Các ngành đại học kinh tế đà nẵng

TTO - Trường ĐH Kinh tế [ĐH Đà Nẵng] đào tạo sáu ngành, trong đó có 16 chuyên ngành. Trường tuyển sinh trong cả nước. Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2008, trường mở thêm một ngành mới là quản trị tài chính.

Mã trường: DDQĐịa chỉ: 71 Ngũ Hành Sơn, TP Đà NẵngWebsite: //www.due.edu.vn/

Phóng to
Sinh viên thảo luận trong giờ học
TTO - Trường ĐH Kinh tế [ĐH Đà Nẵng] đào tạo sáu ngành, trong đó có 16 chuyên ngành. Trường tuyển sinh trong cả nước. Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2008, trường mở thêm một ngành mới là quản trị tài chính.

Hằng năm trường xét điểm trúng tuyển cho toàn trường. Điểm trúng tuyển vào ngành đào tạo sẽ căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh cho đến hết chỉ tiêu từng ngành. Số trúng tuyển còn lại sẽ được trường bố trí ngành đào tạo, căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng mới của thí sinh khi đến nhập học.

Mục tiêu, chương trình đào tạo từng ngành, chuyên ngành cụ thể như sau:

1. Ngành Kế toán [mã ngành 401]

Cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về quản lý kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Nắm vững các kiến thức và kỹ năng cần thiết về công tác kế toán, tài chính. Có khả năng tổ chức và thực hành công tác kế toán tài chính và kế toán quản trị trong các doanh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các bộ phận kế toán của mọi loại hình doanh nghiệp; kiểm toán; cơ quan thuế; ngân hàng và các tổ chức khác.

2. Ngành Quản trị kinh doanh tổng quát [mã ngành 402]

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế và hoạt động kinh doanh. Đảm bảo cho người học có khả năng phân tích, ra quyết định ở tầm chiến lược và chiến thuật nhằm phát triển doanh nghiệp trong môi trường luôn thay đổi. Nắm vững những nguyên tắc và kỹ năng thực hành để có thể thực thi hữu hiệu các chức năng quản trị trong tổ chức.

Có đủ trình độ để trực tiếp quản lý các lĩnh vực cụ thể trong doanh nghiệp như: tài chính; marketing; nguồn nhân lực và sản xuất tác nghiệp ở mọi cấp của tổ chức kinh doanh. Có khả năng thích ứng nhanh, khả năng tự cập nhật kiến thức và có thể tiếp tục theo học các bậc cao hơn ở trong và ngoài nước.

Sinh viên được đào tạo sâu trong lĩnh vực quản trị tổng quát để trở thành nhà quản trị trong các hoạt động quản trị ở các tổ chức; trở thành các quản trị viên chuyên nghiệp: có kiến thức toàn diện và có hệ thống về quản trị doanh nghiệp đủ khả năng tìm kiếm và phát triển các cơ hội kinh doanh, phát triển và thực thi các chiến lược phát triển tổ chức; có phẩm chất và kỹ năng lãnh đạo, biết thúc đẩy, động viên kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực của tổ chức...

3. Ngành Quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ [mã ngành 403]

Đào tạo những cử nhân kinh tế có khả năng tổ chức và thực hiện các nghiệp vụ quản trị kinh doanh trong các doanh nghiệp dịch vụ và du lịch; cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, quản trị kinh doanh.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có khả năng tuyển chọn thông tin, phân tích, ra quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, định hướng dài hạn cũng như các nghiệp vụ kinh doanh ngắn hạn trong các doanh nghiệp dịch vụ nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng và lữ hành.

4. Ngành Quản trị kinh doanh thương mại [mã ngành 404]

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, quản trị kinh doanh, trang bị kỹ năng chuyên sâu về kinh doanh thương mại, quản trị doanh nghiệp; có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh tốt, biết tổ chức hoạt động kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp thương mại mới.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh thương mại làm việc tại các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất, các tổ chức tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

5. Ngành Quản trị kinh doanh quốc tế [Ngoại thương] [mã ngành 405]

Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị hoạt động kinh doanh quốc tế, am hiểu về luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế; đặc biệt chuyên sâu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải, bảo hiểm và đầu tư quốc tế.

