Ca sĩ đường phố trẻ tuổi là ai?

Cách đây chừng dăm, bảy năm, trong dịp vào TP Hồ Chí Minh, một buổi tối ngồi uống cà phê tại quán vỉa hè, tôi thấy một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi vừa đi bán kẹo kéo dạo, vừa hát. 

Tiếng hát phát ra từ một chiếc loa đủ nghe rõ phần lời ca trên nền nhạc đệm có sẵn. Những người đi hát rong kiểu này lâu nay xuất hiện nhiều ở các thành phố, nơi đông dân cư nên không có gì đáng chú ý. Nhưng người đàn ông lần ấy khiến tôi không thể không lưu tâm và lắng nghe bởi ông có giọng hát rất đặc biệt, có thể nói là hay, không thua kém bất cứ ca sỹ chuyên nghiệp nào.

Tất nhiên ông ấy không có kỹ thuật hát điêu luyện, nhưng bù lại là một cách hát hết mình, rất truyền cảm và điều đáng nói là ông có giọng rất "chuẩn", nốt nào ra nốt nấy, không "phô", chênh, khàn hoặc đục như nhiều người hát rong kiểu này vẫn mắc. 

Đặc biệt là hát rất rõ lời. Sau này, có ca sỹ chuyên nghiệp từng nhiều lần làm giám khảo các cuộc thi ca hát đã nhận xét ông hát rõ ca từ như giáo viên đọc chính tả cho học trò chép. 

Trong đời, tôi từng nghe rất nhiều ca sỹ chuyên nghiệp nổi tiếng hát những bài hay nhất của nhiều nhạc sỹ trứ danh. Nhưng thú thực là tuy rất trân trọng tài năng quý hiếm của họ, song tôi chưa thật rung động một giọng hát nào. Chỉ có hai lần ngoại lệ lại từ hai người hát rong đem đến.

Ông Mạnh Thường chở xe ôm và...

Lần thứ nhất là năm 1980, tôi đi tàu thống nhất vào TP HCM, nghe một người hát xẩm trên tàu bài Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu. Anh bị khiếm thị, đeo chiếc kính đen, khoác cây ghi-ta gỗ, vừa hát vừa tự đệm đàn. 

Không có loa khuếch âm nên tiếng hát chỉ vừa đủ cho hành khách trong toa nghe, không thể vọng ra ngoài. Anh ta hát phải nói là rất có hồn, sâu sắc, như dồn hết tâm can vào từng nốt nhạc, lời ca. Tha thiết, da diết nhưng không ủy mị, sướt mướt như một vài ca sỹ vẫn hát bài này trong các băng, đĩa. Và trường hợp thứ hai chính là người ca sỹ hát rong tôi đang muốn nói tới.

Sau khi nghe trọn một bài, tôi có ý muốn làm quen, hỏi chuyện ông để gợi ý hãy tham gia hát tại những tụ điểm có tổ chức, có cát-sê đàng hoàng để không phải đi hát rong vất vả vì nghe ông hát, tôi thấy còn hơn rất nhiều người vẫn hát ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc tại Sài Gòn khi ấy. Nhưng rồi ông đã lướt đi, quanh tôi lại có nhiều bạn nên cơ hội đó đã bị bỏ qua. Sau đó tôi ra Bắc rồi thời gian trôi, nhiều việc cuốn đi, không còn nhớ đến người hát rong đó nữa.

Cho mãi tới gần đây, tình cờ xem trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, tôi thấy có cuộc thi mang tên Tình Boléro hoan ca. Và tôi nhận ra người hát rong năm xưa mình đã gặp dự thi cuộc này. Hôm đó, ông tham gia cùng toàn những người hát ít nhiều đã có "máu mặt" ở trong Nam, từng rất quen với ánh đèn sân khấu. 

Tôi không theo dõi xem sau đó ông có đoạt giải không và nếu được thì giải gì, chỉ biết hát cùng các ca sỹ kia, vẫn có màu sắc riêng độc đáo, không thể lẫn lộn khiến công chúng rất chú ý. 

Cũng comple, cà vạt chỉnh tề, lại hát trên sân khấu có ánh đèn hoành tráng nhưng ông vẫn để lộ sự khốn khó, lam lũ của người hát rong đường phố. Và đó chính là lần đầu tiên trong đời ông được hát trên sân khấu chính quy lại cùng với những người đã rất thành thạo với nghề hát trước đám đông công chúng. 

