Bệnh sĩ là gì

Sĩ diện là biết cách giữ thể diện của mình thông qua lời nói, suy nghĩ, hành động, vẻ bên ngoài cho phù hợp các tiêu chuẩn chung để nhận được sự tôn trọng từ người khác. Ai cũng có sĩ diện và điều này giúp cho con người tự điều chỉnh hành vi, học hỏi. Nhưng khi có thêm chữ hão vào thì sĩ diện trở thành quá lố và tiêu cực.

Sĩ diện hão là cố muốn làm người khác tôn trọng mình bằng những điều mình không có. Từ tâm lý sĩ diện hão mà người ta tự nâng mình lên quá tầm của mình và thích thú khi nhận được những lời khen tặng có cánh hoặc sướng rơn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ hay ghen tị.

Người có thói sĩ diện hão không học hỏi, không cố gắng để nhận được sự tôn trọng đúng nghĩa mà chỉ làm ra vẻ để hòng mong nhận sự tôn trọng.

Một đàn anh cư xử với em út bằng cái tình, đối đãi anh em bằng nghĩa khí, không bỏ anh em khi hoạn nạn, không ăn hiếp người yếu thế thì luôn được anh em coi trọng, luôn giữ được thể diện của mình.

Một đàn anh đối đãi anh em không ra gì nhưng xăm trổ đầy hình thù hung tợn, ăn bận hổ báo, lời nói ra lúc nào cũng quát nạt gầm gừ thể hiện ta đây, sẵn sàng chém bất kỳ ai có cái nhìn không tôn trọng mình chỉ làm người yếu thế sợ mà tuân phục chứ không hề nhận được sự tôn trọng, nhưng đại ca tưởng đó là tôn trọng. So sánh ta thấy rõ sự khác biệt giữa cái thực chất và cái hão.

Nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay ta thấy thói sĩ diện hão hiện diện khắp nơi bất kể người giàu hay nghèo. Nó hiển hiện ở mọi tầng lớp từ người lao động cho đến giới giang hồ, từ tầng lớp bình dân cho đến tầng lớp nhà giàu và rõ ràng nhất là trong giới quan chức, thậm chí trong cả các chính sách, các môi trường giáo dục, y tế, xây dựng..

Quan chức không có phẩm chất tốt đẹp, không có kiến thức và văn hóa, bèn xây biệt phủ thật to thật nổi bật để người ngoài nhìn vô phải lác mắt. Không có triết lý giáo dục để đào tạo ra người tài, ngành giáo dục chạy theo thành tích với những số liệu 98-100%.

Không có các chính sách để phát triển kinh tế bền vững, từ chính quyền cơ sở cho đến trung ương đề ra các kế hoạch rất kêu. Những phát ngôn của quan chức thường thành trò cười cho quần chúng… Thói sĩ diện hão làm nhiều người dân và cả chính phủ thành những kẻ “trưởng giả học làm sang” rất buồn cười.

Giá trị tốt đẹp tự thân con người không có nên người ta đắp lên người hàng hiệu, đồ sang, xe đẹp, điện thoại mắc tiền để thể hiện và đòi hỏi ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Thấy đứa khác xây cái nhà hai tầng thì mình cũng phải vay mượn giật gấu vá vai để xây hai tầng cộng thêm cái tum cho cao hơn hàng xóm một chút, dù không ai ở.

Rồi gia đình có người bị xâm hại tình dục thì không dám lên tiếng, không dám tố cáo vì sợ mất danh tiếng gia đình, coi đó là vết nhơ nên giấu nhẹm. Che đậy những cái sai cái xấu của bản thân, của gia đình, phô trương hào nhoáng bên ngoài để tự hào hão.

Đi ăn uống thì gọi thật nhiều, thật đắt, thừa mứa ăn không hết cũng không dám đem về vì sợ mất thể diện. Chơi phải thật sang, thật độc đáo, mà ngôn ngữ bây giờ gọi là “phải hoành tráng thì mới chất”. Làm công nhân, ở nhà trọ nhưng điện thoại thì phải cao cấp dù không biết hết các chức năng, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, vào mạng coi phim giải trí.

