Bơm silicon là gì

Silicon là chất liệu thường được dùng trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nhờ có nhiều ưu điểm nổi bật và an toàn, ít ảnh hưởng đến cơ thể. Cùng tìm hiểu về silicon ngay trong bài viết này nhé.

Tiền đề sử dụng silicon trong thẩm mỹ

Bơm hoặc tiêm chích các chất làm đầy [filler] vào cơ thể để nhằm bù đắp sự thiếu hụt của tổ chức mô hoặc để làm tăng thêm khối lượng mô của một bộ phận cơ thể với mục đích làm đẹp là liệu pháp đã được sử dụng từ xa xưa trên thế giới.

Trong suốt hàng trăm năm lịch sử, các nhà phẫu thuật thẩm mỹ đã bỏ nhiều công sức và trí tuệ đi tìm một chất liệu nhân tạo lý tưởng để bơm vào, cấy ghép vào cơ thể nhằm bù đắp các tổn khuyết tổ chức và cải tạo ngoại hình, đáp ứng nhu cầu của con người về mặt thẩm mỹ.

Một chất liệu được coi là “lý tưởng” phải có được các đặc tính:

  • Trơ về hóa – lý.
  • Không gây phản ứng mô tại chỗ.
  • Không ảnh hưởng tới đặc tính di truyền của cơ thể.
  • Không gây ung thư.
  • Không độc và không gây phản ứng toàn thân.
  • Ổn định theo thời gian, không bị biến đổi bởi lực nén và nhiệt.
  • Không tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.
  • Dễ tiệt trùng và dễ chỉnh sửa.
  • Chi phí hợp lý.

Lịch sử

Trong quá trình tìm tòi một chất như vậy, người ta đã thử nghiệm và sử dụng nhiều loại chất liệu để bơm cấy, độn ghép vào cơ thể như xương sụn, ngà voi, một số kim loại, chất dẻo, một số hợp chất tổng hợp [Arcylics, Teflon, Mersilene, thép không rỉ…] và hợp chất polymer như silicone. Người ta cũng sử dụng cả những chất có nguồn gốc động vật và thực vật nhưng những biến chứng mà nó gây ra khiến người ta phải loại bỏ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Trong đó paraffin là một chất được sử dụng rất sớm và rất rộng rãi. Nhưng từ năm 1900, Gersuny đã báo cáo về những u hạt do paraffin gây ra. Thế mà đến năm 1965, ở phương Đông, tác giả Bochai vẫn tiếp tuc sử dụng liệu pháp paraffin. Tiếp theo đó có những báo cáo nghi ngờ khả năng gây viêm nhiễm và ung thư từ những sảm phẩm có nguồn gốc động thực vật như lanolin lỏng và paraffin.

Trong tình hình khó khăn đó, việc chế tạo thành công silicon được coi như là một cú đột phá, đưa đến nhiều nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng rộng rãi như một liệu pháp bơm làm đầy hiệu quả. Qua nghiên cứu và thử nghiệm, silicone đã chứng tỏ là một chất liệu đáp ứng được nhiều nhất những yêu cầu của một chất liệu lý tưởng tro ng y học.

Từ những năm 1950, Silicon lỏng đã được sử dụng phổ biến ở châu Âu và Châu Á để bơm làm đầy các khuyết lõm phần mềm và làm tăng khối lượng của bộ phận cơ thể theo ý muốn như làm lớn ngực. Ta hãy tìm hiểu về silicone.

Silicon là gì?

Silicon là một hợp chất cao phân tử [polymers] có tên hóa học là dimethylpolysiloxane, với thành phần chủ yếu là silic kết hợp với oxygen, carbon và các gốc hữu cơ như ethyl, methyl, phenyl. Cấu trúc hóa học cơ bản của nó gồm những chuỗi liên kết silic-oxygen [-Si-O-Si-O-] và các liên kết ngang với các nguyên tử carbon và/hoặc hydro.

Bằng cách biến đổi các kiểu liên kết cấu trúc phân tử người ta tạo được các dạng tồn tại khác nhau của silicon như dạng lỏng [fluid], dạng gel, dạng dẻo, dạng rắn. Silicon dạng dẻo kiểu cao-su [Silastic] được sáng chế năm 1945.