Tôi để ý thấy buổi diễn ra cuộc thi hát đó, các thí sinh khác chỉ nhận được những tiếng vỗ tay lẹt đẹt, có phần lịch sự của khán giả hơn là sự ưa thích thực sự thì người ca sỹ hát rong đang nói đã được người ta vỗ tay kéo dài và rất thích thú. Ông tỏ ra có bản lĩnh trước đám đông cuồng nhiệt; vẫn rất tự tin, thoải mái, hát hết mình với phong thái điềm tĩnh, không có một chút gì gọi là "biểu diễn" như nhiều ca sỹ khác.

Từ cuộc xem tình cờ trên làn sóng Đài TH Vĩnh Long lần ấy, tôi quyết định tìm hiểu về người ca sỹ độc đáo khi ngay sau đó có việc vào TP HCM. Hỏi những người vẫn làm công việc tổ chức biểu diễn và nhiều người ưa thích ca hát ở thành phố này, ai cũng biết. 

Ông tên là Mạnh Thường, năm nay ở tuổi trên dưới 60 gì đó. Ngay cả sau khi giật giải tại cuộc thi vừa nhắc ở trên, ông Thường vẫn tiếp tục làm công việc lâu nay vẫn làm: Đi hát rong, kết hợp bán kẹo kéo. Bộ loa, đài của ông đơn giản, phát ra âm thanh chỉ vừa đủ để mọi người có thể nghe rõ giọng ca, không chát chúa, đinh tai nhức óc như nhiều bạn trẻ cũng hát dạo kiểu này. Mạnh Thường kể rất thật về cuộc đời mình, không một chút ngần ngại hoặc có ý giấu diếm điều gì.

Hiện tại, ông sinh sống ở quận Gò Vấp, trong một căn phòng chật hẹp, tuềnh toàng chỉ chừng 10m² và phần gác xép cơi nới thêm. Ông vốn quê ở Sài Gòn, được sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó nên không được học hành gì. Từ nhỏ đã phải phiêu bạt xuống tỉnh Bạc Liêu làm thuê kiếm sống với đủ mọi nghề lam lũ, nặng nhọc. 

Năm 19 tuổi lấy vợ - một cô hàng xóm cùng cảnh ngộ - vì mê giọng hát hay và thích tính tình hiền lành của Thường mà đem lòng cảm mến. Cảm kích, Thường nhanh chóng đền đáp. Họ chẳng thề thốt, hứa hẹn gì mà đưa ngay nhau ra Ủy ban đăng ký rồi làm vài mâm cơm "tươi" hơn mọi bữa để ra mắt mọi người. 

Sau đó, vợ Mạnh Thường đẻ liền một mạch 9 đứa con. Cuộc sống vốn đã nghèo lại càng gieo neo hơn khiến người cha khốn khó này càng phải lao vào để gia tăng kiếm sống. Nhưng ở Bạc Liêu làm thuê làm mướn không đủ ăn, ông đưa vợ con lên Sài Gòn mưu sinh với chiếc xe đẩy đi bán trái cây khắp mọi ngóc ngách. 

Hàng ngày đẩy xe như vậy không dưới 10 cây số. Đỡ hơn trước nhưng vẫn quá cực nhọc. Lúc này, ông có đứa con trai tên Mạnh Nguyên hát cũng hay đã theo nhóm bạn đi hát rong tại Sài Gòn. Nó nói ông chuyển "nghề", không bán dạo trái cây nữa mà bán kẹo kéo kết hợp hát rong. Ông nghe lời con sắm bộ loa đài bắt đầu nghề cầm ca đường phố.

Không như những người hát rong khác thường cố tạo vẻ nhếch nhác, tiều tụy để đánh vào lòng trắc ẩn của người nghe mong được họ cho nhiều tiền, Mạnh Thường luôn ăn mặc, đi giày chỉnh tề, hát rất đàng hoàng như biểu diễn trên sân khấu, chỉ khác là ở giữa đường phố nhiều người qua lại. Hỏi điều đó xuất phát từ ý nghĩ nào, ông nói là để phòng khi có ai đó chụp ảnh, ghi hình. 

Với lại để tôn trọng mọi người và tự trọng bản thân. Ông không bao giờ cần ai rủ lòng thương mà hãy cư xử với ông từ sự thích thú giọng hát. Ông nói hạnh phúc nhất là những khi được người nghe yêu cầu hát thêm, chăm chú lắng nghe và mua kẹo cho ông. Không ít người đã biếu tiền ông mà không lấy kẹo. 

Thi thoảng ông còn được nhiều người mời về nhà hát những dịp cưới treo, sinh nhật hay mừng tân gia hoặc mọi dịp gặp mặt vui vẻ khác. Những lần như thế ông được trả công từ 1 đến 2 triệu đồng. Có nhiều người bán cà phê quý và thương Mạnh Thường mỗi khi thấy ông xuất hiện đã tắt nhạc để ông hát. Tại các quán nhậu, thực khách còn mời ông uống bia.