Người ta cà phê, trà chiều để thư giãn, nói những câu chuyện công việc hoặc trao đổi về một điều hay ho trong cuốn sách thì mình cũng cà phê, trà chiều để nói xấu và tán dóc.

Trên mạng xã hội, nhiều người mới đạt được một chút thành công đã khoe khoang khắp chốn, coi thường tất cả người khác. Ai dạy gì cũng không nghe, ai chỉ ra cái thiếu sót thì lập tức cho rằng người đó ghen ghét. Mới học được chút kiến thức thì đã huênh hoang muốn người khác phải phục mình chứ không phải để truyền đạt.

Viết thì phải dùng những từ ngữ rối rắm hoa mỹ đao to búa lớn, chê bai người yếu thế đủ kiểu, hạ nhục dân tộc để tự nâng mình lên hàng “cấp tiến” chứ không phải chỉ ra cái xấu để cùng nhau sửa chữa.

Người mắc thói sĩ diện hão không nghe lời khuyên của ai cả. Lời khuyên chân thành nhất của người khác cũng làm người sĩ diện hão khó chịu và phản ứng rất cực đoan. Lời khuyên vô hình chung làm rớt cái bình phong mà người sĩ diện hão đang cố che chắn quanh mình.

Làm sao để sửa thói sĩ diện hão?

Mỗi người cần học, học, học để có kiến thức cho mình. Đọc nhiều sách ắt dần tự nhận ra mình còn thiếu nhiều lắm, còn phải học nhiều lắm để khiêm cung.

Học lại những giá trị nền tảng để hiểu con người được tôn trọng bởi những điều bên trong chứ không phải những thứ thể hiện bên ngoài.

Học để biết cách ứng xử, đi đứng, nói năng cho đúng mực, đúng giá trị của mình thì tự nhiên mình đẹp trong mắt người khác và được tôn trọng đúng nghĩa.

Học để biết chấp nhận chính con người mình, vị trí của mình hiện tại mà cố vươn lên bằng thực lực chứ không phải đẩy người khác xuống để tự coi mình cao.

Người có phẩm cách đạo đức, có tri thức, có văn hóa trong ứng xử, trong hành động thì luôn được tôn trọng dù chỉ mặc cái áo một trăm ngàn, đi cái xe cà tàng. Ngược lại, ta chưa có thì phải học cho có, nếu không chịu học thì dĩ nhiên là phải bồi đắp bằng những thứ bên ngoài để tô vẽ và đòi tôn trọng nhưng cuối cùng cũng không được tôn trọng. Hiểu được điều này là biết cần phải sửa mình như thế nào.

Mà, cần phải kiên trì, không lười biếng thì mới học được.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video:

“Bắt mạch” bệnh sĩ bằng cách nào?

Thực chất bệnh sĩ có nhiều loại nhưng chung qui lại vì các teen muốn thể hiện “đẳng cấp” của mình, không muốn thua thiệt bạn bè nên bệnh sĩ biểu hiện rõ nhất là ở mặt vật chất, hình thức.

Điển hình như anh chàng K, thấy thằng bạn thân được ba mẹ sắm cho chiếc xe Airblade nhân dịp đậu đại học, K cũng thúc giục ba mẹ mua ngay chiếc xe giống y hệt cho mình. Gia đình K cả ba lẫn mẹ đều làm công nhân viên chức nhà nước nên đồng lương chỉ đủ trang trải, chi tiêu trong nhà, vì thế họ không thể nào đáp ứng nổi yêu cầu quá cao đó của K. Ba K nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ cho K hiểu việc sở hữu một chiếc xe tay ga mắc tiền như vậy vào độ tuổi K chưa thật cần thiết, vả lại K nên biết thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình. K không những không nghe mà còn trả treo với ba: “Nhà người ta con cái muốn gì được nấy, còn nhà mình thì có mỗi chiếc xe cũng không cho, con thật bất hạnh khi phải sinh ra trong ngôi nhà này”. Ba K sững sờ trước những lời nói của K, nhưng rồi cuối cùng ông vẫn phải vay mượn, xoay sở mua chiếc xe ấy cho K để K không phải xấu hổ với bạn bè trước khi bước chân vào giảng đường đại học, vả lại trong nhà chỉ có mình K là đứa con duy nhất, trước sau gì thì cũng phải lo cho K...

