Bệnh trầm cảm là bệnh gì

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến, bệnh được quan tâm hàng đầu hiện nay khi số lượng người mắc trầm cảm ngày càng tăng cao. Hãy tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết để có biện pháp can thiệp kịp thời, không được chủ quan vì người mắc chứng trầm cảm có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với bản thân và người xung quanh.

Bệnh trầm cảm là bệnh gì

Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời

Trầm cảm là gì?

Người bị trầm cảm thường có cảm giác buồn chán và mất hứng thú kéo dài, không có động lực, hứng thú trong mọi việc kể cả các hoạt động yêu thích trước đây.

Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và cách hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống, cả về thể chất và tinh thần. Khi bệnh trầm cảm phát triển tới mức độ nặng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh hoặc có các suy nghĩ làm hại cơ thể.

Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, tuy nhiên phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm gấp đôi nam giới.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, một số nguyên nhân phổ biến như:

Trầm cảm không rõ nguyên nhân: Do di truyền, yếu tố tự miễn, môi trường sống, xã hội.

Do bệnh lý hoặc chấn thương: Người có tiền sử mắc bệnh viêm não, u não, chấn thương sọ não dễ mắc bệnh trầm cảm do tổn thương cấu trúc não.

Trầm cảm do căng thẳng kéo dài: Áp lực kéo dài hay áp lực đồng thời từ nhiều phía như công việc, gia đình, sinh đẻ con cái, phá sản, mất đi người thân, mất tài sản,...

Sử dụng chất kích thích: Người bệnh dễ trầm cảm nếu hút thuốc lá, rượu bia, sử dụng chất kích thích gây tổn hại thần kinh như ma túy, ma túy đá.

Đối tượng nguy cơ cao mắc trầm cảm

  • Sau một cú sốc tinh thần sang chấn tâm lý: Phá sản, mất hết tiền, nợ nần, mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, áp lực kinh tế, công việc quá lớn,...
  • Phụ nữ sau sinh: Đây là giai đoạn nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với phụ nữ, những thay đổi nhanh chóng về hóc môn, thiếu ngủ hoặc những bất ổn trong cuộc sống góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
  • Học sinh, sinh viên: Nhiều bài vở, thi cử dồn dập, áp lực học tập, áp lực từ gia đình và thầy cô quá lớn gây nên.
  • Đối tượng lạm dụng rượu bia, chất kích thích trong thời gian dài.

Dấu hiệu cảnh báo trầm cảm bạn cần biết

Triệu chứng bệnh trầm cảm đôi khi rất khó nhận thấy và đôi khi chính bản thân người bệnh không nhận ra, vì vậy đừng chủ quan bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào.

  • Tâm trạng cảm thấy buồn bã, chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
  • Không có động lực, mất hứng thú trong mọi việc kể cả các hoạt động yêu thích trước đây.
  • Thay đổi khẩu vị, ăn không ngon miệng, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ thường xuyên.
  • Thường xuyên cảm giác lo lắng không rõ nguyên nhân, dễ kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm.
  • Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng.
  • Tự thấy bản thân kém cỏi, bất lực, tội lỗi và thất vọng về bản thân.
  • Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định khi giải quyết các vấn đề đơn giản thường ngày.
  • Có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên xuất hiện ý định tự tử trong tâm trí.

Khi nhận thấy bản thân hay người thân, người xung quanh có các triệu chứng kể trên, hãy lưu ý để có biện pháp can thiệp kịp thời và hỗ trợ sức khỏe tinh thần từ bác sĩ và chuyên viên tư vấn tâm lý.

Tác hại của bệnh trầm cảm

Người bị bệnh trầm cảm thường xuyên mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, mất tập trung ảnh hưởng đến học tập, công việc và các hoạt động đời sống hằng ngày.

Trầm cảm khiến cho người bệnh khó kiểm soát cảm xúc, vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, giới hạn giao tiếp ảnh hưởng các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, tình cảm gia đình.

Người mắc trầm cảm thường bị rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho cơ thể suy nhược nghiêm trọng.

Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình. Đôi khi tự làm đau bản thân, hay suy nghĩ tự tử hoặc giết người.

Trầm cảm gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường.

Chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm

Chẩn đoán bệnh trầm cảm

Trầm cảm được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định bệnh, đánh giá mức độ trầm cảm, từ đó bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Chẩn đoán lâm sàng: Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10 hoặc tiêu chuẩn DSM V.

Xét nghiệm cận lâm sàng: Một số xét nghiệm như trắc nghiệm tâm lý hoặc trò chuyện lâm sàng hoặc bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để đo nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, xác định nguyên nhân gây bệnh (nếu cần).

Điều trị bệnh trầm cảm

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở mỗi người bệnh trầm mỗi khác nhau. Vì vậy, dựa vào nguyên nhân cũng như những biểu hiện của người bệnh mà chúng ta sẽ có các cách điều trị khác nhau, phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

Điều trị hóa dược: Sử dụng thuốc chống trầm cảm do bác sĩ kê đơn, đây là phương pháp điều trị phổ biến.

Điều trị tâm lý: Người bệnh sẽ được trò chuyện, chia sẻ từ các chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản để đồng hành hỗ trợ tâm lý với bệnh nhân. Tùy vào mỗi cá nhân, nguyên nhân để để bác sĩ tâm lý lựa chọn liệu pháp phù hợp tình trạng bệnh.

Người bệnh trầm cảm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, hãy chú trọng đến sức khỏe tâm thần và không được chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào để bảo vệ sức khỏe.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.