chính. Và cuối cùng, kết thúc truyện lại muốn khóc cho cái chết của Royji.

Vô vàn những tình tiết đan xen liên tục từ đầu đến cuối câu chuyện, vô vàn những nhân vật liên quan, những cánh cửa mở ra, rồi lại mở ra, rồi lại mở ra… sự liên tục của chuỗi sự việc luôn khiến người đọc bị cuốn vào tác phẩm, như những nhân vật trong bài cuốn vào vẻ đẹp ma mị của Yukiho.

Đến cuối cùng, mình không biết phải đứng về phe nào, chỉ biết bản thân ấn tượng với câu nói của Yukiho:”Có một số người, cả đời đều sống dưới ánh mặt trời rực rỡ, cũng có một số người lại không thể không sống trong đêm đen tăm tối…Còn tôi, xưa nay tôi chưa từng sống dưới ánh mặt trời”

Lun Tyt

Bạch Dạ Hành

Khởi đầu “Bạch dạ hành” là một vụ án giết người nhưng không tìm được hung thủ, một vụ án không thể được coi là hấp dẫn nhưng những thứ xung quanh bắt nguồn từ vụ án ấy lại lôi cuốn tôi 1 cách mạnh mẽ khiến tôi không thể nào rời mắt khỏi cuốn sách khi chưa đọc xong.

Ban đầu, ta cảm nhận tác phẩm có phần rời rạc, mơ hồ tựa như mọi thứ đang được phủ 1 màn sương, thoắt ẩn thoắt hiện với gam màu nhờ nhờ làm lóa mắt nhưng dần mọi thứ bắt đầu hiện rõ giống như việc người ta đi trong bóng tối nhiều thì thấy quen. 19 năm kể từ khi xảy ra vụ án mạng, 2 đứa bé cùng 11 tuổi, 1 đứa là con trai nạn nhân, 1 đứa là con gái nghi can cũng thay đổi, chúng đã sinh tồn và trưởng thành mạnh mẽ sau bóng đen cái chết của cha mẹ nhưng thứ mà chúng kết thành trái không phải là thứ quả ngọt lành mà là thứ quả của bóng đêm, u ám và tàn nhẫn 1 cách đáng sợ.

19 năm trời trôi qua, nhiều sự kiện và vô số nhân vật phụ đã xuất hiện xung quanh 2 đứa trẻ nhưng vai trò của họ không hề thừa thãi, dù mờ nhạt hay rõ nét, dù đáng thương hay đáng khinh, dù trong tích tắc hay lâu dài họ vẫn là một mắt xích nhất định trong việc khắc họa rõ nét nên 2 cuộc đời kia. Một cuộc đời hoàn hảo, đẹp đẽ, thanh tao không tì vết với biết bao thành công, sự ngưỡng mộ song hành. Và một cuộc đời tăm tối, nhìn vào chỉ toàn thấy những vết ố đóng mảng thành một màu đen kịt đáng sợ.

Tôi không khỏi khâm phục kiến thức xã hội uyên thâm cũng như khả năng khắc họa tâm lý nhân vật của Keigo, chỉ vài trăm trang sách, vài nét chấm phá mô tả cử chỉ một cách tinh xảo, 19 năm trôi qua với nhiều thành tựu lẫn lỗ hổng của Khoa học xã hội Nhật bản đã được ông mô tả một cách trơn tru, tỉ mỉ và chi tiết, những mánh khóe, cách gây án, tính cách, nội tâm của từng nhân vật được ông hé lộ khiến người đọc lờ mờ hình dung ra được và bắt đầu thấy nổi hết da gà, hẳn là lòng người là thứ khó đong đếm nhất thật.

“Bạch dạ hành” có giọng điệu nhẹ nhàng, không dồn dập hay khiêu khích nhưng với cốt truyện không ai ngờ tới đã được Keigo dày công dựng nên sao cho phù hợp, logic khiến người đọc phải trải qua đủ mọi cảm giác, lúc thì lạnh gáy, rợn rợn, ngứa ngáy, lúc thì nhớp nháp, kinh tởm, khi lại thấy hài lòng, ấm áp, nhẹ nhàng, lúc lại bất ngờ, ấm ức, tức tuởi….

