Bài tập mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian violet

Update mới: Trailer phim có rồi này ahhhh!!!! Already crying watching this trailer... The movie will surely wreck me like the book did... //www.youtube.com/watch?v=zfQXK...

Update cũ: Má ơi cuốn này đang được dựng thành phim, có Elle Fanning đóng vai chính Violet, và nghe đâu sẽ ra mắt trong năm 2019 này nè mấy chế ơi: //www.imdb.com/title/tt3907584/. HÓNGGGGGGG!!!!!!! :D :D :D

Old review:

“Hôm nay có phải là ngày thích hợp để chết?”. Đó chính là những gì mà Theodore Finch - chàng nam sinh năm cuối trung học - đã nghĩ khi đứng trên chỗ gờ tường tháp chuông cách mặt đất sáu tầng nhà của trường trung học Barlett. Và tại nơi đó, ở thời điểm đó, cậu đã gặp Violet Markey - cô nữ sinh năm cuối trung học - cũng đang có ý định tự tử. Theodore Finch, chẳng hiểu vì sao từ chỗ muốn nhảy xuống, lại thuyết phục bằng được cô bạn cùng trường của mình tránh khỏi cú nhảy mà nếu cậu không có ở đó, có lẽ Violet đã thực hiện rồi. Từ chỗ là hai người xa lạ, họ bắt cặp để làm bài tập trong lớp Địa lý Hoa Kỳ, cùng nhau dấn bước trên một hành trình khám phá những địa điểm thú vị của bang Indiana nơi hai người sinh sống, để rồi đó đồng thời cũng là hành trình cả hai khám phá lại bản thân mình và tìm lại “những ngày tươi đẹp” - tựa đề bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết “All The Bright Places”.

Tác giả Jennifer Niven - lần đầu tiên thử sức với thể loại tiểu thuyết hư cấu dành cho thanh thiếu niên [Young Adult fiction] - đã thực sự viết nên một câu chuyện hài hước, lãng mạn nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc xúc động đến đau lòng. Tất cả nhờ vào cái cách tác giả xây dựng hình tượng hai nhân vật chính, cùng những vấn đề mà họ đang phải đối mặt trong cuộc sống, trong chính tâm trí của Violet và Finch. Chúng ta có một chàng thiếu niên mang những biểu hiện của chứng rối loạn lưỡng cực [bipolar disorder], mỗi khoảnh khắc cuộc đời trôi qua chỉ có thể được miêu tả bằng hai từ: Thức và Ngủ. Jennifer Niven đi sâu vào từng ngóc ngách trong suy nghĩ của Finch, của một thiếu niên đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn thiếu niên Mỹ đang từng ngày, từng giờ chống chọi với những chứng bệnh tâm lý và tâm thần, để soi chiếu trên từng trang giấy những gì thực sự diễn ra bên trong tâm trí của người đang chìm trong những cơn hưng phấn bất chợt đề rồi ngay sau đó là trầm cảm triền miên.

Điều đau đớn nhất ở nhân vật Finch, cũng là điều đau đớn nhất của rất nhiều người đang phải đối mặt với bệnh tâm lý và tâm thần, đó chính là cái cách mà xã hội nhìn nhận tình trạng của họ. Finch suốt ngày bị gọi là kẻ lập dị, bị bắt nạt, bị xem là một thành phần cá biệt trong trường, bị đồn thổi bằng những tin tức xuyên tạc nhất. Ngay chính trong gia đình của cậu, nơi đáng lẽ phải là tổ ấm thực sự của Finch, nơi lẽ ra phải gồm những con người thấu hiểu cậu, quan tâm đến cậu, thì rốt cuộc cũng chỉ là những mảnh chắp vá lại của một gia đình đã tan vỡ và không còn vẹn nguyên như lúc đầu. Cha cậu bỏ đi theo vợ hai, cũng là mẹ kế của Finch, để lại người vợ đầu vật vã với trách nhiệm nuôi ba đứa con cùng một lúc, đến mức bà không bao giờ nghe những cú điện thoại từ trường gọi đến để thông báo về tình trạng của con trai mình. Finch cô đơn trong thế giới riêng của cậu, thế giới của những cơn ác mộng, những suy nghĩ hỗn độn, vặn xoắn, thét gào bên trong cái bộ não luôn rền rĩ, không bao giờ ngừng tra tấn Finch. Chàng trai ấy mới chỉ 18 tuổi nhưng đã lo nghĩ đến câu văn để khắc lên tấm bia mộ của mình rồi đấy...