Trường hợp của L thì cũng không khá khẩm hơn, quãng đường từ nhà L tới trường chạy ngang qua chỗ ba L làm việc nên hầu như ngày nào ba cũng chở L đi học. Tuy nhiên, việc ngồi trên chiếc xe Dream cũ rích của ba khiến L thấy khó chịu và mặc cảm với bạn bè. Một hôm, L bảo ba không phải chở L đi học nữa, đã có bạn chung lớp đèo L đi cùng, ai dè để có được cái anh chàng mặt bảnh chọe, tóc láng bóng, lái con SH xuất hiện trước cổng trường để L lấy “le” với đám bạn mà L đã phải trả cái giá không nhỏ: 100k/ lần xuất hiện!

Còn cô nàng V, vì muốn tạo cái mác tiểu thư trước những người bạn “đại gia” giàu có của mình mà đã không ngần ngại chi biết bao nhiêu là tiền để mua sắm quần áo, giày dép, sửa sang đầu tóc để biến thành “con nai vàng” dễ thương trong mắt mọi người…

Hậu quả của bệnh sĩ?

Bệnh nào cũng sẽ để lại hậu quả, nhất là bệnh sĩ thì hậu quả lại càng nghiêm trọng. Bởi vì người ta chỉ có thể sĩ một lúc chứ không thể sĩ cả đời được.

Như anh chàng K, được ba mẹ sắm cho chiếc xe Airblade thì hỉ hả lắm bởi được ra oai với đám bạn bè, nhất là với thằng bạn thân. Nhưng không bao lâu K phải “đau đầu, chóng mặt” vì nhà thằng bạn đó thuộc hàng giàu có nhất nhì tỉnh, tiếp tục sắm sanh không biết bao nhiêu là đồ, từ áo quần hàng hiệu mỗi ngày một kiểu mốt cho đến việc tiêu tiền phung phí, xả láng ở chốn thành đô mà K có chạy theo cũng không kịp. K đâu biết được rằng để có số tiền mua chiếc xe đó cho K ba mẹ đã phải làm lụng khổ cực gần 1 năm trời mới có thể trả hết nợ.

Còn trường hợp của L, gia đình L cũng thuộc dạng bình thường, vì vậy L không thể lúc nào cũng rủng rẻng tiền để thuê cái anh chàng bảnh bao kia chỉ với một nhiệm vụ đứng cho bàn dân thiên hạ thấy và bàn tán đấy là bồ của L. Không còn tiền cho anh ta thì cũng đồng nghĩa anh chàng nói lời từ biệt với L để kiếm một cô nàng thích sĩ diện khác. Cuối cùng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, bạn bè biết được chẳng ai thích chơi với kiểu người như L.

V thì cũng chẳng thể nào trụ nổi với cái mác “tiểu thư”, vì bè bạn của cô đều là con cái nhà “đại gia” lắm tiền nhiều của nên họ thích vung bao nhiêu thì tùy, còn V thì phải lăn lưng đi làm thêm đủ nghề mới có tiền chưng diện, đủ tiền để bao tụi nó ăn uống tại những nhà hàng đắt tiền sang trọng. Cuối cùng, không chịu nổi V đã phải lột bỏ cái mác vô danh đó và từ từ lánh xa đám bạn con nhà giàu để bảo toàn tài chính cho mình.

Nên hay không: Tính sĩ diện?

Bệnh sĩ là như thế đấy các teen ạ, nó chỉ là một cái vỏ bề ngoài hào nhoáng che giấu đi sự mục ruỗng trong tâm hồn! Nên hay không thì bản thân các teen cũng đã tự có câu trả lời cho mình rồi.

Thực chất, hình thức không bao giờ đánh giá chính xác con người bạn như thế nào và hình thức cũng không thể làm tôn giá trị của bạn lên. Quan trọng là ở tính cách, tâm hồn, những điều bạn làm, bạn hi sinh vì người khác mới khiến cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa và bổ ích. Vì vậy, đừng để tính sĩ diện làm hoen ố tâm hồn trong sáng của mình!

Video liên quan

Chủ Đề