2 đứa bé có cha mẹ là nạn nhân trong vụ án, không có một bất kỳ câu thoại, không một ánh mắt giao nhau hay xuất hiện cùng một khung hình trừ vài phút ở đoạn cuối chẳng ai có thể ngờ lại có mối quan hệ mật thiết với nhau như cá bống trắng và tôm pháo. [Lúc này khi nhìn lại cái bìa sách, tôi không khỏi thầm than phục người vẽ bìa minh họa]. Đây gọi là sự cộng sinh thuần túy chống lại sự nghiệt ngã của số phận hay trò mèo mả gà đồng tôi cũng không rõ.

Tôi cũng không biết nên thấy đáng thương hay đáng giận cái kết thúc và câu chuyện tàn nhẫn ấy. Đọc xong câu chuyện, cảm giác như thưởng thức trà ngon nhưng thật sự đắng, một cảm giác thật mông lung, khiến tôi không thể nghĩ thêm được bất cứ điều gì…

P/s: hình ảnh từ bạn Bùi Văn Minh

Ánh Chu

Bạch Dạ Hành

Mình đã từng nghe nhắc đến tác giả Higashino Keigo mấy lần trong hội, và đặc biệt hình như ai cũng khen “Phía sau nghi can X”. Vì thế mình đã đọc thử, nhưng có vẻ không phù hợp với mình lắm, khi tác giả tiết lộ hung thủ ngay mấy trang đầu, và vì thế, hình như mình còn chưa đọc xong chương 1.

Lần thứ hai làm quen với Higashino Keigo là cuốn “Bí mật của Naoko”. Hình như là vì trên Hội rất nhiều bạn tìm cuốn này, nên mình cũng tò mò đọc thử ebook. Kết quả là dù đọc hết sách, nhưng mình thất vọng.

Đúng ra, với “kinh nghiệm” ấy thì chắc mình sẽ chẳng đọc Keigo nữa. Tuy nhiên, trong một lần offline của Hội thì mình đã được tặng cuốn này. Và trong một hoàn cảnh không có mạng, không được dùng điện thoại, thì đọc nó cũng là một việc làm phù hợp, nhất là khi mình lướt thấy rất nhiều bài bình luận khen ngợi “Bạch dạ hành”.

Do hoàn cảnh nói trên mà mình đọc “Bạch dạ hành” cũng khá nhanh. Nhìn chung tương đối dễ đọc, trừ có mỗi chuyện nhân vật phụ nhiều quá, khiến mình dễ nhầm lẫn các nhân vật với nhau [do không quen tên người Nhật, đương nhiên].

Truyện khá hấp dẫn, nhưng so với mong đợi của mình thì chưa đạt. Chất trinh thám khá ít, chắc do chủ ý tác giả. Có khá nhiều gợi ý để giải đáp các bí mật nho nhỏ trong các vụ án nho nhỏ rải rác trong truyện. Chỉ có vụ án đầu là giữ kín bí mật về động cơ giết người, mãi đến gần cuối truyện mới bộc lộ.

Cảm giác là tác giả xây dựng sự hoàn hảo của nữ nhân vật chính hơi quá đà, dù chỉ qua câu chuyện của các nhân vật phụ [ai cũng choáng ngợp trước sắc đẹp, sự khéo léo, quyến rũ và gì gì nữa không biết của nàng cơ mà!]. Điều này khiến cho nhiều lúc mình có cảm tưởng đang đọc truyện ngôn tình. Đối với nam nhân vật chính, thì vì ít sự choáng ngợp từ người khác hơn, nên có vẻ thực tế hơn tý.

Càng đọc càng có cảm giác – đúng là tâm lý hành động của bọn thần kinh xoắn ốc. Cả hai nhân vật chính đều không gây được cảm tình với mình, nam thì ngay từ đầu, còn nữ thì sau khi Mahasaru vô tình phát hiện ra việc cô nàng nói dối mẹ nuôi. Càng về sau, ác cảm của mình với các nhân vật chính càng tăng, đặc biệt sau khi Shinozuka Kazunari nói ra cảm giác của anh: ánh mắt của cô ta ẩn chứa sự ti tiện.

Có điều này thì tác giả không nói, chỉ là cảm giác của mình thôi, về quan hệ của nam và nữ nhân vật chính. Đương nhiên là mối quan hệ cộng sinh rồi, nhưng mình có cảm giác, nam nhân vật chính mới là người chủ mưu đa số vụ việc, chứ không phải nữ. Và do đó, mình hoàn toàn không có cảm giác nữ nhân vật chính lợi dụng nam nhân vật chính.