Và như bao người mắc những chứng bệnh tâm lý, tâm thần khác, Finch từ chối bị xem như một ca bệnh, một tập hợp của những triệu chứng mà người ta thường vô tình dùng để miêu tả những bệnh nhân mắc các chứng bệnh này. Cậu muốn được nhìn nhận như là một con người thực sự, con người theo đúng nghĩa của nó, con người với muôn vàn những khả năng khác nhau, cùng những con quái vật trong tâm trí mà cậu luôn phải chiến đấu chống lại. Nhưng đâu dễ thế khi mà cái nhìn của xã hội dành cho những người mắc bệnh tâm lý, tâm thần, đặc biệt là những người vì không thể đối mặt nổi nữa với tình trạng bệnh của mình mà phải tìm đến cái chết, vẫn còn mang tính xét đoán vô cùng. Tác giả nói đúng, có ai mang hoa đến viếng đám ma của một người tự tử bao giờ đâu. Tôi nhớ trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc mang tên “It’s Okay, That’s Love” [có Jo In Sung đóng], một nhân vật phụ là bác sĩ tâm lý đã phát biểu, đại ý như thế này: cùng mắc bệnh, cùng không khỏe mạnh như nhau, nhưng người bị ung thư thì luôn nhận được sự thương cảm, xót xa, đau khổ của mọi người xung quanh, trong khi người mắc bệnh tâm lý và tâm thần thì bị xem như những kẻ lạc loài, bị xét đoán như thể chính họ lựa chọn tình trạng bệnh đó của mình vậy.

Điều ấy khiến tôi đau lòng, thực sự rất đau lòng cho Finch, cho những khoảnh khắc khi chàng trai trẻ tội nghiệp tự trách bản thân mình vì những lời nói và hành động bắt nạt cậu nhận từ đám học sinh khốn nạn trong trường. Cái suy nghĩ đó ám ảnh Finch mãi, rằng chính là lỗi của cậu khi người ta ghét bỏ cậu, xúc phạm cậu, xa lánh cậu; là tại cậu không đủ tốt, không đủ bình thường, không đủ toàn vẹn để cho người khác có thể thích cậu và tôn trọng cậu. Có lẽ nhờ việc có người thân trong gia đình qua đời vì tự tử, cũng như chứng kiến chàng trai cô từng rất yêu ra đi quá sớm vì không thể đối mặt nổi nữa với chứng rối loạn lưỡng cực, mà tác giả Jennifer Niven mới có thể tạo tác nên một nhân vật Finch gây xót xa đến thế này, soi rọi ánh sáng vào cái phần đối với nhiều người vẫn còn khá tăm tối và gây nên những phản ứng trái chiều: lý do vì sao những người mắc bệnh tâm lý và tâm thần lại quyết định tự tử.

Và với nhân vật Violet, tác giả cũng làm y như vậy, cũng thổi vào đó tâm huyết của cô để dựng nên một nhân vật nữ với đầy những bất ổn trong khoảng thời gian vẫn còn chưa nguôi ngoai sau cái chết của chị gái mình. Jennifer Niven, bằng cách trao cho Violet ngôi kể của riêng cô, đã bóc tách dần dần những suy nghĩ phức tạp và tiêu cực của một cô nữ sinh khi trải qua một sự kiện kinh hoàng, thứ đã biến đổi con người của Violet mãi mãi. Cái đêm định mệnh khi chiếc xe do người chị Eleanor của cô cầm lái lao xuống cây cầu do mặt đường trơn đã chia cắt cuộc đời của Violet ra làm hai: trước đó và sau đó. Violet của trước đó tươi vui, hạnh phúc, đam mê viết lách, đã cùng chị mình lập nên trang tạp chí điện tử Eleanor&Violet với biết bao dự định, kế hoạch cho tương lai. Violet của trước đó cặp kè với chàng trai hot nhất trường, kết bạn với những cô gái nổi bật nhất trường, và bản thân cô cũng là một số những cô gái nổi bật đó, những cô nữ sinh trung học mà bạn chỉ biết nhìn vào họ và ước ao mình cũng có một cuộc đời hoàn hảo như vậy.