Vợ chồng Mạnh Thường trong căn phòng chật hẹp.

Khi được hỏi nghề hát rong đường phố như vậy có kiếm được nhiều tiền không và có điều gì trở ngại phải vượt qua không, Mạnh Thường cho biết cũng đủ sống, đỡ hơn hồi đi bán trái cây dạo và sửa xe máy. 

Hơn nữa, hiện tại, các con của ông cũng đã lần lượt trưởng thành, tự lập nên gánh nặng đè lên vai cũng đã vơi bớt nhiều. Còn buồn phiền nhất là khi gặp những khách khó tính, không thích nghe ca nhạc đã xua ông đi chỗ khác. Ông đành phải ngậm ngùi bỏ đi.

- Đầu đuôi thế nào mà ông xuất hiện trong cuộc thi Tình Boléro hoan ca?

- Một hôm, tôi đang hát dạo trên đường phố Sài Gòn như mọi ngày thì có một anh tự giới thiệu là Vũ Thành - đạo diễn chương trình này - mời tôi tham dự. Lúc đầu tôi rất ngần ngại do không tự tin vì chưa bao giời hát trên sân khấu với dàn nhạc đệm, lại thi cùng với nhiều ca sỹ đã dày dạn kinh nghiệm biểu diễn. Nhưng đạo diễn Thành đã động viên và khích lệ, nói rằng tôi hát rất hay, chắc chắn sẽ gây ấn tượng tốt cho người nghe. Thế là tôi liều thi thử và được giải.

- Sau đó, anh bắt đầu nổi tiếng trong làng ca hát ở Sài Gòn và báo Tuổi trẻ phong tặng anh danh hiệu "Quái kiệt bolero Sài Gòn". Anh có ý định gì mới trong công việc?

- Không. Tôi sẽ vẫn tiếp tục hát rong đường phố. Giờ thì đỡ vất vả hơn trước nhiều. Tôi yêu quý và biết ơn những người dân đường phố đã thương và ủng hộ tôi trong nhiều năm qua.

Không ồn ào, mãi chỉ là một người hát rong đường phố, cũng không có bất cứ danh hiệu gì nhưng Mạnh Thường đã thực sự là nghệ sỹ của nhân dân, của những người bình dân giữa cuộc mưu sinh, bươn chải đời thường.

Nguyễn Đình San

Cũng đành, xin làm người hát rong…

Câu ca đó vang lên như nói hộ tâm sự của những thanh niên chọn “kiếp cầm ca” làm nghiệp mưu sinh. Trong tiếng nhạc thô mộc của vài thiết bị điện tử giữa phố đêm, những nhóm hát rong đường phố đang miệt mài ngân lên những ca khúc phục vụ khán với đủ cung bậc cảm xúc và đủ thể loại âm nhạc. Giọng hát chân phương, chưa từng qua trường lớp tối tối cất lên, lẫn với ồn ào phố xá nhưng lại có sức hấp dẫn rất riêng…

Ngồi tình cờ ở khu đô thị mới Định Công – Hà Nội, chúng tôi được thưởng thức màn âm nhạc giản dị, bình dân do những thanh niên trong nhóm hát rong đường phố biểu diễn. Hỏi thăm với vẻ tò mò, chúng tôi được một người bán hàng rong, tên là Nguyễn Thị Trang [Quảng Xương – Thanh Hóa] cho biết, đây là nhóm hát cùng quê với chị, đã mưu sinh bằng nghề hát rong hơn một năm tại Hà Nội.

Chị cũng cho biết, thu nhập của nghề này rất khá, mỗi ngày có thể thu về hàng triệu đồng, cả tiền khách cho lẫn tiền bán hàng kèm theo. Xin địa chỉ các thành viên từ chị, chúng tôi ngỏ ý xin gia nhập nhóm hát rong và cũng có được lịch hẹn với người “ca sĩ” tên Nguyễn Văn Nam [sinh năm 1993, tại Quảng Xương, Thanh Hóa]. Qua Nam, chúng tôi biết thêm được nhiều điều về những “ca sĩ nghiệp dư” này và con đường mưu sinh muôn màu muôn vẻ của họ.