Nếu nói về các nhân vật phụ mà mình có cảm tình trong truyện, thì có lẽ hai người được cảm tình nhất là ông cảnh sát già Sasagaki, và anh chàng Shinozuka Kazunari đã nói ở trên. Có thể đơn giản là do họ đã không bị nữ nhân vật chính lừa.

Đọc xong, mình lướt qua thử các review trên mạng, và rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều bạn thương cảm cho cặp nhân vật chính. Thôi thì chắc là cảm giác mỗi người một khác. Tuy nhiên, công bằng mà nói, mình thấy cuốn này đọc khá, nhưng không xuất sắc.

Ha Le

Vừa đọc xong Bạch Dạ Hành, cảm thấy mình nhất định phải viết một cái gì đó, cho đỡ bứt rứt cũng được.

Ban đầu, mình không hề định đọc quyển này, có ba lý do. Thứ nhất là mình đã từng đọc Phía sau nghi can X cùng tác giả, và không thích cho lắm. Thứ hai là mình có thói quen đọc review trước khi bắt tay vào đọc truyện, mà chả hiểu sao mấy bạn viết review, kể cả trên Tiki đều viết theo hướng tình yêu giữa Ryoji và Yukiho, mình chúa ghét kiểu trinh thám ngôn tình, cạnh xác chết mà nói chuyện yêu đương thì chả ra làm sao cả. Cuối cùng, mọi người cảm thông cho họ quá nhiều, khóc mướn quá nhiều, có lẽ mình thuộc tuýp người có tinh thần công lý, theo mình, tội ác không nên được cảm thông dưới bất kì hình thức nào.

Mang theo nhiều định kiến như vậy, cuối cùng mình cũng đọc, vào một ngày rớt mạng, không có việc gì làm. Nói sao nhỉ, đọc không dứt ra được, không biết phải diễn tả cảm xúc thế nào nhưng cuốn sách thực sự rất tuyệt. Lúc đầu mình thực sự tìm thấy niềm vui trong thể loại truyện trinh thám, chính là có xác chết, có bí ẩn, a, hóa ra còn có cách này nữa à? A, thì ra là thế này à? Nên suy nghĩ theo hướng này? Nhưng ngay lập tức nhận ra NÓ CỰC KÌ TĂM TỐI!!

Có hai điểm cần nói rõ. Thứ nhất, mình không tin mối quan hệ giữa Ryuji và Yukiho là tình yêu, cộng sinh cũng không phải, họ chỉ đang cố bảo vệ linh hồn của chính mình, mình không tin họ có thể yêu được ai nữa. Thứ hai, cho đến trang cuối cùng mình vẫn không cảm thông cho họ, họ sinh ra từ bất hạnh rồi reo rắc bất hạnh, dù nói thế nào đi nữa, bản chất của họ chính là tội ác, là hiện thân của tội ác. Nhiều người sẽ nói hoàn cảnh họ thật tội nghiệp, nhưng bản năng của họ chính là tội ác rồi, không có gì để biện minh cả, và khi hình dung ra hai đứa trẻ làm những việc như vậy mình thấy thật là kinh khủng. Những nạn nhân của họ có lẽ nên được tội nghiệp hơn chăng. Có lẽ câu chuyện này đè nặng trái tim mình, vì nó không có một chút ánh sáng nào cả, không có một ai được cứu, không một ai được tự do, đó là cảm nhận của mình.

Kaitou Kat

Xúc cảm đầu tiên đó là…truyện dài thật, ấy nhưng tôi lại không muốn câu chuyện ấy kết thúc, thậm chí bản thân tôi cũng không thể nghĩ ra được cái kết cho Bạch Dạ Hành.

Trong Bạch Dạ Hành, đặc biệt tôi không hề thích bất cứ một nhân vật nào hết. Tất cả mọi thứ, tâm lý, con người, nhân vật, tất cả đều được thể hiện ra một cách trần trụi nhất, đau lòng nhất và cũng khó chịu nhất.