Sinh viên có khả năng nghiên cứu, phân tích môi trường kinh doanh quốc tế để ra các quyết định và thực hiện các hoạt động trong kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, các kiến thức cơ bản về hoạch định chiến lược trong kinh doanh quốc tế cũng được đề cập và cung cấp cho người học.

Các cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế có kiến thức chuyên sâu và hiện đại về chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp cao và thông thạo ngoại ngữ. Có đủ trình độ ngoại ngữ và kỹ năng thương lượng để nghiên cứu thị trường quốc tế, xây dựng chiến lược kinh doanh thương mại quốc tế và thực thi các nghiệp vụ liên quan đến xuất nhập khẩu.

Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải - giao nhận, bảo hiểm quốc tế; các khu chế xuất, khu công nghệ cao; các cơ quan hợp tác kinh tế thương mại quốc tế của Việt Nam và của nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan nghiên cứu và quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế và quan hệ kinh tế đối ngoại .

6. Ngành Quản trị kinh doanh marketing [mã ngành 406]

Cung cấp cho người học các kiến thức toàn diện và có hệ thống về lĩnh vực marketing đủ để nhận thức về môi trường hoạt động, phân tích và thiết kế các chiến lược, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động marketing. Có khả năng tư duy và thực hành quản trị trong lĩnh vực marketing từ hoạch định chương trình đến triển khai thực hiện và kiểm tra các hoạt động marketing của tổ chức. Xây dựng, thiết kế và thực thi các chương trình phục vụ cho công tác quản trị ở doanh nghiệp, có khả năng độc lập nghiên cứu các vấn đề quản trị, khả năng làm việc nhóm và làm việc dưới áp lực cao.

Sau khi tốt nghiệp làm việc tại bộ phận marketing của các doanh nghiệp và các tổ chức khác có quan tâm đến marketing.

7. Ngành Quản trị tài chính [mã ngành 416]

Cung cấp cho người học những kiến thức hiện đại, nền tảng về quản trị kinh doanh, chuyên sâu vào lĩnh vực tài chính để trở thành nhà quản trị tài chính các cấp trong doanh nghiệp. Chuyên ngành trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành quản trị tài chính đủ khả năng phân tích và ra quyết định ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, và vận dụng hữu hiệu các kỹ năng phân tích đối với các giải pháp kinh doanh.

Sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc trong bộ phận tài chính tại các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đến tài chính [ngành mới tuyển sinh năm 2008].

8. Ngành Kinh tế phát triển [mã ngành 407]

Đào tạo cử nhân kinh tế làm việc tại tất cả các bộ, ủy ban nhân dân, sở, ban ngành các cấp của Đảng, chính quyền; các trung tâm, viện nghiên cứu kinh tế - xã hội, các trường ĐH, CĐ, TCCN; các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; các ban quản lý dự án phát triển kinh tế - xã hội; các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

9. Ngành Kinh tế lao động [mã ngành 408]

Đào tạo cử nhân kinh tế làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp [các bộ, sở nội vụ, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội]; các trung tâm, viện nghiên cứu kinh tế - xã hội, các trường ĐH, CĐ, TCCN; các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, phòng tổ chức, nhân sự của các doanh nghiệp.

10. Ngành Kinh tế và quản lý công [mã ngành 409]

Chương trình đào tạo những cán bộ quản lý kinh tế có khả năng phân tích, đánh giá, ra quyết định và tham mưu cho các cấp quản lý trong việc ra các quyết định liên quan đến các chính sách kinh tế - xã hội, các phương án chi tiêu công, qui hoạch, đầu tư và khai thác các công trình công cộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công. Ngoài ra người học còn được trang bị nghiệp vụ quản lý hành chính, có khả năng tổ chức và quản lý một cách khoa học các hoạt động hành chính trong các đơn vị, công sở.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế và quản lý công có thể làm việc trong các cơ quan hành chính các cấp, các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sản xuất cung ứng hàng hóa - dịch vụ có tính chất công cộng...

11. Ngành Kinh tế chính trị [mã ngành 410]

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy. Đi sâu trang bị kiến thức về môn Kinh tế chính trị đủ khả năng phân tích và tư vấn cho các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và quản lý đất nước.

Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các cấp chính quyền, các cơ quan của Đảng, của Nhà nước và các đoàn thể xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; các trường, học viện... [sinh viên học ngành kinh tế chính trị được miễn học phí và được hưởng các chế độ giống như sinh viên các trường sư phạm].

12. Ngành Thống kê - Tin học [mã ngành 411]

Cung cấp có hệ thống kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và quản trị kinh doanh; các kiến thức chuyên sâu về thống kê và tin học ứng dụng. Có năng lực tổ chức thực hiện việc nghiên cứu định lượng các quá trình kinh tế và kinh doanh như: điều tra, tổng hợp và phân tích dữ liệu trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Có khả năng làm việc với tư cách chuyên trách hoặc tư vấn về thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý.

Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội.

13. Ngành Tin học quản lý [mã ngành 414]

Cung cấp có hệ thống các kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị kinh doanh, kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin. Có khả năng tư vấn, thiết kế và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý như: phân tích thiết kế hệ thống, quản trị dữ liệu, quản trị mạng, quản trị dự án công nghệ thông tin, lập trình... Sau khi tích lũy kinh nghiệm có thể đảm nhận vai trò của một giám đốc thông tin [CIO].

Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các công ty sản xuất phần mềm, các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tin học.

14. Ngành Ngân hàng [mã ngành 412]

Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế, quản trị và nghiệp vụ ngân hàng; đặc biệt là các kiến thức chuyên sâu về thị trường tiền tệ, vốn và chứng khoán. Đảm bảo cho người học có đủ năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách, quản trị và thực hành các nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng.

Sinh viên ngành ngân hàng sau khi ra trường sẽ làm việc tốt tại các ngân hàng; các tổ chức tài chính khác trong và ngoài nước, các công ty chứng khoán...

15. Ngành Tài chính doanh nghiệp [mã ngành 415]

Cung cấp cho người học hệ thống kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và các kiến thức liên quan về các định chế, thị trường tài chính. Có đủ năng lực để hoạch định, thực thi các chiến lược và chính sách tài chính; đề xuất các quyết định tài chính trong doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện các quan hệ tài chính với các chủ thể liên quan trong nền kinh tế, tư vấn về các quyết định liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp có thể tìm kiếm việc làm tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, bộ phận phân tích tài chính tại các doanh nghiệp, các công ty tư vấn dịch vụ tài chính, các định chế tài chính và thị trường chứng khoán...

16. Ngành Luật kinh doanh [ngành Luật học] [mã ngành 501]

Đào tạo cử nhân luật làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các cơ quan nhà nước [cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp...]; các đơn vị sự nghiệp [các trường đại học, các học viện, các viện nghiên cứu...]; hoạt động nghề nghiệp độc lập [như luật gia, luật sư, trọng tài viên thương mại...].

Cử nhân chuyên ngành luật kinh doanh sẽ nắm vững các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp sau: những kiến thức kinh tế, quản trị kinh doanh cần thiết làm nền tảng cho việc nghiên cứu, học tập và tác nghiệp khi tiến hành các hoạt động liên quan đến pháp luật kinh doanh; pháp luật về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình công ty theo qui định của pháp luật Việt Nam, cũng như mô hình của những công ty quốc tế; pháp luật về giao kết và thực hiện các loại hợp đồng trong kinh doanh; pháp luật về tài chính công, tài chính doanh nghiệp, pháp luật về ngân hàng, về tài sản, về đấu thầu, thanh toán trong thương mại

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân chuyên ngành luật kinh doanh có nhiều cơ hội để trở thành các chuyên gia kinh tế am hiểu pháp luật trong kinh doanh, đủ khả năng đảm nhận những vị trí công tác liên quan đến hoạt động kiểm soát, pháp chế tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, với những nỗ lực nhất định, các cử nhân có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan tư pháp [điều tra, kiểm sát hoặc xét xử các vụ việc kinh tế - thương mại], các trung tâm trọng tài thương mại, các đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn, bổ trợ pháp luật hoặc các tổ chức phi chính phủ khác.

Video liên quan

Chủ Đề