Silicon được Hãng Dow Corning [Mỹ] chế tạo từ năm 1930. Đến năm 1943, Dow Corning tập trung chuyên về silicone và trở thành nhà sản xuất silicone lớn nhất thế giới với 7000 chủng loại sản phẩm.

Các hợp chất silicon có thành phần chủ yếu là silicon nhưng hoàn toàn khác về đặc tính lý hóa. Silic [Si] là một nguyên tố hóa học phổ biến trong tự nhiên, đứng hàng thứ hai sau Oxygen, chiếm 27,5 % tỉ trọng vỏ trái đất. Silic không tồn tại độc lập mà thường tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất như silic-dioxide [SiO2] hoặc silicate.

Người ta sử dụng các kỹ thuật tách Oxygen ra khỏi hợp chất SiO2 để thu lấy silicon. Từ silicon này mới chế tạo ra các hợp chất silicone polymer khác nhau, mà một số trong những sản phẩm silicone polymer này được sử dụng trong y học.

Silicon có vai trò rất quan trong và rất phổ biến trong tự nhiên cũng như trong đời sống. Hợp chất này có mặt trong tất cả các loại đá quý tự nhiên và là thành phần cơ bản trong nguyên liệu của các ngành công nghiệp như thủy tinh, thép, vật liệu chất dẻo, điện và điện tử v.v.. Đặc biệt trong các ngành công nghệ kỹ thuật cao vai trò của silicon là vô cùng quan trọng.

Silicon chip là bộ phận linh kiện cơ bản của công nghệ bán dẫn và công nghệ chế tạo máy tính điện tử. Silicon quan trọng đến mức mà tên của nó được đặt cho một trung tâm lớn nhất về công nghệ hi-tech của thế giới ở San Jose [Mỹ]. Đó chính là “Thung lũng Silicon” [Silicon Valley].

Silicon trong thẩm mỹ

Silicone lỏng và Silicone dẻo là 2 dạng silicone chủ yếu được sử dụng trong thẩm mỹ như là những chất liệu cấy độn vào cơ thể.

Silicon dẻo

Silicon dạng này rất quen thuộc với giới làm đẹp vì nó chính là các loại miếng ghép cấy độn cho nhiều vùng cơ thể: sống mũi, cằm, má, bắp chân, cơ ngực, mông… các vật liệu ngoại lai được độn hay cấy ghép vào cơ thể thường được gọi một cách thông dụng là implant. Dạng silicone này đã được sử dụng từ lâu và hiện vẫn đang được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Sụn mũi được làm từ silicone

Ngoài những đặc tính chung của silicone, các loại implant này còn có nhiều ưu điểm thuận lợi cho sử dụng như mềm mại, dai, chắc, dễ thao tác khi phẫu thuật, dễ đẽo gọt chỉnh sửa theo yêu cầu, dễ tạo hình theo hình dạng của cơ quan cần cấy ghép. Nếu kết quả thẩm mỹ chưa hài lòng có thể lấy ra để thay đổi chỉnh sửa rất dễ dàng. Chưa có báo cáo nào trên thế giới đề cập đến những nguy hiểm biến chứng do các loại implant này gây ra. Những biến chứng nếu có thường chỉ do kỹ thuật mà thôi.

Silicon lỏng

Silicon lỏng được thiết kế để sử dụng cho y học là silicone MDX 44011, có độ nhớt cao gấp 350 lần độ nhớt của nước [350 centistokes so với của độ nhớt của nước là 1 centistoke]. Silicone có độ nhớt càng cao thì càng ít bị hấp thu, càng giữ được hình khối, ít bị biến dạng. Trong những năm 1960, hãng Dow Corning đã kết hợp với các trường Đại học Mỹ như Đại học New York, tiến hành nhiều nghiên cứu thử nghiệm trên hơn 1.000 con vật các loài [chó, heo, chuột, khỉ…].

Kết quả, người ta thấy có những nguy cơ về khả năng gây viêm, gây rối loạn phát triển mô tại chỗ tiêm, gây những bất thường cho hệ miễn dịch tại chỗ và toàn thân, mặc dù không tìm thấy bằng chứng về sự liên quan của silicone với khả năng gây ung thư.