Theo lời kể, Nam thi trượt đại học liền lên thành phố làm việc. Thời gian đầu Nam đi theo các tổ thợ xây làm phụ hồ, sau đó vì công việc quá nặng nhọc nên Nam chuyển sang làm nhân viên trong quán karaoke. Làm được một thời gian, nhận thấy môi trường phức tạp và không thể tiết kiệm được tiền nên Nam nghỉ làm. Đúng lúc đó, một người anh dưới quê tên Nguyễn Văn Thương, đang mưu sinh bằng nghề hát rong đường phố nên rủ Nam theo, Nam vào nghề từ đó.

Nam cho biết, nhóm Nam có 3 người, ai cũng hát được nhưng thay phiên nhau, người hát, người đẩy loa, còn một người đi bán hàng. Nam tâm sự: “Mới đầu cũng ngại lắm, rất khó hát cho tự nhiên, nhưng làm rồi thấy quen. Việc này khá nhẹ nhàng và thu nhập cũng ổn nên em theo đến tận giờ”.

Nam cũng cho biết, người anh tên Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1988, không biết hát nhưng đã nhìn ra triển vọng của nghề hát rong. Thương đứng ra đầu tư trang thiết bị, gồm loa, âm ly, ắc quy, micro, xe… để thuê Nam và bốn người nữa, chia thành hai tổ đi hát và Thương trả lương theo doanh thu, nuôi ăn, ở.

Nhóm hát xong về thống kê lại và giao cho Thương, mỗi tháng Thương trả cho mỗi người khoảng 4 - 5 triệu, nếu doanh thu cao thì có thể hơn. Mỗi bộ âm thanh Thương đầu tư vào khoảng hơn chục triệu, lấy lại vốn cũng khá nhanh, chỉ sau vài tháng. Nếu nhóm hát nào bị bắt, làm hỏng đồ nghề thì phải bỏ tiền đền, Thương cũng có hỗ trợ thêm chút vì cũng là người cùng quê.

Người bạn cùng nhóm với Nam là Lê Văn Long, xuất thân từ một miền quê nghèo xứ Thanh nhưng có được giọng hát dễ nghe nên gắn bó với nghề này đã gần hai năm. Long cho biết, khu vực Định Công có vài nhóm thôi, hầu hết là người Thanh Hóa. Còn ở các khu vực khác thì dân Nam Định, Thái Bình, Hà Tây lên khá nhiều. Trước kia thì việc hát rong còn phổ biến, trong miền Nam rất nhiều, nhưng giai đoạn gần đây có phần giảm đi.

Long cũng nói thêm: “Hát rong đường phố này mỗi đêm đi mỗi nơi khác nhau, không thể hát nhiều ở một nơi cố định vì rất dễ gây nhàm chán và khó chịu cho mọi người. Địa bàn thuận lợi nhất là ở các nơi có không gian rộng, nơi đông người tập trung giải khát, nghỉ ngơi buổi tối như các khu đô thị mới, các quán bia vỉa hè có mặt đường rộng…”.

Bản thân Long cũng cho biết, mình bỏ học khá sớm, đi làm qua nhiều nghề nhưng thu nhập không là bao, cuối cùng đã trụ lại với nghề hát rong. Tuy nhiên, Long và Nam cũng cho biết, đây không phải là lựa chọn lâu dài, chỉ hát vài năm nữa là phải đi học nghề để mưu sinh cho tương lai.

Mối tối, nhóm Long hát vào khoảng 7-10h đêm với vài chục bài hát, thu nhập… khách cho chủ yếu là 5-10 nghìn đồng, có hôm gặp khách “sộp” thì được hơn. Mọi người mua thêm kẹo cao su, lạc rang… của nhóm bán kèm nên cũng có thêm nguồn thu nhập. Những tháng mùa mưa thì nhóm đi làm việc khác.

Nam cũng nói thêm, nhắc đến hát rong người ta cứ nghĩ là những người tàn tật, neo đơn đi hát để xin tiền sống qua ngày. Nhưng chúng tôi không như vậy, chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh, đi hát là một nghề thật sự, hát để bán hàng chứ cũng không xin xỏ ai. Để có được sức và kỹ thuật để hát mấy chục bài mỗi đêm thì em cũng phải tập luyện, giữ gìn cổ họng và sức khỏe. Còn đi hát không chỉ là hát, để tồn tại được với nghề thì còn phải học nhiều chiêu thức.

Hát rong cũng phải đào tạo

Chúng tôi xin đi hát cùng Nam, nhưng nhóm đã đủ người nên hẹn sau này. Nam cũng gợi ý cho chúng tôi thành lập một nhóm riêng, Nam khẳng định nghề này rất có triển vọng: “Không thể thất bại được anh ạ”, đó là câu trả lời cho câu hỏi về khả năng thu hồi vốn và thu nhập bằng nghề này. Theo những câu chuyện của Nam, để hát được thì cũng phải bỏ công sức luyện tập và tuân thủ một số quy tắc nhất định.