Nói đùa chứ toàn bộ câu chuyện, chắc thông điệp tôi nhận thấy rõ ràng và sâu sắc nhất có lẽ là : ” tối độc phụ nhân tâm ” . Độc ác nhất là lòng dạ đàn bà. Yukiho, tôi căm ghét cô ta. Cảm thấy kinh tởm, nghĩ tới thôi đã thấy đáng sợ, rùng mình, ớn lạnh gai dọc xương sống, tự hỏi bản thân trên đời này lại có một con người như vậy hay sao? Liệu ai mới có thể làm cho cô ta yêu thương, mới làm cho cô ta thật lòng hi sinh hết thảy? Nhưng tôi phải thừa nhận, người phụ nữ đó quá thông minh, quá âm hiểm, quá lạnh lùng, quá độc ác. Cái cách mà cô ta bày mưu tính kế, hãm hại người khác vì mục đích bản thân, vì tư lợi cá nhân, thật khiến cho người ta không kiềm lòng được mà sợ hãi. Tôi thề, t đã đọc rất nhiều, à mà thôi, khá nhiều đi. Nhưng tôi chưa từng gặp một nhân vật nào đáng sợ như vậy, kinh khủng như vậy. Keigo đã xây dựng lên một yukiho phá huỷ tam quan của tôi.

Ấy vậy nhưng, đối với Yukiho, Ryoji lại là một sự tồn tại đặc biệt, hai đứa trẻ ấy, nương tựa vào nhau mà sống, chúng sưởi ấm cho nhau ngần ấy thời gian, thứ tình cảm ấy, nó hơn cả tình yêu, sẵn sàng hi sinh mọi thứ, làm mọi thứ vì nhau. Liệu hai con người ấy, có khi nào khát vọng cùng nhau sải bước dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ hay không? Chắc chắn có! Vậy nhưng không thể. Nhiều khi, tôi đã nhìn thấy sự mệt mỏi của Ryoji. Anh đã không còn sức để vùng vẫy, giãy giụa ra khỏi màn đêm đó nữa rồi, vậy nên giây phút anh buông tay rơi xuống đó, phải chăng chính đó là sự giải thoát. Khi mặt trời của Yukiho rơi xuống, liệu cô tồn tại còn có ý nghĩa? Như thể Ryoji chính là ý nghĩa cuộc đời cô. Nhưng ánh mặt trời ấy không còn nữa rồi. Thật chẳng khó để tưởng tượng…người tiếp theo đứng trên toà nhà kia rơi xuống chính là cô ta. [ hơi phá hội nghị chút chứ tôi hi vọng cô ta nhảy xuống nhanh giùm đi ]

Dù quá khứ có đau lòng đến đâu, tệ hại thế nào…nhưng càng giấu càng sai, càng che càng đen. Chỉ làm cho mọi thứ tệ hơn và linh hồn không thể giải thoát. Cho dù có biết nguyên nhân, lý do, hay bất cứ lời biện giải nào tôi cũng không thể chấp nhận, thông cảm cho hai con người ấy.

Keigo lại một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong lòng tôi. Cách ông khắc hoạ nhân vật, với tâm lý biến thái vặn vẹo. Đã đi sâu vào linh hồn người đọc, mang lại sự ám ảnh khó có thể xoá nhoà. Bảo sao mà sau Phía sau nghi can X và bí mật của Naoko, hẳn một năm sau, tôi mới dám quay trở lại với Keigo.

Có nói có viết nhiều hơn nữa, cũng không thể nào diễn tả nổi cảm xúc trong lòng tôi hiện giờ được. Thôi thì…không nói nữa để gặm nhấm tâm hồn vậy.

Chốt lại. Đây là tuyệt phẩm.
Phải đọc, cần đọc, nhất định phải đọc!