Silicon lỏng có những đặc tính lý hóa của silicone nói chung nhưng có ưu điểm hơn và nhất là dễ sử dụng. Silicon lỏng và các hỗn hợp của nó pha với một số chất khác như dầu thực vật, acid béo…được sử dụng để bơm vào làm đầy các khuyết lõm dưới da, làm tăng khối lượng tổ chức theo ý muốn. Liệu pháp này được áp dụng phổ biến ở Châu Âu và Châu Á. Ở Mỹ được sử dụng ít hơn.

Do tính chất trơ của silicon lỏng, sau khi bơm vào mô dưới da, silicon không bị biến đổi, hình thành những túi, những nang trong mô làm căng đầy vĩnh viễn, tạo hình thể theo ý muốn. Chính vì thế mà hợp chất này còn được gọi là “mỡ nhân tạo” [artificial fat]. Tuy nhiên sau vài thập kỷ hào hứng sử dụng người ta đã có thời gian theo dõi và ghi nhận những bất lợi của nó,

Tuy không có báo cáo nào liên quan đến khả năng gây ung thư nhưng đã xảy ra những biến đổi về hình khối làm biến dạng xấu xí vùng cơ thể bơm silicone. Người ta còn chưa thống nhất về nguyên nhân thực sự của các tác dụng xấu này.

Nhiều nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là do những người thực hiện không được đào tạo huấn luyện đầy đủ nên đã sử dụng không đúng qui cách, không tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn.

Mặc dù vậy phong trào bơm silicon làm đẹp đã bị xẹp đi như bong bóng xì hơi. Vì sự an toàn cho con người, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, từ những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 người ta không còn khuyến khích sử dụng liệu pháp bơm silicon để làm đẹp.

Nhất là việc bơm silicon để nâng ngực đã bị loại bỏ hoàn toàn. Ở Mỹ, liệu pháp bơm silicone bị coi như là thử nghiệm thuốc mới, chỉ được tiến hành ở một số cơ sở y tế theo những qui định chặt chẽ, mang tính nghiên cứu.

Túi nâng ngực [breast implant]

Từ những năm 1950, túi nâng ngực huyết thanh đã được sử dụng, đến năm 1962 thì túi nâng ngực silsicon được sử dụng đầu tiên ở Mỹ. Từ năm 1976, túi nâng ngực huyết thanh [còn có tên gọi dân gian là túi nước biển, nước muối] và túi chứa silicon – gel đã được sử dụng phổ biến để nâng ngực.

Đến năm 1992, gần 2 triệu người Mỹ đã nâng ngực bằng túi silicone đã đồng loạt kiện các nhà sản xuất túi ngực silicone, nhưng rồi qua thực tế sử dụng và qua các công trình nghiên cứu người ta cũng không tìm thấy căn cứ nào để buộc tội túi ngực gây ung thư.

Tuy vậy năm 1991, Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ [FDA] đã cấm sử dụng túi ngực chứa silicon – gel với lý do tuy chưa có đủ căn cứ để kết luận túi nâng ngực silicone không an toàn, nhưng cũng chưa có đủ căn cứ để kết luận là nó an toàn.  Ở châu Âu, hàng năm có tới 100.000 phụ nữ đặt túi ngực, nhiều gấp đôi ở Hoa Kỳ.

Nhưng rồi tiếp sau nước Mỹ, năm 1995 túi nâng ngực silicon cũng bị cấm dùng ở Pháp và Châu Âu, chỉ còn túi ngực huyết thanh được sử dụng. Hai hãng chế tạo túi ngực của Mỹ là Mentor và Mc Ghan [Innomed] tiếp tục được nghiên cứu thử nghiệm. Kết quả là năm 2005, thế hệ túi ngực slilicon – gel thứ 3 ra đời với nhiều đặc tính mới, an toàn hơn cho sử dụng.

Túi nâng ngực silicone ngày càng được cải tiến có độ an toàn cao đôi với cơ thể

Đó là loại túi chứa loại silicone-gel có độ kết dính rất cao [cohesive gel] và có khả năng tự định hình cấu trúc [memory structure]. Nhờ vậy mà loại túi này an toàn hơn, nếu có bị thủng vỡ túi thì chất gel – silicon bên trong vẫn giữ nguyên hình khối, không thâm nhập vào mô chung quanh. Và cũng nhờ vậy mà túi ngực mới mang lại cảm giác sờ nắn tự nhiên hơn, ít bị co kéo biến dạng.

TS.BS. Cao Ngọc Bích – Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh – Theo Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM

Video liên quan

Chủ Đề