Violet của sau đó mất đi mong muốn viết lách, chia tay bạn trai, cảm thấy không còn thiết tha với những mối quan hệ bạn bè sáo rỗng trong trường, không biết phải làm gì với cuộc sống vốn dĩ vẫn chưa thể trở lại bình thường của cô, trong khi cả thế giới ngoài kia, những con người xung quanh cô thì vẫn đang tiếp tục tiến lên, tiếp tục sống. Violet của sau đó thu mình vào trong cái vỏ ốc của nỗi đau, của sự tiếc nuối, của cảm giác tội lỗi, rằng những phút giây cô vẫn đang hít thở, đang suy nghĩ, những việc mà cô làm, tất cả là sự tước đoạt trắng trợn những gì lẽ ra phải thuộc về chị cô. Jennifer Niven đã lột tả được một cách đau lòng và trọn vẹn những diễn biến nội tâm của người đang trải qua khoảng thời gian đối mặt với mất mát về người thân, để độc giả cùng trải nghiệm, cùng đồng hành với nhân vật, với những gì xấu xí nhất nhưng cũng con người nhất mà Violet dựng nên trong tâm trí mình.

Và rồi cùng với sự có mặt của Finch, với những chuyến đi đến những địa điểm hay ho thú vị của bang Indiana, Violet không chỉ tìm lại khát khao sống, niềm tin vào bản thân, vào hàng ngàn hàng vạn những khả năng lấp lánh bên trong mình, mà cô còn tìm thấy tình yêu nữa. Với tất cả những miêu tả sống động, chi tiết, sắc nét về cái khoảng không diệu vợi của nỗi đau bên trong hai con người trẻ tuổi, cuốn sách này dĩ nhiên là tăm tối và gây phiền muộn nhiều lắm. Thế nhưng nằm rải rác giữa những khủng hoảng và ám ảnh của hai bạn trẻ, tác giả đã chèn vào đó những chi tiết đầy lãng mạn và đáng yêu về mối tình của hai con người đã chịu nhiều tổn thương, làm giảm nhẹ đi cái bầu không khí nặng nề và u ám vốn đã phủ bóng lên câu chuyện ngay từ đầu. Những lãng mạn đáng yêu đó như những vì sao lấp lánh trên bầu trời Indiana nhìn từ tháp Purina, một trong những nơi Finch đã dẫn Violet tới; chúng đẹp tráng lệ và lấp lánh màu hy vọng, chúng gợi nhớ lại cái cảm giác thuở ban đầu khi con người ta yêu nhau, tình yêu của tuổi thanh xuân nhiều va vấp.