Trang Đào

Cùng một tác giả: Bí mật của Naoko, Phía sau nghi can X

Chuyện là em mới đọc xong Bạch Dạ Hành ạ. Đây là trinh thám chữ thứ 2 mà em thử, nhưng là truyện đầu tiên em hoàn thành được. Cuốn kia là Tokyo Hoàng Đạo Án, em ráng gắng gượng nhưng cách hành văn không hợp với em nên em đành bỏ luôn. Quay lại với BDH, thật sự cách dẫn dắt của Higashino Keigo cực kì hút em, đến nỗi em thức đến 2h sáng để cày hết TvT Háo hức kinh khủng đợi tới lúc chân tướng chính thức được vạch trần, mặc dù càng về sau độc giả đã nhìn thấy dần hết rồi. Mà cuối cùng, đọc xong chương 13 nói thật là lúc đó em cảm thấy sốc. Trần đời em né tránh nhất là những truyện có kết mở, BDH lại là 1 cuốn như vậy. Trong chuyện người khiến em chú ý nhất, trừ Yuhiko và Ryoji ra thì chính là Imdaema và Kazunari. Đặc biệt từ khi Imdaema mất tích thì em lại càng mong đến kết truyện để được thông báo là anh này còn sống, dù em biết là bị đầu độc bằng kali xyanua thì sống bằng niềm tin… Thêm chuyện Imdaema bảo Yuhiko yêu Kazunari, em cũng muốn chờ xem sự thật, vì em đinh ninh rằng Yuhiko và Ryoji mới là 1 đôi. Kết cục thì, những chuyện này thậm chí còn chẳng được nhắc tới, anh chồng mới và mọi người có biết được bộ mặt thật về Yuhiko không, cô ta có bị truy tố không, chuyện bất hạnh của Mika có được làm rõ không… Không ai biết, vì tác giả đã chọn kết thúc bằng cách cho Ryoji tự sát, Yuhiko ngoảnh mặt đi thẳng. Chỉ thế thôi, làm em hụt hẫng vô cùng. Em còn cảm thấy công sức 19 năm của ông cảnh sát già Sasagaki như bị công cốc bằng cách kết thúc này.

Nói chung em thấy rất bức bối mà không biết chia sẻ cùng ai, nên mang lên đây mong mọi người đã đọc xong tác phẩm này cùng chia sẻ với em. Ý kiến của mọi người xoay quanh BDH như thế nào? Mọi người thấy kết thúc như vậy đã hợp lý chưa ạ?

Sa Yi Yi

Bạch Dạ Hành

Đã từ lâu lắm rồi kể từ khi tôi đọc Không gia đình của hecto malor, bộ percy jackson hay colorful,… những bộ truyện mà khi đã đọc thì không thể dứt ra được thì bây giờ tôi mới lại có 1 trải nghiệm tuyệt vời đến thế khi đọc Bạch Dạ Hành – 1 tác phẩm khiến tôi phải đọc ngấu nghiến! Bạch Dạ Hành là 1 câu chuyện buồn, nó gây cho người đọc 1 cảm giác u tối, từng câu chuyện tưởng chừng không ăn nhập với nhau nhưng cuối cùng lại liên quan 1 cách mật thiết. Cứ thế Keigo dẫn dắt người đọc đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua từng trang truyện. 2 đứa trẻi, 2 số phận khác nhau chỉ vì những tác động bên ngoài mà làm vấy bẩn tâm hồn trẻ thơ của chúng, đáng lẽ chúng sẽ được sông 1 cs bth như bao đứa trẻ khác, đc cười nói hồn nhiên, thế nhưng hiện thực của cs đã cướp đi điều đó.

Sau khi đọc xong truyện mà tôi vẫn còn cảm thấy buồn man mác, 1 nỗi buồn ko thể diễn tả thành lời, miên man trong dòng suy nghĩ bất tận về cs ngoài kia, liệu có bao nhiêu tội ác đang và đã được hình thành từ những hành động, cử chỉ lời nói vô tình, hoàn cảnh sống khắc nghiêt như trong câu truyên kia…

Nguyễn Ngọc Nam‎

“Bầu trời của tôi không có mặt trời, chỉ toàn là bóng đêm, nhưng không hề tối tăm, vì có thứ khác thay thế cho mặt trời. Tuy rằng không được sáng như mặt trời, nhưng đối với tôi thì thế đã là đủ rồi. Nhờ chút ánh sáng này, tôi có thể biến đêm đen thành ngày rạng. Tôi chưa bao giờ có mặt trời, thế nên tôi không sợ mất đi nó.”

Bạch Dạ Hành – Higashino Keigo

Mình đã đọc một vài tác phẩm của tác giả Higashino Keigo, nhưng đến giờ, mới đọc tác phẩm Bạch Dạ Hành.

Tác phẩm là câu chuyện xung quanh cuộc đời của hai nhân vật Kirihara và Yukiho. Tác giả mô tả cuộc đời của nhân vật chính thông qua lời kể, cách nhìn nhận, đánh giá của các nhân vật khác. Và Keigo rất tài tình trong việc lắp ghép các mảnh ghép rời rạc, tưởng như không liên quan đến nhau trở thành một tác phẩm xuất sắc.