Nhóm hát cần phải tuân thủ chỉ đạo của “ông bầu”. Đây là người lo hết mọi việc bên lề như phân chia địa bàn với các nhóm khác, sắm sửa đồ nghề… Các thành viên cũng phải trung thực trong thu chi. “Anh em tin nhau là chính, nếu có gian dối thì không hay”- Nam nói.

Một việc quan trọng trong nghề đi hát là năng khiếu. Đó là chất giọng, khả năng biểu cảm và trò chuyện với khán giả, điều này không phải ai cũng làm tốt được. Mỗi ngày, trước khi đi hát, các thành viên đều bỏ thời gian để tập luyện. Mọi người truyền lại kinh nghiệm cho nhau.

Nam tâm sự, trước tiên phải tự tin, nhiều người không thể làm chủ được bản thân mình trước đám đông nên câu hát rất vô hồn, run rẩy. Phải xác định đây là nghề nghiệp lương thiện, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý chọn bài hát phù hợp với chất giọng, không quá cao, không quá luyến láy dài, nhất là nhạc vàng. Không thể nghe ca sĩ hát hay thì mình hát cũng hay được, họ chuyên nghiệp và có hệ thống âm thanh cao cấp. Ai cũng có những bài “tủ” cho mình và mỗi người lại phù hợp với một dòng nhạc khác nhau.

Nói cụ thể hơn về kỹ thuật, Nam cho biết thêm, cách lấy hơi cũng khá quan trọng. Trong nhiều câu hát dài nếu không đủ hơi thì khó có thể hát được, dẫn đến đuối hoặc ngắt câu thành vô nghĩa. Có những kỹ thuật như lấy hơi dài ở những câu hát không quá gấp gáp, lấy hơi trộm ở các câu hát dài, để cho người nghe khó phát hiện, nghĩ giọng mình dài.

Bên cạnh đó còn có lấy hơi ngắn, ém giọng, trộm hơi, cướp hơi… khi ở những tiết tấu gấp, nhanh, hoặc khi đã mệt mà vẫn còn phải hát… Nói chung, lấy hơi phải đúng cách và phải rèn luyện thì bài hát mới suôn sẻ.

Bên cạnh đó, Nam cho biết, thỉnh thoảng nhóm cũng phải hát nhép vì… mệt quá, hoặc phải chỉnh âm thanh cho át bớt giọng thật đi khi giọng không được hay. Đôi khi cũng phải hát theo yêu cầu của khán giả, hay thì họ cho thêm tiền.

Không chỉ biết hát, nhóm hát rong còn phải biết trò chuyện duyên dáng, cuốn hút với khán giả thì mới có được sự thoải mái và chú ý của mọi người. Đây là điều rất khó, mọi người phải học hỏi, rèn luyện, bắt chước nhau, bắt chước những câu nói vần, điệu, kiểu như trong đám cưới học quảng cáo…

Chưa hết, muốn được khách mến thì mình còn phải biết chọn địa điểm cho phù hợp. Ở các quán bia, quán cà phê, quán trà đá về đầu tối thường được mọi người chú ý. Nếu hát đúng tâm trạng của họ thì được ủng hộ hơn.

Tuy nhiên, không có gì là suôn sẻ, nhóm hát nào cũng gặp những tai nạn nghề nghiệp vài lần. Long kể lại: “Nhiều khi đang hát thì trời đổ mưa, vội vàng che đồ lại nhưng người hát vẫn đứng hát cho đến hết bài mới được vào trú mưa, lúc đó cũng ướt hết người. Hoặc nhiều khi đang hát thì bị chủ quán ra đuổi vì gây ồn ào, nhiều người không thích. Còn chuyện bị người đứng xem châm chọc, nói thầm thì rồi cười cợt thì cũng khá nhiều, nhưng cái đó thì phải quen”.

Cuộc sống thành thị muôn vàn nghề nghiệp mưu sinh, mỗi nghề một khó khăn riêng. Nghề hát rong đường phố không chỉ đến vì miếng cơm manh áo, đây còn là nơi thỏa chí đam mê ca hát của nhiều người, nuôi lớn ước mơ của họ. Thành phần trong các nhóm hát cũng khá đa dạng, sinh viên có, phụ hồ có, tiếp tân cũng có... Không gì là đơn giản, nhưng theo đánh giá của nhiều người, khi thấy nhóm hát rong bao giờ họ cũng chú ý lắng nghe, đó là một màn trình diễn khá gần gũi, giản dị, mộc mạc …

Video liên quan

Chủ Đề