Tình yêu ấy có cái cảm giác như điện giật mỗi khi Finch chạm vào Violet, có cái ngô nghê mà đáng yêu của một chàng trai thể hiện việc mình muốn hôn cô gái mình yêu bằng cách viết câu ấy lên tường, có buổi hẹn hò trong khung cảnh như xứ Oz ở không đâu khác hơn là cái tủ quần áo của Finch - nơi cậu náu mình để chống lại bóng tối trong tâm trí. Tình yêu ấy có cái nhận thức rằng điều quan trọng không nằm ở nơi mình đi đến, mà là người mình đang cùng chia sẻ khung cảnh đó, nơi chốn đó, vì có Violet ở bên thì dù có đứng trên ngọn đồi Hoosier hóa ra chả cao mấy, nhưng Finch lại cảm thấy mình cao lớn hơn, tràn đầy sức sống hơn cả khi đứng trên gờ tường tháp chuông cách mặt đất sáu tầng nhà. Tình yêu ấy có sự nỗ lực và cố gắng của Finch để điều chỉnh bản thân mình, để chống lại cái vực thẳm tối tăm, cái hố đen bên trong bộ não luôn rền rĩ cứ chực hút lấy cậu, để trở thành chàng trai xứng đáng với Violet - một Finch toàn vẹn để Violet có thể yêu. Tình yêu ấy được viết nên từ những trích đoạn của cuốn tiểu thuyết “Những con sóng” [“The Waves”] của nhà văn nổi tiếng người Anh Virginia Woolf - người cũng mắc chứng rối loạn lưỡng cực giống Finch, và đã tự kết liễu cuộc đời mình. Đó là những trích đoạn phải nói là tuyệt đẹp, đẹp một cách diễm lệ, đẹp theo cái cách mà từ ngữ của một người mắc bệnh tâm lý và tâm thần quay cuồng trong đầu họ, trong cái mớ cảm xúc và suy nghĩ cứ chực tuôn trào:

“Tôi cảm thấy cả ngàn khả năng bừng lên trong tôi. Tôi tinh quái, phóng đãng, uể oải, buồn bã, lần lượt từng thứ một. Tôi bắt rễ, nhưng tôi cũng chảy trôi. Như dòng nước vàng rực, chảy trôi.” “Đây là khoảnh khắc hồi hộp nhất mà tôi từng biết. Tôi chấp chới. Tôi dập dềnh. Tôi chảy trôi như một cái cây trên dòng sông, trôi theo hướng này, trôi theo hướng kia, nhưng bắt rễ, để anh có thể đến với tôi. ‘Đến đây’, tôi nói, ‘đến đây.’”

Và tình yêu ấy, trong thoáng chốc, đã giúp Finch thực hiện những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình, đã thúc đẩy cậu biến tường căn phòng của mình từ tông màu đỏ sậm u tối và bức bối trở thành tông màu xanh da trời của hy vọng và niềm tin. Tình yêu ấy giúp Finch nhận ra Violet quan trọng, đẹp đẽ và quý giá như thế nào, như thể cô chính là ánh sáng cuối cùng cậu đã tìm ra cho cuộc đời mình, thứ ánh sáng bùng nổ và trọn vẹn, tổng hòa của những sắc màu khác nhau:

“Cậu là tất cả màu sắc hòa làm một, ở độ sáng vẹn tròn nhất.”

Và nếu như đây chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình ngọt ngào của hai bạn trẻ chịu nhiều tổn thương sâu sắc, cuối cùng được chữa lành, thì tác phẩm đã không để lại trong tôi nhiều ấn tượng cùng những nỗi niềm đau đớn và xót xa đến thế. Bởi ai cũng biết, đời thật nhiều khi chẳng giống như mơ, có những thứ chúng ta mong muốn xảy xa nhưng cuối cùng lại bị vùi dập trước thực tế phũ phàng. Đừng bắt tôi phải nói ra đoạn kết là như thế nào, bởi 50 trang cuối của quyển sách là 50 trang đã giày xéo trái tim tôi, đã khiến tôi khóc không biết bao nhiêu lần, đã mở cái van xả ra lũ lượt những gì cay đắng nhất, đau lòng nhất, tiếc nuối nhất. Khóc bao nhiêu cũng là không đủ cho đoạn kết của câu chuyện, cho những gì đáng lẽ phải diễn ra, cho niềm hy vọng bị đứt đoạn, cho một tương lai đã từng tăm tối, giờ đây thậm chí còn không có cơ hội để được thành hình. Tất cả những gì còn lưu lại, mặn đắng, tiếc thương, đớn đau vô hạn, là lá thư Finch gửi cho Violet, với tất cả tình yêu của cậu dành cho cô:

“Em khiến tôi hạnh phúc, Mỗi khi em bên cạnh tôi thấy mình bình an trong nụ cười em, Em khiến tôi ưa nhìn, Mỗi khi tôi cảm thấy mũi mình cứ tròn vo, Em khiến tôi trở nên đặc biệt, và Chúa biết tôi đã mong được làm chàng trai ấy để cùng em hẹn hò, Em khiến tôi yêu em, Và đó hẳn là điều tuyệt vời nhất trái tim tôi từng xứng đáng được làm… Em khiến tôi ngọt ngào, và thật ngọt ngào khi được ngọt ngào với người tôi yêu…”

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề bệnh tâm lý, bệnh tâm thần và tự tử, làm ơn hãy đọc cuốn sách này. Hãy đọc để thấu hiểu và cảm nhận được những gì mà những người mắc bệnh tâm lý, tâm thần và những người phải gánh chịu mất mát về người thân phải trải qua. Hãy đọc để nhận ra rằng, không như bệnh trên cơ thể, bệnh tâm lý và tâm thần không có một khuôn mặt nào cả, cũng không có những triệu chứng rõ ràng, và cũng vì thế, nó khó phát hiện hơn rất nhiều. Nếu như gia đình Finch có những kiến thức cơ bản về bệnh tâm lý và tâm thần; nếu như họ biết rằng chứng rối loạn lưỡng cực di truyền từ cha mẹ sang con cái, và cha của Finch mang đầy đủ những triệu chứng của bệnh này; nếu như họ tinh ý hơn, chịu khó quan tâm hơn đến những biểu hiện kỳ lạ nhỏ nhặt của Finch, thì có lẽ, bệnh tình của cậu đã có thể được chữa trị kịp thời, thì có lẽ, cậu đã không để mình bị nuốt chửng bởi cái bóng tối quá uy lực trong tâm trí. Hãy đọc, để có thể hiện thực hóa ước mơ rằng trong tương lai, sẽ không còn một Finch nào đáng thương, bơ vơ và khổ sở như Theodore Finch của “Những ngày tươi đẹp” nữa.

“Cầu cho mắt anh đi tới Mặt trời, linh hồn anh đi tới ngọn gió… Anh là tất cả màu sắc hòa làm một, ở độ sáng vẹn tròn nhất.”

P.S.: Nữ diễn viên Elle Fanning đã được chọn vào vai Violet Markey ở bản chuyển thể điện ảnh của cuốn sách này kể từ khi sách còn chưa được xuất bản Vai Theodore Finch thì chưa chọn diễn viên, mà theo tôi đọc trên trang IMDb thì tác giả Jennifer Niven đã mơ về việc nam diễn viên người Anh Nicholas Hoult đóng vai này. Đúng là từ khi đọc những chương đầu tiên về nhân vật Finch, tôi đã mường tượng ra ngay trong đầu hình ảnh anh Nicholas Hoult đẹp trai ngời ngời :]] Chả hiểu sao luôn Có thể là do vẫn còn ấn tượng với vai R anh đóng trong phim “Warm Bodies”, cái kiểu nam chính rền rĩ lê lết nhưng vẫn có khí chất đó, thành ra in dấu trong đầu hình ảnh ấy luôn :D Mà đúng thật, trong số những cái tên được xướng lên để lựa chọn đóng vai Finch, tôi thấy mỗi anh Nicholas Hoult là phù hợp nhất thôi Chưa nói tới diễn xuất, chỉ cần nói tới chiều cao là thấy anh chuẩn soái ca rồi, vì nhân vật Finch được miêu tả là cao lắm nhé, và Nicholas Hoult cao 1m9 lận đấy!!!! :D Trở ngại lớn nhất là anh Hoult nhà ta đã gần 30 tuổi rồi, trong khi nhân vật Finch chỉ mới 18 thôi, làm sao “cưa sừng làm nghé” đây hic hic?...

Sign into Goodreads to see if any of your friends have read Những Ngày Tươi Đẹp.

Chủ Đề