Một tác phẩm u ám, ám ảnh và một cái kết mở với nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Hai nhân vật chính đáng thương hay đáng hận? Ai là người sẽ phải gánh chịu những nỗi đau, những hậu quả?

Đánh giá: 8.0/10.

“Bạch dạ hành” là quyển sách u ám nhất của Higashino Keigo mà tôi đọc từ trước tới nay. Cái cảm giác rợn người không vì kinh dị hay máu me, mà bởi sự đáng sợ của lòng người, của giả tạo và nguỵ tạo. Higashino Keigo đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật cũng như việc dẫn dắt tâm lý người đọc. Thật khó để nêu ra cảm nhận nếu không tiết lộ nội dung câu chuyện. Bởi cái hay của Bạch dạ hành không chỉ nằm ở những chi tiết riêng rẽ, mà nó còn hay ở cả một quá trình khi nhìn tổng thể toàn bộ câu chuyện.

Bạch Dạ Hành

Dù mang danh là một tác phẩm trinh thám, song “Bạch dạ hành” chỉ mượn yếu tố trinh thám làm nền nhằm làm nổi bật hơn vấn đề mà nó đang khai thác.

Mười chín năm chậm rãi kéo dài từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của quyển sách. Mười chín năm cuộc đời của Yukiho và Ryoji ngày càng chìm sâu vào bóng tối mặc cho có cố vẫy vùng thoát ra. Mười chín năm bi kịch chất chồng bi kịch, tiến tới cao trào và thoái trào nhưng sẽ không bao giờ kết thúc.

Có thể cả Yukiho và Ryoji đều từng là nạn nhân và đều rất đáng thương, nhưng tôi vẫn không thể cảm thông cho họ được. Có lẽ vì những việc xấu xa họ đã làm chiếm phần lớn dung lượng của quyển sách, nên việc đoạn kết tác giả có nêu ra một nguyên nhân đau buồn cũng không thể làm tôi thay đổi được quan điểm. Hay ở một khía cạnh khác, đặt mình vào vị trí những người luôn quan tâm và tin tưởng họ, tôi cảm thấy mình bị phản bội.

Đối với tôi, câu chuyện lên đến đỉnh điểm của sự u ám là khi Yukiho nhờ Ryoji cưỡng hiếp Mika, con riêng của chồng cô, rồi dịu dàng ân cần chăm sóc cô bé như thể không có gì nhằm củng cố hơn hình tượng và vị trí của mình trong lòng Mika. Đây mới là lúc tôi thấy Yukiho đầy rẫy sự giả dối và dù cho hoàn cảnh của cô, tôi vẫn không thể vì lòng trắc ẩn mà nói rằng cô đáng thương, dẫu thực tế ngọn nguồn câu chuyện là từ sự đáng thương ấy.

Những con quỷ từng tiếp cận Yukiho, không những cướp đi linh hồn cô, mà còn khiến cho cô cũng trở thành ác quỷ. Giá như một lúc nào đó Yukiho đủ tỉnh táo, đủ kiên cường và mạnh mẽ để nhận ra cuộc đời cô sẽ khác nếu cô cố sống khác để thay đổi nó, thì cô đã không phải cứ loay hoay mãi trong đêm trắng rồi kéo thêm cuộc đời người khác xuống vũng lầy giống như cô. Có như thế mới thấy được sự tàn nhẫn của những kẻ có sở thích biến thái, những kẻ đã áp đặt lên những đứa trẻ bóng tối không thể nào xoá nhoà được.

Câu chuyện của “Bạch dạ hành”” rất gần. Gần với cuộc sống của mỗi người. Gần với lương tâm và sự phán xét của đa số mọi người. Và hơn hết là gần với những mầm mống quỷ dữ đang ngự trị đâu đó trong mỗi chúng ta. Gần như chính đoạn đối thoại lúc trời đang mưa của Kazunari và Eriko, khi Kazunari thắc mắc sao Eriko không chạy nhanh để khỏi bị mưa ướt, Eriko đã trả lời rằng:

“[…] nếu chạy, sẽ cảm thấy giọt mưa quật mạnh lên mặt, giống thế này này. […] Với tốc độ của em, cùng lắm chỉ bớt được ba phút thôi. Em không muốn vì rút ngắn một chút thời gian mà phải chạy trên con đường lõng bõng nước. Có thể bị ngã nữa.”

Quốc Huỳnh

Video liên quan

Chủ Đề